Sáng 25/4, một hội nghị bàn tròn về tài sản ảo được tổ chức tại Hà Nội dưới sự chủ trì của bộ Tư pháp. Các đại biểu tham dự đều thống nhất: Nếu chỉ căn cứ trên những quy định hiện hành của luật pháp và bó hẹp trong phạm vi trò chơi thì không thể giải quyết vấn đề này.
Đây là cuộc thảo luận đầu tiên của các cơ quan nhà nước nhằm mổ sẻ "vấn đề sống còn" của loại hình giải trí game online. Từ đó có biện pháp bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các bên tham gia lĩnh vực này. Theo ý kiến của các đại biểu, đây là một trong những dịch vụ ứng dụng trên Internet hoàn toàn mới và cơ quan Nhà nước không thể lảng tránh trách nhiệm quản lý. Thực tế những cuộc mua bán, trao đổi những đồ vật trong game đã diễn ra sôi động từng ngày từng giờ. Tuy chưa có những biểu hiện tiêu cực cụ thể nhưng sự phát triển tự do trong một thời gian dài sẽ dẫn đến hậu quả đáng tiếc như tại một số nước lân cận như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan.
Điểm mấu chốt để giải quyết vấn đề tài sản ảo là các quan hệ phải được đặt trong thực tế cuộc sống của thế giới thật, chứ không bó hẹp trong môi trường "có giá trị trong các game trực tuyến" như luận điểm của một số nhà cung cấp. Tuy chỉ hiện hữu trong game, nhưng những tài sản ảo hoàn toàn có ý nghĩa trong cuộc sống bằng giá trị giải trí của mình. Nếu một game thủ bỏ tiền mua một thanh kiếm hay bộ giáp trong game, chắc chắn anh ta hiểu được những đồ vật đó giúp cho sự giải trí của anh ta hấp dẫn hơn và điều đó xứng đáng với số tiền bỏ ra.
"Nếu chỉ nhìn nhận trong phạm vi tồn tại, bản thân các tài khoản e-mail, website cũng chỉ có ý nghĩa trong môi trường điện tử và không thể điều chỉnh được", bà Đỗ Hương Nhu, chuyên viên Viện nghiên cứu Nhà nước và Pháp luật, nói. "Vì vậy, không nên nhìn tài sản ảo chỉ trong game mà phải nhìn nhận có trong cuộc sống".
Ông Trần Thanh Hải: "Đồ vật, nhân vật trong game là một dạng tài sản, chủ sở hữu là người chơi." Ảnh: H.H.
Trong phát biểu của mình, ông Trần Thanh Hải, Phó vụ trưởng Vụ Thương mại điện tử, Bộ Thương mại, khẳng định: "Những đồ vật, nhân vật trong game trực tuyến là một dạng tài sản, chủ sở hữu là người chơi game và quyền sở hữu của họ cần được công nhận".
Ông Thanh Hải cho rằng tài sản ảo là kết quả của sự đầu tư công sức, thời gian và tiền bạc của người chơi. Chúng hoàn toàn có thể được định giá bằng tiền theo quy luật cung cầu và chuyển giao được theo thỏa thuận. Đặc biệt, những tài sản ảo hoàn toàn có thể bị chiếm hữu, một người sử dụng sẽ loại trừ khả năng sử dụng của người khác.
Người đại diện của Bộ Thương mại cũng khẳng định ở thời điểm hiện tại, những tài sản dạng này hoàn toàn không trái với Bộ luật Dân sự 2005 và luật này chỉ không áp dụng được bởi vấn đề quá mới. Tính "không tương thích" của tài sản ảo với các quy định pháp luật hiện hành cũng được đại diện của Bộ Tư pháp cụ thể hóa trong các tham luận của mình.
Bà Nguyễn Thị Thu Vân, chuyên viên Vụ Pháp luật dân sự, Bộ Tư pháp, đã nêu ra những vướng mắc trong Bộ luật Dân sự 2005 đối với tài sản ảo. Theo đó, nếu căn cứ về tài sản theo điều 163 của Bộ luật Dân sự thì tài sản ảo không nằm trong phạm vi điều chỉnh vì không phải là giấy tờ có giá, không phải tài sản hữu hình hay vô hình. Nếu coi tài sản ảo là một quyền tài sản theo điều 181 Bộ luật Dân sự thì người chơi không có được quyền sở hữu hoàn chỉnh.
Bà Vân phân tích quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền định đoạt và quyền sử dụng. Trong đó, quyền chiếm hữu không thuộc về game thủ vì những tài sản ảo đều nằm trên máy chủ của nhà cung cấp game. Quyền định đoạt cũng không có vì tuổi thọ của phần mềm trò chơi thuộc về nhà sản xuất và nhà cung cấp, dựa trên hợp đồng bản quyền cung cấp trò chơi ký kết giữa 2 bên. Trong 3 quyền cấu thành nên quyền sở hữu, chỉ có quyền sử dụng thuộc về game thủ và vì thế không thể coi tài sản ảo thuộc sở hữu của họ.
Ngoài vấn đề về quyền sở hữu, việc công nhận tài sản ảo còn gặp trở ngại về mặt pháp lý trong giao dịch. Theo quy định về giao dịch tài sản tại điều 112 Bộ luật Dân sự 2005, người tham gia giao dịch phải trên 18 tuổi. Trên thực tế, nhiều game thủ chưa đạt được điều kiện trên nhưng vẫn tiến hành mua bán, trao đổi các đồ vật, nhân vật trong game một cách thoải mái.
Vì tính phức tạp của tài sản ảo, việc có ngay một biện pháp quản lý toàn diện theo hướng "quyền đối vật" truyền thống là không thể vì những bế tắc khi áp dụng Bộ luật Dân sự 2005. Hội nghị đề xuất hướng bảo hộ cho các tài sản ảo theo quyền đối nhân, vì biện pháp này sẽ giải quyết xung đột giữa những cá nhân khi thỏa thuận thực hiện 1 công việc. Tuy nhiên, hướng giải quyết này cũng có những hạn chế vì không giải quyết được tận gốc vấn đề là bảo hộ cho tài sản ảo.
"Mặt khác, bản thân quyền đối nhân cũng chưa được quy định rõ ràng trong các văn bản pháp luật", Tiến sĩ Trần Thị Thơ, chuyên viên Vụ Pháp luật dân sự, Bộ Tư pháp, nói. Bà cũng đề xuất nên có một Nghị định của Chính phủ căn cứ theo khoản 2, điều 56 của Bộ luật Ban hành văn bản pháp luật.
Trong khi chưa có một hành lang pháp lý cụ thể, đại diện các cơ quan nhà nước nêu rõ người chơi phải tự bảo vệ tài sản của mình. Mọi biện pháp của pháp luật chỉ mang tính tương đối và là cách cuối cùng để giải quyết xung đột.
Hạ Thảo/VNEXPRESS.NET
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét