Trong tinh thần ấy, Nghị quyết Số 08 ngày 2/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới là một đòn bẩy mạnh mẽ đối với việc cải cách các hoạt động tư pháp hiện nay ở Việt Nam. Kể từ khi Công cuộc đổi mới được tiến hành, các cơ quan tố tụng đã có một số thay đổi đáng kể, nhất là gần đây, Hiến pháp 1992 sửa đổi đã kiên quyết bỏ chức năng kiểm sát chung của Viện Kiểm sát. Tuy nhiên, công cuộc cải cách tư pháp mới chỉ được thực hiện bước đầu mục tiêu của nó, và phải tiếp tục các chặng đường khó khăn gian khổ.
Mục tiêu cơ bản của việc cải cách tư pháp hiện nay là đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội tránh oan, sai cho người vô tội, kể cả những người chưa có quyết định của cơ quan tư pháp nhưng đang bị rơi vào trong một hoàn cảnh cực kỳ khó khăn khi ở trong tình trạng của bị can, bị cáo. Theo tôi, việc cải cách tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp có một số điểm cần thiết phải đặt ra để nghiên cứu hiện nay là:
-
Để có một lời buộc tội chính xác và nhanh chóng đồng thời phải đảm bảo mục đích không làm oan người vô tội thì các các cơ quan điều tra tội phạm phải trực thuộc Viện Kiểm sát.
-
Cần phải nhập chức năng điều tra tội phạm vào chức năng công tố, buộc tội của Viện kiểm sát.
Điều tra là hoạt động quan trọng bậc nhất của tố tụng và là khâu đầu tiên, đồng thời cũng là khâu có tính quyết định nhất trong toàn bộ quy trình hoạt động tư pháp. Tất cả các hoạt động công tố, xét xử dù thế nào chăng nữa cũng phải căn cứ vào kết quả xác thực của các hoạt động điều tra. Vì vậy hoạt động điều tra phải gắn chặt hoặc ít nhất là dưới sự chỉ đạo trực tiếp của hoạt động buộc tội. Trong trường hợp những vụ án phức tạp mà người tiến hành điều tra cần đến chuyên môn nghiệp vụ thì hoạt động điều tra này phải được đặt dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Kiểm sát viên thực hiện quyền công tố của vụ án. Công tố uỷ viên nếu không trực tiếp điều tra hoặc không chỉ đạo điều tra thì làm sao có thể nắm được mọi ngóc ngách của tội phạm mà buộc tội?
Vậy mà hiện nay cơ quan tiến hành điều tra không phải là cơ quan buộc tội, tức là điều tra và buộc tội không cùng một chủ thể. Bởi vậy giữa các chủ thể thường xảy ra không ít những mâu thuẫn trong quá trình tố tụng, theo kiểu "ông nói gà, bà nói vịt". Trong hoạt động chính trị cũng như quản lý Nhà nước, để hạn chế tình trạng lạm dụng quyền lực, người ta đã dùng quyền lực để hạn chế quyền lực, theo nguyên lý đối trọng bằng cách chia hoạt động quản lý, hoạt động chính trị ra một số các công đoạn nhỏ và giao cho các chủ thể khác nhau cùng đảm nhiệm. Nhưng trong hoạt động điều tra và buộc tội thì lại hoàn toàn khác không phải qua khâu trung gian nào. Bởi lẽ cả hai hoạt động ấy đều cần đến một lời cáo trạng chính xác và nhanh chóng, tuy chưa là kết quả chính thức nhưng chúng đều phải được kiểm nghiệm lại tại Hội đồng xét xử.
Ở Mỹ, Bộ trưởng Tư pháp đồng thời là Tổng Chưởng lý (giống như Viện trưởng Víện Kiểm sát tối cao của Việt Nam) và Cục Điều tra Liên bang (FBI) trực thuộc Bộ này.
Thực tế hiện nay các hoạt động điều tra của Việt Nam do các cơ quan trực thuộc Bộ Công an thực hiện, còn hoạt động công tố thì lại thuộc chức năng của Viện Kiểm sát làm cho không ít trường hợp Công tố uỷ viên không biết được mọi chi tiết của tội phạm vì họ phải buộc tội thông qua các kết luận các cơ quan điều tra. Mặc dù pháp luật hiện hành vẫn có quy định hoạt động điều tra phải đặt dưới sự kiểm tra, giám sát của Viện Kiểm sát nhưng sự kiểm tra, giám sát này không dễ gì thực hiện chỉ bởi một lẽ, các cơ quan điều tra không trực thuộc Viện Kiểm sát.
Viện Kiểm sát không nên kiêm chức năng kiểm sát xét xử
Viện kiểm sát vừa là chủ thể buộc tội, một bên của tố tụng, lại vừa đứng ra kiểm sát việc xét xử, thật chẳng khác nào "vừa đá bóng vừa thổi còi". Trong công cuộc đổi mới, tình trạng lạc hậu đó đang bị bãi bỏ ở nhiều tổ chức, nhiều cơ quan, nhưng thật lạ là không thấy ai động đến vấn đề này của Viện Kiểm sát.
Thiết chế Viện Kiểm sát của nước ta hiện nay là mô phỏng theo thiết chế của Liên Xô (cũ), các chủ thể, nhất là địa phương và cấp dưới phải luôn luôn tuân theo mệnh lệnh, quyết định cũng như ý chí của cấp trên, là cấp Trung ương. Viện kiểm sát như là một thiết chế đại diện cho cấp Trung ương và bao giờ cũng phải là đúng, buộc các cấp chính quyền địa phương và các ban, ngành trực thuộc cấp dưới, kể cả công dân, phải chấm dứt hoặc thay đổi ngay các hoạt động không phù hợp với các quyết định và luật lệ của các cơ quan Nhà nước cấp trên. Mặc dù quyết định của Viện Kiểm sát chỉ dừng ở dạng kiến nghị nhưng bao giờ cũng phải được các cơ quan khác thực thi.
Trong các quy phạm Hiến pháp của Nga cũng như của Việt Nam trước đây, chức năng công tố không được ghi nhận. Mãi đến Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992, chức năng công tố buộc tội mới được ghi nhận cho Viện kiểm sát, nhưng vẫn được đặt sau chức năng kiểm sát chung. Hay nói một cách khác, buộc tội - công tố là chức năng đi kèm theo, phát sinh từ chức năng kiểm sát chung.
Sau bao nhiêu năm trăn trở, nay theo quy định Hiến pháp sửa đổi, chức năng công tố lại trở thành chức năng chính của Viện Kiểm sát và ngược lại chức năng kiểm sát tư pháp lại thành chức năng đi kèm. Việc "vừa đá bóng vừa thổi còi" vẫn cứ được duy trì, chỉ có điều "bia đã trở thành phải bán kèm theo lạc".
Nên xem xét lại sự hiện diện của hệ thống các Viện Kiểm sát quân sự và Tòa án quân sự trong điều kiện hiện nay
Theo quan điểm của tôi, không nên thành lập các Tòa án Quân sự và Tòa án đặc biệt bởi vì những loại hình Tòa án này chỉ được tổ chức trong thời chiến, trong tình trạng khẩn cấp trước và sau chiến tranh, hiện nay không còn thích hợp nữa. Sự tồn tại của các Tòa án này chỉ tạo ra những điều kiện cho sự bất bình đẳng giữa các chủ thể tiến hành tố tụng và chủ thể tham gia tố tụng mà thôi và thậm chí gây bất lợi cho những người rơi vào tình trạng bị điều tra, xét xử.
Và xin được nhấn mạnh rằng, những Tòa án này về mặt nguyên tắc bao giờ cùng xét xử theo những thủ tục đặc biệt, do đó các nguyên tắc thông thường không được bảo đảm, tạo kẽ hở cho việc vi phạm pháp luật tố tụng chung. Còn nếu thành lập ra các Tòa án này mà việc xét xử hay công tố buộc tội của chúng vẫn được tiến hành theo các thủ tục thông thường thì quả là phí phạm. Có quan điểm cho rằng việc thành lập các loại Tòa án nêu trên cũng giống như việc thành lập các loại Tòa án chuyên biệt khác, ví dụ như Tòa án vị thành niên. Tôi không đồng ý với ý kiến này, vì việc thành lập ra Tòa án vị thành niên để xét xử các tội phạm vị thành niên là một chuyện hoàn toàn khác.
Giải quyết vấn đề "án đụng trần" vẫn phải đảm bảo nguyên tắc Hiến pháp - Tòa án là độc lập.
Cách đây không lâu, vấn đề này được báo chí luận bàn rất sôi nổi. Có nhiều ý kiến rất khác nhau của các nhà khoa học và các nhà quản lý cao cấp.
Tôi hoàn toàn không đồng tình với quan điểm cho rằng nếu Hội đồng Thẩm phán xét xử sai thì chuyển sang cho Uỷ ban thường vụ Quốc hội xử và nếu Uỷ ban thường vụ Quốc hội xử sai thì lại chuyển sang cho Quốc hội. Làm như vậy là vi phạm nguyên tắc xét xử độc lập của Tòa án, mặc dù Tòa án cũng như con người, không thể lúc nào cũng hoàn toàn đúng. Cải cách tư pháp là phải làm sao giữ cho nguyên tắc này không bị vi phạm chứ không phải là đặt vấn đề để rồi đến chỗ nghi ngờ nó. Đây là bài học xương máu cho cả nhân loại chứ không riêng cho bất kỳ một Quốc gia nào. Một khi đã giao chức năng xét xử cho Tòa án và hơn nữa, cộng với nguyên tắc của Hiến pháp là Tòa án xét xử độc lập thì không thể nào khác. Chỉ có cách là phải nâng cao lương tâm, trách nhiệm và năng lực của đội ngũ Thẩm phán.
Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh Số ra tháng 8 năm 2003 đăng bài về trường hợp Huỳnh Văn Nam cho rằng, sự thực Huỳnh Văn Nam bị oan, mặc dù đã qua 6 lần xét xử và đã đến cả cấp cuối cùng của Tòa án tối cao - Hội đồng Thẩm phán của Thà án nhân dân tối cao. Trường hợp này cho thấy, các Thẩm phán phải đề cao lương tâm và trách nhiệm của mình, trong trường hợp ra quyết định sai thì phải rút lại quyết định chứ không nên chờ đến khi đưa lên cấp cao hơn.
Lịch sử tố tụng của nhiều nước không hiếm những trường hợp như vậy. Cũng xin được nói thêm rằng, mặc dù một số nước vẫn quy định: Quốc hội, chủ yếu là Thượng viện, cũng có quyền xét xử, mà trong một số sách vẫn gọi là thủ tục "đàn hặc"như ở Mỹ, nhưng chỉ xét xử các quan chức hàng chính khách trở lên cho đến Tổng thống, mà trên thực tế những trường hợp này rất ít xảy ra. Hơn 200 năm nay, kể từ khi nước Mỹ được thành lập, thủ tục này mới được sử dụng 18 lần và chỉ có 7 lần Thượng viện kết được tội. Riêng đối với Tổng thống thì cho tới nay tính cả vụ của B.Clinton cũng chỉ có tới 4 lần phải luận tội và ba lần không kết được tội, một lần chưa kịp kết tội thì Tổng thống đã vội vàng xin từ chức. Chế tài theo thủ tục này chỉ là bãi chức, nội vụ được chuyển sang Tòa án thường xét xử.
Ở Anh quốc, Thượng nghị viện là Tòa án cao nhất có chức năng xét xử theo thủ tục thượng thẩm đối với các bản án hình sự đã được Tòa án tối cao xét chung thẩm theo đề nghị của Tổng công tố, nếu như vụ án có ý nghĩa toàn quốc. Việc xem xét các vụ án nêu trên do các Thẩm phán - Thượng nghị sĩ làm chủ toạ. Thẩm phán này do Nữ hoàng bổ nhiệm theo đề nghị của Thủ tướng. Quyết định của Tòa án Thượng viện là quyết định cuối cùng. Mặc dù Thượng viện có chức năng xét xử, nhưng về cơ bản, chức năng này vẫn do các Thẩm phán đảm nhiệm. Việc xét xử hãn hữu mới được sử dụng, cộng với việc chế tài áp dụng chỉ là bãi chức và phiên Tòa vẫn nằm dưới sự chủ toạ của Thẩm phán, nên nguyên tắc độc lập tư pháp vẫn được đảm bảo...
Trường hợp nêu trên vẫn còn có thể giải quyết bằng một phương án khác. Với tư cách là nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch nước có thể ra quyết định đặc xá. Nguyên thủ quốc gia vẫn là một chế định tiềm tàng của chế độ quân chủ chuyên chế phong kiến để phòng khi các chế định của các nền dân chủ bị đe doạ.
Giải thích Hiến pháp và luật
Theo quy định của Hiến pháp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có thẩm quyền giải thích Hiến pháp và pháp luật. Nhưng cho đến nay, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không thực hiện được chức năng này bởi lẽ về nguyên tắc đó là cơ quan lập pháp chứ không phải là cơ quan áp dụng luật.
Nguyên tắc "Người làm được việc lớn thì tất nhiên bao giờ cũng làm được việc nhỏ” của hệ thống luật La Mã cổ đại trong điều kiện hiện nay có lẽ không phù hợp và nếu còn đi chăng nữa thì đấy là hoạt động lập pháp chứ không phải là giải thích luật. Lập pháp là chức năng của Quốc hội và thông qua pháp lệnh cũng thuộc chức năng của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Tôi cho rằng muốn giải thích được các điều luật một cách chính xác thì phải trăn trở với nó, vì vậy buộc phải đặt việc giải thích trong một vụ việc cụ thể, gắn với các sự kiện pháp lý cụ thể. Chỉ có Tòa án với nguyên tắc nghĩa vụ phải xét xử của Thẩm phán mới có điều kiện cũng như nghĩa vụ giải thích các điều luật. Điều này có nghĩa là giải thích điều luật phải gắn với một trường hợp cụ thể và các trường hợp tương tự chứ không phải giải thích chung chung. Tôi cho rằng trao quyền này cho Uỷ ban thường vụ Quốc hội tức là không phân biệt rõ lập pháp và tư pháp.
Luật pháp sinh ra không phải để giải quyết từng vụ việc cụ thể nhưng đòi hỏi người Thẩm phán phải áp dụng các điều luật trong từng trường hợp. Vì vậy người ta gọi hoạt động xét xử của Thẩm phán như là một hoạt động sáng tạo luật chứ không chỉ đơn thuần là đọc to lên các điều luật đã được ban hành. Khi xét xử, Thẩm phán phải có lương tâm của mình, người ta gọi là lương tâm, đạo đức nghề nghiệp chứ không thể ngụy biện hoặc giáo điều.
Hiện nay có hiện tượng, một số người có bằng cấp về Luật học lợi dụng luật pháp của chúng ta còn chồng chéo sử dụng ngón nghề của mình để lách luật, kiếm lợi cho bản thân. Những người này, tôi cho rằng họ có nghề, nhưng chưa đủ, vì họ thiếu đạo đức và lương tâm nghề nghiệp. Đã đến lúc chúng ta phải báo động vấn đề này trong giới luật gia và nhất là trong hoạt động tố tụng.
Hiện nay có quan điểm cho rằng, vì pháp luật của chúng ta chồng chéo, thiếu hụt, mâu thuẫn nên dẫn đến tình trạng Thẩm phán "xử kiểu gì cũng được". Để khắc phục tình trạng này, tôi cho rằng, người Thẩm phán phải có lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp để thể hiện hết mình trong các vụ án phức tạp.
Nguyễn Đăng Dung Theo Tạp chí Khoa học và Tổ quốc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét