Nhằm góp phần đảm bảo cho các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức thực thi đúng nhiệm vụ, quyền hạn và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, pháp nhân và tổ chức trong xã hội, ngày 12/5/1994, Trung Quốc ban hành Luật Bồi thường nhà nước, đạo luật này có hiệu lực từ ngày 1/1/1995.
Luật Bồi thường nhà nước được chia làm 6 chương, gồm có 35 điều. Chương 1: “Những quy định chung”, gồm 2 điều (Điều 1 và Điều 2) quy định mục đích và nguyên tắc bồi thường nhà nước. Chương 2: “Bồi thường hành chính”, gồm 12 điều (từ Điều 3 đến Điều 14), quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do các cơ quan hành chính khi thực thi nhiệm vụ, quyền hạn trái pháp luật gây ra. Chương 3: “Bồi thường hình sự” gồm 10 điều (từ Điều 15 đến Điều 24), quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự (hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự) gây ra cho cá nhân, pháp nhân và các tổ chức khác trong xã hội. Chương 4: “Hình thức và cách xác định bồi thường”, gồm 9 điều (từ Điều 25 đến Điều 33), quy định về hình thức bồi thường và cách xác định mức bồi thường. Chương 5: “Các quy định bổ sung”, gồm 2 điều (từ Điều 34 đến Điều 35) quy định nguyên tắc không thu phí, lệ phí, án phí, thuế đối với yêu cầu đòi bồi thường của người bị thiệt hại (Điều 34) và thời điểm có hiệu lực của Luật (Điều 35).
Theo quy định của chương 1, Luật Bồi thường nhà nước nhằm mục đích: (1) bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân và các tổ chức khác khi cơ quan nhà nước không thực thi đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật. (2) khuyến khích các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức thực thi đúng nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật. Điều này cũng có nghĩa là, việc ban hành Luật Bồi thường nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng một nhà nước pháp quyền ở Trung Quốc, đảm bảo nguyên tắc pháp chế trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, theo đó không chỉ cá nhân, pháp nhân và các tổ chức trong xã hội có trách nhiệm tôn trọng, tuân thủ pháp luật mà bản thân cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức cũng phải tuân thủ pháp luật khi thực thi quyền lực nhà nước.
Phạm vi trách nhiệm bồi thường nhà nước
Theo quy định tại chương 2 và chương 3 của Luật Bồi thường Nhà nước, việc bồi thường nhà nước được đặt ra trong 2 lĩnh vực: hành chính và hình sự (điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự). Đối với các thiệt hại do các cơ quan nhà nước thực hiện trong các hoạt động tố tụng như xét xử và thi hành án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại, hành chính gây ra, việc bồi thường được áp dụng tương tự như trong lĩnh vực hình sự. Tuy nhiên, Luật Bồi thường nhà nước chưa đề cập đến các thiệt hại do các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, lập quy gây ra.
a. Bồi thường nhà nước trong lĩnh vực hành chính
Luật Bồi thường nhà nước của Trung Quốc quy định người bị thiệt hại được bồi thường đối với thiệt hại về quyền nhân thân và quyền tài sản. Cụ thể là Điều 3 quy định: Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường khi cơ quan hành chính hoặc cán bộ, công chức của cơ quan này khi thực thi nhiệm vụ có một trong những hành vi nào trong các hành vi sau đây xâm phạm quyền nhân thân:
(1) Giam giữ công dân một cách trái pháp luật hoặc áp dụng một cách trái pháp luật các biện pháp cưỡng chế hành chính xâm phạm quyền tự do thân thể của công dân;
(2) Bắt giữ một cách trái pháp luật hoặc tước đoạt các quyền tự do thân thể bởi các phương tiện bất hợp pháp khác;
(3) Sử dụng bạo lực gây thương tích hoặc làm chết người;
(4) Sử dụng trái pháp luật vũ khí, các phương tiện cưỡng c hế gây thương tích hoặc làm chết người;
(5) Các hành vi trái pháp luật khác gây thương tích hoặc làm chết người.
Điều 4 quy định:
Người bị thiệt hại có quyền bồi thường nếu cơ quan hành chính hoặc cán bộ, công chức của cơ quan này khi thực thi nhiệm vụ có một trong những hành vi sau đây xâm phạm tới quyền tài sản:
(1) áp dụng một cách trái pháp luật các chế tài hành chính như phạt tiền, thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận, buộc đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tịch thu tài s ản;
(2) áp dụng một cách trái pháp luật các biện pháp cưỡng chế hành chính như niêm phong, phong toả, cấm sử dụng, khai thác tài sản;
(3) Chiếm dụng tài sản, thu các khoản phí trái với quy định của nhà nước;
(4) Thực hiện các hành vi trái pháp luật khác gây thiệt hại về tài sản”.
Bên cạnh đó, Điều 5 của Luật cũng quy định những trường hợp, cơ quan nhà nước không chịu trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại, đó là: (1) Việc thực thi nhiệm vụ quyền hạn được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật; (2) Thiệt hại xảy ra là hoàn toàn do lỗi của các cá nhân, pháp nhân và các tổ chức khác; (3) các trường hợp khác mà pháp luật có quy định.
Để đảm bảo quyền của người bị thiệt hại, Điều 6 của Luật về quyền yêu cầu bồi thường của người bị thiệt hại. Trường hợp người bị thiệt hại là cá nhân chết, thì người thừa kế của người này có quyền yêu cầu bồi thường. Trường hợp người bị thiệt hại là pháp nhân, tổ chức khác đã bị chấm dứt hoạt động thì người kế thừa pháp nhân, tổ chức đó có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, Điều 7 của Luật quy định: cơ quan nào gây ra thiệt hại thì cơ quan đó phải có trách nhiệm bồi thường. Nếu có nhiều cơ quan cùng liên đới gây ra thiệt hại thì các cơ quan đó cùng phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường. Trường hợp tổ chức được ủy quyền thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn về hành chính theo quy định của pháp luật mà gây thiệt hại, thì tổ chức được ủy quyền phải chịu trách nhiệm bồi thường. Trường hợp tổ chức, cá nhân được ủy quyền thực hiện nhiệm vụ của cơ quan hành chính khác mà gây thiệt hại thì cơ quan hành chính đã ủy quyền phải chịu trách nhiệm bồi thường. Trường hợp cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường không còn tồn tại thì cơ quan kế thừa nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đó sẽ phải bồi thường. Trường hợp không có cơ quan kế thừa nhiệm vụ, quyền hạn thì cơ quan ra quyết định chấm dứt sự tồn tại của cơ quan có trách nhiệm bồi thường sẽ phải bồi thường.
Để được bồi thường thiệt hại, người bị thiệt hại phải gửi đơn yêu cầu đến cơ quan có trách nhiệm bồi thường. Trong thời hạn 2 tháng, cơ quan nhận đơn phải xem xét bồi thường thiệt hại. Nếu không được bồi thường hoặc không thoả mãn với mức bồi thường, người bị thiệt hại có thể khởi kiện tại Toà án có thẩm quyền trong thời hạn 3 tháng kể từ khi hết thời hạn giải quyết việc bồi thường (Điều 13).
Sau khi bồi thường, cơ quan đã thực hiện việc bồi thường có trách nhiệm xử lý người có hành vi cố ý hoặc vô ý xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân và các tổ chức khác để buộc người này phải chịu một phần hoặc toàn bộ phần tiền đã bồi thường và chế tài hành chính. Trường hợp có dấu hiệu tội phạm, người gây thiệt hại sẽ bị điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật hình sự (Điều 14).
b. Bồi thường nhà nước trong lĩnh vực hình sự
Điều 15 của Luật Bồi thường nhà nước Trung Quốc quy định: người bị thiệt hại bởi hành vi của cơ quan tiến hành các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự có quyền yêu cầu bồi thường trong các trường hợp sau:
- Bị giam giữ trái pháp luật mà không có bằng chứng rõ ràng về việc thực hiện hành vi phạm tội;
- Bị bắt giữ trái pháp luật mà không có chứng cứ về việc thực hiện hành vi phạm tội;
- Bị kết tội và đã bị thi hành án nhưng được tuyên là vô tội;
- Bị bức cung, nhục hình dẫn đến gây thương tích hoặc làm chết người;
- Bị gây thương tích hoặc chết do cơ quan tiến hành tố tụng sử dụng trái phép các vũ khí, công cụ hỗ trợ.
Điều 16 của Luật cũng quy định, người bị thiệt hại về tài sản được bồi thường khi cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án hình sự có một trong các hành vi sau:
- Thực hiện một cách trái pháp luật việc niêm phong, phong toả, hoàn trả tài sản;
- Tịch thu tài sản, phạt tiền do bị kết tội nhưng sau đó lại được tuyên vô tội.
Tuy nhiên, Nhà nước không chịu trách nhiệm bồi thường trong các trường hợp sau đây:
- Việc bị bắt, giam giữ hoặc kết tội là do chính người bị thiệt hại đã cố ý khai báo gian dối, giả mạo chứng cứ;
- Cơ quan tiến hành hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình;
- Thiệt hại xảy ra là do người bị thiệt hại tự gây ra;
- Các trường hợp khác mà pháp luật có quy định.
Về cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường, Điều 19 của Luật quy định: cơ quan nào gây thiệt hại thì cơ quan đó có trách nhiệm bồi thường. Đối với trường hợp giam giữ thì cơ quan quyết định việc giam giữ phải có trách nhiệm bồi thường. Đối với trường hợp bắt giữ thì cơ quan quyết định việc bắt giữ phải có trách nhiệm bồi thường. Trường hợp người bị kết tội bị xét xử nhưng sau đó vô tội thì Toà án đã kết tội phải có trách nhiệm bồi thường. Trường hợp án sơ thẩm tuyên có tội, án phúc thẩm tuyên vô tội thì Toà sơ thẩm phải có trách nhiệm bồi thường.
Để được bồi thường, người bị thiệt hại phải gửi đơn yêu cầu tới cơ quan có trách nhiệm bồi thường. Cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải giải quyết yêu cầu bồi thường trong vòng 2 tháng, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu bồi thường. Trong thời hạn đó nếu người yêu cầu bồi thường không được giải quyết bồi thường hoặc được giải quyết nhưng không thoả mãn với mức bồi thường, thì trong vòng 30 ngày, kể từ khi hết thời hạn giải quyết bồi thường, người đó có quyền khiếu nại lên cấp trên trực tiếp của cơ quan có trách nhiệm bồi thường. Trường hợp cơ quan có trách nhiệm bồi thường là toà án nhân dân thì việc khiếu nại được chuyển lên Hội đồng giải quyết bồi thường của Toà án nhân dân ở cấp cao hơn.
Trong vòng 2 tháng, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, cơ quan nhận được đơn phải có trách nhiệm xem xét, giải quyết. Nếu vẫn không đồng ý với quyết định giải quyết của cơ quan này, người khiếu nại có thể gửi đơn đến Hội đồng giải quyết bồi thường của Toà án cùng cấp với cơ quan giải quyết đơn khiếu nại việc bồi thường để yêu cầu giải quyết bồi thường. Quyết định của Hội đồng giải quyết bồi thường có hiệu lực thi hành (Điều 23).
Hội đồng giải quyết bồi thường được thành lập tại các Toà án từ cấp bậc trung trở lên, bao gồm từ 3 đến 7 thẩm phán hoạt động theo nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số (Điều 23).
Sau khi bồi thường, cơ quan đã bồi thường phải xử lý và yêu cầu cán bộ, công chức có lỗi trong việc gây ra thiệt hại phải bồi hoàn một phần hoặc toàn bộ khoản bồi thường (Điều 24).
Hình thức bồi thường và xác định mức bồi thường
Điều 25 của Luật Bồi thường nhà nước của Trung Quốc quy định, hình thức bồi thường chủ yếu sẽ là bồi thường bằng tiền. Trường hợp tài sản bị thu giữ trái pháp luật vẫn còn hoặc có thể khôi phục nguyên trạng được thì tài sản này sẽ được trả lại và khôi phục lại nguyện trạng.
Trường hợp quyền tự do của công dân bị xâm hại thì mức bồi thường cho mỗi ngày bị xâm hại là mức tiền lương trung bình mỗi ngày của người lao động tính được trong năm trước đó (Điều 26).
Trường hợp sức khoẻ bị xâm hại thì tiền chi phí y tế và thu nhập bị mất do không lao động được sẽ được bồi thường. Tiền thu nhập bị mất được tính theo mức tiền lương trung bình mỗi ngày của người lao động tính trong năm trước đó nhưng tổng số tiền được bồi thường tối đa là 5 lần tiền lương năm của người lao động đó.
Trường hợp mất khả năng lao động thì tùy theo mức độ mất khả năng lao động mà người bị thiệt hại được bồi thường chi phí chữa trị và phần thu nhập bị mất do mất khả năng lao động nhưng phần thu nhập bị mất được bồi thường tối đa là 10 lần lương trung bình của người lao động trong năm trước đó (đối với trường hợp mất một phần khả năng lao động) và 20 lần mức lương trung bình của người lao động trong năm trước đó (đối với trường hợp mất toàn bộ khả năng lao động). Tiền mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng cho người khác cũng được bồi thường.
Trong trường hợp người bị thiệt hại chết thì mức bồi thường là 20 lần tiền lương năm trung bình của người lao động trong năm trước đó. Tiền mà người bị chết có nghĩa vụ cấp dưỡng cho người khác cũng được bồi thường.
Trường hợp quyền tài sản bị xâm hại, thì việc giải quyết bồi thường được quy định như sau:
- Trường hợp tịch thu tài sản, thì tài sản sẽ được hoàn trả;
- Trường hợp tài sản bị niêm phong, phong toả thì lệnh niêm phong, phong toả sẽ bị hủy. Nếu vì sự niêm phong, phong toả này mà tài sản bị thiệt hại thì phần thiệt hại này sẽ được bồi thường;
- Trường hợp tài sản được hoàn trả mà có thể khôi phục nguyên trạng thì tài sản sẽ được khôi phục nguyên trạng, trường hợp không khôi phục được thì phần thiệt hại sẽ được bồi thường;
- Nếu tài sản không hoàn trả lại được do bị mất, bị tiêu hủy thì sẽ được bồi thường toàn bộ giá trị;
- Nếu tài sản đã bị bán đấu giá thì tiền bán đấu giá sẽ được hoàn trả;
- Nếu giấy phép hoặc giấy chứng nhận bị thu hồi trái pháp luật thì giấy phép và giấy chứng nhận được cấp lại và thiệt hại do hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ sẽ được bồi thường.
- Các thiệt hại khác đối với tài sản sẽ được bồi thường theo thực tế xảy ra.
Thời hiệu yêu cầu bồi thường
Theo Điều 32 của Luật Bồi thường nhà nước của Trung Quốc, thời hiệu yêu cầu bồi thường là 2 năm, kể từ khi việc thực thi nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan, cán bộ công chức gây ra thiệt hại chính thức được xác định là trái pháp luật. Thời hạn bị giam giữ không được tính vào thời hiệu yêu cầu bồi thường.
Nguyễn Văn Cương
Nguồn thông tin:
www.nclp.org
Tìm hiểu và nghiên cứu văn bản pháp luật, luật việt nam, luật, luật sư, tư vấn luật, - tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân, thành lập doanh nghiệp, tư vấn pháp lý về doanh nghiệp...
Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2007
LUẬT BỒI THƯỜNG NHÀ NƯỚC TRUNG QUỐC
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Bài đăng phổ biến
-
Chia sẻ tài liệu học lớp Luật sư. BÀI THU HOẠCH DIỄN ÁN HỒ SƠ DS06 TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG CHUYỂN NHƯỢNG QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT I. ...
-
Tham khảo thêm: 5 Phần mềm trắc nghiệm sát hạch thi lý thuyết lái xe ô tô miễn phí hay nhất Toàn bộ các văn bản, bài viết có liên quan đến L...
-
Tham khảo thêm: Hướng dẫn chèn hình nền, Slide template, ClipArt cho Word, Powerpoint Hình nền, themes trang trí cho desktop và cách tự động...
-
Tải về sách Ebook Luật cư trú về hộ khẩu, hộ tịch, CMND, hộ chiếu, xuất nhập cảnh, lý lịch tư pháp và biểu mẫu mới nhất Tải về sách Ebook hư...
-
Tải về sách Ebook Luật Cán bộ, công chức, viên chức và biểu mẫu đính kèm Quy định về phụ cấp Nghị định 57/2011/NĐ-CP về chế độ phụ cấp công ...
-
Tải về sách Ebook Luật xây dựng và văn bản, biểu mẫu hướng dẫn mới nhất Tải văn bản (file .doc) (bấm vào link, đợi 8s, bấm Skip this Ad ở ...
-
BỘ NỘI VỤ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc Số: 08/2008/TT-BNV Hà Nội, ngày 17 tháng 11 năm 2008 T...
-
Tải văn bản (file .doc) (bấm vào link, đợi 8s, bấm Skip this... ở góc phải để tải về) Bộ Luật Tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn mới...
-
THS. NGUYỄN THỊ LAN - KHOA LUẬT DÂN SỰ - ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI Quyền sở hữu tài sản của vợ chồng (còn gọi là chế độ tài sản giữa vợ chồng) l...
-
Tải về Ebook sách Bộ Luật lao động và văn bản hướng dẫn, biểu mẫu mới nhất Tải văn bản (file .doc) (bấm vào link, đợi 8s, bấm Skip this Ad ...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét