Phạm Phương Đông
Trong hai mươi năm đổi mới, mở cửa, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, mức sống của người dân cải thiện rõ rệt, theo đó, việc đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng cũng được nâng lên một bước. Trong lĩnh vực này, Nhà nước ta đã có những điều chỉnh kịp thời trong các lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp nhằm thiết lập các cơ chế giám sát xã hội khác nhau từ cấp trung ương xuống địa phương để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam.
1. Những thành tựu đạt được
- Bổ sung hoàn chỉnh luật pháp bảo vệ người tiêu dùng và quyền lợi người tiêu dùng
Cũng như nhiều nước trên thế giới, luật pháp Việt Nam là một trong những công cụ, phương tiện chủ yếu bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (tháng 12-1986) đến nay, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp quy liên quan đến việc bảo vệ người tiêu dùng, đặc biệt “Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” đã được ban hành (số 13/1999/PL-UBTVQH10, ngày 27-4-1999). Ngoài ra, liên quan đến chất lượng sản phẩm, Nhà nước quản lý bằng “Pháp lệnh chất lượng hàng hoá” (số 18/1999/PL-UBTVQH10). Các cơ quan quản lý nhà nước và bảo vệ pháp luật như Bộ Thương mại, Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính đã phối hợp ra Thông tư liên tịch số 10/2000/TTLT, ngày 27-04-2000 nhằm chống lại các hoạt động làm, buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ hàng giả, góp phần quan trọng bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng nước ta. Với sự ra đời của Luật Doanh nghiệp, môi trường cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trở nên bình đẳng hơn. Từ đó, chất lượng hàng hoá, dịch vụ cung cấp cho người tiêu dùng được nâng lên, giá thành hạ xuống đáng kể. Chẳng hạn, trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, do đảm bảo tính cạnh tranh khách quan hơn giữa các nhà đầu tư, cung cấp dịch vụ mà trong thời gian gần đây, giá cước điện thoại đã giảm đáng kể, chất lượng dịch vụ được nâng lên rõ rệt. Trong lĩnh vực bảo hiểm, Nhà nước cũng đã ban hành một số văn bản pháp quy về một số loại hình bảo hiểm (như bảo hiểm y tế) đối với một bộ phận người nghèo, trẻ em …Trong lĩnh vực Ngân hàng, Nhà nước cũng có chính sách thành lập các ngân hàng cho người nghèo vay vốn, đã hình thành hệ thống các quỹ hỗ trợ người nghèo.
- Xây dựng và vận hành mạng lưới giám sát thực thi pháp luật bảo vệ người tiêu dùng và quyền lợi người tiêu dùng
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Đảng, Nhà nước ta đã xây dựng và vận hành khá hiệu quả mạng lưới giám sát thực thi pháp luật trực tiếp hoặc gián tiếp bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
* Xây dựng mạng lưới giám sát hành chính. Các ngành quản lý chức năng như Y tế, Hải quan, Quản lý thị trường, Giám sát kỹ thuật, Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Vệ sinh phòng dịch, Bảo vệ môi trường… đã phát huy tác dụng góp phần hạn chế những tiêu cực trong việc đảm bảo chất lượng hàng hoá, hạn chế sự ép buộc mua hàng, chống việc độc quyền tăng giá, chống hàng giả, hàng nhái v.v.. đã góp phần tích cực trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam trong thời gian vừa qua. Đặc biệt, các cơ quan bảo vệ pháp luật của Bộ Công an đã tích cực triển khai các biện pháp giám sát, kiểm soát, điều tra phá án nhằm chống lại tệ nạn làm và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người tiêu dùng nước ta.
* Xây dựng mạng lưới giám sát xã hội. Hiệp hội người tiêu dùng các cấp từ trung ương xuống địa phương đã được thành lập. Ở cấp trung ương, tháng 5-1988, đã thành lập Hội khoa học kỹ thuật về tiêu chuẩn hoá, đo lường, chất lượng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam, gọi tắt là Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS), là thành viên của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đồng thời là thành viên của Tổ chức quốc tế người tiêu dùng (CI). Ở các cấp địa phương, đến nay trên cả nước đã có 14 tỉnh và thành phố có tổ chức người tiêu dùng. Đây là các tổ chức phi chính phủ, mang tính xã hội hoá cao. Các tổ chức này đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động tiêu chuẩn hoá, đo lường chất lượng và bảo vệ người tiêu dùng trong cả nước. Bồi dưỡng nâng cao trình độ về tiêu dùng cho hội viên nhằm tạo ra những hàng hoá dịch vụ ngày càng có chất lượng tốt hơn. Tích cực thông tin tuyên truyền, giáo dục cho người tiêu dùng về những quyền của họ, tổ chức giúp đỡ họ tự bảo vệ quyền lợi của mình. Tham gia kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước các chủ trương chính sách và các biện pháp nâng cao chất lượng hàng hoá và dịch vụ.
Trong thời gian, qua các cơ quan báo chí, truyền thông cũng tích cực vào cuộc, đấu tranh không khoan nhượng với những hiện tượng, việc làm tiêu cực gây ảnh hưởng xấu đến quyền lợi của người tiêu dùng. Đây chính là sự giám sát dư luận mà các cơ quan thông tấn báo chí và truyền thông đã tạo ra. Mặc dù sự giám sát dư luận không mang tính luật pháp nhưng nó tạo ra sức ép dư luận xã hội rất lớn lên các biểu hiện, việc làm gây tổn hại cho người tiêu dùng.
- Nâng cao khả năng tự bảo vệ của người tiêu dùng
Trong thời gian qua, VINASTAS kết hợp với các cơ quan báo chí tuyên truyền, đài phát thanh, truyền hình, các tổ chức hội chợ quảng cáo và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ban ngành khác của Nhà nước đã tích cực tiến hành các hoạt động thông tin, hướng dẫn, tuyên truyền, giáo dục, nhằm đem lại cho người tiêu dùng các kiến thức, nhận thức về quyền lợi của mình, về quyền được bảo vệ trong xã hội, từ đó tạo ra ý thức thường trực tự bảo vệ. Các hoạt động này được tiến hành dưới nhiều hình thức khác nhau: xuất bản các ấn phẩm như tờ bướm, bản tin, tạp chí nhằm phổ biến kiến thức, trao đổi thông tin về chất lượng sản phẩm, về quyền được bảo vệ của người tiêu dùng trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, trước các dịch vụ chất lượng thấp... Qua các hoạt động đó, cập nhật thông tin cần thiết cho người tiêu dùng. VINASTAS đã chủ dộng, thường xuyên tổ chức các hội thảo, các cuộc toạ đàm, hội nghị bàn tròn, các buổi gặp gỡ trao đổi ý kiến về những vấn đề cần quan tâm xung quanh quyền của người tiêu dùng và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
2. Những vấn đề còn tồn tại
Bên cạnh những thành tựu cơ bản đã đạt được, vẫn còn tồn tại những khiếm khuyết, những khó khăn thách thức đối với việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng ở nước ta.
- Luật không đồng bộ, kém hiệu lực:
Do các cơ quan nghiên cứu pháp luật, các cơ quan lập pháp của chúng ta không theo kịp sự phát triển nhanh chóng của thị trường, của cuộc sống xã hội nên đã không kịp thời trong việc ban hành một hệ thống luật pháp đồng bộ, có khả năng điều chỉnh các vấn đề kinh tế - xã hội, bảo vệ được quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Mặc dù cho đến nay đã có khá nhiều văn bản pháp lý chứa đựng một số nội dung liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, nhưng còn rời rạc (đôi khi chồng chéo, phủ định nhau), chưa có sự gắn kết thành một hệ thống đồng bộ điều chỉnh các yếu tố về người tiêu dùng và quyền lợi người tiêu dùng. Cũng chính sự rời rạc, thiếu tính hệ thống đó đã tạo ra nhiều kẽ hở nghiêm trọng để một số cá nhân, tổ chức kinh tế vẫn “lách” được, tránh được luật pháp khi vi phạm quyền của người tiêu dùng. Đây cũng là nguyên nhân gây khó khăn cho các cơ quan thực thi pháp luật , dẫn tới vừa làm giảm uy quyền của luật pháp vừa làm giảm hiệu lực của các cơ quan thực thi pháp luật.
- Hoạt động của các cơ quan giám sát, thực thi pháp luật bảo vệ người tiêu dùng còn nhiều hạn chế
* Mạng lưới giám sát hành chính chưa mạnh, hoạt động quan liêu, bị chi phối bởi nhiều cơ quan công quyền khác.
* Đấu tranh chống hàng giả nhìn chung chưa hiệu quả, mang nặng tính phong trào, hình thức.
* Mạng lưới giám sát xã hội chưa có thực quyền, chưa thực sự phát huy hiệu quả hoạt động, ở nhiều địa phương việc thành lập các hiệp hội người tiêu dùng còn mang tính hình thức. Hội người tiêu dùng chưa phát huy được các sáng kiến tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức, cũng như chưa có biện pháp tập hợp lực lượng để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
* Thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan lập pháp cũng như hành pháp trong việc thực hiện các quy phạm pháp luật, thậm chí chưa thực hiện đầy đủ chức năng của mỗi cơ quan theo quy định pháp luật.
- Sự yếu kém về ý thức của mỗi cá nhân, tập thể trong hoạt động sản xuất kinh doanh
Vì lợi nhuận của mình, các cá nhân, tập thể trong hoạt động sản xuất kinh doanh luôn “cố gắng” giảm thiểu các chi phí đầu vào trong sản xuất, coi nhẹ chất lượng sản phẩm, dịch vụ, dẫn tới người tiêu dùng vẫn phải trả tiền với giá đầy đủ nhưng chỉ được hưởng chất lượng sản phẩm, dịch vụ thấp, không tương xứng với đồng tiền họ bỏ ra.
- Sự yếu kém trong nhận thức và phối hợp hoạt động của các ngành các cấp thuộc các cơ quan thực thi pháp luật
Nhận thức của mỗi cá nhân, tập thể các ngành các cấp thuộc các cơ quan thực thi pháp luật đối với quyền của người tiêu dùng là hết sức quan trọng. Nếu không có nhận thức đúng, đầy đủ sẽ dẫn tới thái độ xem thường, lơ là, đôi khi vô trách nhiệm trong việc thực thi bảo vệ người tiêu dùng. Thực tiễn cho thấy, sau hơn 3 năm Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm có hiệu lực, Hà Nội mới chỉ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho 526 cơ sở, Lâm Đồng cấp cho 567 cơ sở, còn các tỉnh và thành phố khác hầu như chưa thực hiện. Trên toàn quốc mới có 352.777 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm được cấp giấy phép kinh doanh. Như vậy, số cơ sở đủ điều kiện sản xuất và kinh doanh hợp pháp mới chỉ đạt 0,3 % còn 99,7% cơ sở chưa được kiểm tra, kiểm soát, đồng nghĩa với việc bị thả nổi hay chỉ kiểm soát được một phần. Thực tế cho thấy, tất cả các vụ ngộ độc thực phẩm đã xảy ra đều liên quan đến các cơ sở sản xuất kinh doanh chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Công tác thanh tra, kiểm soát kém hiệu quả, không thường xuyên, mang tính hình thức của các cơ quan chức năng đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh của xã hội cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới chất lượng hàng hoá dịch vụ không đáp ứng ngang bằng với giá cả của nó. Điều này cũng dẫn tới thiệt hại cho người tiêu dùng. Chẳng hạn, nếu các cơ quan thanh tra giám sát xây dựng nhà ở, cơ quan kiểm soát chất lượng làm việc thường xuyên, nghiêm túc, minh bạch thì có lẽ hiện tượng “rút ruột” công trình xây dựng sẽ ít hơn nhiều.
- Thông tin chưa đầy đủ, giáo dục chưa đồng bộ
Công tác thông tin, tuyên truyền giáo dục đối với người sản xuất kinh doanh (người cung cấp hàng hoá, dịch vụ) cũng như đối với người tiêu dùng về ý thức trách nhiệm đối với việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng còn hạn chế. Việc công bố, đưa các vụ việc xâm phạm, gây hại cho người tiêu dùng lên các phương tiện thông tin đại chúng còn chưa nhiều, chưa thường xuyên. Đặc biệt, việc công bố các văn bản pháp luật liên quan tới người tiêu dùng và quyền lợi của người tiêu dùng, trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh đối với quyền lợi của người tiêu dùng, các khung hình phạt... đối với các vi phạm... trên báo chí, phát thanh, truyền hình và các phương tiện thông tin tuyên truyền khác còn hạn chế, chưa thoả đáng, chưa tạo ra được hiệu quả giáo dục cao, chưa tạo ra được những chuyển biến về nhận thức trong mỗi cá nhân và tổ chức sản xuất kinh doanh cũng như trong chính bản thân người tiêu dùng.
- Ý thức tự bảo vệ của người tiêu dùng chưa cao
Ở nước ta hiện nay, ý thức tự bảo vệ của mỗi người tiêu dùng cũng chưa được phát huy đúng mức. Nhiều người tiêu dùng tỏ ra thờ ơ, hoặc không biết quyền của mình khi đi mua các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ. Trong một thời gian dài, do thiếu thông tin tuyên truyền, nhiều hộ tiêu dùng điện trong cả nước khi đặt bút ký các hợp đồng mua bán điện với các công ty, chi nhánh điện địa phương không hề biết mình có quyền gì, có trách nhiệm gì, mình đang chịu “lép vế” hay “bất lợi” ở những điều khoản nào trong hợp đồng. Đây không chỉ là hậu quả của công tác giáo dục, tuyên truyền, mà còn là hậu quả của thời kỳ bao cấp, mọi thứ do Nhà nước cung cấp, Nhà nước quyết định, người tiêu dïng chỉ ký hợp đång một cách hình thức, cho đủ “lệ bộ” mà thôi.
Đứng trước các hiện tượng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng sai quy cách, người tiêu dùng chưa có thói quen đấu tranh hay phản ứng quyết liệt.
4. Một số giải pháp
Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cần có các giải pháp đồng bộ, nhất quán cả trong lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp, được cả hệ thống chính trị thực thi nghiêm túc và có sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị xã hội. Xin đề xuất một số giải pháp cơ bản:
- Hoàn chỉnh luật pháp bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Đối với bất kỳ một xã hội pháp quyền nµo, để điều chỉnh một lĩnh vực, một đối tượng nào đó cần phải được quy định bằng luật pháp. Để bảo vệ người tiêu dùng, các nước xung quanh ta như Thái Lan, Xin-ga-po, Ấn Độ… đều ban hành luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ở Việt Nam hiện nay, Luật bảo vệ người tiêu dùng chưa có. Đây là một bất cập, cần được nhanh chóng khắc phục. Vì, chỉ khi có luật và trên cơ sở đó có các văn bản dưới luật, các văn bản pháp quy khác để điều chỉnh thì các cơ quan thực thi pháp luật mới có cơ sở triển khai thực hiện, sức mạnh của bộ máy chính trị mới phát huy tác dụng.
Việc thiếu các văn bản pháp luật điều chỉnh các yếu tố thị trường, trong đó có quyền lợi người tiêu dùng là một trong những bất lợi của chúng ta, ảnh hưởng lớn tới sức cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp cũng như cả nền kinh tế, nhất là trong điều kiện đã trở thành thành viên của WTO. Việc xây dựng một hệ thống văn bản pháp luật, đảm bảo quyền cơ bản của người tiêu dùng dựa trên “Các nguyên tắc chỉ đạo để bảo vệ người tiêu dùng” trong Nghị quyết số 39/948 mà Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua ngày 9-5-1985 là vô cùng cần thiết. Đó là 8 quyền cơ bản :
· Quyền được thoả mãn những nhu cầu cơ bản
· Quyền được an toàn.
· Quyền được cung cấp thông tin
· Quyền được lựa chọn.
· Quyền được lắng nghe hay được đại diện.
· Quyền được bồi thường.
· Quyền được giáo dục về tiêu dùng.
· Quyền được sống trong một môi trường trong sạch và bền vững
- Tăng cường công tác quản lý chất lượng hàng hoá, dịch vụ
Tăng cường công tác quản lý chất lượng hàng hoá, dịch vụ thực chất là làm cho chất lượng hàng hoá, dịch vụ đưa đến tay người tiêu dùng được bảo đảm đúng như giá trị của nó, chống lại thủ đoạn “treo đầu dê bán thịt chó” của một số nhà sản xuất hàng hoá và cung cấp dịch vụ. Có nhiều biện pháp để tăng cường công tác quản lý như: tăng thêm quyền cho các tổ chức tiêu chuẩn đo lường chất lượng, các cơ quan thanh tra, giám sát, quản lý thị trường...
- Xây dựng mạng lưới giám sát thực thi pháp luật nhiều chiều, nhiều tầng
Việc xây dựng mạng lưới giám sát thực thi pháp luật nhiều chiều, nhiều tấng đối với việc quản lý chất lượng hàng hoá, dịch vụ, nhằm bảo vệ người tiêu dùng là hết sức quan trọng. Mạng lưới này không chỉ gồm các cơ quan thực thi pháp luật mà còn phải gồm các tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan báo chí truyền thông, các hội đoàn. Có như vậy mới có thể đấu tranh hiệu quả chống lại nạn hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng, chống lừa đảo trong đo lường... bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng .
Trong thời gian gần đây, với hoạt động tích cực của báo chí và truyền thông, nhiều việc làm khuất tất, nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực đã bị phát hiện. Điều đó chứng minh rằng, chỉ khi có mạng lưới giám sát nhiều chiều, nhiều tấng, nhiều lớp cộng với sự vào cuộc của mọi tầng lớp trong xã hội thì quyền lợi của người tiêu dùng mới được bảo vệ hiệu quả.
- Tăng cường thông tin, hướng dẫn, phổ biến, giáo dục nâng cao khả năng tự bảo vệ của người tiêu dùng
Việc tăng cường thông tin, hướng dẫn, phổ biến, giáo dục nâng cao khả năng tự bảo vệ của người tiêu dùng là vô cùng cần thiết và quan trọng. Trong khi các chế tài chưa hoàn thiện, các cơ cấu tổ chức thực thi pháp luật chưa đủ mạnh và còn thiếu kinh nghiệm thì việc mỗi người tiêu dùng tự ý thức bảo vệ quyền lợi của mình trước các thủ đoạn lừa đảo, ép buộc từ phía những nhà sản xuất hàng hoá và cung cấp dịch vụ là rất cần thiết. Với sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống thông tin báo chí, tuyên truyền của nước ta hiện nay, việc giáo dục ý thức tự bảo vệ của người tiêu dùng hết sức thuận lợi. Ngoài ra, các tổ chức phi chính phủ cần phải phối hợp với các nhà sản xuất tổ chức các hội chợ triển lãm hàng giả hàng thật để trang bị cho người tiêu dùng kiến thức để có thể tự bảo vệ quyền lợi của mình.
- Tăng cường hợp tác quốc tế
Trong xu thế toàn cầu hoá hiện nay, với sự xuất hiện của tội phạm xuyên quốc gia, những cơ sở, cá nhân làm hàng giả hàng nhái đang tăng cường hoạt động và tìm mọi cách để tránh sự phát hiện của chính phủ. Việc tăng cường hợp tác quốc tế trong vấn đề bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là hết sức cần thiết. Việc hợp tác đó không chỉ dừng ở mức giữa các cơ quan chức năng của chính phủ mà cần phải được mở rộng đến tận các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội. Nội dung hợp tác không chỉ dừng ở mức trao đổi, cung cấp thông tin mà cần phối hợp chặt chẽ trong hành động. Chỉ như vậy mới có thể đấu tranh hiệu quả chống lại tệ hàng giả, hàng nhái trên quy mô rộng lớn hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1) Đoàn Văn Trường : Nghiên cứu người tiêu dùng - Những vấn đề về việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam, NXB Khoa học và Kỹ thuật
2) Viện Nhà nước và Pháp luật – Phòng Thông tin Tư liệu, Thư viện : Tìm hiểu Luật bảo vệ người tiêu dùng các nước và vấn đề bảo vệ người tiêu dùng ở Việt Nam, NXB Lao động, Hà Nội, 1999
3) Pháp lệnh Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng số 13/1999/PL-UBTVQH ngày 17/4/1999
4) Pháp lệnh Ðo lường (ban hành ngày 18-10-1999)
5) Pháp lệnh Chất lượng hàng hoá (ban hành ngày 4-1-2000)
6) Pháp lệnh Bảo vệ và kiểm dịch thực vật (ban hành ngày 8-8-2001)
7) Nghị định của Chính phủ Qui định chi tiết thi hành Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
8) Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 43/2006/QĐ-TTG ngày 20/02/2006 về việc phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đến năm 2010.
9) Quyết định của Bộ trưởng Khoa học Công nghệ số 04/2006/QĐ-BKHCN ngày 10/01/2006 về việc ban hành Qui định về nội dung, thủ tục công bố sản phẩm, hàng hoá phù hợp tiêu chuẩn, pháp qui kỹ thuật.
10) Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế số 11/2006/QĐ-BYT ngày 09/03/2006 về việc ban hành Qui chế cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao.
13) Nghị định của Chính phủ số 21/2006/NĐ-CP ngày 27/02/2006 về việc kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ em.
14) Quyết định số 15/2006/QĐ-BNN ngày 08/03/2006 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ban hành Qui định về qui trình thủ tục kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm tra vệ sinh thú y.
15) Quyết định số 06/2006/QĐ-BTS ngày 10/04/2006 của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản về việc ban hành qui chế quản lý vùng và cơ sở nuôi tôm an toàn.
16) Báo Công an Nhân dân các số : số 573 ngày 23/12/2006; số 580 ngày 6/1/2006.
Nguồn: Tạp chí Cộng sản số 125 (3/2007)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét