Thứ Hai, 10 tháng 12, 2007

TRÌNH ĐỘ VÀ PHƯƠNG PHÁP CỦA GIẢNG VIÊN: NHÂN TỐ QUYẾT ĐỊNH CHẤT LƯỢNG CỦA GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

TS.Vũ Anh Tuấn

TẠP CHÍ PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ 6/2006

Đành rằng chức năng chính của GV là giảng dạy nhưng có thể nói bệnh “lười nghiên cứu” đang rất phổ biến trong đội ngũ GV, số đông chỉ chú ý tới việc giảng dạy, không đầu tư nghiên cứu khoa học, những GV như vậy chỉ đơn thuần là những “thợ giảng”, thật đáng suy nghĩ khi nhiều GV thậm chí có ít giờ giảng cũng hạn chế đầu tư nghiên cứu khoa học.

Cổ nhân có câu “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”- Sự tinh thông nghề nghiệp sẽ tôn vinh người hành nghề. Ngày nay do phân công lao động xã hội phát triển, giáo dục và đào tạo là một ngành quan trọng trong hệ thống các ngành nghề.
Nghề dạy học là một nghề cao quí. Bởi đây là nghề mà sản phẩm là sự trang bị, tăng cường tri thức và giúp hình thành nhân cách cao đẹp cho con người.

Trong hoạt động của hệ thống giáo dục và đào tạo, ngoài công tác tổ chức quản lý, điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật thì giảng viên (GV) giữ vai trò đặc biệt quan trọng, là nhân tố quan trọng nhất giữ vai trò quyết định đến chất lượng của công tác giáo dục và đào tạo. Mỗi GV với phong cách và năng lực khác nhau sẽ có sức truyền cảm, lôi kéo người học khác nhau, do vậy việc tiếp thụ tri thức và việc hình thành nhân cách của học viên cũng khác nhau.
Xã hội vận động và phát triển không ngừng, cải cách giáo dục và đào tạo đòi hỏi phải đi trước một bước để đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội. Cải cách giáo dục và đào tạo nhằm từng bước nâng cao chất lượng của công tác giáo dục, do đó việc không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, đổi mới phong cách và năng lực giảng dạy của GV là nhu cầu bức xúc vừa cần thiết cấp bách, vừa căn bản lâu dài.

Trên thực tế đã có rất nhiều hội thảo về chủ đề này và được giới giáo chức rất mực quan tâm. Theo đó, tác giả bài viết muốn được chia sẻ với đồng nghiệp một số suy nghĩ nhằm góp phần nâng cao trình độ và đổi mới phương pháp giảng dạy các môn khoa học xã hội, với mong muốn mỗi GV tự hình thành phong cách riêng hiệu quả, đồng thời tăng cường được năng lực giảng dạy, nhất là khả năng giao tiếp để thu hút học viên trong lớp học.

Để nâng cao trình độ và năng lực của GV, để có phong cách giảng dạy hiệu quả, người GV cần chú ý các điểm sau:

1. Trình độ khả năng và phong cách của GV. 

Khả năng và trình độ của GV luôn là yếu tố quan trọng giúp cho GV làm chủ được bài giảng, nắm vững chuyên môn môn học, có khả năng mở rộng và liên hệ với các khoa học khác và vận dụng vào đời sống xã hội. Khả năng và trình độ của GV thường thể hiện qua các mặt:

a. Về trình độ chuyên môn.

Để đáp ứng yêu cầu của công tác giáo dục hiện nay đòi hỏi GV phải có trình độ chuyên môn cao, phải nắm vững những nguyên lý cơ bản, những nội dung chính của khoa học mình phụ trách. Ngoài việc nắm vững nội dung môn học như đòi hỏi cấp thiết, người GV còn phải hiểu biết và có khả năng liên hệ với các khoa học khác, nhất là việc ứng dụng những kiến thức của môn học vào các công trình nghiên cứu và trong hoạt động thực tiễn. Một bài giảng hay trước hết phải thể hiện tính khoa học, tính triết lý, có chiều sâu nhưng lại không xa rời thực tiễn, do đó đọng lại trong người nghe những suy nghĩ nhất định sau buổi học làm nảy sinh trong người học những mong muốn tìm tòi khám phá. Như vậy người GV giỏi không chỉ có trình độ chuyên môn môn học mà còn phải có phong cách và phương pháp tốt. Một phong cách và phương pháp tốt là phong cách và phương pháp được đông đảo người nghe chấp thuận, bất luận nếu không được người nghe chấp thuận đều là phong cách và phương pháp tồi, do đó là sự hạn chế về trình độ và khả năng chuyên môn, bởi “không có môn học dở, chỉ có thầy giáo tồi”. V. I. Lênin đã từng nói nghiên cứu chủ nghĩa Mác cái được lớn nhất là phương pháp, quả thực giáo dục ngày nay đang chuyển dần từ dạy nội dung sang dạy phương pháp.

b. Về mặt kỹ thuật hay tính logic của bài giảng.

GV phải sử dụng không gian lớp học một cách hiệu quả: sử dụng bảng, đặt đèn chiếu, màn hình hợp lý để học viên dễ dàng quan sát, tiếp thu sẽ có sự hấp dẫn khi giảng bài; sử dụng bảng, đèn chiếu, màn hình hợp lý hiệu quả, không lạm dụng, không đi qua màn hình khi đang chiếu, không sử dụng đồng thời cả bảng và đèn chiếu hay màn hình khi giảng bài.
Phim đèn chiếu hay hình ảnh qua đĩa mềm phải to, rõ ràng, phông chữ dễ đọc, không soạn quá nhiều chữ, viết đúng chính tả và ngữ pháp, kết hợp hình ảnh hợp lý. Chuẩn bị kỹ bài giảng trước khi lên lớp, khi vào lớp cần chào hỏi học viên để đáp lại sự chào hỏi của người học.

c. Về ngôn ngữ và sự hiện diện của GV. GV trong suốt quá trình giảng dạy cần phải:

- Thường xuyên sử dụng cử chỉ thân thiện như mỉm cười, dang tay, thay đổi tư thế đứng, ngồi, đi lại, quan sát cho phù hợp với không gian lớp học.

- Sử dụng ngôn ngữ, cử chỉ có hiệu quả khi trình bày như giọng nói ấm áp dễ nghe, âm lượng phù hợp, không nên phát âm quá lớn hoặc quá nhỏ hoặc quá gay gắt, thường xuyên sử dụng ánh mắt thân ái, dí dỏm để thu hút học viên.

d. Thường xuyên giao tiếp qua lại với học viên. Người GV tốt là người thường xuyên biết:

- Thể hiện thái độ quan tâm, giúp đỡ học viên trong suốt quá trình giảng dạy, không nên tạo sự cách biệt với học viên.

- Lôi kéo học viên làm cho họ không e ngại, cư xử bình đẳng không thiên vị với học viên, không thể hiện sự quan tâm thái quá đối với học viên.

- Hài hước một cách phù hợp để giảm căng thẳng, tạo không khí vui vẻ trong lớp học.

- Chia sẻ kinh nghiệm cá nhân nhưng không nên lạm dụng nói về mình quá nhiều, nên nói về đồng nghiệp hoặc thầy cô đi trước.

- Ăn mặc nghiêm túc, vào lớp đúng giờ, giữ thái độ cư xử đúng mực, biết hoan nghênh học viên tích cực góp ý kiến hoặc hỏi bài.

e. Về việc thể hiện các kỹ năng để giảng dạy hiệu quả. GV cần thể hiện tốt các kỹ năng:

- Biết sử dụng câu hỏi nhập đề. Thông thường có hai loại câu hỏi: thứ nhất là loại câu hỏi dẫn đề để dẫn dắt học viên đi từ nội dung khoa học này sang nội dung khoa học khác; thứ hai là câu hỏi mở để thu nhận phản ứng qua các câu trả lời của học viên.

- Trình bày bài giảng kết hợp trực quan rõ ràng một cách đầy đủ, ngắn gọn, logic, súc tích để học viên dễ tiếp thu, thường xuyên kiểm tra sự hiểu biết về chuyên môn của học viên

- Biết ghi nhận mọi câu trả lời của học viên, không ngắt lời hoặc trả lời theo kiểu trấn áp và không nên từ chối các câu hỏi của học viên, sử dụng cách giao tiếp bằng mắt một cách tự nhiên với học viên và cả lớp.

- Khi có học viên chất vấn phải bình tĩnh lắng nghe, không đối phó, phải tìm cách giải quyết vấn đề, tránh xung đột hoặc đối đầu với học viên.

- Quản lý thời gian và chương trình làm việc tốt, điều chỉnh hành vi không đúng của học viên theo qui định.

f. Về quá trình trình bày thông tin và sử dụng các phương tiện trực quan có hiệu quả.

GV cần chuẩn bị đề cương bài giảng cẩn thận, rõ ràng, chi tiết. Cần có thẻ ghi chú những vấn đề, những điểm cần thiết như câu hỏi, điểm nhấn, lộ trình tiến hành bài giảng, các bước thực hiện, những gợi ý học viên và kết luận.

Nên sử dụng chương trình Power Point để soạn bài giảng, viết chữ in, to, đúng chính tả, sử dụng một số màu, phông chữ khác nhau, kết hợp hình ảnh hợp lý, mỗi trang chỉ soạn tối đa từ 10 – 12 dòng, khi soạn không nên viết câu hoàn chỉnh, nên gạch đầu dòng các câu hoặc một mệnh đề.

Khi chiếu không nên chiếu cả trang, nếu dùng phim phải che từng phần, phải đánh số trang và đóng thành từng tập để dễ sắp sếp mà không bị lẫn lộn, còn nếu dùng Power Point nên chiếu từng đoạn, khi cần minh hoạ hoặc mô hình hoá có thể chiếu cả trang.

Nếu có điều kiện thì có thể phát tài liệu (đề cương tóm tắt cho học viên) trước mỗi buổi giảng và giao việc cho buổi học tới.

2.Kỹ năng giao tiếp bằng lời và không bằng lời khi giảng dạy 

Trong giao tiếp, truyền giảng GV cần phải kết hợp thường xuyên cả hai hình thức giao tiếp bằng lời và giao tiếp không bằng lời.

a. Giao tiếp không bằng lời:

Thứ nhất: về ngôn ngư, cử chỉ và hành vi giao tiếp:

Quá trình truyền giảng người GV phải thường xuyên đưa ra một thông điệp ấm áp, nồng nhiệt chào đón và tin tưởng vào học viên, thể hiện sự tự tin, quan tâm, và kỳ vọng vào kết quả đạt được của học viên, không nên dùng ngôn ngữ gay gắt, nặng nề, đe dọa, trấn áp học viên trong giờ giảng cũng như giờ giải lao, cần duy trì thường xuyên một thái độ đúng mức.
GV cần chú ý một số điều như: động thái đi đứng phải khoan thai, tự nhiên, không gượng gạo miễn cưỡng, luôn phải giữ tư thế đứng thẳng thoải mái, tránh sự uể oải hoặc biểu lộ sự căng thẳng nhất là đối với những GV mới.
Nên thường xuyên chú ý cử chỉ của đôi tay, nên sử dụng tay tự nhiên, vì đôi tay sẽ làm tăng sự nhiệt tình, hưng phấn của mình khi giảng, không nên để tay trong túi quần lâu, tránh đập tay xuống bàn hoặc vỗ tay khi có sử dụng phấn viết. GV đôi khi cần mỉm cười thoải mái thể hiện bạn hài lòng với kết quả và sự tin cậy vào sự nỗ lực của học viên.

Thứ hai: giao tiếp bằng mắt .

Giao tiếp bằng mắt với mọi học viên trong lớp một cách từ từ thân thiện sẽ làm tăng sự đồng cảm của học viên, do đó GV sẽ thu hút được học viên, ngược lại có thể GV đã tạo ra sự xa lánh, thiếu tin cậy của học viên vào bạn.
Trong quá trình giao tiếp bằng mắt luôn thực hiện với mọi học viên một cách bình đẳng,  GV hãy quan sát khắp phòng học, tránh chỉ quan sát một học viên hay một nhóm học viên nào đó, hoặc chỉ quan sát một vị trí nào đó trong phòng học quá lâu, tránh cúi xuống nhiều hoặc quan sát ra ngoài hoặc nhìn lên trần nhà quá lâu với cùng một tư thế .

Thứ ba: vị trí của GV trong lớp học.

Cần chủ động trong việc sử dụng không gian lớp học, nên sử dụng các vị trí khác nhau trong phòng học trong suốt khoá học, không nên đứng, ngồi cố định một chỗ, hoặc định vị quá lâu ở một vị trí nào đó, việc đi lại vừa phải quanh lớp học là cần thiết.

Khi trình bày, cung cấp thông tin GV cần đứng trước lớp. Khi muốn thu ý kiến từ học viên cần rời vị trí trước lớp để xuống lớp hoặc cuối lớp. Khi thảo luận với lớp thì nên ngồi trước lớp, có thể ở bàn đầu quay xuống cùng học viên. Nếu muốn tham gia với một nhóm nào đó nên kéo ghế ngồi cạnh bàn học viên như một học viên trong nhóm.

Thứ tư: về sự hiện diện của GV.

GV cần thể hiện khả năng khẳng định mình luôn ở cạnh và kiểm tra học viên, làm cho học viên biết rằng mình mong đợi các học viên cho nhiều ý kiến khác nhau và họ sẽ được đánh giá cao khi có nhiều ý kiến, và có ý kiến thông minh.
Điều chủ yếu là GV phải xây dựng và tạo ra hình ảnh về sự tự tin, cởi mở và khuyến khích học viên tham gia thảo luận (nếu có).

b. Giao tiếp hiệu quả bằng lời nói.

Một là: giọng nói của GV.

Giọng nói phải dễ nghe, nên sử dụng ngôn ngữ phổ thông, đôi khi hài hước bằng ngôn ngữ địa phương (tránh lạm dụng). Cần kết hợp chất liệu giọng cao, thấp, trầm, bổng để có giọng dễ nghe và thu hút.

Hai là: âm lượng.

Điều chỉnh âm thanh cho đủ nghe khắp phòng, tránh quá nhỏ hoặc quá to. Âm lượng vừa nhất là âm thanh đủ cho người ở xa nhất nghe được, nên khi nói như thể ta nói với người ở xa nhất. Truyền đạt một cách ấm áp, nhiệt tình, tránh đều đều hoặc hùng hổ quá. Nên hỏi học viên xem họ có nghe rõ không?

Ba là: tốc độ nói của GV.

Nói chậm quá sẽ rời rạc, bởi vậy nói nhanh còn hơn nói chậm. Tất nhiên nếu nói quá nhanh sẽ giảm chất lượng bài giảng vì học viên không nghe kịp, sẽ làm cho họ mất tập trung hoặc nản chí vì cho rằng có quá nhiều vấn đề vượt qua khỏi khả năng của họ.

Luôn bình tĩnh, tránh sự căng thẳng, biết chêm đúng lúc những câu hài hước dí dỏm để tăng sự hưng phấn, có thể kể những câu chuyện vui vào cuối mỗi đoạn khi thấy học viên uể oải, hoặc quá căng thẳng.

Bốn là: dừng nói có chủ ý.

Đôi khi cần dừng đột ngột (có chủ ý) để cho học viên có thời gian suy nghĩ về những điều họ vừa được nghe. Khi có học viên tự xin ý kiến đừng nghĩ rằng bạn luôn là người lấp chỗ trống, có thể nhờ một học viên khác trả lời giúp, hoặc để cho cả lớp thảo luận nhưng cần nhớ rằng ý kiến cuối cùng là của bạn.

Nhìn chung giáo dục và đào tạo ngày nay đang đặt ra yêu cầu người GV phải nỗ lực nâng cao trình độ, chuyển đổi phong cách giảng dạy cho phù hợp. Ngày nay cần thiết chuyển từ phong cách GV – người trình bày (thuyết trình) sang GV – người hướng dẫn (nhất là với các khoa học chuyên ngành, khoa học ứng dụng ).

Phương pháp giảng dạy đại học của chúng ta trước đây, người GV chủ yếu giữ vai trò thuyết giảng, tức là đưa thông tin đến lớp, đến người nghe theo kiểu một chiều, áp đặt, vì thế khi thi cử thì học viên có nghĩa vụ trả bài cho thầy một cách thụ động, theo phương pháp này thì  người thầy giữ vai trò trung tâm. Ngày nay, GV không chỉ là người đưa thông tin, thuyết trình mà còn và phải là người hướng dẫn, giúp đỡ tức một mặt vừa đưa thông tin, thuyết trình, mặt khác GV cần hướng dẫn, giúp học viên tìm hiểu và khám phá một chủ đề nào đó, đồng thời phải tập trung vào học viên với những điều họ biết, họ làm, theo đó học viên là trung tâm và là đối tượng của GV và công tác giáo dục.

3. Điều kiện cần và đủ

Để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo cần có đội ngũ thầy giáo có trình độ chuyên môn cao, có tâm huyết với nghề, có cơ sở vật chất phù hợp yêu cầu và cơ chế quản lý và làm việc hiệu quả.
Riêng về đội ngũ GV có thể nói cơn lốc thị trường đang cuốn hút phần lớn thời gian của GV vào việc giảng dạy, ít đầu tư nghiên cứu do đó bài giảng thiếu chiều sâu cần thiết, phương pháp chậm được cải tiến, thông tin thiếu cập nhật nên chưa đáp ứng được mong đợi của học viên.  Đành rằng chức năng chính của GV là giảng dạy nhưng có thể nói bệnh “lười nghiên cứu” đang rất phổ biến trong đội ngũ GV, số đông chỉ chú ý tới việc giảng dạy, không đầu tư nghiên cứu khoa học, những GV như vậy chỉ đơn thuần là những “thợ giảng”, thật đáng suy nghĩ khi nhiều GV thậm chí có ít giờ giảng cũng hạn chế đầu tư nghiên cứu khoa học.

Thực tế cho thấy những GV ít đầu tư nghiên cứu là những GV không có uy tín trong giảng dạy, ngược lại, những GV không ngừng nỗ lực trong nghiên cứu khoa học là những GV có uy tín cao trong giảng dạy. Có thể dễ dàng nhận thấy một bộ không nhỏ thầy cô giáo đang rất nỗ lực làm việc có hiệu quả, đang đóng góp rất lớn cho sự nghiệp giáo dục, đó là những GV vừa tích cực trong nghiên cứu khoa học, vừa lăn lộn với công việc giảng dạy và đang thu nhận được uy tín cao trong giảng dạy, họ được đông đảo học viên, người nghe đồng tình và tín nhiệm.

Như vậy, chất lượng công tác giáo dục phụ thuộc phần lớn vào chất lượng nhà giáo và công tác quản lý. Trong cơ chế hiện nay có thể nó bệnh “lười nghiên cứu” thường đi liền với bệnh “thích làm lãnh đạo, quản lý” đang gây cản trở không nhỏ đến chất lượng giáo dục, thiết nghĩ ngành giáo dục cần có những giải pháp hữu hiệu, có cơ chế đánh giá khách quan để nâng cao chất lượng và trình độ đội ngũ GV. Nên mở rộng cơ chế đánh giá GV, cần thiết có cơ chế thu nhận ý kiến và sự đánh giá của người học và xã hội, đồng thời chọn đúng và đề cử được những người có năng lực và tâm huyết với ngành giáo dục vào các vị trí quản lý các cấp của ngành giáo dục, điều đó sẽ tạo tác động dây chuyền và chất lượng giáo dục sẽ được nâng cao ª

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến