Thứ Hai, 17 tháng 9, 2007

Một số luật bảo vệ người tiêu dùng ở Hoa Kỳ

Các công ty kinh doanh tại Hoa Kỳ cần phải biết rằng Hoa Kỳ có rất nhiều luật để bảo vệ người tiêu dùng. Những luật này được áp dụng cho gần như mọi sản phẩm sản xuất, phân phối hay bán trên thị trường này.

Các nguồn luật bảo vệ người tiêu dùng bao gồm các luật của liên bang và các bang. Hoa Kỳ theo hệ thống luật Anh - Mỹ (common law system - hay được dịch là hệ thống thông luật) nên các phán quyết của tòa án diễn giải các luật bảo vệ người tiêu dùng cũng trở thành luật.

Luật về trách nhiệm đối với sản phẩm
Theo thông luật bảo vệ người tiêu dùng (Common Law Consumer Protection) hay còn gọi là Luật về trách nhiệm đối với sản phẩm (Products Liability Law), cơ quan luật pháp Hoa Kỳ yêu cầu các nhà sản xuất, phân phối và bán lẻ phải có trách nhiệm đối với thương tật và thiệt hại do những khuyết tật của sản phẩm gây ra cho người sử dụng hoặc những người ở gần sản phẩm đó. Trách nhiệm sản phẩm thường dựa trên các nguyên tắc pháp lý về sự bất cẩn, vi phạm bảo hành hoặc trách nhiệm tuyệt đối.

Theo nguyên tắc “trách nhiệm tuyệt đối”, nhà sản xuất, phân phối hay bán lẻ có thể phải chịu trách nhiệm đối với những thương tật do khuyết tật của sản phẩm gây ra, bất kể đã áp dụng các biện pháp đề phòng. Nói chung, khi nói đến trách nhiệm sản phẩm, người ta phân thành 3 loại khuyết tật: khuyết tật sản xuất (khi sản phẩm sai lệch với thiết kế gốc mặc dù đã thực hiện tất cả những biện pháp cẩn trọng trong quá trình sản xuất và marketing); lỗi thiết kế (khi thiệt hại do sản phẩm gây ra có thể tránh hoặc được giảm nhẹ bằng một mẫu thiết kế hợp lý khác); và lỗi cảnh báo không đầy đủ (khi thiệt hại nhẽ ra có thể tránh hoặc giảm nhẹ bằng việc sử dụng những chỉ dẫn hay cảnh báo phù hợp). Mặc dù đây là những cách thông thường nhất để quyết định có hay không khuyết tật sản phẩm, song luật của các bang có thể khác nhau trong việc quyết định khuyết tật sản phẩm.

Bồi thường và nộp phạt gần 370 triệu USD

do lỗi thiết kế kỹ thuật

Một bồi thẩm đoàn ở hạt San Diego (Hoa Kỳ) ngày 3/6/2004 đã ra phán quyết buộc một hãng xe hơi Hoa Kỳ phải trả cho một phụ nữ bị tai nạn khi lái xe do hãng này sản xuất số tiền kỷ lục là gần 369 triệu USD, gồm 246 triệu tiền phạt và 122,6 triệu tiền bồi thường.

Theo luật sư của bên nguyên trong vụ kiện này, một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn thuộc về lỗi kỹ thuật thiết kế xe. Chiếc xe có trọng tâm cao, có khoảng cách giữa bánh xe trước và sau hẹp khiến người lái khó kiểm soát được tay lái trong những lúc quẹo cua gắt.

Vào tháng 1 năm 2002, trên xa lộ liên bang phía đông San Diego, chủ nhân chiếc xe bị tai nạn này đã tránh một chướng ngại vật trên đường và bị mất kiểm soát tay lái dẫn đến xe bị lật mấy vòng. Khi xe bị lật mui xe đã sụp xuống đè lên người nạn nhân làm bà ta bị liệt nửa người.

Không chỉ nhà sản xuất, mà các nhà phân phối và bán lẻ những sản phẩm có khuyết tật cũng có thể bị quy trách nhiệm một cách nghiêm khắc. Trong những trường hợp nhất định, các nhà phân phối và bản lẻ có thể chuyển trách nhiệm cho nhà sản xuất. Do vậy, việc soạn thảo hợp đồng và đơn mua hàng một cách cẩn thận có vai trò quan trọng trong vấn đề này. Nhà sản xuất, phân phối và bán lẻ có thể được giảm nhẹ hoặc thậm chí miễn trách trong một số trường hợp, ví dụ như trong trường hợp khách hàng sử dụng sai hoặc thay đổi sản phẩm.

Nói chung, theo luật trách nhiệm sản phẩm, “sản phẩm” là một thuật ngữ khá rộng. Tuy nhiên, các dịch vụ đơn thuần không được coi là sản phẩm.

Công ty nước ngoài có thể phải chịu thẩm phán của tòa án Hoa Kỳ về trách nhiệm sản phẩm ngay cả khi công ty đó rất ít làm ăn trực tiếp tại Hoa Kỳ. Ví dụ, một công ty nước ngoài mặc dù không hề có mối liên hệ trực tiếp với Hoa Kỳ, song nếu chi nhánh của nó phân phối các sản phẩm có khuyết tật tại Hoa Kỳ thì công ty đó vẫn có thể phải chịu trách nhiệm đối với sản phẩm có khuyết tật.

Hàng hóa sản xuất ở nước ngoài bị phát hiện có khuyết tật có khả năng gây hại cho người sử dụng sẽ không được phép nhập khẩu vào Hoa Kỳ hoặc phải thu hồi (nếu như đã bán cho người tiêu dùng) để sửa chữa hoặc thay thế miễn phí. Những trường hợp như vậy chắc chắn sẽ gây tổn hại về kinh tế hoặc bị kiện tụng cho người nhập khẩu, phân phối, hoặc bán lẻ. Để tránh những tổn thất này, chắc chắn các nhà nhập khẩu, phân phối hoặc bán lẻ phải rất cẩn thận trong việc lựa chọn nguồn cung cấp.

Các luật liên bang bảo vệ người tiêu dùng

Hoa Kỳ có rất nhiều đạo luật liên bang bảo vệ người tiêu dùng. Mỗi đạo luật được thực thi và giám sát bởi một cơ quan chính phủ liên bang. Sau đây là một số cơ quan và những đạo luật chính liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng.

Ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng Hoa Kỳ
Ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng Hoa Kỳ (CPSC) là một cơ quan liên bang độc lập được thành lập theo Luật An toàn Sản phẩm Tiêu dùng (CPSA). Bằng luật này, Quốc hội giao trách nhiệm cho CPSC “bảo vệ công chúng tránh nguy cơ bị thương hay tử vong liên quan đến các sản phẩm tiêu dùng”. Không phải tất cả các sản phẩm tiêu dùng đều thuộc thẩm quyền của CPSC, song cơ quan này chịu trách nhiệm quản lý hơn 15 ngàn loại sản phẩm. Danh mục các sản phẩm này có thể tìm thấy trên trang web của CPSC tại địa chỉ là: www.cpsc.gov/. Trang web này cũng hướng dẫn đầy đủ các yêu cầu của các đạo luật liên quan và cách thử nghiệm sản phẩm để đảm bảo phù hợp với các tiêu chuẩn qui định. CPSC thực hiện trách nhiệm trên bằng cách:

- Xây dựng các tiêu chuẩn tự nguyện cho các ngành công nghiệp;

- Ban hành và thực thi các tiêu chuẩn bắt buộc;

- Thông báo cho các cơ sở sản xuất biết và hướng dẫn họ thực hiện các yêu cầu về tiêu chuẩn sản phẩm thông qua các hình thức như hội thảo hoặc gửi thông báo;

- Cấm các sản phẩm tiêu dùng nếu các sản phẩm đó không có các tiêu chuẩn có tính khả thi để bảo vệ thích đáng công chúng;

- Kiểm tra và đưa ra lệnh thu hồi sản phẩm có khuyết tật hoặc yêu cầu những sản phẩm đó được sửa chữa.

- Tiến hành nghiên cứu về các sản phẩm có thể gây nguy hại;

- Cung cấp thông tin và hướng dẫn người tiêu dùng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, chính quyền bang và địa phương, các tổ chức tư nhân, và bằng cách trả lời các câu hỏi của người tiêu dùng.

Dưới đây là một số luật liên bang thuộc thẩm quyền thực thi của CPSC. Mặc dù chưa đủ, song qua các luật này, chúng ta có thể hiểu được những chức năng chủ yếu của CPSC cũng như mối liên hệ của cơ quan này đối với việc sản xuất và phân phối sản phẩm tiêu dùng tại Hoa Kỳ.

Luật An toàn Sản phẩm Tiêu dùng (Consumer Product Safety Act)

Theo định nghĩa trong CPSA, các sản phẩm tiêu dùng là những vật phẩm hay các bộ phận của những vật phẩm đó được sản xuất, phân phối hoặc có công dụng để sử dụng lâu dài hoặc tạm thời trong và xung quanh hộ gia đình hay khu cư xá, trường học, nơi vui chơi hay những nơi khác. Những sản phẩm không nằm trong phạm vi điều chỉnh của CPSA bao gồm máy bay, động cơ và thiết bị máy bay, một số loại tàu và thuyền, mỹ phẩm, dược phẩm, súng đạn, thực phẩm, xe động cơ và thiết bị xe động cơ, các loại thuốc trừ sâu và các sản phẩm thuốc lá.

CPSC được phép đề ra các tiêu chuẩn an toàn sản phẩm liên quan đến sự vận hành, thành phần, nội dung, thiết kế, sản xuất, hoàn tất, đóng gói và dán nhãn. Nguyên tắc chung là nhà sản xuất sản phẩm tiêu dùng là đối tượng của quy định này phải phát hành giấy chứng nhận khảng định hàng phù hợp với các tiêu chuẩn qui định và phải dán nhãn trên sản phẩm ghi rõ ngày và nơi sản xuất sản phẩm, tên và địa chỉ của nhà sản xuất, chứng nhận tuân thủ các luật lệ áp dụng và mô tả ngắn gọn các luật lệ đó.

Hình thức chủ yếu để trừng phạt việc không tuân thủ các quy định của CPSA là từ chối không cho nhập hàng vào Hoa Kỳ. Ngoài ra, CPSC có thể tiến hành các thủ tục bắt giữ hoặc cảnh báo sản phẩm nếu sản phẩm đó được coi là có thể gây nguy hiểm. Khi CPSC xác định một sản phẩm nguy hiểm, CPSC có thể yêu cầu nhà sản xuất thông báo cho công chúng biết khuyết tật hoặc sự không phù hợp của sản phẩm đó và yêu cầu nhà sản xuất hoặc phải sửa chữa, thay thế sản phẩm hoặc trả lại tiền cho người tiêu dùng. Ngoài ra, nhà sản xuất vi phạm luật lệ và có sản phẩm gây tổn thương cho người sử dụng có thể bị phạt về dân sự hay hình sự.

Cũng cần lưu ý rằng việc tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn sản phẩm của CPSA không có nghĩa là nhà sản xuất được miễn trách đối với người bị sản phẩm làm tổn thương. Tương tự như vây, các nhà xản xuất vẫn phải chịu trách nhiệm về an toàn sản phẩm đối với những mặt hàng không phải tuân thủ các tiêu chuẩn bắt buộc của CPSC.

Thu hồi lò sưởi điện

Ngày 17 tháng 3 năm 2004, CPSC và nhà sản xuất ở Chicago, bang Illinois đã ra thông báo số 04-098 thu hồi 150.000 lò sưởi điện do hãng này sản xuất đã được tiêu thụ ở Hoa Kỳ với giá từ 30 đến 40 USD/chiếc trong giai đoạn từ tháng 8 năm 1996 đến tháng 2 năm 2004.

Mặc dù chưa có trường hợp tai nạn nào liên quan đến sản phẩm này được phản ảnh, song CPSC và Công ty đã quyết định thu hồi sản phẩm sau khi phát hiện các mối nối điện bên trong lò sưởi có thể bị lỏng dẫn đến các bộ phận kim loại của lò sưởi có thể bị nhiễm điện gây nguy hiểm cho người dùng. Người tiêu dùng được khuyến cáo không nên tiếp tục dùng sản phẩm này, và liên hệ với Công ty để được sửa chữa miễn phí hoặc thay thế sản phẩm mới.

Phạt do không thông báo khuyết tật sản phẩm

Ngày 7 tháng 6 năm 2001 CPSC đã ra thông báo số 01-167 phạt công ty sản xuất đồ chơi ở Los Angeles 1,1 triệu USD do lỗi không báo cáo về khuyết tật của loại xe đồ chơi có bánh chạy bằng ắc qui. Khuyết tật trong phần điện đã gây cháy, làm bỏng người sử dụng và thiệt hại về vật chất. Sản phẩm này cũng còn có khuyết tật trong hệ thống điều khiển dẫn đến một số xe không dừng lại được và đã đâm vào các vật thể khác gây tai nạn cho người và thiệt hại về vật chất.

Luật liên bang về các chất nguy hiểm (Federal Hazardous Substances Act)

Luật liên bang về các chất nguy hiểm do CPSC giám sát thực thi, quy định về việc dán nhãn những sản phẩm độc hại dùng trong gia đình có thể gây thương tích hoặc bệnh tật đáng kể cho người sử dụng khi sử dụng chúng một cách bình thường và hợp lý. Các chất đó bao gồm các chất độc, chất ăn mòn, chất dễ cháy hoặc nổ, chất gây khó chịu cho người, hoặc chất gây nhậy cảm mạnh. Ngoài các thông tin hướng dẫn cách bảo quản và sử dụng, nhãn hàng còn phải hướng dẫn các biện pháp sơ cứu nếu xẩy ra tai nạn.

Luật này cũng cho phép CPSC cấm những sản phẩm quá nguy hiểm hoặc độc hại đến mức mà việc thực hiện đầy đủ những qui định về nhãn hàng cũng không bảo vệ được thích đáng người tiêu dùng, trong đó có các loại đồ chơi trẻ em có chứa chất nguy hiểm hoặc gây nguy hiểm do điện, nhiệt, hoặc cơ khí.

Để xác minh việc tuân thủ các quy định của Luật liên bang về các chất nguy hiểm, CPSC có thể điều tra các địa điểm sản xuất, chế biến, đóng gói, kho phân phối hoặc chứa hàng nhập khẩu. CPSC cũng có thể kiểm tra các phương tiện dùng để vận chuyển hoặc cất giữ các chất nguy hiểm. Các sản phẩm không tuân thủ các yêu cầu về nhãn hàng của Luật liên bang về các chất nguy hiểm sẽ không được nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Nếu sau khi dán lại nhãn mà vẫn không đạt yêu cầu, hàng sẽ phải tái xuất nếu không sẽ bị tiêu hủy.

Luật về vải dễ cháy (Flammable Fabrics Act)

CPSC cũng giám sát thực thi Luật về vải dễ cháy. Luật này nghiêm cấm việc nhập khẩu, sản xuất, vận chuyển hay bán các loại quần áo, đồ trang trí nội thất, vải hay các chất liệu liên quan không phù hợp với các tiêu chuẩn phòng cháy do CPSC đề ra. Việc không tuân thủ đạo luật về vải dễ cháy có thể dẫn đến việc tịch thu hay sung công sản phẩm. Ngoài ra, CPSC có thể áp dụng các hình phạt dân sự hoặc hình sự ở mức nhẹ nếu cố ý vi phạm các quy định trong luật về vải dễ cháy.

Luật về an toàn tủ lạnh gia đình (Household Refrigerator Safety Act)

CPSC cũng giám sát thực hiện Luật về an toàn tủ lạnh gia đình. Theo đó, các tủ lạnh gia đình được vận chuyển trong lưu thông thương mại giữa các bang phải có một thiết bị cho phép tủ lạnh được mở từ bên trong. Vi phạm luật này có thể dẫn tới phạt dân sự hay hình sự hoặc cả hai.

Luật về đóng gói phòng ngộ độc (Poison Prevention Packaging Act)

Luật về đóng gói phòng ngộ độc ban hành năm 1970 đưa ra các quy định về dán nhãn và đóng gói những sản phẩm gia dụng có nguy cơ gây tai nạn ngộ độc hay thương tổn nghiêm trọng cho trẻ em và người già. Những sản phẩm thuộc diện điều chỉnh của luật này phải được đóng gói sao cho trẻ em dưới 5 tuổi trong khoảng thời gian hợp lý khó có thể mở hoặc tiếp cận một khối lượng có thể gây nguy hiểm, đồng thời không được khó cho những người lớn bình thường. CPSC có những qui định cụ thể về tiêu chuẩn đóng gói đối với những hàng hóa thuộc diện điều chỉnh của luật này.

Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm
Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm (FDA) có nhiệm vụ bảo đảm thực phẩm an toàn và không có độc tố, mỹ phẩm không gây hại, thuốc men, các thiết bị y tế, và các sản phẩm tiêu dùng có phát phóng xạ (như lò vi sóng) an toàn và hiệu quả. Cơ quan này cũng kiểm tra thức ăn cho các vật nuôi trong gia đình và tại các nông trường và quy định các loại dược phẩm dùng cho các súc vật này. FDA thực thi Đạo luật về thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm (Food, Drug and Cosmetic Act - FDCA) và một vài luật khác về y tế cộng đồng. Hàng năm, cơ quan này kiểm tra việc sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, lưu giữ và bán hàng trị giá khoảng 1 nghìn tỷ USD.

Luật về thực phẩm, dược phẩm, và mỹ phẩm

Luật này không cho phép nhập khẩu vào Hoa Kỳ bất kỳ sản phẩm nào nếu sản phẩm đó (1) được sản xuất, chế biến hay đóng gói trong những điều kiện không vệ sinh; (2) bị cấm hay hạn chế bán ở nước mà sản phẩm đó được sản xuất hay xuất khẩu; (3) chưa được chấp nhận là một loại thuốc mới; hoặc (4) bị pha trộn hoặc dán nhãn sai. Mặc dù FDA có thể không đưa ra quyết định về việc hàng có đảm bảo các quy định của Đạo luật FDCA hay không trước khi giám định hàng tại cảng đến, song các công ty có thể gửi hàng mẫu tới FDA để FDA kiểm tra xem liệu sản phẩm đó có đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định hay không. Các sản phẩm không tuân theo các quy định của FDA sẽ không được nhập cảng, bị tạm giữ và hủy nếu sản phẩm đó không được tái xuất. Ngoài ra, các hình phạt hình sự có thể được áp dụng.

Luật chống khủng bố sinh học

Luật An ninh Y tế và Sẵn sàng Đối phó với Khủng bố Sinh học năm 2002 (Public Health Security and Bioterrorism Preparedness and Response Act of 2002), gọi tắt là Luật Chống Khủng bố Sinh học (the Bioterrorism Act) được Tổng thống Hoa Kỳ G.W. Bush ký ngày 12/6/2002 nhằm tiến hành và áp dụng các biện pháp cần thiết để đối phó với nguy cơ khủng bố nhằm vào nguồn cung thực phẩm cho người và động vật tại Hoa Kỳ.

Theo Luật này, các sở sản xuất/chế biến, đóng gói, hoặc bảo quản thực phẩm dành cho người và động vật tại Hoa Kỳ sử dụng phải đăng ký cơ sở với FDA. Trong trường hợp có nguy cơ hoặc xảy ra khủng bố sinh học hoặc phát sinh ốm đau do thực phẩm gây ra, các thông tin đăng ký cơ sở sẽ giúp cho FDA xác định địa điểm và nguồn gốc sự kiện và thông báo nhanh chóng đến các cơ sở có thể bị ảnh hưởng

Cơ quan bảo vệ môi trường (EPA)

Nhiệm vụ của cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ là bảo vệ sức khỏe con người và bảo vệ môi trường thiên nhiên: không khí, nước và đất.

Có một số sản phẩm nhập khẩu nằm dưới sự kiểm soát của EPA. Cơ quan này giám sát thực thi Luật kiểm soát chất độc (Toxic Substances Control Act) và Luật kiểm soát thuốc trừ sâu môi trường (Environmental Pesticide Control Act).

Luật kiểm soát chất độc

Luật này hạn chế việc nhập khẩu các chất có nguy cơ gây nguy hiểm không hợp lý đối với sức khỏe hay môi trường. Luật này xác lập một chương trình quốc gia để bảo vệ con người và môi trường tránh những nguy hại do chất độc gây ra. Luật này cho phép từ chối việc nhập vào Hoa Kỳ bất kỳ chất nào vi phạm đạo luật này. Nếu nhà nhập khẩu không tái xuất, chất độc vi phạm luật có thể bị hủy hay thu giữ, và nhà nhập khẩu phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại và phí tổn từ việc hủy chất độc đó. Vi phạm đạo luật kiểm soát chất độc có thể dẫn đến phạt dân sự trên cơ sở thiệt hại được đánh giá hàng ngày hoặc các hình phạt hình sự nếu cố tình vi phạm.

Luật kiểm soát thuốc trừ sâu môi trường

Luật này quy định các thủ tục dán nhãn và đóng gói đối với các loại thuốc trừ sâu. Khi nhập khẩu thuốc trừ sâu, người nhập khẩu phải thông báo và gửi mẫu cho Cơ quan bảo vệ môi trường. Hàng bị pha tạp, dán nhãn sai hay vi phạm các quy định khác của luật kiểm soát thuốc trừ sâu môi trường sẽ không được phép nhập vào Hoa Kỳ. Vi phạm luật này có thể bị phạt dân sự hoặc phạt hình sự nếu cố tình vi phạm.

Cục quản lý rượu, thuốc lá, và súng cầm tay

Cục quản lý rượu, thuốc lá, và súng cầm tay (ATF) là một cơ quan thực thi pháp luật nằm trong Bộ Tài chính Hoa Kỳ có trách nhiệm giảm tội phạm bạo lực, thu ngân sách, và bảo vệ dân chúng. ATF thực thi các luật và quy định liên bang liên quan đến rượu, thuốc lá, các loại súng cầm tay, chất nổ và chất cháy.

Việc bán hàng, quảng cáo và dán nhãn các đồ uống có cồn (rượu mùi, rượu vang...) được điều chỉnh bởi Luật quản lý rượu liên bang (Federal Acohol Administration Act) do Bộ trưởng Bộ Tài chính giám sát. Các vi phạm được đánh giá hàng ngày và có thể bị phạt dân sự. Các bang cũng có nhiều điều luật riêng đối với những đồ uống này.

ủy ban thương mại liên bang (FTC)

FTC giám sát thi hành nhiều luật bảo vệ người tiêu dùng và luật chống độc quyền của liên bang. Vai trò của FTC trong việc chống độc quyền là điều tra các chứng cớ về sự độc quyền trên thị trường, trong đó có việc định giá mang tính cưỡng ép. Các luật chống độc quyền về cơ bản là để nhằm kiểm soát việc thủ tiêu cạnh tranh, trong đó có thỏa thuận hạn chế mua bán. FTC tìm cách đảm bảo thị trường trong nước vận hành một cách hiệu quả và có tính cạnh tranh, không bị những hạn chế không chính đáng. FTC thúc đẩy sự vận hành trôi chảy của thị trường bằng cách loại bỏ những hành vi không công bằng hay có tính chất lừa đảo. Nói tóm lại, các nỗ lực của FTC trong vấn đề chống độc quyền là để ngăn các hành động đe dọa đến cơ hội được lựa chọn của người tiêu dùng.

FTC có trách nhiệm giám sát thi hành nhiều luật về dán nhãn để bảo vệ người tiêu dùng, trong đó có Luật về dán nhãn các sản phẩm len (Wool Products Labelling Act), Luật về dán nhãn các sản phẩm từ da lông thú (Fur Products Labelling Act) và Luật phân biệt các sản phẩm sợi dệt (Textile Fiber Products Indentification Act). Nói chung, những luật này quy định những nguyên tắc cụ thể cho việc dán nhãn sản phẩm. FTC cũng giám sát việc dán nhãn thuốc lá theo Luật về quảng cáo và dán nhãn thuốc lá liên bang (Federal Cigarette Labelling and Advertising Act). Luật này quy định các nhà sản xuất, đóng gói và nhập khẩu phải báo cáo cho Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân dân các thành phần của thuốc lá.

Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải (DOT) và Cục an toàn giao thông đường cao tốc quốc gia (NHTSA)

Bộ trưởng giao thông vận tải ban hành các tiêu chuẩn an toàn cho việc nhập khẩu các loại xe và thiết bị có động cơ. Tuân thủ các tiêu chuẩn về an toàn là điều kiện tiên quyết cho việc nhập khẩu các loại xe có động cơ vào Hoa Kỳ. Ngoài ra, luật liên bang đặt trách nhiệm cho các nhà sản xuất phải bồi thường những vi phạm về tiêu chuẩn an toàn cũng như những khuyết tật liên quan đến an toàn được phát hiện sau khi nhập khẩu.

Các loại xe cộ khác như nhà và thuyền di động được điều chỉnh bởi Luật tiêu chuẩn an toàn và xây dựng nhà di động quốc gia và Subtitle II (Vessels and Seamen) thuộc Tille 46 của U.S. Code.

Cục an toàn giao thông đường cao tốc quốc gia (NHTSA) thuộc Bộ Giao thông vận tải Hoa Kỳ, thực hiện các chương trình an toàn theo Luật năm 1966 về an toàn xe có động cơ và giao thông quốc gia và Luật năm 1966 về an toàn trên đường cao tốc. NHTSA cũng thực hiện các chương trình dành cho người tiêu dùng theo Luật năm 1972 về tiết kiệm chi phí và thông tin về xe có động cơ.

An toàn xe hơi ở Hoa Kỳ

Kể từ năm 1960 đến nay, ở Hoa Kỳ đã có trên 40 nghìn vụ (riêng giai đoạn 2000- 2003 là 4.455 vụ) các hãng sản xuất ô tô phải thu hồi sản phẩmcủa mình để thay thế các bộ phận có khuyết tật không đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Bộ Nông nghiệp

Bộ nông nghiệp Hoa Kỳ giám sát thực thi các quy định về kiểm dịch đối với việc nhập khẩu thực vật và các sản phẩm thực vật, vật nuôi, thịt và gia cầm, các sản phẩm sản xuất từ động vật, trong đó có lông chim và da động vật sống. Các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu phải tuân theo các tiêu chuẩn về cấp, kích cỡ, chất lượng và độ chín. Nhập khẩu các loại chim và động vật sống được kiểm soát rất chặt chẽ và phải tuân theo các quy định về kiểm dịch. Bất kỳ loại chim hay động vật sống nào cũng là đối tượng của Luật về các loài có nguy cơ diệt chủng (Endangered Species Law) và các luật liên quan đến tính hợp pháp của việc bắt, giữ hoặc xuất khẩu chim hoặc động vật.

Luật về bảo đảm bảo hành cho người tiêu dùng

Các công ty quan tâm đến kinh doanh tại Hoa Kỳ cần phải biết Luật bảo hành Magnuson-Moss (MMWA). Ngoài những luật về bảo hành cho người tiêu dùng ở các bang, luật liên bang này được ban hành nhằm làm cho dễ hiểu hơn và tăng thêm trách nhiệm bảo hành hàng tiêu dùng. Theo luật này, hàng tiêu dùng được định nghĩa là những tài sản cá nhân hữu hình được lưu thông trong thương mại và thông thường được dùng cho cá nhân, gia đình hay hộ gia đình. Bất kỳ người tiêu dùng nào bị thiệt hại do việc người bảo hành không thực hiện nghĩa vụ bảo hành của mình có thể khởi kiện tại tòa án bang hay liên bang.

Ngoại lệ đối với hàng hóa quá cảnh

Những sản phẩm nhập khẩu vào Hoa Kỳ để tái xuất không phải là đối tượng của các luật bảo vệ người tiêu dùng của nước này. Tuy nhiên, những sản phẩm đó phải được dán nhãn là hàng tạm nhập để tái xuất và không có nguy cơ gây thương tổn đối với người tiêu dùng Hoa Kỳ.

Luật các bang bảo vệ người tiêu dùng

Các doanh nghiệp cũng cần biết rằng sản phẩm của mình có thể là đối tượng của rất nhiều luật và quy định của bang mà trong một số trường hợp có thể còn khắt khe hơn các quy định tương ứng của luật liên bang. Trước khi đưa một sản phẩm nào đó vào một bang cụ thể, việc xem xét cẩn thận các luật liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng của bang đó là một việc làm rất cần thiết.

=========

SOURCE: THƯƠNG VỤ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM TẠI HOA KỲ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến