Nạn nhân
Phiên tòa sơ thẩm ngày 18-7 tại TAND TP Cần Thơ xử vụ bị cáo Đoàn Thế Cường chạy xe không có giấy phép lái xe, lấn sang phần đường bên trái đụng chết em Nguyễn Văn T.. Anh Trần Văn Bảy, là anh vợ của Cường, ngồi phía sau xe bị văng xuống đường, chấn thương sọ não.
Thoát chết nhưng anh Bảy ngẩn ngẩn ngơ ngơ như người mất trí. Hội đồng xét xử (HĐXX) hỏi gì anh cứ ngơ ngác lắc đầu hoặc lặp lại câu hỏi như đứa trẻ tập nói khiến ai cũng thấy xót xa. Vị chủ tọa thở dài, nói với người vợ: "Chị ráng về chăm sóc chồng, với thần hồn như thế này, chắc anh Bảy không thể gánh vác chuyện gia đình được nữa".
Hàng xóm kể trước đây anh Bảy là người khỏe mạnh, trụ cột chính của gia đình. Tội cho các con anh, giờ phải bỏ học phụ mẹ nhổ cỏ mướn, cấy lúa thuê… sống đắp đổi qua ngày và nuôi người cha tật nguyền. Còn nạn nhân T., chỉ mới học lớp 9, đứa con trai độc nhất và là kỳ vọng của gia đình. Nghe tôi hỏi đến T., đôi mắt người mẹ bất hạnh ngấn nước, lắc đầu, nghẹn lời: "Thôi đừng nhắc nữa, đau lắm! Tôi thấy báo đài đăng hoài mà tai nạn giao thông (TNGT) có giảm đâu!".
Một vụ án khác: chị Nguyễn Thị M. buôn bán, chồng làm công nhân, chắt chiu từng đồng nuôi hai con ăn học. Tuy cực nhọc nhưng gia đình rất hạnh phúc, nhất là vào những ngày cuối tuần cả gia đình quây quần bên mâm cơm nóng, con khoe chuyện học hành, cha mẹ hãnh diện vì con. Nhưng rồi tất cả đều biến mất trong cái ngày định mệnh đó, khi chị M. bị xe đụng chết. Sau ngày tang tóc đó, do làm công nhân xa nhà nên buộc lòng anh Phạm Văn L. phải đứt ruột gửi con cho người dì chăm sóc. Đồng lương công nhân ít ỏi, nhà dì cũng nghèo nên hai đứa trẻ mấp mé nguy cơ bỏ học.
Thấy bị cáo Nhuận hối hận và thấy tình cảnh Nhuận cũng nghèo như mình nên anh L. làm đơn bãi nại cho bị cáo nhẹ tội, nhưng trái tim người cha cứ nhói đau khi thấy hai con phải đeo mảnh băng tang trên áo. Tại phiên tòa, cả khán phòng chùng xuống khi nghe anh L. nghẹn ngào trả lời HĐXX: "Nỗi mất mát này lớn lắm, cho dù bị cáo có khắc phục cách mấy cũng không cứu vợ tôi sống trở lại được. Hai con chưa học hết cấp II phải chịu cảnh mồ côi mẹ, gia đình ly tán, tôi mong rằng thảm họa này đừng lập lại với gia đình khác".
Bị cáo
Theo thống kê của Sở Giao thông công chính TP Cần Thơ, sáu tháng đầu năm 2007 có khoảng 115 người chết do tai nạn giao thông. Đằng sau những vụ tai nạn là những cái chết thảm khốc, những gia đình bị ly tán, những đứa trẻ không được cắp sách đến trường… Còn người gây ra tai nạn cũng lâm vào cảnh khốn đốn, vừa ngồi tù vừa phải bán đất, bán vườn để bồi thường...
Bị cáo Dương Thanh Nhuận đứng run rẩy trước vành móng ngựa, thỉnh thoảng đưa tay chùi nước mắt. Sau khi tốt nghiệp THPT, vì hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn nên Nhuận không thi đại học mà làm nhân viên tiếp thị. Đi ăn cỗ nhà người quen, cụng ly qua lại, rượu rần rật chạy trong người khiến Nhuận không làm chủ được tay lái gây cái chết cho chị M.. Nhuận phải bán đất, chạy vạy vay nóng để có 47 triệu đồng khắc phục hậu quả cho gia đình nạn nhân. Sau khi gây ra tai nạn, Nhuận như kẻ mất hồn, người thân phải theo canh giữ sợ Nhuận quẫn trí tự vẫn.
Tiếp chuyện với tôi, mặt bị cáo co rúm lại vì hối hận: "Đêm không ngủ được, phải dùng đến thuốc an thần. Cứ nhắm mắt lại là tôi thấy cái chết của chị M., những vành khăn tang trắng, những giọt nước mắt khóc mẹ của hai đứa trẻ. Giá như hôm đó tôi đừng uống, mà có uống thì nghỉ lại đừng chạy xe về... Chẳng những tôi có lỗi với gia đình nạn nhân mà còn có lỗi với người thân của mình". Bạn Nhuận chép miệng: "Nó định dành dụm tiền để học đại học tại chức nhưng hoài bão kia giờ tiêu tan hết, ra tù không biết làm quần quật bao lâu mới có thể trả dứt nợ chứ đừng nói đến chuyện có tiền đi học…".
Bị cáo Đoàn Thế Cường cũng khổ không kém. Cái giá cho việc phóng nhanh, vượt ẩu là mức án 18 tháng tù giam, cộng thêm khoản tiền 36 triệu đồng bồi thường cho gia đình nạn nhân. Số tiền đó quá lớn so với thu nhập của một người làm thuê như Cường đã đẩy hai đứa con Cường vào con đường nghỉ học và nợ giăng tứ phía. Đó là chưa kể bản án lương tâm khiến bị cáo cứ ray rứt: "Khi thấy bảng panô "lái xe bằng cả trái tim" là tôi lạnh cả người".
Ẩn họa trên từng cây số
Riết rồi như quán tính, mỗi khi thấy lịch tòa xử vụ án liên quan điều 202 Bộ luật hình sự (vi phạm qui định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ...) là tôi rùng mình. Có bị cáo xin được tù treo để kiếm tiền lo cho gia đình nạn nhân, có bị cáo cứ gục đầu trong suốt phiên tòa, khuôn mặt tột cùng hối hận, HĐXX xử sao chịu vậy chứ không xin giảm nhẹ án, có lẽ làm như thế lương tâm họ mới bớt bị giày vò. Một vị thẩm phán tâm sự: "Hầu như tuần nào chúng tôi cũng xử án TNGT, chứng kiến những cảnh thương tâm ai cũng đau lòng. Các bị cáo đều tột cùng hối hận, tìm cách khắc phục hậu quả nhưng tất cả cũng không thể chuộc lại những gì đã mất. TNGT là điều không ai muốn, nhưng thảm họa này có thể tránh được, tính mạng bao người có thể cứu được nếu như ai cũng tuân thủ Luật giao thông".
Khi say rượu, phóng nhanh, vượt ẩu, không có giấy phép lái xe… thì người hữu ích hay kẻ vô lại đều có thể biến thành tên sát nhân. Đáng tiếc, họ cứ chủ quan để khi xảy ra chuyện thì đã muộn. Ẩn họa vẫn có mặt trên từng cây số khi người ta không tuân thủ Luật giao thông. Những hậu quả đau đớn sẽ còn tiếp tục diễn ra với không biết bao nhiêu gia đình bất hạnh...
***************************************
MINH TÂM
Việt Báo (Theo_TuoiTre)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét