Ngày 29.11.2006, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội nước Cộng hoà XHCN Việt Nam khóa XI đã thông qua Luật Chuyển giao công nghệ (CGCN) với trên 84% số phiếu tán thành. Đây là một đạo luật chuyên ngành điều chỉnh hoạt động CGCN, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển, đổi mới công nghệ, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển thị trường công nghệ. Từ đó, nâng cao trình độ công nghệ và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và cả nền kinh tế, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Dưới đây, bài viết giới thiệu một số nét cơ bản về sự cần thiết phải ban hành Luật, nội dung cơ bản của Luật và công việc đang được Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung giải quyết để sớm đưa Luật đi vào cuộc sống.
Sự cần thiết ban hành Luật CGCN
Trong hơn 20 năm đổi mới và mở cửa, hoạt động CGCN ở nước ta và hệ thống pháp luật trong lĩnh vực này đã góp phần đáng kể nâng cao trình độ công nghệ của các ngành sản xuất, dịch vụ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời ngăn chặn các công nghệ, thiết bị lạc hậu từ nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam. Qua từng thời kỳ, hoạt động quản lý nhà nước về thẩm định, giám định và CGCN cũng được đổi mới từng bước theo hướng giảm thủ tục hành chính, tạo cơ chế thông thoáng cho các doanh nghiệp, khuyến khích đổi mới, ứng dụng và thương mại hoá công nghệ. Trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, thuỷ sản, xây dựng, bưu chính - viễn thông, giao thông vận tải, năng lực công nghệ đã được cải thiện nhờ tiếp nhận và ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến, hiện đại, góp phần chuyển dịch cơ cấu và nâng cao chất lượng sản phẩm, duy trì tốc độ tăng trưởng và kim ngạch xuất khẩu của ngành. Tuy nhiên, xét trên phạm vi của cả nền kinh tế, đóng góp vào tăng trưởng chủ yếu vẫn là yếu tố vốn và lao động; yếu tố về công nghệ tuy có tăng nhưng vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ. Tồn tại hiện nay của nền kinh tế là đổi mới công nghệ chưa trở thành nhu cầu bức thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp. Điều này dẫn tới thực trạng là trình độ công nghệ của nhiều ngành và doanh nghiệp còn lạc hậu, năng lực công nghệ nhìn chung chậm được cải thiện, nhiều lĩnh vực công nghệ cao chậm được ứng dụng và phổ biến, nhiều sản phẩm kém sức cạnh tranh ngay cả ở thị trường trong nước. Không chỉ thực trạng công nghệ lạc hậu, hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động CGCN cũng chưa theo kịp với những thay đổi của đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt là với các đòi hỏi của kinh tế thế giới. Có thể nêu một số điểm bất cập cần khắc phục như: Từ năm 1988 trở lại đây, Nhà nước đã ban hành hơn 30 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến CGCN, trong đó có hiệu lực pháp lý cao nhất là Bộ luật Dân sự. Tuy nhiên, các quy định pháp luật hiện hành về CGCN chưa thống nhất và đồng bộ. Bộ luật Dân sự năm 2005 chỉ quy định 4 điều mang tính nguyên tắc về CGCN. Những quy định cụ thể chủ yếu nằm trong các văn bản hướng dẫn thi hành, hiệu lực pháp lý thấp, thiếu ổn định, ảnh hưởng tới niềm tin của các chủ thể nắm giữ công nghệ, đặc biệt là các đối tác nước ngoài khi tiến hành đầu tư, CGCN tại Việt Nam. Chưa tạo được cơ chế thực sự thông thoáng cho các doanh nghiệp khi tham gia đổi mới và CGCN. Thiếu các chính sách hỗ trợ đồng bộ, khả thi để thúc đẩy hoạt động ứng dụng, đổi mới, thương mại hoá công nghệ trong nước. Phương thức quản lý nhà nước trong lĩnh vực này chưa phù hợp với cơ chế thị trường, hạn chế quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động CGCN. Thiếu cơ sở pháp lý cần thiết thúc đẩy việc hình thành và hoạt động của các tổ chức dịch vụ hỗ trợ CGCN (thông tin, tư vấn, môi giới, đánh giá, thẩm định, giám định công nghệ), mặc dù loại dịch vụ này là một yếu tố cấu thành quan trọng, không thể thiếu của thị trường công nghệ.
Trong bối cảnh nước ta đang đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế, việc ban hành Luật CGCN là hết sức cần thiết và cấp bách. Đây là một đạo luật chuyên ngành thống nhất điều chỉnh hoạt động CGCN, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển, đổi mới và thương mại hoá công nghệ, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển thị trường công nghệ, nâng cao trình độ công nghệ và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và cả nền kinh tế, phục vụ phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Quan điểm xây dựng và một số nội dung cơ bản của Luật CGCN
Thực hiện Nghị quyết số 49/2005/QH11 ngày 19.11.2005 của Quốc hội khoá XI về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2006, Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị Dự án Luật CGCN. Luật này được soạn thảo theo tinh thần quán triệt các quan điểm chỉ đạo cơ bản sau:
- Thể chế hóa kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng về khuyến khích hoạt động ứng dụng, đổi mới, CGCN phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
- Đẩy mạnh tiếp thu, ứng dụng, làm chủ công nghệ nhập hiện đại, nhanh chóng nâng cao năng lực đổi mới, sáng tạo công nghệ, thúc đẩy tốc độ và chất lượng tăng trưởng của các doanh nghiệp và cả nền kinh tế; nâng cao tỷ trọng đóng góp của yếu tố công nghệ vào năng lực cạnh tranh quốc gia để hội nhập và công nghiệp hoá thành công.
- Tạo môi trường thuận lợi cho các chủ thể tham gia hoạt động CGCN trên cơ sở bảo đảm tôn trọng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự do cam kết, thoả thuận giữa các bên tham gia hoạt động CGCN; Nhà nước chỉ can thiệp vào các quan hệ này nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.
Ngày 29.11.2006, Luật CGCN đã được Quốc hội khoá XI, Kỳ họp thứ 10 thông qua và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.7.2007. Luật gồm 7 chương với 61 điều quy định về hoạt động CGCN tại Việt Nam, từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài vào Việt Nam; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động CGCN; thẩm quyền của các cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động CGCN; các biện pháp khuyến khích, thúc đẩy hoạt động CGCN.
Khác với quy định hiện hành về CGCN, Luật CGCN chia công nghệ thành 3 loại: Công nghệ được khuyến khích chuyển giao, công nghệ hạn chế chuyển giao, công nghệ cấm chuyển giao. Trừ một số công nghệ thuộc danh mục hạn chế chuyển giao phải xin phép trước khi ký kết hợp đồng CGCN, tất cả các công nghệ được chuyển giao còn lại do các bên tự thoả thuận mà không cần phải làm các thủ tục đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, các bên giao kết hợp đồng CGCN có quyền đăng ký hợp đồng để làm cơ sở hưởng các ưu đãi của pháp luật. Về nội dung hợp đồng CGCN, Luật chỉ quy định một số nội dung bắt buộc phải có trong hợp đồng, còn lại do các bên tham gia hợp đồng thoả thuận. Đặc biệt đáng chú ý là Luật CGCN cũng như Bộ luật Dân sự hiện nay không quy định về thời hạn của hợp đồng và để cho các bên tự thoả thuận. Trong trường hợp CGCN có yếu tố nước ngoài, Luật cũng cho phép thoả thuận áp dụng pháp luật nước ngoài và tập quán thương mại quốc tế nếu pháp luật nước ngoài và tập quán thương mại quốc tế đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
Luật đã có những quy định rõ ràng về chính sách miễn giảm thuế để thúc đẩy CGCN. Quy định về phân chia thu nhập từ hoạt động CGCN được tạo ra bằng ngân sách nhà nước: Nhà nước giao quyền sở hữu công nghệ được tạo ra bằng ngân sách nhà nước cho tổ chức chủ trì nghiên cứu và phát triển công nghệ đó; xác định rõ quyền của tập thể, cá nhân tạo ra công nghệ trong trường hợp này. Quy định việc góp vốn bằng công nghệ, thế chấp tài sản thuộc sở hữu nhà nước để tiến hành hoạt động CGCN. Quy định về các loại hình dịch vụ CGCN (bao gồm: Môi giới, tư vấn, đánh giá, định giá, giám định và xúc tiến CGCN) và quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ CGCN.
Bên cạnh đó, Luật còn khuyến khích chuyển giao các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến nhằm tạo ra các sản phẩm mới có tính cạnh tranh cao; tạo ra ngành công nghiệp, dịch vụ mới, tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu; sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo; bảo vệ sức khoẻ con người; phòng chống thiên tai dịch bệnh, sản xuất sạch thân thiện môi trường; phát triển ngành nghề truyền thống. Khuyến khích CGCN cho các vùng nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn các công nghệ: Nuôi trồng, bảo quản, chế biến sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản, công nghệ cung cấp nước sạch, bảo vệ môi trường, công nghệ nâng cao năng suất chất lượng hiệu quả của làng nghề truyền thống. Khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng đổi mới công nghệ (bằng việc cho phép doanh nghiệp được trích một phần lợi nhuận trước thuế hàng năm để lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ). Khuyến khích người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài CGCN vào Việt Nam, đặc biệt được ưu đãi khi CGCN thuộc danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao hoặc công nghệ chuyển giao vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thị trường công nghệ, bao gồm: Các trung tâm dịch vụ, giao dịch công nghệ, triển lãm công nghệ, chợ, hội chợ công nghệ, cơ sở ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp công nghệ; tham gia công bố, phổ biến, trình diễn công nghệ trong và ngoài nước.
Việc thành lập Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia đã được Luật CGCN đề cập đến nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ; thúc đẩy việc CGCN phục vụ phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản ở các vùng nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; hỗ trợ ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ; hỗ trợ đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ việc chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ.
Về vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động CGCN, Luật đã quy định các vấn đề: Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong việc chỉ đạo xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện chiến lược, kế hoạch, chương trình, cơ chế, chính sách, biện pháp thúc đẩy hoạt động CGCN, đổi mới công nghệ; công bố danh mục các công nghệ được tạo ra bằng ngân sách nhà nước, ban hành danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao, danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao, danh mục công nghệ cấm chuyển giao; chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện pháp luật, phổ biến và thực hiện giáo dục pháp luật về CGCN; kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động CGCN.
Để Luật CGCN sớm đi vào cuộc sống, Bộ Khoa học và Công nghệ đang khẩn trương tiến hành một số công việc:
- Xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật CGCN; Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực CGCN; danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao, danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao, danh mục công nghệ cấm chuyển giao; Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia.
- Ban hành theo thẩm quyền các văn bản nhằm hướng dẫn thi hành các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về CGCN.
- Đẩy mạnh các hoạt động nhằm kích cầu, kích cung công nghệ; hoạt động thúc đẩy hình thành và phát triển thị trường công nghệ; các hoạt động dịch vụ tư vấn, đánh giá, định giá, giám định công nghệ, môi giới, xúc tiến CGCN.
- Phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương, các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện Luật.
=====================
PHẠM GIA CHƯƠNG - TẠP CHÍ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC SỐ 2/2007
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét