Đào Văn Hùng và Trần Long: Hạn chế tác động tiêu cực của Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (HĐ) tới hệ thống Ngân hàng Thương mại (NHTM) Việt Nam, Tạp chí Tài chính số 7(489)/2005, tr.45-49: Tác động tiêu cực của HĐ có thể xảy ra đối với dịch vụ tiền gửi, hoạt động tín dụng, ngoại tệ và kinh doanh ngoại tệ... Để hạn chế những tác động tiêu cực trên, cần quán triệt nội dung cam kết trong hiệp định, cơ cấu lại mô hình tổ chức, tăng cường năng lực quản trị điều hành, đa dạng hoá các sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ tiên tiến. Đào tạo, tuyển dụng và xây dựng một đội ngũ cán bộ tinh thông nghiệp vụ ngân hàng, tận dụng tốt thành tựu về công nghệ thông tin... tăng cường phối hợp giữa các NHTM trong nước và đổi mới công tác kiểm toán nội bộ. Ngoài ra, Chính phủ cần tăng cường năng lực tài chính cho các NHTM quốc doanh, hỗ trợ tài chính và thúc đẩy quá trình cải cách, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, tăng cường quyền chủ động cho NHTM nhà nước về chính sách lương, thưởng. Đối với Ngân hàng nhà nước, phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật ngân hàng đáp ứng yêu cầu của HĐ, đổi mới công tác thanh tra, giám sát hệ thống ngân hàng theo chuẩn mực quốc tế...
Bùi Xuân Hải: Người quản lý công ty theo Luật Doanh nghiệp năm 1999 - nhìn từ góc độ luật so sánh, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 4(29)/2005, tr.14-20: Xác định đúng ai là người quản lý công ty và áp đặt hợp lý các nghĩa vụ pháp lý cho họ sẽ góp phần làm cho việc quản trị công ty có hiệu quả, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của cổ đông cũng như các bên liên quan. Theo Luật Doanh nghiệp 1999, người quản lý công ty được xác định là người có chức danh giám đốc hay tổng giám đốc. Trong khi đó, theo luật của các nước theo mô hình pháp luật Anh, Mỹ thì người điều hành hoạt động của công ty được hiểu khá rộng, bao hàm cả người có chức danh và người không có chức danh, thành phần Hội đồng giám đốc gồm cả các giám đốc điều hành và giám đốc không điều hành, trong đó giám đốc điều hành phải là người lao động của công ty, còn giám đốc không điều hành không phải là lao động của công ty. Mô hình trên có nhiều ưu điểm vì nó bao quát thực tế hơn. Thực tiễn nước ta cũng đã xảy ra các trường hợp, có doanh nghiệp tồn tại cả những giám đốc giấu mặt và cả giám đốc thực tế, trong khi pháp luật nước ta chưa quy định cụ thể về vấn đề này, dẫn đến việc xử lý gặp khó khăn.
Nguyễn Quý Thọ: Nghị định 61/NĐ-CP về thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp nhìn từ thực tiễn, Tạp chí Thanh tra, số tháng 7/2005, tr.24-25: Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 61/1998/NĐ-CP, công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp đã có những chuyển biến tốt, các cuộc thanh tra, kiểm tra trùng lặp giảm rõ rệt. Nhưng Nghị định cũng bộc lộ những bất cập, thiếu sót, như chưa thể hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước nói chung và cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra nói riêng, dẫn đến thanh tra trùng lắp; trình tự, thủ tục thanh tra, kiểm tra chưa cụ thể hoá một cách đầy đủ bằng văn bản pháp luật; thời hạn thanh tra, kiểm tra không phù hợp với Luật Thanh tra, Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành, làm cho hiệu lực thi hành còn nhiều hạn chế; chưa quy định rõ quy chế phối hợp thống nhất trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Để khắc phục những bất cập, thiếu sót trên, cần nghiên cứu sửa đổi Nghị định theo hướng bổ sung các quy định về phối hợp giữa các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra; trao đổi thông tin giữa các cơ quan về chương trình thanh tra, kiểm tra; quy định lại theo hướng phân định rõ chức năng, phạm vi hoạt động của các cơ quan thanh tra, kiểm tra; các quy định về thủ tục, thời gian thanh tra, kiểm tra phải phù hợp với các luật có liên quan.
Dương Hoài Linh: Luật Doanh nghiệp thống nhất (LDNTN) sẽ tạo ra những khác biệt thực sự, Tạp chí Tài chính, số 9(491)/2005, tr.18-19: LDNTN có sự khác biệt đối với hệ thống pháp luật quản lý doanh nghiệp (DN) trong những vấn đề sau: thay đổi cơ bản quan điểm về quản lý DN; tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng hơn giữa các DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài; chú trọng hơn đến vấn đề quản trị trong các DN. Để LDNTN đi vào cuộc sống, cần rà soát lại các văn bản pháp luật, các quy định có liên quan như Luật Đầu tư chung, Luật DN nhà nước năm 2003. Kiện toàn lại bộ máy đăng ký kinh doanh hiện nay, đồng thời rà soát lại hệ thống giấy phép hiện hành, nhằm hạn chế việc gia tăng các giấy phép con. Cuối cùng, phải nhanh chóng chuyển đổi, cổ phần hoá các DN nhà nước nhằm đưa các DN này vào diện điều chỉnh của LDNTN.
Lê Hoàng Tùng: Luật Doanh nghiệp chung (LDNC) mối quan tâm không của riêng ai, Tạp chí Tài chính, số 9(491)/2005, tr.20-23: LDNC tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư và các cơ quan giám sát bằng việc tăng yêu cầu về công khai hoá và kiểm soát thông tin đối với doanh nghiệp (DN); tăng quyền và nghĩa vụ của chủ DN đối với các khoản vốn đầu tư của mình; ràng buộc trách nhiệm trong việc định giá tài sản góp vốn, đưa ra những quy định chặt chẽ hơn trong việc chào bán cổ phần và thông qua các quyết định đối với công ty cổ phần. Nhưng một số nội dung của dự thảo cần phải được đầu tư thêm để hoàn thiện, như: định nghĩa về vốn điều lệ cần bổ sung thương hiệu là tài sản góp vốn; khái niệm về thị trường của phần góp vốn hoặc cổ phần còn rườm rà và khó hiểu trong khi chỉ cần ghi: “là mức giá hợp lý được thoả thuận giữa người mua và người bán”. Quy định về các tiêu chuẩn của giám đốc, mức thù lao.. quá chi tiết và can thiệp quá sâu vào quyền tự chủ của DN, trong khi những điều này có thể quy định trong điều lệ của DN. Cần cho phép cá nhân được thành lập công ty TNHH. Ngoài ra, dự thảo đã đưa ra những quy định phân biệt đối xử giữa DN trong nước và DN đầu tư nước ngoài, trong điều kiện hiện nay, quy định như trên là một rào cản.
Việt Tuấn: Doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài: những vấn đề đặt ra, Tạp chí Tài chính, số 9(491)/2005, tr.23-24: Đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam quá nhỏ so với tiềm năng. Có nhiều lý do của tình trạng này, trong đó có lý do thủ tục quá phức tạp: Doanh nghiệp (DN) phải đáp ứng được các điều kiện, như dự án phải có tính khả thi; không nợ nghĩa vụ tài chính, thuế với nhà nước. Đồng thời, DN chỉ được đầu tư trực tiếp ra nước ngoài chứ chưa được phép tham gia đầu tư với hình thức mua cổ phần, cổ phiếu ở nước ngoài. Mối liên hệ giữa cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với các DN còn lỏng lẻo. Các quy định xin phép, cấp giấy phép còn nhiều vướng mắc kéo dài. Để hoạt động đầu tư ra nước ngoài tương xứng với tiềm năng thì phải tạo ra môi trường pháp lý mở cửa, thông thoáng bằng cách rút ngắn thời gian, quy trình thẩm định cấp giấy phép đầu tư, chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài. Khuyến khích DN sử dụng lao động và nguyên vật liệu từ trong nước. DN cần chuẩn bị kỹ từ khâu nghiên cứu thị trường, chính sách pháp luật, chính sách thuế của nước sở tại
Đỗ Ngân Bình, Bất hợp lý trong một số quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động, Tạp chí Dân chủ và pháp luật, số tháng 7 năm 2005, tr.26-31: Mặc dù Bộ luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung nhưng sau hai năm đi vào cuộc sống đã thể hiện tính bất hợp lý ở một số quy định. Việc chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp người lao động bị đánh đập, bảo hiểm xã hội cho người lao động còn chưa được cụ thể, chưa chặt chẽ dễ tạo ra kẽ hở, dễ bị lợi dụng trong một số trường hợp, như: quy định về bảo hiểm xã hội tự nguyện, chế độ thai sản, tuổi nghỉ hưu của lao động nữ. Đối với vai trò công đoàn ở cấp cơ sở theo quy định việc thành lập trên nguyên tắc tự nguyện. Nhà nước và người sử dụng lao động chỉ tạo điều kiện chứ không có trách nhiệm phải thành lập. Do vậy, khi doanh nghiệp không thành lập tổ chức Công đoàn cơ sở vẫn không coi là có vi phạm pháp luật. Những bất hợp lý trên cần phải được sửa đổi, bổ sung một cách triệt để nhằm bảo đảm quyền lợi của người lao động.
Nguyễn Văn Phương, Khó khăn về xác định quyền vay vốn của doanh nghiệp nhà nước, Tạp chí Thương mại, số 21 tháng 6/2005, tr.11-12: Theo quy định của Luật Doanh nghiệp nhà nước về quy chế quản lý tài chính thì tổng giám đốc (giám đốc) có quyền quyết định và ký các hợp đồng vay theo phân cấp, uỷ quyền, nhưng giá trị của các hợp đồng vay này không được vượt quá vốn điều lệ của công ty. Do không quy định rõ thẩm quyền quyết định hợp đồng vay, nên có nhiều cách hiểu khác nhau. Có người hiểu tổng giám đốc (giám đốc) được quyết định và ký kết một hay nhiều hợp đồng vay vốn có giá trị không được vượt quá vốn điều lệ, có người lại hiểu chỉ được quyết định và ký kết một hợp đồng vay vốn. Trong mỗi cách hiểu trên lại có nhiều vấn đề nảy sinh. Chính vì vậy thời gian qua, một số công ty nhà nước gặp khó khăn trong vấn đề vay vốn. Đề nghị Bộ Tài chính cần sớm ban hành thông tư hướng dẫn.
Nguyễn Văn Hiệu-Nguyễn Minh Hằng, Xác định giá tính thuế theo hiệp định GATT/WTO (HĐ): Một năm nhìn lại, Tạp chí Tài chính, số 7(489) 2005, tr. 50: Qua một năm áp dụng giá tính thuế theo HĐ đã đạt được một số kết quả, như: tạo ra những thay đổi tích cực về mặt thủ tục dẫn tới sự thông thoáng cho các hoạt động xuất, nhập khẩu, doanh nghiệp đã chủ động trong việc xác định giá tính thuế... Bên cạnh đó, còn những tồn tại như hiện tượng gian lận thương mại qua giá xảy ra phổ biến, việc xây dựng, cập nhật, trao đổi thông tin về giá còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân của tình trạng này là phương thức quản lý giá tính thuế chưa phù hợp, trình độ năng lực của cán bộ Hải quan chưa đáp ứng được yêu cầu, một số lãnh đạo Hải quan địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc cập nhật, trao đổi, quản lý, sử dụng nguồn thông tin về giá. Các văn bản pháp luật hướng dẫn và bổ trợ cho việc áp dụng chưa được hoàn chỉnh đồng bộ. Do vậy, cần rà soát và hoàn chỉnh lại hệ thống các văn bản pháp quy, nhanh chóng hoàn thiện quy trình quản lý giá thuế, quy trình kiểm tra sau thông quan, nhanh chóng hiện đại hoá ngành Hải quan, mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hải quan, phổ biến tuyên truyền pháp luật đối với đối tượng nộp thuế.
Phan Xuân Tuy và Nguyễn Ngọc Hà, Bàn về vi phạm hợp đồng kinh tế và lợi dụng hợp đồng kinh tế để phạm tội, Tạp chí Kiểm sát số 11(6/2005), tr. 28: Vi phạm hợp đồng kinh tế chính là vi phạm quy định nào đó trong pháp luật về hợp đồng kinh tế với nhiều dạng khác nhau như không thực hiện hoặc thực hiện không đúng hợp đồng đã ký kết. Việc chứng minh vi phạm và trách nhiệm vật chất do vi phạm hợp đồng cần tuân theo thủ tục tố tụng tại Trọng tài thương mại hoặc Toà án và việc miễn giảm trách nhiệm vật chất áp dụng theo quy định của pháp luật hợp đồng kinh tế. Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, lợi dụng hợp đồng kinh tế để vi phạm pháp luật là một thực tế và có xu hướng phát triển. Để hạn chế các hành vi trên, cần phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong việc phòng ngừa, đấu tranh xử lý, chống hình sự hoá các vi phạm hợp đồng kinh tế, đồng thời phải hoàn thiện pháp luật về hợp đồng kinh tế.
Nguyễn Thanh Tú, Pháp luật cạnh tranh trong hợp đồng chuyển giao công nghệ, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 2/2005, tr.24-32: Bài viết xem xét mối quan hệ giữa pháp luật cạnh tranh và chuyển giao công nghệ, thực tiễn áp dụng pháp luật cạnh tranh trong hợp đồng chuyển giao công nghệ ở Liên minh Châu Âu. Qua đó, tác giả kiến nghị nhanh chóng ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật cạnh tranh trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ. Luật chuyển giao công nghệ sẽ trình Quốc hội thông qua vào năm 2006 cần có quy định về điều khoản hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng chuyển giao công nghệ và xem xét nó dưới góc độ pháp luật cạnh tranh, bổ sung cho các quy định hiện hành trong Luật cạnh tranh.
Nguyễn Thị Yến, Sự hỗ trợ của cơ quan tư pháp đối với hoạt động của Trọng tài thương mại theo Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003, Tạp chí Luật học số 2/2005, tr.46- 49: Do Trọng tài là tổ chức xã hội nghề nghiệp, không phải là cơ quan xét xử như Toà án, không nhân danh quyền lực Nhà nước để giải quyết, do vậy cần phải được sự hỗ trợ của cơ quan tư pháp, cụ thể là Toà án nhân dân và cơ quan thi hành án. Sự hỗ trợ thể hiện qua việc chỉ định, thay đổi trọng tài viên đối với trọng tài vụ việc; áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, lưu trữ hồ sơ trọng tài đối với trọng tài vụ việc; huỷ hay không huỷ quyết định trọng tài; hỗ trợ trong việc thi hành quyết định trọng tài. Việc hỗ trợ của các cơ quan tư pháp với hoạt động của trọng tài là một điểm mới của Pháp lệnh Trọng tài thương mại. Nó làm cho hoạt động của Trọng tài thương mại có tính khả thi cao.
Nguyễn Khánh Ngọc, Pháp lệnh chống bán phá giá hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam và một số suy nghĩ về việc thực hiện trong mối liên hệ với Toà án, Tạp chí Toà án số 10 (5/2005), tr.2-10: Quy định trong Pháp lệnh về Chống bán phá giá hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam là những quy định pháp luật mới xuất hiện trong vài năm gần đây. Mục đích của những quy định này nhằm bảo hộ các ngành sản xuất trong nước. Qua kinh nghiệm thực hiện các quy định về chống phá giá hàng hoá nhập khẩu ở một số nước, chúng ta cần phải ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành chi tiết các quy định của Pháp lệnh này. Ngoài ra, cần phải đào tạo các Thẩm phán có năng lực trình độ để giải quyết những vụ kiện có liên quan đến chống bán phá giá, đồng thời cũng cần xây dựng mô hình Toà án là Toà án chuyên trách chứ không xây dựng toà án theo địa bàn.
=======================
SOURCE: TRÍCH ĐĂNG TỪ NCLP.ORG.VN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét