Về công ước quốc tế, Nhà nước ta đã gia nhập Công ước về công nhận quốc tế các quyền đối với tàu bay, ký tại Geneva ngày 19/6/1948 (Convention on International Recognition of Rights in Aircraft, signed at Geneva on 19th Jule 1948). Công ước này quy định các quốc gia phải công nhận việc cầm cố, thế chấp và các quyền tương tự đối với tàu bay được thiết lập trên cơ sở thoả thuận nhằm bảo đảm thanh toán một khoản nợ nếu các giao dịch này được thiết lập phù hợp với luật của quốc gia nơi tàu bay đăng ký quốc tịch tại thời điểm thiết lập các quyền đó và được đăng ký hợp lệ trong Sổ đăng ký công khai ở quốc gia mà tàu bay đã đăng ký quốc tịch.
Về pháp luật quốc gia, cùng với việc hoàn thiện các quy định của pháp luật dân sự, pháp luật điều chỉnh việc đăng ký các quyền đối với tàu bay từng bước được củng cố, hoàn thiện. Cụ thể, như sau:
- Trước khi Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 ra đời, có các văn bản điều chỉnh như: Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 1991; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 1995; Quyết định số 971/TTg ngày 29/12/1996 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế về đăng ký tàu bay, đăng ký chuyển nhượng quyền sở hữu tàu bay và đăng ký thế chấp tàu bay dân dụng; Thông tư số 92/CAAV ngày 13/01/1997 của Cục trưởng Cục hàng không dân dụng Việt Nam hướng dẫn thực hiện "Quy chế về đăng ký tàu bay, đăng ký chuyển nhượng quyền sở hữu tàu bay và đăng ký thế chấp tàu bay dân dụng" ban hành kèm theo Quyết định số 971/TTg. Sau đó là Nghị định số 08/2000/NĐ-CP ngày 10/3/2000 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm; Thông tư số 01/2004/TT-BGTVT ngày 16/01/20004 của Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn việc đăng ký tàu bay và đăng ký các quyền đối với tàu bay.
- Hiện nay, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 đã được Quốc hội ban hành (có hiệu lực từ ngày 01/01/2007). Luật này đã có những quy định điều chỉnh các quyền đối với tàu bay, những quy định mang tính nguyên tắc về đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tàu bay.
Hướng dẫn Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006, ngày 20/4/2007 Chính phủ ban hành Nghị định số 70/2007/NĐ-CP về đăng ký quốc tịch và đăng ký các quyền đối với tàu bay dân dụng (sau đây gọi là Nghị định số 70). Tại Nghị định này có các quy định về thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng tàu bay.
Sau đây xin giới thiệu một số nội dung quy định cơ bản của pháp luật hiện hành về đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tàu bay.
1. Một số vấn đề chung
1.1. Về khái niệm giao dịch bảo đảm và đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tàu bay
Khoản 6 Điều 2 của Nghị định số 70 quy định “Giao dịch bảo đảm bằng tàu bay là việc cầm cố, thế chấp, bảo lãnh bằng tàu bay”. Như vậy, đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tàu bay là đăng ký cầm cố, thế chấp và bảo lãnh bằng tàu bay.
Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 thì bảo lãnh là biện pháp bảo đảm mang tính đối nhân (không phải là biện pháp bảo đảm bằng tài sản)[1]. Do đó, để đảm bảo tính thống nhất và hài hoà trong quy định và áp dụng pháp luật thì “bảo lãnh bằng tàu bay” cần được xem là “thế chấp bằng tài sản (tàu bay) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người thứ ba” (không phải là nghĩa vụ của người có tài sản)[2].
1.2. Người đăng ký, người đề nghị đăng ký, người đề nghị xoá đăng ký, người đề nghị cung cấp thông tin
+ Người đăng ký là tổ chức, cá nhân được ghi tên trong các loại Giấy chứng nhận đăng ký.
+ Người đề nghi đăng ký là tổ chức, cá nhân làm đơn và nộp hồ sơ đề nghị đăng ký. Tùy từng trường hợp, người đề nghị đăng ký bao gồm:
- Đối với đăng ký giao dịch bảo đảm, xoá đăng ký giao dịch bảo đảm: là một trong các bên (bên bảo đảm hoặc bên nhận bảo đảm).
- Đối với đăng ký văn bản thông báo xử lý tài sản bảo đảm bằng tàu bay: là bên nhận bảo đảm đã được đăng ký quyền đối với tàu bay trong Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam;
- Đối với gia hạn đăng ký, đăng ký thay đổi hoặc sửa chữa sai sót nội dung đã đăng ký: là người đăng ký.
- Những chủ thể nêu trên có thể uỷ quyền cho người khác thực hiện đề nghị đăng ký, đề nghị xoá đăng ký.
+ Người đề nghị cung cấp thông tin là tổ chức, cá nhân có đơn đề nghị cung cấp thông tin trong Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam.
1.3. Trách nhiệm của người đề nghị
Người đề nghị có trách nhiệm sau:
- Gửi hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Cục Hàng không Việt Nam và phải chịu trách nhiệm về các thông tin trong hồ sơ.
- Phải nộp phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.
- Trừ đơn đề nghị và biên lai hoặc giấy tờ xác nhận việc nộp phí, lệ phí phải là bản gốc, các tài liệu khác trong hồ sơ đề nghị có thể là bản gốc hoặc bản sao; nếu là tài liệu bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt. Bản sao hoặc bản dịch phải được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật.
- Trường hợp người đề nghị phát hiện trong đơn đề nghị hoặc giấy chứng nhận có sai sót thì phải đề nghị Cục Hàng không Việt Nam sửa chữa sai sót. Hồ sơ đề nghị sửa chữa sai sót gồm các tài liệu nêu tại điểm 2.4.a của Bài giới thiệu này.
1.4. Giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý
+ Trường hợp người đề nghị là cá nhân thì giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý là một trong các loại sau:
- Chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu đối với công dân Việt Nam;
- Giấy tờ để xác định nhân thân đối với cá nhân không quốc tịch cu trú, định cư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam;
- Hộ chiếu hoặc giấy tờ để xác định nhân thân đối với cá nhân nước ngoài theo quy định của pháp luật nước mà cá nhân đó mang quốc tịch.
+ Trường hợp người đề nghị là tổ chức thì giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý là một trong các loại sau:
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với tổ chức kinh tế, quyết định thành lập hoặc giấy phép hoạt động đối với tổ chức phi kinh tế được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam;
- Giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý đối với tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật nước ngoài có liên quan.
+ Người được ủy quyền phải có giấy ủy quyền hợp pháp.
1.5. Thẩm quyền và thời hạn đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng tàu bay
a) Thẩm quyền đăng ký, cung cấp thông tin
Cục Hàng không Việt Nam thuộc Bộ Giao thông vận tải là cơ quan có thẩm quyền thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng tàu bay và có những trách nhiệm sau:
- Kiểm tra hồ sơ và đánh giá nội dung kê khai trong hồ sơ đề nghị để quyết định việc đăng ký, xóa đăng ký hoặc cung cấp thông tin. Trong quá trình kiểm tra và đánh giá hồ sơ, có thể yêu cầu người đề nghị cung cấp các thông tin hoặc tài liệu để làm rõ các vấn đề liên quan.
- Trong trường hợp từ chối thực hiện việc đăng ký, xoá đăng ký hoặc cung cấp thông tin thì phải thông báo bằng văn bản cho người đề nghị biết và nêu rõ lý do.
- Có trách nhiệm ghi các thông tin liên quan đến đăng ký, xóa đăng ký vào Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam.
b) Thời hạn đăng ký, cung cấp thông tin
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ thời điểm nhận đủ hồ sơ, Cục Hàng không Việt Nam thực hiện việc đăng ký, xóa đăng ký hoặc cung cấp thông tin bằng văn bản nếu đáp ứng các yêu cầu sau đây:
- Hồ sơ có đầy đủ tài liệu theo quy định;
- Thông tin trong hồ sơ đúng sự thật;
- Tàu bay đáp ứng các điều kiện đăng ký theo quy định.
1.6. Thời điểm có hiệu lực và thời hạn hiệu lực của đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tàu bay
Cũng như việc đăng ký các quyền khác đối với tàu bay, đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tàu bày có hiệu lực từ thời điểm được cơ quan đăng ký ghi vào Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam.
Thời hạn hiệu lực của đăng ký giao dịch bảo đảm được xác định theo thời hạn hiệu lực của giao dịch bảo đảm. Cụ thể, tại đơn đề nghị, người đề nghị phải kê khai về thời điểm chấm dứt hiệu lực của giao dịch bảo đảm và cơ quan đăng ký căn cứ vào thời điểm này để xác định thời điểm việc đăng ký giao dịch bảo đảm hết hiệu lực.
2. Trình tự, thủ tục đăng ký
2.1. Đăng ký giao dịch bảo đảm
a) Hồ sơ đề nghị đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tàu bay bao gồm:
- Đơn đề nghị đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tàn bay, gồm các thông tin: họ tên, địa chỉ, số điện thoại của người đề nghị đăng ký, người đăng ký; loại giao dịch; họ tên, và địa chỉ của bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm; loại tàu bay, nhà sản xuất và quốc gia sản xuất, số và năm xuất xưởng, quốc tịch và số hiệu đăng ký; loại, số hiệu và số lượng động cơ tàu bay; thời điểm ký kết, thời điểm có hiệu lực, thời điểm hết hiệu lực của giao dịch và giá trị nghĩa vụ được bảo đảm của giao dịch; thời hạn đề nghị đăng ký;
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký quốc tịch tàu bay;
- Giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý của người đề nghị đăng ký, người đăng ký;
- Giấy tờ hợp pháp chứng minh quyền sở hữu tàu bay;
- Bản sao hợp đồng giao dịch bảo đảm bằng tàu bay;
- Văn bản thể hiện sự đồng ý của tất cả các đồng chủ sở hữu về việc giao dịch bảo đảm bằng tàu bay trong trường hợp tàu bay thuộc sở hữu chung;
- Biên lai hoặc giấy tờ xác nhận về việc nộp lệ phí đăng ký.
+ Trường hợp có nhiều giao dịch bảo đảm trên cùng một tàu bay thì đơn đề nghị đăng ký phải làm riêng đối với từng giao dịch. Trường hợp một giao dịch bảo đảm trên nhiều tàu bay thì đơn đề nghị đăng ký phải làm riêng đối với từng tàu bay.
b) Thực hiện đăng ký
Trường hợp hồ sơ có đầy đủ các tài liệu nêu tại điểm 2.1.a nêu trên và thông tin trong hồ sơ đúng sự thật, Cục Hàng không Việt Nam ghi các thông tin liên quan đến giao dịch bảo đảm bằng tàu bay vào Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam và cấp Giấy chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tàu bay (theo mẫu Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định).
2.2. Thay đổi nội dung giao dịch bảo đảm bằng tàu bay đã đăng ký
Đối với giao dịch bảo đảm bằng tàu bay đã đăng ký, khi có thay đổi nội dung của giao dịch, người đăng ký phải gửi hồ sơ đề nghị đến Cục Hàng không Việt Nam.
a) Hồ sơ đề nghị thay đổi nội dung đăng ký bao gồm:
- Đơn đề nghị thay đổi nội dung đã đăng ký của giao dịch bảo đảm bằng tàu bay, gồm các thông tin: họ tên, địa chỉ, số điện thoại của người đề nghị đăng ký, người đăng ký; loại giao dịch và số Giấy chứng nhận đăng ký đã cấp; nội dung thay đổi;
- Giấy chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm đã cấp;
- Giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý của người đề nghị đăng ký, người đăng ký;
- Giấy tờ chứng minh nội dung thay đổi;
- Biên lai hoặc giấy tờ xác nhận về việc nộp lệ phí đăng ký.
b) Thực hiện đăng ký
- Sau khi xem xét hồ sơ đề nghị, Cục Hàng không Việt Nam thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm đã cấp và cấp Giấy chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm mới. Thời điểm có hiệu lực của đăng ký không thay đổi.
- Trong trường hợp nội dung thay đổi là tàu bay (thay đổi tài sản bảo đảm) thì người đề nghị phải thực hiện việc xóa đăng ký quyền đối với tàu bay và làm thủ tục đăng ký lại như đăng ký lần đầu.
2.3. Đăng ký văn bản thông báo xử lý tài sản bảo đảm bằng tàu bay
Đối với giao dịch bảo đảm bằng tàu bay đã đăng ký thì chậm nhất 15 ngày trước khi tiến hành xử lý tài sản bảo đảm, người nhận bảo đảm đề nghị xử lý tài sản phải gửi văn bản thông báo xử lý tài sản bảo đảm đến bên bảo đảm và tất cả các bên nhận bảo đảm khác hoặc phải đăng ký văn bản thông báo xử lý tài sản bảo đảm với Cục Hàng không Việt Nam.
a) Hồ sơ đề nghị đăng ký văn bản thông báo xử lý tài sản bảo đảm bằng tàu bay bao gồm:
- Đơn đề nghị đăng ký văn bản thông báo xử lý tài sản bảo đảm bằng tàu bay, gồm các thông tin: họ tên, địa chỉ, số điện thoại của người đề nghị đăng ký, người đăng ký; loại tàu bay, số xuất xưởng, nhà sản xuất và quốc gia sản xuất, năm xuất xưởng; loại, số lượng và số hiệu động cơ tàu bay; loại giao dịch và số Giấy chứng nhận đăng ký đã cấp; lý do, phương thức, thời điểm và nghĩa vụ được xử lý;
- Văn bản thông báo xử lý tài sản bảo đảm bằng tàu bay;
- Giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý của người đề nghị đăng ký, người đăng ký;
- Bản sao Giấy chứng nhận giao dịch bảo đảm bằng tàu bay đã cấp;
- Biên lai hoặc giấy tờ xác nhận về việc nộp lệ phí đăng ký.
b) Thực hiện đăng ký, thông báo về việc xử lý
+ Trong thời hạn đăng ký (được nêu tại điểm 1.5.b của Bài giới thiệu này), Cục Hàng không Việt Nam cấp cho người đề nghị Giấy chứng nhận đăng ký văn bản thông báo xử lý tài sản bảo đảm bằng tàu bay (theo mẫu Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định).
+ Cục Hàng không Việt Nam thông báo việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký văn bản thông báo xử lý tài sản bảo đảm bằng tàu bay cho bên bảo đảm và tất cả các bên nhận bảo đảm khác theo địa chỉ ghi trong Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam.
2.4. Về sửa chữa sai sót và xóa đăng ký
Nghị định số 70 không quy định riêng về thủ tục sửa chữa sai sót và xoá đăng ký đối với giao dịch bảo đảm bằng tàu bay đã đăng ký. Do đó, việc sửa chữa sai sót về giao dịch bảo đảm đã đăng ký được thực hiện theo thủ tục sửa chữa sai sót trong Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam quy định tại Điều 28 của Nghị định; việc xoá đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tàu bay được thực hiện theo thủ tục xoá đăng ký các quyền đối với tàu may được quy định tại Điều 14 của Nghị định.
a) Về sửa chữa sai sót
Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm giải quyết và trả lời bằng văn bản các khiếu nại, yêu cầu của tổ chức, cá nhân liên quan tới bất kỳ sai sót nào trong Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam hoặc các giấy chứng nhận đã cấp và tiến hành các thủ tục sửa chữa sai sót theo quy định của Nghị định này.
+ Hồ sơ đề nghị sửa chữa sai sót bao gồm:
- Văn bản đề nghị sửa chữa sai sót trong Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam, gồm các thông tin: họ tên, địa chỉ, số điện thoại của người đề nghị sửa chữa sai sót; loại đăng ký, nội dung sửa chữa sai sót;
- Giấy chứng nhận đăng ký đã cấp có sai sót;
- Tài liệu chứng minh các sai sót.
+ Sau khi xem xét hồ sơ đề nghị sửa chữa sai sót, Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy chứng nhận mới đã sửa chữa sai sót cho người đề nghị, đồng thời thu hồi giấy chứng nhận có sai sót và ghi các nội dung đã được sửa chữa vào Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam.
b) Về xoá đăng ký
+ Người đăng ký có trách nhiệm thông báo kịp thời cho Cục Hàng không Việt Nam về các trường hợp có thể dẫn đến xoá đăng ký các quyền đối với tàu bay.
Hồ sơ đề nghị xoá đăng ký bao gồm:
- Đơn đề nghị xoá đăng ký, gồm các thông tin: họ tên, địa chỉ của người đề nghị; loại quyền đã đăng ký đề nghị xoá; số giấy chứng nhận đăng ký đề nghị xoá; lý do đề nghị xoá đăng ký;
- Giấy chứng nhận đăng ký đã được cấp;
- Các tài liệu có liên quan đến đề nghị xoá đăng ký;
- Văn bản đồng ý của bên nhận bảo đảm trong trường hợp người đề nghị xoá đăng ký là bên bảo đảm.
+ Sau khi kiểm tra và đánh giá hồ sơ, Cục Hàng không Việt Nam ghi các thông tin về đề nghị xoá đăng ký vào Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam, cấp Giấy chứng nhận xoá đăng ký theo mẫu Phụ lục IX ban hành kem theo Nghị định và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đã cấp.
3. Cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng tàu bay
Mọi cá nhân, tổ chức có nhu cầu cung cấp thông tin trích lục, bản sao từ từ Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam, trong đó có thông tin về giao dịch bảo đảm bằng tàu bay thì gửi hồ sơ đề nghị đến Cục Hàng không Việt Nam.
a) Hồ sơ đề nghị cung cấp thông tin bao gồm:
- Đơn đề nghị cụng cấp thông tin, trích lục, bản sao, gồm các thông tin: họ tên, địa chỉ, số điện thoại của người đề nghị; loại tàu bay, số xuất xưởng, quốc tịch và số hiệu đăng ký tàu bay; loại đăng ký; nội dung đề nghị cung cấp thông tin; phương thức cung cấp thông tin;
- Biên lai hoặc giấy tờ xác nhận về việc nộp phí.
b) Thực hiện cung cấp thông tin
Sau khi đánh giá hồ sơ, Cục Hàng không Việt Nam cung cấp thông tin, cấp trích lục, bản sao từ Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam cho người đề nghị cung cấp.
Như vậy, có thể khẳng định, pháp luật Việt Nam đã có những quy định điều chỉnh việc đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tàu bay, phù hợp với pháp luật quốc tế và xu hướng phát triển của các giao dịch bảo đảm bằng tàu bay tại Việt Nam.
Dương Thanh Minh
Bộ Tư pháp
[1] Xem Điều 361 của Bộ luật Dân sự.
[2] Cách tiếp cận này đã được thực hiện trong pháp luật đất đai. Cụ thể, khoản 1 Điều 31 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày ngày 25 /5/2007 của Chính phủ Quy định bổ sung về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai quy định: “Bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất theo quy định của Luật Đất đai được hiểu là thế chấp bằng quyền sử dụng đất cho người thứ ba vay vốn theo quy định của Bộ luật Dân sự”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét