Nguyễn Thu Phương
TẠP CHÍ CỘNG SẢN SỐ 22 NĂM 2007
Thực hiện chính sách gia đình, các nước châu Âu hướng tới xây dựng gia đình phát triển toàn diện, chú trọng tới vai trò của gia đình trong việc nuôi dạy con cái nhằm bảo đảm cho xã hội tương lai. Đây là trọng trách đòi hỏi nỗ lực từ những bậc cha mẹ, nhất là khi xã hội ngày càng phát triển, việc dung hòa giữa công việc và trách nhiệm gia đình càng trở nên khó khăn.
1. Mục tiêu của chính sách gia đình
Những nhà hoạch định chính sách gia đình ở châu Âu đã nhìn nhận các quyền cơ bản trong cuộc sống gia đình đồng nghĩa với quyền được tôn trọng cuộc sống riêng, quyền kết hôn và bảo vệ gia đình, quyền dung hòa giữa trách nhiệm gia đình và công việc, quyền của con cái. Những “giá trị gia đình” được khẳng định thông qua những mục tiêu cụ thể:
Một là, củng cố vai trò của cha mẹ trong chức năng giáo dục, nuôi dạy con trẻ nhằm tránh những hành vi đáng tiếc xảy ra, dẫn đến sự đổ vỡ trong gia đình.
Hai là, tăng cường hỗ trợ chính sách nhà ở, chính sách tài chính đối với những gia đình gặp khó khăn khi số lượng thành viên tăng, sinh con hay có nhu cầu đặc biệt khi có con ở lứa tuổi vị thành niên.
Ba là, kết hợp hài hòa giữa cuộc sống gia đình với nghề nghiệp thông qua việc tăng quỹ thời gian nghỉ phép cho các bậc cha mẹ và thành viên gia đình, đồng thời cải thiện chế độ sinh đẻ, chế độ nhận trông trẻ.
Bốn là, phát triển chính sách gia đình về quỹ thời gian rảnh rỗi thực sự dành cho trẻ em và cha mẹ.
Trong những mục tiêu trên, chính sách gia đình đặc biệt chú ý tới mục tiêu thứ 3 vì đây đang là vấn đề bức xúc đối với đa số gia đình châu Âu khi áp lực công việc ngày càng nhiều, thời gian dành cho gia đình bị thu hẹp. Điều này dẫn đến tình trạng kết hôn muộn phổ biến ở giới trẻ châu Âu. Ngoài ra, các bậc cha mẹ khó có thể làm tròn trách nhiệm với con cái; các thành viên trong gia đình ít điều kiện gần gũi nhau. Như vậy, sự liên kết gia đình trở nên lỏng lẻo, dẫn tới xã hội phát triển không bền vững. Không những thế, các quốc gia châu Âu đứng trước nguy cơ lão hóa dân số do tỷ lệ sinh những năm gần đây giảm mà nguyên nhân chính là do vấn đề bất bình đẳng giới trong cơ hội việc làm cùng những khó khăn mà các gia đình gặp phải trong công việc khi quyết định sinh con.
2. Bối cảnh thực tế
Đại bộ phận giới trẻ châu Âu hiện nay vừa muốn lập gia đình, vừa muốn thành công trong nghề nghiệp. Tuy nhiên, những kế hoạch, dự định đã khiến giới trẻ bị cuốn theo nhịp sống hối hả mà quên đi hạnh phúc cá nhân. Những khóa học kéo dài cùng lối sống hiện đại đã khiến tình trạng kết hôn muộn trở thành xu hướng điển hình ở châu Âu.
Tình trạng sinh con muộn hoặc không muốn có con của các cặp vợ chồng trẻ hiện nay ở châu Âu đã gây hậu quả nghiêm trọng đối với phát triển xã hội. Tại châu Âu, số lượng người trẻ tuổi ít đi, số người già tăng lên do tuổi thọ ngày càng cao. Sự lão hóa dân số trở thành mối quan ngại về khả năng cạnh tranh của thị trường lao động trong khu vực.
Xã hội hiện đại đòi hỏi chất lượng công việc cao, quy luật đào thải trở nên khắc nghiệt khiến người lao động ở cả hai giới phải nỗ lực, phấn đấu. Số lượng nam giới theo đuổi sự nghiệp, không có con cái cao hơn nữ giới. Nhóm người này sống theo phong cách thỏa mãn những nhu cầu cá nhân và vai trò của họ trong gia đình cũng dần mất đi. Tuy nhiên, theo một số liệu điều tra xã hội học, hơn một nửa nam giới độ tuổi dưới 44 mong muốn có một mái ấm và vai trò trụ cột trong gia đình. Song, những người đàn ông này phải đối mặt với thực tế trớ trêu khi họ biết rằng thực hiện mong muốn này bao giờ cũng đi liền với những khó khăn gặp phải trong công việc.
Việc phân chia quỹ thời gian, trách nhiệm gia đình giữa hai giới còn thiếu công bằng. Điều này dễ nhận thấy khi chủ yếu vẫn là phụ nữ phải hy sinh công việc và cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp vì gia đình. Đây là nhân tố ảnh hưởng mạnh tới sự tham gia của nữ giới vào thị trường lao động và việc thực hiện các chính sách, dự án về gia đình.
Trên thực tế, mặc dù tại châu Âu cũng như các châu lục khác, vai trò của người phụ nữ vẫn là “nội tướng”, là cầu nối giữa các thành viên trong gia đình, nhưng, nếu như 30 năm trước, ở châu Âu chỉ có 1/4 số phụ nữ đăng ký tham gia các khóa học cao đẳng hay đại học, thì ngày nay, trong xã hội hiện đại, hơn một nửa số sinh viên trong các trường đại học là nữ giới. Số phụ nữ tham gia thị trường lao động hay công tác xã hội ở độ tuổi từ 25 đến 45 chiếm tới 80%. Độ tuổi trung bình hiện nay của nữ giới khi có con đầu lòng là 30. Ở tuổi này, phần lớn họ đều đã có công việc ổn định. Do vậy, việc đảm nhiệm công việc xã hội và trách nhiệm trong gia đình lúc này trở thành gánh nặng khiến người phụ nữ buộc phải lựa chọn hoặc một trong hai, hoặc phải kết hợp giữa việc nhà và công việc, và khi đó con đường sự nghiệp sẽ bị gián đoạn. Song, điều mà người phụ nữ mong muốn nhất là có thể đảm nhiệm cả hai trọng trách trên.
3. Những giải pháp thiết thực
Bàn về việc phân quỹ thời gian dành cho công việc và gia đình, chính sách gia đình châu Âu xem xét đến hai khía cạnh: Thứ nhất, vấn đề bình đẳng giới trong cơ hội tìm kiếm việc làm. Thứ hai, hỗ trợ tài chính nhằm khuyến khích, nâng cao tỷ lệ sinh đẻ trong các gia đình.
Chính sách gia đình chú trọng tới việc đáp ứng nguyện vọng về quỹ thời gian cho người lao động, đặc biệt là nữ giới. Ngày nay, vấn đề không còn là nữ giới có tham gia hoạt động xã hội hay không, mà là thay đổi cách nhìn nhận khi họ là thành phần đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế. Chính sự bấp bênh trong công việc và nguy cơ thất nghiệp sẽ dẫn đến tình trạng gia đình mất ổn định. Yếu tố tự chủ và việc làm của nữ giới góp phần ổn định tổng thu nhập của gia đình, khắc phục được tình trạng khó khăn, nhất là đối với các gia đình mà cuộc sống phụ thuộc chủ yếu vào một lương do nạn thất nghiệp. Do tỷ lệ ly hôn ở châu Âu ngày càng cao (cứ 3 cặp thì có 1 cặp ly hôn) và 70% gánh nặng gia đình rơi vào đôi vai người phụ nữ, nên người phụ nữ càng cần tự chủ trong công việc cũng như về tài chính. Giải pháp được đưa ra đó là cơ hội làm việc bán thời gian hay thời gian linh hoạt đặc biệt dành cho các bà mẹ có con nhỏ. Ngoài ra, chính phủ các nước châu Âu cũng kêu gọi nam giới đảm nhiệm tốt hơn chức năng làm cha nhằm giảm thiểu gánh nặng cho nữ giới.
Chế độ nghỉ sau khi sinh con đối với cả 2 vợ chồng là giải pháp điển hình trong chính sách hỗ trợ bình đẳng giới, phân chia trách nhiệm gia đình. Chính phủ Đan Mạch cho phép thời gian nghỉ sau khi sinh con là một năm; ở Đức, luật nghỉ sau khi sinh con được áp dụng linh hoạt đối với cả hai vợ chồng (nghỉ phép cùng một lúc, hoặc có thể luân phiên nghỉ..). Hà Lan, Lúc-xăm-bua áp dụng chính sách lao động tính đến yếu tố trợ giúp, nhất là với nữ giới, những khả năng tối ưu về thời gian để chăm sóc con cái, nhất là trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, trẻ vị thành niên. Các nước Ai-len, Anh, Đức và Hy Lạp thực hiện chính sách hỗ trợ lương trong thời gian nghỉ đẻ của cả vợ và chồng nhằm tránh tình trạng bấp bênh về tài chính gia đình.
Việc lập gia đình và sinh con là quyền hợp pháp của mỗi cá nhân nên chính phủ các nước châu Âu không thể hoặc không muốn đưa ra những chính sách can thiệp. Mỗi quốc gia châu Âu đều có cách nhìn nhận về vấn đề khuyến khích xây dựng gia đình và sinh đẻ tùy theo bối cảnh của từng nước. Tuy nhiên, định hướng chung vẫn là tạo môi trường thuận lợi, ổn định cho việc xây dựng gia đình, trong đó mọi cá nhân có thể sắp xếp quỹ thời gian hợp lý giữa sự nghiệp và hạnh phúc gia đình để đầu tư hiệu quả cho các thế hệ tương lai.
Phần đông các cặp vợ chồng trẻ trì hoãn thời gian sinh con với lý do công việc. Nhưng theo các chuyên gia nghiên cứu vấn đề gia đình, những quốc gia nào ở châu Âu tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng có cơ hội kết hợp giữa công việc và gia đình hợp lý thì ở đó tỷ lệ sinh đẻ sẽ cao hơn so với các quốc gia khác.
Ngoài công việc ổn định, điều kiện nhà ở, hệ thống cung cấp dịch vụ ưu đãi như trông trẻ, hệ thống trường học có chất lượng cũng là những yếu tố hỗ trợ thiết thực. Trợ giúp của chính phủ đối với nhu cầu tối thiểu của các gia đình không chỉ là trợ cấp tài chính trước mắt mà là cả quá trình lâu dài nhằm đầu tư cho xã hội tương lai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét