Thứ Tư, 12 tháng 9, 2007

BÀN VỀ KHÁI NIỆM CHỨNG CỨ TRONG LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ VIỆT NAM

Thạc sỹ NGUYỄN MINH HẰNG

Giảng viên Học viện Tư pháp

Nghiên cứu lý luận chứng cứ trong vụ án dân sự ở Việt Nam dưới góc độ lịch sử, chúng ta có thể nhận định mặc dù khái niệm chứng cứ cho đến thời điểm trước khi ban hành Bộ luật Tố tụng Dân sự (TTDS) chưa được quy định chính thức, tuy nhiên, các nhà nghiên cứu, giảng dạy về Luật TTDS đã xây dựng khái niệm chứng cứ dựa trên cơ sở của chủ nghĩa duy vật biện chứng có tiếp thu những quan điểm khoa học về chứng cứ của pháp luật tố tụng dân sự ở các nước.

Trong khoa học Luật TTDS Việt Nam, chứng cứ được định nghĩa: “Chứng cứ là những gì có thật mà dựa vào đó theo một trình tự do luật định, Tòa án xác định có hay không có những tình tiết làm cơ sở cho các yêu cầu của đương sự, của Viện kiểm sát, tổ chức xã hội và những tình tiết khác có ý nghĩa để giải quyết đúng đắn vụ kiện”. (Theo giáo trình Luật tố tụng dân sự Việt Nam - Trường Đại học Luật Hà Nội - 1998 - Nxb Công an nhân dân).

Cơ sở để xác định sự vật, hiện tượng là chứng cứ trước hết phải dựa trên các đặc điểm của chứng cứ, đó là: Tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp của chứng cứ. Tuy nhiên, đây chưa phải là một khái niệm chính thống được pháp điển hóa trong Luật, điều này cũng là một trong những vấn đề gây nhiều trăn trở trong thực tiễn xét xử thời gian qua liên quan đến tình trạng tỷ lệ án bị cải, bị huỷ, bị sửa hoặc qua nhiều cấp xét xử mà một trong những nguyên nhân là chưa có sự nhận thức đúng đắn và thống nhất về khái niệm chứng cứ. Khắc phục sự thiếu vắng trong quy định của pháp luật về vấn đề này, trên cơ sở kế thừa có chọn lọc việc xây dựng khái niệm chứng cứ của một số quốc gia trên thế giới cũng như khái niệm chứng cứ theo cách hiểu truyền thống lâu nay của các Nhà lập pháp, các nhà nghiên cứu và các nhà hoạt động thực tiễn, Bộ luật Tố tụng Dân sự được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 27/5/2004 tại Điều 81 đã đưa ra quy phạm định nghĩa về khái niệm chứng cứ như sau: “Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cá nhân, cơ quan, tổ chức khác giao nộp cho Tòa án hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định mà Tòa án dùng làm căn cứ để xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp hay không cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự”.

Theo chúng tôi, đây là một khái niệm rất quan trọng đặt cơ sở cho việc xây dựng và hoàn thiện lý luận chứng cứ đặc biệt trong điều kiện chúng ta đang xây dựng một thủ tục tố tụng tranh tụng. Để khái niệm này thực sự đi vào cuộc sống và thực tiễn xét xử, theo chúng tôi cần phân tích và làm rõ hơn khái niệm ở một số khía cạnh, trước hết phải bắt đầu từ sự nhận thức như thế nào là chứng cứ đang tồn tại trong tư duy của chúng ta hiện nay.

Khó khăn là ở chỗ, trong ngôn từ của Việt Nam, chứng cứ có thể được hiểu theo hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất là những “thông tin” (mang tính trừu tượng) mà dựa vào đó Toà án suy đoán hoặc rút ra kết luận một “sự việc khách quan” (gồm cả sự kiện pháp lý và hành vi pháp lý) nào đó tồn tại hay không tồn tại. Sự việc khách quan này (cái chết của một người, thời điểm chết, sự tồn tại của một giao dịch dân sự.v.v.) không phải là chứng cứ mà là đối tượng chứng minh. Nghĩa thứ hai, là những “vật” (mang tính vật chất cụ thể như văn bản, giấy tờ, đĩa từ, bộ não của con người.v.v.) chứa đựng những thông tin nói trên (vật mang tin). Trong nhiều trường hợp chứng cứ được hiểu theo nghĩa thứ hai. Thực tiễn cho thấy, ở nhiều vụ kiện, chứng cứ (thông tin hay những vật mang tin) các bên cung cấp không chứng minh “trực tiếp sự kiện pháp lý chính” mà lại nhằm chứng minh những “sự kiện trung gian” và từ những sự kiện trung gian này, cho phép suy đoán sự tồn tại của sự kiện pháp lý chính. Chẳng hạn như để chứng minh việc một người bị chết trong một tai nạn sập mỏ (sự kiện pháp lý chính) là rất khó khăn, người ta phải chứng minh những sự kiện trung gian khác như người thợ mỏ đã đi vào hầm mỏ, có một vụ nổ xảy ra trong khu vực người đó vừa mới vào, việc cứu hộ không tìm được nạn nhân. Tất cả những sự kiện trung gian này cho phép suy đoán người thợ mỏ đã chết (mặc dầu trên thực tế, rất có thể người đã may mắn thoát chết). Nhiều người cho rằng những sự kiện trung gian này là chứng cứ bởi vì theo ngôn ngữ thông thường, người ta thường hay nói “anh ta đã chết, chứng cứ là có người nhìn thấy anh ta đã đi vào mỏ và sau đó nhìn thấy vụ nổ”. Theo chúng tôi, xét về bản chất pháp lý, những sự kiện trung gian này không phải là chứng cứ mà là đối tượng chứng minh. Chứng cứ ở đây là lời khai của các nhân chứng nhìn thấy vụ nổ, sổ ghi tên những người đã xuống mỏ, việc lĩnh quần áo trang thiết bị để xuống mỏ.v.v. ở khía cạnh thứ hai, chứng cứ với ý nghĩa là một “vật mang thông tin” có thể được sao chụp lại, chép lại hoặc thể hiện lại dưới một dạng khác, cứ như vậy tiếp diễn mãi. Chẳng hạn như bộ não con người là một vật mang thông tin, có thể được thể hiện lại dưới dạng lời khai của người làm chứng tự viết ra. Rồi lời khai của người làm chứng có thể được sao chép lại (bản chụp lời khai nhận) hoặc do những người khác phản ánh lại (nhân chứng nghe nói lại hoặc nghe thuật lại).v.v. Những chứng cứ sao chụp lại chỉ có ý nghĩa cho phép suy đoán sự tồn tại của chứng cứ gốc ban đầu (chứng cứ để chứng minh sự tồn tại của chứng cứ), chứ không nhằm chứng minh một sự kiện (cho dù là sự kiện pháp lý chính hay sự kiện trung gian). Chẳng hạn như giấy tờ sở hữu nhà là chứng cứ cho phép xác lập sự kiện một người là sở hữu căn nhà đó (sự kiện pháp lý). Nhưng giấy tờ nhà có thể đã mất. Người ta phải căn cứ vào những chứng cứ sao chụp lại (bản photocopy, lời khai của người nói rằng đã nhìn thấy giấy tờ sở hữu nhà mang tên ai đó.v.v) để suy đoán rằng giấy tờ gốc đã tồn tại.

Vì vậy, chúng tôi cho rằng, cần hiểu thống nhất nội hàm của khái niệm chứng cứ tại Điều 81 Bộ luật Tố tụng Dân sự Việt Nam ở những khía cạnh cụ thể sau:

1. Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật phản ánh sự thật khách quan có liên quan đến vụ việc mà Toà án đang giải quyết. Chứng cứ chỉ phục vụ cho một vụ kiện có thể xảy ra hoặc đang được giải quyết. Xét về mặt bản chất chứng cứ là những tình tiết, sự kiện có thật “phản ánh sự thật khách quan” được dùng để chứng minh tính chân lý của vụ kiện chứ không phải là “sự thật khách quan”. Mặt khác, một sự vật hiện tượng nào đó được coi là chứng cứ trong vụ kiện dân sự phải hội đủ ba thuộc tính: Tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp. Xét trên hai mặt khách quan và chủ quan của chứng cứ, thuộc tính khách quan và thuộc tính liên quan thuộc mặt khách quan của chứng cứ và thuộc tính hợp pháp thuộc mặt chủ quan của chứng cứ tức là chứng cứ phải được thu thập theo một trình tự do luật định. Vấn đề là ở chỗ, những gì có thật có liên quan đến vụ kiện, đang tồn tại khách quan nhưng chưa được thu thập, chưa đưa vào phạm vi tố tụng có được coi là chứng cứ trong vụ kiện dân sự hay không? Theo chúng tôi, giữa những sự kiện, hiện tượng đã được thu thập và đưa vào sử dụng trong quá trình chứng minh (được coi là chứng cứ) với những sự kiện, hiện tượng có thực, có liên quan đến vụ kiện nhưng chưa được thu thập, chưa đưa vào phạm vi tố tụng đều giống nhau, đều có giá trị chứng minh các tình tiết cần phải chứng minh trong vụ kiện. Một sự kiện, hiện tượng có thực, có liên quan đến vụ kiện chưa được đưa vào hồ sơ vụ kiện, nó chưa được sử dụng như một “chứng cứ tố tụng” để chứng minh một sự kiện nào đó nhưng nó vẫn là chứng cứ đang tồn tại khách quan. Nên chăng hiểu khái niệm chứng cứ theo một phạm vi rộng hơn: “Mọi sự vật, hiện tượng chứng minh tính chân lý của vụ kiện đều là chứng cứ”? Bên cạnh đó, cũng cần hiểu rằng, tính hợp pháp của chứng cứ còn thể hiện ở chỗ chúng phải xuất phát từ những nguồn do Pháp luật tố tụng dân sự quy định. Trong nhiều trường hợp những thông tin thực tế sẽ không được thừa nhận là những chứng cứ nếu được rút ra từ các nguồn bị pháp luật hạn chế. Chỉ những sự kiện, những thông tin được chứa đựng trong nguồn chứng cứ mới có giá trị chứng minh.

2. Trong quá trình tiến hành tố tụng, không chỉ có các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng được sử dụng chứng cứ vào quá trình chứng minh, tất cả những người tham gia tố tụng cũng có quyền đưa ra chứng cứ, sử dụng chứng cứ nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, nhằm làm sáng tỏ sự thật khách quan. Do vậy, nếu chỉ đề cập đến chứng cứ là phương tiện để “Toà án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có các tình tiết là cơ sở của những yêu cầu hay phản đối yêu cầu của các bên đương sự và những cơ sở khác có ý nghĩa để giải quyết đúng đắn vụ việc” thì chưa hiểu hết được toàn diện khái niệm chứng cứ, mặc dù phải thừa nhận rằng việc hiểu như vậy có thể phân định được ranh giới giữa những chứng cứ có giá trị chứng minh (theo đánh giá của cơ quan tiến hành tố tụng) và chứng cứ không có giá trị chứng minh (đơn thuần chỉ là sự viện dẫn mang tính chủ quan từ phía các đương sự). Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử, phần lớn chứng cứ của vụ án do các đương sự chủ động cung cấp cho Toà án nhằm thực hiện nghĩa vụ chứng minh của mình. Đây cũng là một đặc trưng cơ bản của tố tụng dân sự liên quan đến quyền tự định đoạt của đương sự. Phản ánh bản chất của vấn đề này, khái niệm chứng cứ tại Điều 81 đã khá bao quát và dự liệu toàn diện những khía cạnh lý luận và thực tiễn trong việc quy định các chủ thể giao nộp chứng cứ) các đương sự, cá nhân, tổ chức khác) hoặc Toà án thu thập. Toà án dựa vào những tin tức chứa đựng trong các tài liệu, vật chứng đó và trên cơ sở tranh tụng công khai tại phiên toà để đánh giá chứng cứ làm cơ sở cho việc ra phán quyết đúng pháp luật, đảm bảo công bằng và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các đương sự./.

NGUỒN: TẠP CHÍ KIỂM SÁT SỐ 2/2005

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến