Hiến pháp Hoa Kỳ qui định Quốc hội Hoa Kỳ có quyền quản lý ngoại thương và quyết định về thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, do việc tăng hoặc giảm thuế nhập khẩu, ấn định hạn ngạch nhập khẩu, hoặc đàm phán các hiệp định thương mại quốc tế rất phức tạp và ảnh hưởng đến lợi ích không những của Hoa Kỳ mà còn của các nước khác; nên nhiều trách nhiệm trong những lĩnh vực này đã đuợc Quốc hội uỷ quyền cho các cơ quan hành pháp. Trong quá trình thực hiện những nhiệm vụ được Quốc hội uỷ quyền, các cơ quan hành pháp được uỷ quyền có trách nhiệm tham vấn thường xuyên và chặt chẽ với các uỷ ban có liên quan của Quốc hội và các nhóm cố vấn của khu vự tư nhân.
Quốc hội liên bang
Vai trò của Quốc hội trong chính sách thương mại cơ bản gồm hai phần: ban hành và giám sát thi hành các luật thương mại.
Tất cả các luật thương mại ở Hoa Kỳ đều do Quốc hội ban hành. Quốc hội có thể uỷ quyền cho chính quyền tiến hành các cuộc đàm phán thương mại quốc tế, song tất cả các hiệp định thương mại song phương và đa phương do chính quyền ký kết với các nước đều phải được Quốc hội thông qua mới có hiệu lực thi hành.
Luật thương mại qui định rõ năm thành viên của Uỷ ban Chính sách và Tài chính (Ways and Means Committee) thuộc Hạ viện và năm thành viên của Uỷ ban Tài chính Thượng viện (Finance Committee) được chỉ định là cố vấn của Quốc hội cho các đoàn đàm phán thương mại quốc tế của chính quyền. Văn phòng Đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR) – là cơ quan chủ trì đàm phán thương mại quốc tế của chính quyền – có trách nhiệm cung cấp cho các cố vấn này đầy đủ thông tin về mục tiêu và tình hình các cuộc đàm phán thương mại quốc tế của Hoa Kỳ cũng như những khả năng có thể phải điều chỉnh luật pháp hiện hành của Hoa Kỳ để phù hợp với hiệp định sẽ ký kết.
Quốc hội cũng yêu cầu USTR và Uỷ ban thương mại quốc tế (ITC) của Hoa Kỳ gửi các báo cáo hàng năm để Quốc hội nắm được tình hình thực thi các luật và chương trình thương mại. Đáng chú ý là báo cáo hàng năm của USTR với tiêu đề: “Báo cáo đánh giá thương mại quốc gia về các rào cản ngoại thương” và báo cáo hàng năm của ITC với tiêu đề “Năm thương mại: Hoạt động của chương trình các hiệp định thương mại”.
Để đảm bảo các cơ quan chính quyền triển khai đúng các luật thương mại, Quốc hội yêu cầu các cơ quan này phải thường xuyên tham khảo ý kiến Quốc hội và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để tranh thủ ý kiến của công chúng trước khi trình dự thảo hiệp định hoặc dự thảo luật triển khai.
Ngoài ra, Quốc hội có thể điều tiết và kiểm soát việc thực hiện các luật và chương trình thương mại thông qua quyền phân bổ ngân sách của mình cho các cơ quan chính quyền về thương mại.
Chính quyền liên bang
Chính sách thương mại là nhân tố cơ bản của chính sách kinh tế và ngoại giao của Hoa Kỳ. Do các quyết định về chính sách thương mại có ảnh hưởng sâu rộng đến cả lợi ích trong và nước ngoài nên có nhiều cơ quan chính phủ Hoa Kỳ có vai trò trong hoạch định các chính sách thương mại. Nhiều cơ chế phối hợp liên ngành đã được sử dụng để phối hợp các quan điểm và lợi ích khác nhau nhằm đảm bảo cho chính sách thương mại quốc gia được nhất quán và cân bằng.
Uỷ ban chính sách thương mại (TPC) chịu trách nhiệm chính trong phối hợp chính sách thương mại. TPC bao gồm Trưởng Đại diện thương mại (USTR) là chủ tịch và các thành viên là Bộ trưởng các Bộ Thương mại, Ngoại giao, Nông nghiệp, Tài chính và Lao động. Ngoài ra, đại diện của các cơ quan khác cũng được mời dự họp về chính sách thương mại khi cần thiết.
Chức năng cơ bản của TPC là: giúp Tổng thống thực hiện các chức năng của Tổng thống theo các luật thương mại và cố vấn cho USTR thực hiện các chức năng của USTR; giúp Tổng thống và cố vấn cho USTR trong việc xây dựng và thực hiện các mục tiêu chính sách thương mại quốc tế; và cố vấn cho Tổng thống và USTR trong việc phối hợp giữa các mục tiêu chính sách thương mại quốc tế với các lĩnh vực chính sách lớn khác. Khi cần quyết định của Tổng thống về chính sách thương mại, chủ tịch TPC (USTR) sẽ đệ trình lên Tổng thống các khuyến nghị và lời khuyên của TPC.
Dưới TPC có hai nhóm phối hợp trực thuôc: Nhóm rà soát chính sách thương mại (TPRG) và Uỷ ban tham mưu về chính sách thương mại (TPSC). TPSC bao gồm các quan chức cao cấp của các cơ quan thành viên TPC. TPSC có hơn 60 tiểu ban và nhóm theo lĩnh vực công việc. Các vấn đề không đạt được sự nhất trí trong TPSC hoặc có tầm quan trọng thì sẽ được chuyển sang TPRG để xem xét. TPRG gồm các thành viên cấp thứ trưởng các cơ quan thành viên TPC và phó đại diện USTR. Các vấn đề không đạt được sự nhất trí trong TPRG sẽ được chuyển lên TPC để xem xét.
Nấc cuối cùng trong cơ chế liên ngành về thương mại là Uỷ ban Kinh tế Quốc gia (NEC) do Tổng thổng làm chủ tịch. Các thành viên khác của NEC gồm Phó Tổng thống, các Bộ trưởng Ngoại giao, Tài chính, Nông nghiệp, Thương mại, Lao động, Bộ Phát triển Đô thị và Nhà ở, Giao thông Vận tải, và Năng lượng; Chủ nhiệm Cơ quan Bảo vệ Môi trường; Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ; chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế; Cố vấn An ninh Quốc gia; và các trợ lý Tổng thống về chính sách kinh tế, chính sách đối nội, chính sách khoa học và công nghệ.
Khi các quyết định về chính sách được đưa ra trong cơ chế liên ngành này, USTR sẽ đảm đương trách nhiệm chỉ đạo triển khai thực hiện quyết định đó.
Đại diện Thương mại
Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) là thành viên nội các, mang hàm đại sứ và có những nhiệm vụ sau:
- Chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng và điều phối thực hiện chính sách thương mại quốc tế của Hoa Kỳ;
- Là cố vấn chính cho Tổng thống về chính sách thương mại quốc tế và tư vấn cho Tổng thống về ảnh hưởng của các chính sách của Chính phủ Hoa Kỳ đối với thương mại quốc tế;
- Chịu trách nhiệm lãnh đạo tiến hành và là đại diện chính của Hoa Kỳ trong các cuộc đàm phán thương mại quốc tế, kể cả các cuộc đàm phán về trao đổi hàng hoá và đầu tư trực tiếp;
- Phối hợp chính sách thương mại với các cơ quan khác;
- Là phát ngôn viên chính của Tổng thống về thương mại quốc tế;
- Báo cáo và chịu trách nhiệm trước Tổng thống và Quốc hội về việc điều hành chương trình các hiệp định thương mại, kể cả cố vấn về các hàng rào phi thuế, các hiệp định nông sản quốc tế, và các vấn đề khác liên quan đến chương trình các hiệp định thương maị; và
- Là chủ tịch Uỷ ban chính sách thương mại TPC.
Theo luật, USTR là đại điện cao cấp tại tất cả các cơ quan mà Tổng thống lập ra để cố vấn cho Tổng thống về các chính sách kinh tế trong đó các vấn đề thương mại quốc tế đóng vai trò chủ đạo. Luật cũng qui định USTR tham dự tất cả các hội nghị thượng đỉnh kinh tế và các cuộc họp quốc tế khác mà tại đó thương mại quốc tế là một chủ đề chính. USTR có trách nhiệm lãnh đạo phía Hoa Kỳ tại tất cả các cuộc đàm phán về bất cứ vấn đề gì nằm dưới sự bảo trợ của Tổ chức Thương mại Thế giới. Luật Cạnh tranh và Thương mại Omnibus năm 1988 đã nâng thêm tầm quan trọng của USTR bằng cách phân cấp trách nhiệm thực hiện các hành động theo điều 301 của Luật này từ Tổng thống sang cho USTR. Tuy nhiên, việc thực hiện này phải tuân theo sự chỉ đạo cụ thể của Tổng thống, nếu có.
Văn phòng USTR có hai phó Đại diện, một làm việc tại Washington, D.C và một ở Geneva, Thuỵ Sĩ.
Bộ Thương mại
Trách nhiệm chính về thương mại của Bộ Thương mại tập trung vào Cơ quan Quản lý Thương mại Quốc tế và Cục Quản lý Xuất khẩu.
Cơ quan Quản lý Thương mại Quốc tế có trách nhiệm quản lý nhà nước về ngoại thương đối với các mặt hàng phi nông nhiệp, chỉ đạo và điều hành công tác phát triển xuất khẩu và cơ quan xúc tiến thương mại Hoa Kỳ ở nước ngoài, thực thi luật chống bán phá giá và luật thuế chống bù giá, kiểm soát xuất khẩu, hỗ trợ điều chỉnh thương mại cho các công ty, nghiên cứu và phân tích ngoại thương, và theo dõi việc tuân thủ các hiệp định thương mại quốc tế trong đó Hoa Kỳ là một bên tham gia.
Cục Quản lý Xuất khẩu đặc trách kiểm soát việc xuất khẩu hàng hoá và công nghệ vì lý do an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại, và thiểu cung. Cục Quản lý Xuất khẩu cấp giấy phép xuất khẩu dựa trên các quy chế kiểm soát xuất khẩu.
Cục Hải quan và Bảo vệ Biên giới
Cục Hải quan và Bảo vệ Biên giới trực thuộc Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ. Người đứng đầu Cục này (Commissioner of Customs) do Tổng thống bổ nhiệm và được Quốc hội thông qua.
Cục có chức năng thu thuế nhập khẩu và thi hành hơn 400 luật và các quy định liên quan đến thương mại quốc tế. Một số trách nhiệm của Hải quan bao gồm việc ngăn chặn và tịch thu hàng hoá nhập vào bất hợp pháp; giải quyết thủ tục cho người, tàu chuyên chở, hàng hoá, thư từ vào và ra khỏi Hoa Kỳ; quản lý hạn ngạch và các hạn chế nhập khẩu khác, và hỗ trợ thực thi các luật của Hoa Kỳ về quyền tác giả, quyền sáng chế và thương hiệu.
Uỷ ban Thương mại Quốc tế (Hoa Kỳ)
Uỷ ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (ITC) là một cơ quan độc lập và gần như là toà án. ITC thực hiện các công việc nghiên cứu, báo cáo và điều tra, và khuyến nghị lên Tổng thống và Quốc hội về rất nhiều các vấn đề liên quan đến thương mại quốc tế.
Các nhiệm vụ của ITC được qui định trong các Luật Thuế quan năm 1930, Luật Điều chỉnh Nông nghiệp, Luật Phát triển Thương mại năm 1962, Luật Thương mại năm 1974, Luật về các Hiệp định Thương mại năm 1979, Luật Thương mại và Thuế quan năm 1984, Luật Cạnh tranh và Thương mại Omnibus năm 1988, và Luật về các Hiệp định Vòng Uruguay.
Theo các luật trên, ITC có trách nhiệm cố vấn, điều tra, nghiên cứu, và thu thập và phân tích số liệu thuộc các lĩnh vực: cố vấn đàm phán thương mại; ưư đãi thuế quan phổ cập chung; hạn chế nhập khẩu để hỗ trợ các ngành công nghiệp trong nước; thương mại Đông – Tây; điều tra về thiệt hại do hàng nhập khẩu được trợ giá hoặc bán phá giá gây ra đối với ngành công nghiệp liên quan của Hoa Kỳ (đây là một trong những chức năng chính của ITC); ảnh hưởng của nhập khẩu đối với các chương trình nông nghiệp; các tập quán không công bằng trong thương mại nhập khẩu; xây dựng hệ thống dữ liệu thống kê thống nhất; các vấn đề liên quan đến biểu thuế nhập khẩu của Hoa Kỳ; nghiên cứu thương mại quốc tế; lập các báo cáo tóm tắt về thương mại và thuế quan.
Theo Điều 337 của Luật Thuế quan năm 1930, ITC có quyền ra lệnh thực thi các hành động để cứu trợ ngành công nghiệp trong nước trong tình huống khẩn cấp do những biện pháp hoặc hành động cạnh tranh không bình đẳng của hàng nhập khẩu gây ra. Tuy nhiên, Tổng thống có quyền phủ quyết những hành động do ITC đưa ra.
ITC có sáu uỷ viên, trong đó có không quá ba uỷ viên từ một đảng chính trị. Nhiệm kỳ của các uỷ viên là chín năm, trừ trường hợp được bổ nhiệm thay thế người chưa hết nhiêm kỳ. Các uỷ viên đã phục vụ trên 5 năm có thể không được bổ nhiệm lại. Chủ tịch và phó chủ tịch được Tổng thống bổ nhiệm với nhiệm kỳ 2 năm. Chủ tịch kế nhiệm phải là người thuộc đảng chính trị khác với chủ tịch hết nhiệm kỳ.
Các Uỷ ban Cố vấn Tư nhân hoặc Chính phủ
Năm 1974, Quốc hội Hoa Kỳ đã thành lập hệ thống uỷ ban cố vấn khu vực tư nhân để đảm bảo rằng các chính sách thương mại và các mục tiêu đàm phán thương mại của Hoa Kỳ phản ánh thoả đáng các lợi ích thương mại và kinh tế của Hoa Kỳ. Gần 30 năm qua, Quốc hội đã mở rộng và nâng tầm vai trò của hệ thống này, đến nay bao gồm 33 uỷ ban cố vấn, với số thành viên cố vấn xấp xỉ 1.000 người.
USTR quản lý một cơ cấu uỷ ban cố vấn ba cấp. Các uỷ ban này họp thường kỳ, thu thập những thông tin nhậy cảm về các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra và các vấn đề chính sách thương mại khác, và báo cáo lên Tổng thống ý kiến của mình về tất cả các hiệp định thương mại được ký kết theo luật thương mại Hoa Kỳ.
Cấp cao nhất, Uỷ ban Cố vấn Chính sách và Đàm phán Thương mại (ACTPN), là một cơ quan gồm 45 thành viên do Tổng thống bổ nhiệm bao gồm đại diện của Chính phủ, công đoàn, công nghiệp, nông nghiệp, doanh nghiệp nhỏ, dịch vụ, bán lẻ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, và công chúng. Nhóm này, được triệu tập họp theo yêu cầu của USTR, xem xét các vấn đề chính sách thương mại trong bối cảnh tổng thể lợi ích quốc gia.
Cấp thứ hai bao gồm 7 uỷ ban cố vấn chính sách, đại diện cho các lĩnh vực kinh tế nói chung, như công nghịêp, nông nghiệp, công đoàn, và dịch vụ. Vai trò của cấp này là cố vấn cho chính phủ về những ảnh hưởng của các bịên pháp thương mại đối với các lĩnh vực tương ứng của họ.
Cấp thứ ba bao gồm 25 uỷ ban cố vấn phân theo lĩnh vực, chức năng, và kỹ thuật, bao gồm các chuyên gia từ các lĩnh vực khác nhau. Các chuyên gia này cung cấp thông tin và ý kiến kỹ thuật cụ thể về các vấn đề thương mại liên quan đến lĩnh vực cụ thể của họ. Các thành viên của cấp thứ hai và cấp thứ ba do USTR và các bộ trưởng của các bộ hoặc cơ quan có liên quan bổ nhiệm.
============
Source: Thương vụ thương mại Việt Nam Tại Hoa Kỳ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét