12 năm trước, dù các nước đang phát triển (chiếm đa số trong WTO) không tán thành, nhưng Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS) vẫn được thông qua. Khác với cách nhìn chung của những người trong ngành giáo dục vốn coi giáo dục là một phúc lợi xã hội hoạt động theo nguyên tắc phi thương mại thì thông qua GATS, WTO có cách nhìn khác: Giáo dục là một dịch vụ trong hoạt động thương mại và thương mại dịch vụ giáo dục cần được tự do hoá.
Cùng với việc gia nhập WTO, giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam với vận hội và nhiều thách thức mới đang bắt đầu. Tác giả nhận diện bài toán của GDĐH Việt Nam trong WTO khi đặt vào bối cảnh chung để tìm một số lời giải.
Vấn đề chung
Quốc tế hoá giáo dục và giáo dục xuyên biên giới
Quốc tế hoá giáo dục là một biểu hiện của toàn cầu hoá trong lĩnh vực giáo dục. Đó là quá trình tích hợp các yếu tố quốc tế vào chức năng, nhiệm vụ và tiến trình tổ chức thực hiện giáo dục, diễn ra theo chiều đo nội tại và chiều đo bên ngoài. Chiều đo nội tại của quốc tế hoá giáo dục là việc đổi mới chương trình giáo dục, phương pháp dạy và học, hoạt động nghiên cứu và hợp tác trong phạm vi của một nước nhằm hướng tới tính quốc tế và liên văn hoá trong giáo dục và đào tạo. Chiều đo bên ngoài của quốc tế hoá giáo dục là sự dịch chuyển xuyên biên giới của 4 nhân tố cơ bản: Người học, nhà giáo, chương trình giáo dục và nhà cung ứng giáo dục. Chiều đo này có một tên gọi riêng là giáo dục xuyên biên giới.
Giáo dục xuyên biên giới trong 10 năm gần đây phát triển mạnh mẽ và mang hai đặc trưng cơ bản: 1/ Bên cạnh sự dịch chuyển xuyên biên giới vốn có từ lâu của người học và nhà giáo, đã hình thành và tăng cường việc dịch chuyển xuyên biên giới của chương trình giáo dục và nhà cung ứng giáo dục; 2/ Bên cạnh sự dịch chuyển xuyên biên giới theo cơ chế phi thương mại (thông qua hợp tác quốc tế với các dự án ODA và liên kết đào tạo) đã hình thành và phát triển sự dịch chuyển xuyên biên giới theo cơ chế thương mại. Như vậy, GDĐH xuyên biên giới nhằm mục đích thương mại chỉ là một nhánh trong dòng chảy chung của quốc tế hoá giáo dục.
Vai trò của các tổ chức quốc tế trong quốc tế hoá giáo dục và một số điều về GATS
Hiện nay, có 2 tổ chức quốc tế hàng đầu thúc đẩy tiến trình quốc tế hoá giáo dục, đó là UNESCO và WTO. UNESCO là tổ chức giáo dục, khoa học, văn hoá của Liên hợp quốc với 188 nước thành viên, theo quan điểm coi giáo dục là một quyền lợi cơ bản của con người và việc tiếp cận GDĐH được thực hiện trên cơ sở chính đáng. Trong bối cảnh quốc tế hoá giáo dục, UNESCO có nhiệm vụ tăng cường hợp tác quốc tế giữa các nước, thúc đẩy giáo dục xuyên biên giới không nhằm mục đích lợi nhuận. WTO là tổ chức thương mại thế giới, hiện có 150 nước thành viên với quan điểm cơ bản coi giáo dục là một trong 12 ngành dịch vụ khả mại (tradable service) thuộc phạm vi điều chỉnh của GATS; dịch vụ này cần được từng bước tự do hoá thương mại trên cơ sở đàm phán. Có thể nói, cả UNESCO, WTO đều có nhiệm vụ đẩy mạnh quá trình quốc tế hoá giáo dục, tuy nhiên, GATS hướng tới việc thúc đẩy giáo dục xuyên biên giới nhằm mục đích lợi nhuận.
Đồng thời là thành viên của cả 2 tổ chức, nhiều nước chấp nhận cả 2 cơ chế giáo dục xuyên biên giới: Có lợi nhuận và không lợi nhuận. Thực ra, dù có chính thức chấp nhận hay không thì cả 2 cơ chế hoạt động này đã trở thành hiện thực. Vấn đề là tìm mối cân bằng giữa 2 cơ chế để GDĐH thực hiện được sứ mệnh của mình theo mục tiêu cụ thể và lâu dài của mỗi nước.
GATS có 3 mục tiêu chính: Khuyến khích tự do hoá thương mại càng nhiều càng tốt; từng bước mở rộng tự do hoá thương mại thông qua đàm phán; thiết lập cơ chế giải quyết tranh chấp. Phạm vi điều chỉnh của GATS là các dịch vụ, bao gồm 12 ngành, trong đó có 5 phân ngành với các dịch vụ (giáo dục tiểu học, trung học, đại học, giáo dục người lớn và các dịch vụ giáo dục khác). Về bản chất, việc tham gia GATS tự nó không làm cho giáo dục của một nước tốt lên hay xấu đi. Nó chỉ mở ra các cơ hội mới cùng các thách thức mới. Đối với các nước đang phát triển, các cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài để phát triển giáo dục, tạo cục diện cạnh tranh để nâng cao chất lượng, học tập kinh nghiệm để đổi mới quản lý… và kèm theo là một loạt thách thức liên quan: Nguy cơ giảm bớt vai trò của Nhà nước trong giáo dục, tình trạng khó kiểm soát về chất lượng, sự gia tăng bất bình đẳng…Vì vậy, vấn đề đặt ra đối với mỗi nước là xác định điểm mạnh và điểm yếu của ngành giáo dục, có chính sách và biện pháp phù hợp để khai thác cơ hội, vượt qua thách thức, tối đa hoá lợi ích và giảm thiểu rủi ro.
Việt Nam và bài học trong hội nhập quốc tế
Cùng với tiến trình đổi mới đất nước, Việt Nam đã chủ động trong hội nhập kinh tế quốc tế: Là thành viên của AFTA, của APEC, đã ký hiệp định thương mại với EU, với Mỹ và mới đây là thành viên của WTO.
Vụ cá ba sa trước đây và vụ giày da gần đây là một trong những bài học quan trọng mà nước ta đã có được trong quá trình hội nhập. Đó là bài học về chuẩn kép và tính vị kỷ thương mại của các nước phát triển. Về lý thuyết, hội nhập quốc tế là cơ hội để các nước đang phát triển rút bớt khoảng cách tụt hậu so với các nước phát triển nhưng trên thực tế thương mại, các nước phát triển luôn sử dụng con bài chuẩn kép, tức là một mặt luôn gây áp lực buộc các nước đang phát triển phải dỡ bỏ các rào cản theo yêu cầu tự do hoá thương mại, mặt khác tìm mọi cách củng cố các hàng rào bảo hộ kinh tế nước mình. Tính vị kỷ thương mại là đặc điểm của các nước giàu. Vì vậy cho đến nay, hội nhập quốc tế về cơ bản vẫn là một cuộc chơi bất bình đẳng, một quá trình tiếp tục đưa “nước chảy chỗ trũng”. Chỉ có một số ít nước đang phát triển đã vượt được lên thách thức, biến cơ hội thành hiện thực, trong đó có Việt Nam. Bài học thành công là: Nếu trong toàn cầu hoá, chủ động hội nhập là điều kiện cần để phát triển và rút bớt khoảng cách tụt hậu thì điều kiện đủ là phải có hệ thống chính sách chủ động và linh hoạt, có tư duy mới và năng lực quản lý phù hợp, đồng thời có sự chuẩn bị chu đáo nhằm tối đa hoá lợi ích và giảm thiểu rủi ro.
Bài toán đối với GDĐH Việt Nam trong GATS
Việt Nam cũng đã có những bước đi chủ động trong hội nhập giáo dục, tiếp nhận giáo dục xuyên biên giới theo cả 2 cơ chế: Không lợi nhuận và có lợi nhuận. Chúng ta cũng đã xây dựng được về cơ bản khung pháp lý cho phương thức hiện diện thương mại theo cả 2 cơ chế. Bên cạnh một số vấn đề nảy sinh liên quan chủ yếu đến công tác quản lý các cơ sở giáo dục nước ngoài tại Việt Nam và quản lý lưu học sinh, thành công nổi bật là tạo được sự đóng góp đáng kể của các phương thức cung ứng đó cho sự phát triển của giáo dục Việt Nam. Tuy nhiên, tất cả mới chỉ diễn ra trong khung cảnh truyền thống của giáo dục khi các hoạt động quốc tế hoá giáo dục được thực hiện chủ yếu trong khuôn khổ của các hiệp định song phương. Vấn đề gì sẽ nảy sinh khi nước ta gia nhập WTO, tham gia GATS và mở cửa để giáo dục được thực hiện theo quy định của GATS?
Hiện nay, trong tổng số 150 nước thành viên WTO, mới chỉ có 45 nước cam kết thực hiện GATS trong dịch vụ giáo dục, chủ yếu là các nước thuộc khối OECD với tư cách là các nước xuất khẩu giáo dục. Trong các nước đang phát triển ở châu á có Trung Quốc và Thái Lan, với tư cách chủ yếu là các nước nhập khẩu giáo dục (tuy rằng cả 2 nước này đều có chiến lược xuất khẩu giáo dục). Ngoài ra, có một số nước thu nhập thấp ở châu Phi với những cam kết mạnh mẽ nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào giáo dục. Nhìn chung, các nước đang phát triển vẫn giữ thái độ “chờ xem”.
Xét theo cấp học thì các cam kết tập trung khá nhiều ở GDĐH (với 36 nước), tuy nhiên chủ yếu là GDĐH tư thục. Quan điểm phổ biến hiện nay là coi giáo dục công lập không thuộc phạm vi điều chỉnh của GATS. Xét theo phương thức thì tiêu thụ ngoài nước (2) được cam kết mạnh mẽ nhất, hầu như không có điều kiện ràng buộc; tiếp đến là cung ứng xuyên biên giới (1) và hiện diện thương mại (3); phương thức hiện diện thể nhân (4) chịu nhiều ràng buộc nhất.
Vấn đề đặt ra là sau khi gia nhập WTO, bao giờ, như thế nào và với điều kiện gì, Việt Nam sẽ có cam kết về tự do hoá thương mại dịch vụ giáo dục. Để trả lời, có thể đưa ra 2 kịch bản là: “Chờ xem” (như phần lớn các nước đang phát triển) và “chủ động” (như Trung Quốc và Thái Lan). Việc chọn kịch bản nào phụ thuộc vào định hướng phát triển GDĐH, hiệu lực bộ máy, năng lực quản lý và tiềm lực của hệ thống GDĐH trong nước để có thể khai thác tốt nhất các cơ hội và giảm thiểu rủi ro khi tham gia GATS trong lĩnh vực giáo dục. Chúng ta đã có Nghị quyết số14 /2005/NQ-CP, ngày 2.11.2005 của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện GDĐH Việt Nam giai đoạn 2006-2020. Theo đó, “đến năm 2020, GDĐH Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và tiếp cận trình độ tiên tiến trên thế giới; có năng lực cạnh tranh cao, thích ứng với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Tuy nhiên, cả hiệu lực bộ máy, năng lực quản lý và tiềm lực hệ thống của chúng ta còn có nhiều yếu kém, chưa đảm bảo để GDĐH Việt Nam mở cửa thành công trong khuôn khổ của GATS (các yếu kém này đã được phân tích trong Đề án đổi mới GDĐH Việt Nam) và việc khắc phục chúng cũng là một nhiệm vụ của việc thực hiện Nghị quyết này.
Vì vậy, Việt Nam có thể lựa chọn một kịch bản trung gian “chờ xem” từ nay đến 2010, sau đó sẽ là chủ động có những cam kết về thực thi GATS. Giai đoạn “chờ xem” chính là giai đoạn chuẩn bị về luật pháp, chính sách và nhân lực để nâng cao hiệu lực bộ máy, năng lực quản lý và tiềm lực hệ thống, đảm bảo thành công khi mở cửa. Dĩ nhiên, vấn đề đặt ra sẽ là mở cửa như thế nào và với những điều kiện gì.
Trước hết, về nguyên tắc, cũng giống như nhiều nước khác, Việt Nam cần chính thức khẳng định giáo dục công lập không thuộc phạm vi điều chỉnh của GATS. Việc mở cửa sẽ chỉ thực hiện trong khu vực GDĐH tư thục. Như vậy, GDĐH Việt Nam sẽ tiếp tục tiến trình quốc tế hoá theo cả hai lôgic phi thương mại và thương mại. Theo lôgic phi thương mại, GDĐH Việt Nam sẽ đẩy mạnh và phát huy lợi thế đã có của hợp tác quốc tế, hội nhập sâu vào GDĐH thế giới trong khuôn khổ của một không gian GDĐH và nghiên cứu khoa học thế giới theo định hướng của UNESCO. Theo lôgic thương mại, khu vực GDĐH tư thục sẽ được mở ra để chào đón các nhà đầu tư nước ngoài. Đó là điều mà chúng ta đã làm trước khi có GATS. Sự khác biệt khi tham gia GATS là phải tính đến những rủi ro có thể nảy sinh khi phải tuân thủ các quy định của GATS, trong đó cần quan tâm đặc biệt là quy tắc tối huệ quốc và quy tắc đối xử quốc gia.
Tiếp theo, việc mở cửa sẽ khác nhau đối với từng phương thức cung ứng giáo dục. Đối với phương thức 1, theo khuyến nghị của các chuyên gia, khi mà việc đào tạo trên mạng còn rất khó kiểm soát về chất lượng, thì tốt nhất là chưa có cam kết gì. Đối với phương thức 2 và 4, cam kết theo các quy định hiện hành. Đối với phương thức 3, cần khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài mở trường đại học tại Việt Nam; đó cũng là cách hữu hiệu để đẩy mạnh du học tại chỗ, chuyển thách thức về chảy máu chất xám thành cơ hội tiếp máu chất xám. Cần chú ý rằng trong GDĐH, phương thức hiện diện thương mại vẫn chưa được các nhà cung ứng giáo dục nước ngoài mặn mà lắm vì vốn đầu tư lớn, rủi ro nhiều và thu hồi chậm. Vì vậy, sau khi có cam kết về GATS như nêu trên, bức tranh GDĐH Việt Nam sẽ chỉ có biến động chủ yếu ở khu vực tư thục với sự ra đời của một số cơ sở giáo dục nước ngoài. Do vậy, bài toán của GDĐH Việt Nam sau khi gia nhập WTO là: Về phía Nhà nước, làm thế nào để bảo đảm người học thực sự được tiếp nhận giáo dục có chất lượng do các cơ sở GDĐH nước ngoài cung cấp? Về phía các trường đại học tư thục Việt Nam, làm thế nào để cạnh tranh thành công với các cơ sở GDĐH nước ngoài?
Đôi điều về lời giải
Trong bối cảnh cụ thể của bài toán GDĐH Việt Nam sau khi nước ta gia nhập WTO, cần thiết làm rõ một số nội dung sau:
Bảo đảm chất lượng
• Củng cố và sớm hoàn thiện công tác kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định của Luật Giáo dục (năm 2005) và các văn bản hướng dẫn kèm theo, đặc biệt chú trọng việc xã hội hoá kiểm định chất lượng giáo dục, tức là huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân có năng lực. Đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế trong kiểm định chất lượng giáo dục, tham gia mạng kiểm định chất lượng giáo dục quốc tế.
• Xây dựng môi trường thông tin minh bạch, cập nhật và dễ tiếp cận về các chương trình GDĐH và các cơ sở GDĐH có uy tín trên thế giới để tránh cho người học khỏi là nạn nhân của những hàng giả trong GDĐH xuyên biên giới.
• Tuyên truyền, giáo dục để người học và gia đình xác định tiêu chí đầu tiên trong việc chọn trường khi du học (dù là tại chỗ hay ra nước ngoài) là sự bảo đảm của nhà trường về chất lượng.
Xây dựng năng lực cạnh tranh
Vấn đề nâng cao sức cạnh tranh của hệ thống GDĐH trong quá trình hội nhập quốc tế cũng được đề cập trong Đề án đổi mới GDĐH. Trong đó, “sức cạnh tranh của hệ thống GDĐH” được hiểu là năng lực của hệ thống GDĐH trong việc đào tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cạnh tranh chứ không được hiểu theo nghĩa cạnh tranh thị trường. Khái niệm cạnh tranh thị trường không đặt ra cho khu vực GDĐH công lập trên thế giới (các trường này tạo ra danh tiếng, đẳng cấp, “thương hiệu” của mình không bằng cạnh tranh mà bằng trách nhiệm xã hội của mình trong việc thực hiện sứ mệnh, chức năng, nhiệm vụ được Nhà nước giao phó). Các trường đại học công lập Việt Nam cũng theo con đường đó. Hơn nữa, nếu đặt ra yêu cầu cạnh tranh đối với các trường đại học công lập thì theo quy định của GATS, các trường này sẽ mặc nhiên thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định này.
Vấn đề cạnh tranh chỉ được đặt ra đối với các trường đại học tư thục. Các trường này phải cạnh tranh mới tồn tại được. Hiện nay, ở nước ta, có thể nói cục diện cạnh tranh giữa các trường đại học tư thục chưa đáng kể vì cung chưa đáp ứng cầu, nhưng với xu thế đẩy mạnh xã hội hoá GDĐH và bước tiến trong hội nhập quốc tế, chắc chắn từ năm 2010 trở đi, cục diện này sẽ khá sôi nổi. Khi đó thách thức với các trường đại học tư thục trong nước là sức ép cạnh tranh của cả dịch vụ giáo dục nhập khẩu cũng như đầu tư trực tiếp của các nhà cung ứng giáo dục nước ngoài.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các trường đại học Việt Nam, phải chú ý nâng cao môi trường giáo dục vĩ mô, chất lượng thể chế và mức độ sẵn sàng trong đổi mới công nghệ. Trong đó, môi trường giáo dục vĩ mô là môi trường trong đó các rào cản không cần thiết và bất lợi cho sự phát triển các trường đại học tư thục được dỡ bỏ. Chất lượng thể chế là sự phù hợp của hệ thống luật pháp về giáo dục đối với các yêu cầu nêu trên về môi trường giáo dục vĩ mô và sự nghiêm minh trong tổ chức thực hiện. Ngoài việc ban hành Luật GDĐH, chúng ta cần ban hành Luật giáo dục ngoài công lập. Ngoài ra, về mặt chính sách, cần lưu ý là các trường đại học nước ngoài đang được ưu đãi hơn so với các trường đại học tư thục trong nước, vì vậy, khi thực thi quy tắc đối xử quốc gia theo quy định của GATS, Việt Nam sẽ phải giải bài toán ngược là làm thế nào để các trường đại học tư thục trong nước không bị phân biệt đối xử so với các trường đại học nước ngoài. Mức độ sẵn sàng trong đổi mới công nghệ phải được coi là một trong những vấn đề cấp bách đối với các trường đại học vì ngày nay, việc nâng cao chất lượng và hiệu quả, tạo ra sức cạnh tranh của trường đại học được thực hiện chủ yếu theo con đường hiện đại hoá nhà trường, trên cơ sở vận dụng và phát triển công nghệ thông tin và truyền thông. Hiện nay, đang có một khoảng cách cần nhanh chóng rút ngắn giữa các trường đại học tư thục của Việt Nam với các trường đại học nước ngoài.
Bên cạnh nỗ lực tự hoàn thiện mình để nâng cao chất lượng của các trường đại học tư thục, kinh nghiệm cho thấy, một yếu tố hết sức quan trọng là sự đoàn kết của các trường dưới một mái nhà chung là Hiệp hội các trường đại học ngoài công lập. Chỉ có như vậy, các trường mới tạo thành một khối thống nhất, có sức cạnh tranh cao để thành công trong hội nhập.
================================
PHẠM ĐỖ NHẬT TIẾN - TẠP CHÍ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC 2/2007
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét