1. Nhìn nhận lại Bộ luật dân sự năm 1995
Để làm sáng tỏ vấn đề nêu trên, trên cơ sở phân tích mối quan hệ giữa ngành luật dân sự và ngành luật kinh tế, chúng ta sẽ tìm hiểu căn cứ để Bộ luật dân sự năm 1995 quy định: “Bộ luật dân sự quy định địa vị pháp lý của cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác, quyền, nghĩa vụ của các chủ thể trong quan hệ tài sản, quan hệ nhân thân trong giao lưu dân sự, xây dựng chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử của các chủ thể khi tham gia quan hệ dân sự” (Điều 1).
Ở góc độ khoa học pháp lý, khi xây dựng Bộ luật dân sự năm 1995, hệ thống khoa học pháp lý (cũng như pháp luật thực định) nước ta có sự tách biệt giữa quan hệ dân sự thuộc đối tượng điều chỉnh của ngành luật dân sự và các quan hệ khác tuy có cùng tính chất với quan hệ dân sự nhưng lại thuộc đối tượng điều chỉnh của ngành luật khác (đặc biệt và trực tiếp nhất là pháp luật kinh tế), ví dụ: phương pháp điều chỉnh quan hệ dân sự là tự nguyện, thỏa thuận và tự chịu trách nhiệm, còn phương pháp điều chỉnh quan hệ kinh tế, bên cạnh phương pháp tự nguyện, thoả thuận, luôn có sự tồn tại của phương pháp mệnh lệnh (gắn với chỉ tiêu, kế hoạch do Nhà nước giao). Đồng thời, nếu trong quan hệ dân sự, các chủ thể bình đẳng về địa vị pháp lý thì trong quan hệ kinh tế vẫn tồn tại sự bất bình đẳng (nhà nước và các chủ thể kinh doanh, trong đó doanh nghiệp nhà nước giữ vị trí trọng yếu và chiếm đa số). Sự khác biệt trên đã dẫn đến sự tốn tại của 2 ngành luật trong hệ thống pháp luật nước ta thời gian qua và quan hệ dân sự chịu sự điều chỉnh bởi pháp luật dân sự (ví dụ: Bộ luật dân sự năm 1995) và quan hệ kinh tế chịu sự điều chỉnh của pháp luật kinh tế (ví dụ: Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế năm 1989).
Ở góc độ thực tiễn, sở dĩ có sự tồn tại độc lập giữa Bộ luật dân sự năm 1995 với Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế năm 1989 là do tại thời điểm xây dựng 2 văn bản này, tính chất của quan hệ dân sự với quan hệ kinh tế có sự khác biệt nhau cơ bản, cụ thể như sau: Quan hệ dân sự được thiết lập giữa các chủ thể là bình đẳng về địa vị pháp lý nhằm phục vụ cho mục đích tiêu dùng, còn quan hệ kinh tế bên cạnh quan hệ giữa các chủ thể bình đẳng về địa vị pháp lý (giữa các chủ thể kinh doanh), có sự tồn tại khách quan mối quan hệ giữa Nhà nước (đại diện chủ sở hữu) với các doanh nghiệp nhà nước (chủ thể kinh doanh) và trong mối quan hệ đó luôn tồn tại tính chất mệnh lệnh hành chính. Sự tồn tại này là một thực tế khách quan vì thông qua chỉ tiêu, kế hoạch giao cho các doanh nghiệp nhà nước (chiếm số lượng chủ yếu trong các chủ thể kinh doanh), Nhà nước đã can thiệp trực tiếp và thường xuyên vào đời sống kinh tế.
Sự phân biệt giữa quan hệ dân sự và quan hệ kinh tế, cùng với sự tồn tại của 2 ngành luật, 2 văn bản pháp luật khác nhau đã dẫn đến hệ quả là trong nhiều trường hợp có sự chồng chéo về đối tượng, phương pháp điều chỉnh giữa 2 ngành luật, dẫn đến khó khăn trong thực tiễn áp dụng (nhất là trong quan hệ hợp đồng và nghĩa vụ). Thực tế cho thấy, danh giới giữa 2 loại quan hệ này ngày càng bị thu hẹp, trong nhiều trường hợp tính “dân sự” và tính “kinh tế” trong không thể phân biệt một cách rõ ràng. Mặt khác, quy định “cứng nhắc” khi điều chỉnh các quan hệ kinh tế đã dẫn đến những bất cập trước những yêu cầu của thực tiễn, nhất là trong nền kinh tế thị trường.
Ngoài ra, Bộ luật dân sự năm 1995 chưa xác định đúng vị trí, vai trò của một đạo luật gốc trong hệ thống pháp luật tư. Sự “hạn chế” trong phạm vi điều chỉnh của Bộ luật dân sự dẫn đến những bất cập như: bên cạnh sự “giao thoa” về đối tượng điều chỉnh, tồn tại những quan hệ xã hội không có quy phạm pháp luật điều chỉnh hoặc hệ thống văn bản pháp luật không đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ…
2. Bộ luật dân sự năm 2005 - Kết quả của hoạt động pháp điển hoá nhằm đáp ứng đòi hỏi của lý luận và thực tiễn
Bộ luật dân sự năm 2005 với quy định tại Điều 1 đã khắc phục một bước quan trọng sự khác biệt của pháp luật khi điều chỉnh các quan hệ “dân sự” và “kinh tế” và về cơ bản đã không có sự phân biệt giữa “quan hệ dân sự” và “quan hệ kinh tế”. Theo đó, các quy định của Bộ luật dân sự không chỉ điều chỉnh các quan hệ dân sự theo nghĩa hẹp, mang tính truyền thống, mà còn điều chỉnh những quan hệ dân sự theo nghĩa rộng (bao gồm quan hệ hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động) được xác lập dựa trên nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện, tự thoả thuận và tự chịu trách nhiệm giữa các chủ thể. Theo chúng tôi, đây là sự thay đổi đúng đắn và cần thiết, xét cả dưới góc độ lý luận và thực tiễn.
Ở góc độ lý luận, cùng với sự phát triển nền kinh tế thị trường, các nhà làm luật đã có sự nhìn nhận đúng đắn hơn về bản chất của quan hệ xã hội để từ đó lựa chọn phương pháp điều chỉnh thích hợp, hiệu quả cao nhất. Trong mối quan hệ giữa luật tư và luật công thì Bộ luật dân sự phải được xác định là đạo luật gốc trong lĩnh vực luật tư. Đây là kinh nghiệm của phần lớn các quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng của pháp luật châu Âu lục địa. Mặt khác, đây là những quan hệ giữa các chủ thể có sự bình đẳng về địa vị pháp lý, vì vậy việc điều chỉnh thống nhất về phương pháp là chính xác và phù hợp. Chính những nguyên tắc và quy định của Bộ luật dân sự (quy định về địa vị pháp lý của các chủ thể, về quyền sở hữu, hợp đồng, trách nhiệm dân sự, sở hữu trí tuệ…) là cơ sở để xây dựng các chế định pháp lý trong các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động. Nói cách khác, các quy định trong các lĩnh vực nêu trên phải đảm bảo tính thống nhất với các nguyên tắc, các quy định của Bộ luật dân sự. Tuy nhiên, căn cứ vào nguyên tắc áp dụng pháp luật, các quy định của các ngành luật chuyên ngành (kinh doanh, thương mại, lao động…) được ưu tiên áp dụng. Trong trường hợp các văn bản pháp luật chuyên ngành không quy định thì ưu tiên áp dụng Bộ luật dân sự. Đây là một nguyên lý đã được khoa học pháp lý thừa nhận khi giải quyết mối quan hệ giữa Luật chung với Luật chuyên ngành. Tuy nhiên, trong thời gian tới, cần nghiên cứu để cụ thể hoá nguyên tắc này trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (được sửa đổi, bổ sung năm 2002).
Bên cạnh đó, một số quy định của Bộ luật dân sự năm 1995 đã điều chỉnh những quan hệ không có tính dân sự (như chế định về hộ tịch, chế định về sở hữu trí tuệ). Điều này xét ở giác độ khoa học pháp lý là không phù hợp vì đó là những quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của các ngành luật khác. Các văn bản pháp luật khác. Nói cách khác, Bộ luật dân sự chỉ nên điều chỉnh những quan hệ thuộc lĩnh vực luật tư, mà trong đó tính tự nguyện, bình đẳng và tự chịu trách nhiệm của các chủ thể là nguyên tắc tối cao.
Ngoài ra, trong xu thế hội nhập quốc tế, những quy định “bó hẹp” trong phạm vi dân sự (hiểu theo nghĩa truyền thống) như Bộ luật dân sự năm 1995 là một xu thế đã lạc hậu, không phù hợp với thực tiễn pháp luật nhiều nước trên thế giới. Để có thể hội nhập quốc tế thì một trong những yêu cầu đặt ra là cần phải có sự tương thích giữa pháp luật quốc gia với thông lệ quốc tế, đó chính là một trong những mục tiêu ban khi hành Bộ luật dân sự năm 2005.
Với ý nghĩa đó, quy định “Bộ luật dân sự quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác; quyền, nghĩa vụ của các chủ thể về nhân thân và tài sản trong các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động” như Điều 1 của Bộ luật dân sự năm 2005 là cần thiết và hợp lý.
Ở góc độ thực tiễn, tính mệnh lệnh trong việc điều chỉnh các quan hệ dân sự (theo nghĩa rộng) ngày càng trở nên mờ nhạt, ví dụ như: giữa các chủ thể kinh doanh thì tính bình đẳng, thoả thuận đã được pháp luật khẳng định hay trong quan hệ giữa Nhà nước với các doanh nghiệp nhà nước hiện cũng đã dần loại bỏ sự can thiệp trực tiếp, mạnh mẽ của Nhà nước… Nói cách khác, sự “giao thoa” giữa các quan hệ mang tính dân sự trên thực tế ngày càng trở nên đa dạng, phức tạp. Thực tiễn cuộc sống đòi hỏi pháp luật phải có những điều chỉnh phù hợp với tính chất của các quan hệ nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.
Ngoài ra, trong quá trình áp dụng Bộ luật dân sự năm 1995, nhiều vấn đề bất cập đã phát sinh, ví dụ như: giữa chế định hợp đồng trong Bộ luật dân sự năm 1995 với chế định hợp đồng trong pháp luật kinh tế (Pháp lệnh hợp đồng kinh tế) vừa mâu thuẫn, vừa chồng chéo… Điều này dẫn đến thực tế là có những quan hệ không thể xác định được đó là quan hệ thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật dân sự hay pháp luật kinh tế. Do vậy, thống nhất pháp luật trong lĩnh vực dân sự là một đòi hỏi khách quan và phù hợp với thực tiễn cuộc sống.
Từ những phân tích trên, có thể nhận thấy, quy định tại Điều 1 của Bộ luật dân sự năm 2005 không chỉ có ý nghĩa khoa học, mà còn có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Với quy định của Bộ luật dân sự năm 2005, chúng ta đã khắc phục được sự bất hợp lý của pháp luật khi điều chỉnh các quan hệ có cùng tính chất dân sự và sự bình đẳng, tự nguyện, thoả thuận giữa các chủ thể khi xác lập, thực hiện quan hệ đó.
Hồ Quang Huy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét