Thứ Tư, 12 tháng 9, 2007

AI LÀ NGƯỜI CÓ THẨM QUYỀN CAO NHẤT TRONG CÁC TỔNG CÔNG TY NHÀ NƯỚC

Bắt đầu từ ngày 1/7/2004, Luật Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) năm 2003 chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên,câu hỏi “ai là người có thẩm quyền cao nhất trong Tổng công ty nhà nước (TCT)” dường như vẫn đang là băn khoăn của nhiều vị lãnh đạo các TCT.

Theo điều 29, Luật DNNN năm 2003, Hội đồng quản trị (HĐQT) là cơ quan đại diện trực tiếp chủ sở hữu Nhà nước tại TCT, có quyền nhân danh TCT quyết định mọi vấn đề liên quan đến việc xác định và thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ và quyền lợi của TCT. Đối với quyền của Tổng giám đốc (TGĐ), điều 38, Luật DNNN năm 2003 quy định: TGĐ là người đại diện theo pháp luật, điều hành hoạt động hàng ngày của TCT theo mục tiêu, kế hoạch, phù hợp với Điều lệ TCT và các nghị quyết, quyết định của HĐQT.

Có thể thấy, với “quyền nhân danh” của HĐQT và quyền điều hành của TGĐ, Chủ tịch HĐQT có thể đứng ở vị trí cao nhất trong TCT. Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay là chế độ làm việc của HĐQT là họp ít nhất một lần trong quý nên các nghị quyết, quyết định của HĐQT không thể được ban hành quá cụ thể hoặc quá nhiều. Trong khi đó, TGĐ không thể điều hành một cách chung chung được. TGĐ với quyền đại diện theo pháp luật của TCT tiến hành các hoạt động như ký kết, phê duyệt... những dự án trong quyền hạn của mình. Nhiều khi, trong hoạt động kinh doanh, TGĐ không thể chờ đợi những cuộc họp của HĐQT để xin ý kiến. Và những điều tiếng đã xảy ra vì cho rằng, HĐQT “hữu danh vô thực” khi mọi quyền quyết định những vấn đề cụ thể của TCT đều trong tay của TGĐ. Thậm chí, nhiều Chủ tịch HĐQT than phiền về việc chỉ đến TCT khi được mời họp HĐQT...
Thêm vào đó, tình cảnh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong mối quan hệ giữa Chủ tịch HĐQT và TGĐ hầu như khó tránh khỏi với những TCT được tổ chức lại và Chủ tịch HĐQT được điều đến từ nơi khác. Nếu như các TCT có Chủ tịch HĐQT và TGĐ là những “người cũ”, trong đó Chủ tịch HĐQT chính là TGĐ trước đây thì mối quan hệ cấp trên, cấp dưới dường như “thuận buồm xuôi gió”ù hơn, trong khi ở những TCT không có mối quan hệ tốt này, những mâu thuẫn về việc ai là người có thẩm quyền cao nhất luôn làm cản trở hoạt động của hai vị lãnh đạo TCT này...
Thực ra, về quy định pháp luật, quyền hạn và nghĩa vụ của HĐQT cũng như TGĐ đã được làm rõ. Đặc biệt, theo lý thông thường thì người chủ sở hữu, nghĩa là người có tiền, sẽ là người có tiếng nói quyết định. Ở đây, với vai trò đại diện chủ sở hữu tại TCT, HĐQT hay một cách cụ thể hơn thì chính Chủ tịch HĐQT là người có quyền cao nhất trong TCT. Thậm chí, theo quy định, HĐQT hoàn toàn có quyền miễn nhiệm TGĐ trong trường hợp TGĐ không chấp hành nghị quyết, quyết định của HĐQT sau khi được người quyết định thành lập TCT chấp thuận. Cơ chế đại diện chủ sở hữu Nhà nước ký hợp đồng với TGĐ TCT cũng đang được Bộ Nội vụ dự thảo. Điều này có nghĩa là HĐQT không chỉ là người có tiền mà sẽ thực sự là người có quyền. Vấn đề ở đây là Chủ tịch HĐQT có đủ trình độ và bản lĩnh để điều hành TCT thông qua TGĐ hay không?

============

NGUỒN: WWW.LUATGIAPHAM.COM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến