Sự chồng lấn trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) hiện đang là vấn đề mà công chúng chưa nhận thức được một cách đầy đủ. Đây không chỉ là vấn đề của riêng nước ta mà nhiều nước phát triển trên thế giới cũng đang phải đối mặt. Để hạn chế, giảm thiểu và giải quyết những vấn đề nảy sinh do sự chồng lấn trong bảo hộ quyền SHTT gây ra, tác giả đưa ra một số nguyên tắc có thể được áp dụng và điều chỉnh tuỳ từng trường hợp cụ thể cho hợp lý và khả thi.
SHTT đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích và thúc đẩy sáng tạo, biểu đạt tư tưởng và đầu tư cũng như dung hoà lợi ích giữa các chủ thể quyền và cộng đồng xã hội nói chung. Quyền SHTT là những tài sản rất có giá trị trong các định chế kinh tế khu vực và toàn cầu, đặc biệt là trong các quá trình đàm phán của WTO1. “Các tài sản trí tuệ đang là cơ sở để đánh giá sự trụ vững và hoạt động trong tương lai của doanh nghiệp. Năm 1982, khoảng 62% tài sản của các doanh nghiệp Hoa Kỳ là các tài sản hữu hình thì cho đến năm 2000, con số này đã giảm xuống chỉ còn gần 30%”2. Một điều tra được thực hiện trong năm 1993 đối với 284 doanh nghiệp Nhật Bản cho thấy, tài sản trí tuệ đã chiếm tới 45,2% tổng số tài sản tích luỹ trong báo cáo của doanh nghiệp. Những số liệu này cho thấy một nền kinh tế dựa trên “gạch và vữa” đang chuyển dần sang xây dựng trên nền tảng của các ý tưởng sáng tạo mới hay những viên gạch thông tin, và trong nền kinh tế tri thức đó, quyền SHTT chính là “tiền tệ” cho các giao dịch3.
Tầm quan trọng của SHTT với ý nghĩa là một công cụ để phát triển kinh tế có thể được gắn với chính sự phát triển nội tại của quyền SHTT. Hiện nay, các hệ thống pháp lý quốc tế và nội địa đang chứng kiến sự mở rộng của các quyền SHTT, dưới cả hai góc độ: Đối tượng được bảo hộ và bản chất của quyền được bảo hộ. Việc mở rộng các quyền SHTT được bảo hộ, một mặt làm tăng phạm vi bảo hộ cho các chủ thể quyền và chủ sở hữu quyền, mặt khác gây khó khăn cho các nhà làm luật, thẩm phán và các cơ quan thực thi trong việc phân định và phân biệt các ranh giới của các quyền SHTT, từ đó gây khó khăn cho công tác thực thi và khai thác lợi ích của các sản phẩm và sáng tạo trí tuệ.
Nguyên nhân dẫn đến sự chồng lấn trong việc bảo hộ quyền SHTT
Đa phần các học giả đều thống nhất rằng, sự mở rộng các đối tượng được bảo hộ dưới danh nghĩa quyền SHTT chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự hội tụ và đồng quy (convergence and concurrence) của các quyền SHTT. Các tình huống dẫn tới sự hội tụ của các quyền SHTT, theo đó các quyền SHTT vốn được bảo hộ theo nhiều chế định khác nhau có thể được bảo hộ theo cùng một kiểu hành vi, ngày càng xuất hiện rõ nét hơn4.
Câu hỏi đặt ra là: Những yếu tố nào tạo ra sự chồng lấn trong việc bảo hộ các quyền SHTT? Về bản chất, SHTT hiểu theo nghĩa rộng là các quyền pháp lý phát sinh từ các hoạt động trí tuệ trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, khoa học, văn học và nghệ thuật5. Bản thân các lĩnh vực này cũng đang có sự hội tụ lẫn nhau, dẫn đến việc có sự hội tụ của các đối tượng SHTT. Giáo sư Robert P. Mergers đã chỉ ra rằng: “Việc các đường phân định theo các học thuyết truyền thống đang bị làm mờ đi có thể thấy được qua thực tiễn của pháp luật về SHTT. Các giao dịch quan trọng và các vụ việc ngày càng đòi hỏi các công ty công nghệ cao phối hợp nhiều loại hình công nghệ phức tạp, nhiều lĩnh vực của luật SHTT và luật chống độc quyền cùng một lúc. Các vấn đề liên quan tới công nghệ máy tính, ví dụ, đòi hỏi luật sư cùng một lúc phải chỉ ra được các vấn đề về bí mật thương mại, quyền tác giả, sáng chế và chống độc quyền; công nghệ sinh học thì đưa ra một loạt vấn đề thách thức về sáng chế và bí mật thương mại”6. Nói một cách ngắn gọn, sự hội tụ và chồng lấn của các quyền SHTT chính là sự phản hồi lại từ sự phát triển cao trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, pháp lý và khoa học của một nền kinh tế toàn cầu ngày nay7.
Các loại chồng lấn trong bảo hộ quyền SHTT
Chồng lấn trong bảo hộ quyền SHTT có thể được hiểu là việc chủ thể quyền (hoặc chủ sở hữu quyền) yêu cầu nhiều hơn một hình thức bảo hộ cho một đối tượng bảo hộ hoặc yêu cầu sự bảo hộ liên tục từ cơ quan bảo hộ (ví dụ, sau khi hết thời hạn bảo hộ theo sáng chế thì tiếp tục yêu cầu được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu hoặc quyền tác giả…)8. Nói cách khác, chồng lấn trong việc bảo hộ quyền SHTT là sự tích chứa các quyền (cumulation of rights) SHTT, theo đó người ta có thể yêu cầu việc bảo hộ bổ sung dưới 2 hoặc nhiều hình thức (chế định) bảo hộ, hoặc yêu cầu sự lấp đầy các lỗ hổng trong việc bảo hộ dưới một hình thức bảo hộ bằng một hoặc nhiều hình thức bảo hộ khác9.
Về cơ bản, sự chồng lấn trong việc bảo hộ quyền SHTT xảy ra trong những tình huống sau: (1) Chồng lấn về các đối tượng được bảo hộ, nghĩa là đối tượng được bảo hộ vốn được bảo hộ theo một chế định nhất định thì nay dần chuyển sang bảo hộ theo một chế định khác; (2) Chồng lấn về bản chất của quyền SHTT, điều này xảy ra khi ranh giới dùng để phân biệt các quyền SHTT trở nên ít mang tính phân biệt; (3) Chồng lấn về các nguyên tắc pháp lý, nghĩa là có sự thống nhất, hoà nhập của các quy định và nguyên tắc pháp lý về SHTT ở cả hai cấp độ: Luật quốc gia và Luật quốc tế; (4) Chồng lấn khi có sự tích chứa quyền (như đã đề cập ở trên) khi chủ thể quyền yêu cầu biện pháp bảo hộ bổ sung cùng với biện pháp mình đang được hưởng10.
Từ 4 loại chồng lấn cơ bản trên, dẫn đến những tình huống chồng lấn cụ thể như sau: Giữa nhãn hiệu hàng hoá (NHHH) với bản quyền; giữa sáng chế và bản quyền; giữa sáng chế và NHHH; giữa sáng chế, bản quyền, NHHH; giữa NHHH và tên miền; giữa bản quyền và kiểu dáng công nghiệp (KDCN); giữa KDCN và NHHH; giữa bản quyền, NHHH, KDCN; giữa giống cây trồng mới và sáng chế; giữa sáng chế và bí mật thương mại; giữa giống cây trồng mới và bí mật thương mại; giữa giống cây trồng mới, bí mật thương mại, sáng chế.
Những vấn đề nảy sinh do chồng lấn trong công tác bảo hộ quyền SHTT
Chồng lấn trong bảo hộ SHTT có thể phá vỡ cấu trúc tổng thể của hệ thống SHTT và có thể:
- Xóa mờ các ranh giới của các chế định bảo hộ SHTT;
- Làm cho bản thân các đối tượng SHTT được bảo hộ trở nên ít mang tính phân biệt hơn;
- Gây ra các chi phí không cần thiết cho chủ sở hữu quyền, chủ thể quyền, các bên tham gia tố tụng, bên thứ ba và công chúng;
- Đòi hỏi việc thiết lập các lý thuyết và nguyên tắc mới để giải quyết vấn đề chồng lấn trong bảo hộ quyền SHTT;
- Gây khó khăn cho các cơ quan thực thi (hành chính, hình sự hoặc tư pháp) trong việc giải quyết các vụ việc về SHTT có yếu tố chồng lấn;
- Gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh và lạm dụng việc bảo hộ quyền một cách thái quá.
Giải pháp
Việc mở rộng cũng như hội tụ các quyền SHTT là một hiện tượng khách quan, là hệ quả của sự phát triển toàn cầu về kinh tế và xã hội. Tại thời điểm hiện tại, cả ở cấp độ quốc tế, khu vực và quốc gia, chưa có được một lý thuyết chung để giải quyết cho tất cả các trường hợp chồng lấn11. Để hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia WTO, Việt Nam đã ban hành Luật SHTT (được Quốc hội thông qua năm 2005 và có hiệu lực từ 1.7.2006) nhằm chứng tỏ cam kết của mình trong việc bảo hộ các quyền lợi hợp pháp của các chủ thể quyền, bên thứ ba và công chúng. Tuy nhiên, Luật này chưa có được những nguyên tắc để có thể điều chỉnh vấn đề chồng lấn trong việc bảo hộ quyền SHTT. Trên thực tế, các cơ quan thực thi của Việt Nam đã từng gặp những vụ việc kiểu này (điển hình là tranh chấp giữa hai nhãn hiệu Gấu Misa và Sungaz) và đều chưa giải quyết được tận gốc vụ việc (vấn đề chồng lấn không chỉ gây khó khăn cho hệ thống thực thi của Việt Nam mà nói chung đây là vấn đề gây khó khăn cho toàn bộ các hệ thống thực thi trên thế giới, kể cả ở Hoa Kỳ)12.
Để hạn chế, giảm thiểu và giải quyết sự chồng lấn trong bảo hộ quyền SHTT có thể dùng một số nguyên tắc sau khi xem xét từng tình huống chồng lấn cụ thể:
1. Nguyên tắc tính năng của đối tượng bảo hộ (functionality).
2. Nguyên tắc hữu ích của đối tượng được bảo hộ (utility).
3. Nguyên tắc bảo đảm sự cân bằng trong việc bảo hộ (proportionality).
4. Nguyên tắc bảo đảm chi phí kinh tế cho việc bảo hộ.
5. Nguyên tắc bảo đảm lợi ích của toàn thể cộng đồng.
6. Nguyên tắc chống lẩn tránh pháp luật và cạnh tranh không lành mạnh.
Có thể nói rằng, khó có thể có được một cách thức chung để giải quyết mọi loại chồng lấn trong việc bảo hộ quyền SHTT, tuy nhiên việc áp dụng những nguyên tắc cụ thể để giải quyết sự chồng lấn lại đang là cách thức được một số quốc gia có nền pháp luật về SHTT phát triển ở trình độ cao sử dụng. Có lẽ, đó cũng là cách thức thích hợp để chúng ta xem xét và học tập.
1 Sự hội tụ của các quyền SHTT và việc thiết lập việc bảo hộ “ghép” theo Hiệp định Trips, TS Guido Westkamp, giảng viên cao cấp, Viện Nghiên cứu về SHTT Queen Mary, Đại học London, tr. 1.
2 SHTT - Công cụ để phát triển kinh tế, TS Kamil Idris, Tổng Giám đốc Tổ chức SHTT thế giới WIPO, tr. 54.
3 Đã dẫn, chú thích số 2, tr. 55.
4 Hội tụ và đồng quy của các quyền: Sự quan tâm của Toà án Tối cao Hoa Kỳ, Graeme B. Dinwoodie, Giáo sư Luật, Phó Chủ nhiệm Khoa, Giám đốc Chương trình SHTT, Trường luật Chicago-Kent , tr. 1.
5 Cẩm nang về SHTT: Chính sách, luật và cách sử dụng, WIPO Publication No. 489(E), ISBN 92-805-1291-7, 2004, Ấn bản lần 2, tr. 3.
6 SHTT trong kỷ nguyên công nghệ, Robert P. Merges, Peter S. Menell, Mark A. Lemley, xuất bản lần thứ 2, Nhà xuất bản Aspen Law & Business, 2000.
7 Đã dẫn, chú thích số 1, tr. 3.
8 Mutant Copyrights and Backdoor Patents: Vấn đề của chồng lấn trong việc bảo hộ quyền SHTT, Viva R. Moffat, Assistant Professor of Law, University of Denver College of Law, tr. 31.
9 Đã dẫn, chú thích số 4, tr. 6.
10 Đã dẫn, chú thích số 4, tr. 2-8, xem thêm Hoà nhập hay khác biệt trong việc bảo hộ quyền SHTT? Bài học lịch sử, Graham Dutfield and Uma Suthersanen1, giảng viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu SHTT Queen Mary, 8.2004.
11 Một số nỗ lực nhất định trong một số khu vực của Luật SHTT đã được thực hiện để giải quyết vấn đề này, ví dụ, việc thông qua Giải pháp thống nhất về tên miền (Uniform Domain Name Dispute Resolution Policy) nhằm tránh sự xung đột giữa tên miền với nhãn hiệu hàng hoá và các quyền SHTT khác.
12 Đã dẫn, chú thích số 4.
=====================
Source: TRẦN ĐỖ THÀNH - TẠP CHÍ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC SỐ 10/2006
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét