Theo Điều 12 Luật Kinh doanh bảo hiểm, “Hợp đồng bảo hiểm là sự thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm”.
Theo Điều 12 Luật Kinh doanh bảo hiểm, “Hợp đồng bảo hiểm là sự thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm”. Hợp đồng bảo hiểm chịu sự điều chỉnh của Luật Kinh doanh bảo hiểm được phân thành ba loại là: hợp đồng bảo hiểm con người, hợp đồng bảo hiểm tài sản, hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Sự khác biệt căn bản nhất giữa các hợp đồng bảo hiểm này là đối tượng được bảo hiểm và quyền lợi có thể được bảo hiểm.
Đối tượng được bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm con người là tuổi thọ, tính mạng, sức khỏe và sự an toàn của con người. Đối tượng được bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm tài sản là tài sản, bao gồm vật có thực, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền tài sản. Đối tượng được bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự là trách nhiệm dân sự của người được bảo hiểm đối với người thứ ba theo quy định của pháp luật.
Quyền lợi có thể được bảo hiểm thực chất là mối liên hệ giữa bên mua bảo hiểm đối với đối tượng được bảo hiểm được xác lập dựa trên quan hệ hôn nhân, huyết thống, quan hệ tài sản, quan hệ lao động, quan hệ tài chính theo đó, sự rủi ro của đối tượng được bảo hiểm sẽ gây thiệt hại về tài chính hoặc tổn thất tinh thần cho bên mua bảo hiểm. Chính sự khác biệt về đối tượng bảo hiểm mà quyền lợi có thể được bảo hiểm của bên mua bảo hiểm trong các hợp đồng bảo hiểm nói trên cũng khác nhau. Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, trong hợp đồng bảo hiểm tài sản, quyền lợi có thể được bảo hiểm bao gồm: quyền sở hữu, quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền tài sản. Trong hợp đồng bảo hiểm con người, quyền lợi có thể được bảo hiểm được quy định hạn chế hơn bao gồm 02 yếu tố: quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng đối với người được bảo hiểm.
Chuyển nhượng hợp đồng nói chung và hợp đồng bảo hiểm nói riêng là một trong những nội dung không thể thiếu được pháp luật điều chỉnh. Bản chất của việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm là việc một chủ thể khác sẽ thay thế vị trí pháp lý (kế thừa quyền và nghĩa vụ) của bên mua bảo hiểm trong hợp đồng theo đó, người nhận chuyển nhượng sẽ trở thành bên mua bảo hiểm mới để tiếp tục duy trì hợp đồng và hưởng các quyền lợi khác (nếu có) theo hợp đồng.
Về mặt lý luận, việc thay đổi bên mua bảo hiểm luôn phải đảm bảo nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến hiệu lực pháp lý của hợp đồng bảo hiểm. Nghĩa là, bên nhận chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm cũng phải thỏa mãn đầy đủ điều kiện của bên mua bảo hiểm như có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có quyền lợi có thể được bảo hiểm. Điều này cũng được quy định tại Điều 235 Bộ luật Hàng hải: “người không có quyền lợi trong đối tượng bảo hiểm thì không được chuyển nhượng đơn bảo hiểm hàng hải”. Trong hợp đồng bảo hiểm con người, đối với trường hợp bên mua bảo hiểm giao kết hợp đồng bảo hiểm cho trường hợp chết của người khác thì việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm theo chúng tôi cũng phải được sự đồng ý của người được bảo hiểm để tránh tình trạng trục lợi bảo hiểm có thể xảy ra từ việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm này. Ngoài ra, việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm còn phải đáp ứng các yêu cầu của pháp luật về trình tự, thủ tục, hình thức chuyển nhượng (nếu có).
1. Bất cập của Luật Kinh doanh bảo hiểm
Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành chưa có quy định cụ thể về việc chuyển nhượng từng loại hợp đồng bảo hiểm nói trên mà chỉ quy định chung việc chuyển nhượng tất cả các loại hợp đồng bảo hiểm tại Điều 26 như sau:
“1. Bên mua bảo hiểm có thể chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
2. Việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm chỉ có hiệu lực trong trường hợp bên mua bảo hiểm thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm về việc chuyển nhượng và doanh nghiệp bảo hiểm có văn bản chấp thuận về việc chuyển nhượng đó, trừ trường hợp việc chuyển nhượng được thực hiện theo tập quán quốc tế”.
Rõ ràng, quy định về việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm tại Điều 26 Luật Kinh doanh bảo hiểm còn quá chung chung và mới chỉ dừng lại ở việc ghi nhận quyền của bên mua bảo hiểm trong việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm cho người thứ ba và việc chuyển nhượng này phải được sự chấp thuận bằng văn bản của doanh nghiệp bảo hiểm, mà chưa đề cập đến các vấn đề như: điều kiện chuyển nhượng, thủ tục chuyển nhượng, quyền hạn và trách nhiệm của các bên trong quan hệ chuyển nhượng; và hậu quả pháp lý của việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm. Mặt khác, hợp đồng bảo hiểm con người, hợp đồng bảo hiểm tài sản và hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự lại có sự khác biệt rất lớn về đối tượng bảo hiểm, quyền lợi có thể được bảo hiểm, thời hạn bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm... do vậy, theo chúng tôi thay vì việc quy định chung chung như hiện nay, nên sửa đổi luật theo hướng quy định việc chuyển nhượng riêng cho từng loại hợp đồng bảo hiểm.
Chúng tôi đi sâu phân tích việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ làm ví dụ để chứng minh sự bất cập của Điều 26 nói trên.
Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là một hợp đồng phức tạp có liên quan đến nhiều chủ thể khác nhau và bên chuyển nhượng (Bên mua bảo hiểm hay Người tham gia bảo hiểm) có thể không đồng thời là Người được bảo hiểm, do vậy, việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có nhiều vấn đề đặc thù nảy sinh cần được pháp luật quy định riêng và cụ thể hơn. Chẳng hạn như: điều kiện đối với người nhận chuyển nhượng như thế nào? Người nhận chuyển nhượng có cần phải có quyền lợi có thể được bảo hiểm với Người được bảo hiểm hay không? Việc chuyển nhượng có cần sự đồng ý của Người được bảo hiểm hay không? Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm như thế nào trong việc chấp nhận chuyển nhượng của bên mua bảo hiểm? Bên mua bảo hiểm còn trách nhiệm gì đối với hợp đồng bảo hiểm sau khi hợp đồng bảo hiểm đã được chuyển nhượng? Trường hợp sau khi bên mua bảo hiểm đã chuyển nhượng hợp đồng cho người khác, thì doanh nghiệp bảo hiểm phát hiện tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm đã kê khai không trung thực Giấy yêu cầu bảo hiểm mà theo Điều 19 Luật Kinh doanh bảo hiểm và điều khoản hợp đồng, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm, đồng thời thu phí đến thời điểm hợp đồng bị đình chỉ. Lúc này quyền lợi chính đáng của người nhận chuyển nhượng (Người tham gia bảo hiểm mới) với tư cách là người “ngay tình” có được bảo vệ hay không và phải giải quyết vấn đề này như thế nào?... Rõ ràng, đây là những nội dung quan trọng nhưng Luật Kinh doanh bảo hiểm đã bỏ ngỏ, do vậy khi có tranh chấp phát sinh không có cơ sở pháp lý để giải quyết.
Thực tế cho thấy, trong điều khoản bảo hiểm nhân thọ của các sản phẩm bảo hiểm đang triển khai trên thị trường, các doanh nghiệp bảo hiểm đều đưa ra cam kết là “doanh nghiệp bảo hiểm không chịu trách nhiệm về tính hiệu lực, hợp pháp, sư đầy đủ của việc chuyển nhượng hợp đồng giữa bên mua bảo hiểm và người được chuyển nhượng”. Giả sử, việc chuyển nhượng hợp đồng là không hợp pháp, trong khi doanh nghiệp bảo hiểm lại đồng ý chuyển nhượng và sự kiện bảo hiểm xảy ra sau khi hợp đồng đã được chuyển nhượng, vậy quyền lợi và trách nhiệm của các bên trong quan hệ hợp đồng này (bên mua bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, người nhận chuyển nhượng, người thụ hưởng) sẽ được xác định như thế nào? Vấn đề này vẫn chưa có lời giải đáp.
Không chỉ có hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm tài sản và hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự cũng gặp phải vướng mắc tương tự vì sự thiếu vắng quy định của pháp luật.
2. Kiến nghị sửa đổi
Chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm là một trong những nội dung quan trọng, đặc thù và khá phức tạp, đòi hòi cần có sự điều chỉnh của pháp luật. Tuy nhiên, như đã phân tích tại phần những bất cập của pháp luật, theo chúng tôi, nhà làm luật cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định này cho phù hợp và hoàn thiện nhằm đảm bảo sự công bằng về quyền, lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ hợp đồng bảo hiểm. Chúng tôi xin đưa ra kiến nghị sửa đổi Điều 26 Luật Kinh doanh bảo hiểm như sau:
“1. Bên mua bảo hiểm có thể chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm cho người khác gọi là người nhận chuyển nhượng hợp đồng. Người nhận chuyển nhượng phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và phải có quyền lợi có thể được bảo hiểm đối với đối tượng bảo hiểm. Riêng đối với trường hợp bên mua bảo hiểm giao kết hợp đồng bảo hiểm con người cho trường hợp chết của người khác, thì việc chuyển nhượng hợp đồng phải được sự đồng ý bằng văn bản của người được bảo hiểm.
2. Việc chuyển nhượng hợp đồng được coi là có hiệu lực trong trường hợp bên mua bảo hiểm thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm về việc chuyển nhượng và doanh nghiệp bảo hiểm có văn bản chấp thuận việc chuyển nhượng đó, trừ trường hợp việc chuyển nhượng được thực hiện theo tập quán quốc tế.
3. Kể từ thời điểm doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận việc chuyển nhượng hợp đồng thì mọi quyền, nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm chấm dứt; đồng thời quyền, nghĩa vụ của người nhận chuyển nhượng theo hợp đồng bảo hiểm bắt đầu phát sinh và được đảm bảo đầy đủ.
4. Trường hợp sau khi bên mua bảo hiểm đã chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phát hiện và có bằng chứng chứng minh tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm đã cung cấp thông tin sai sự thật hoặc che giấu thông tin mà nếu biết được thông tin đó, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ từ chối chấp nhận bảo hiểm, trì hoãn chấp nhận bảo hiểm hoặc chấp nhận bảo hiểm với các điều kiện kèm theo, thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đình chỉ thực hiện hợp đồng, không phải giải quyết quyền lợi bảo hiểm đối với rủi ro của đối tượng bảo hiểm và có quyền thu phí đến thời điểm doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận việc chuyển nhượng hợp đồng, đồng thời hoàn trả cho bên nhận chuyển nhượng hợp đồng số phí bảo hiểm mà họ đã đóng (trừ trường hợp bên nhận chuyển nhượng biết được hành vi cung cấp thông tin sai sự thật hoặc che giấu thông tin sai sự thật đó của bên mua bảo hiểm)”.
Phí Thị Quỳnh Nga
source: nclp.org.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét