Angelo Mazza
Với sự mở rộng của thương mại điện tử thông qua các trang web bán đấu giá (auction web site) và bán lẻ (stand-alone web site) trên Internet với nhiều sản phẩm được chào bán, những người nắm giữ các nhãn hiệu thương mại đang đối mặt với những thách thức lớn đối với việc thực thi. Khi mà những hãng kinh doanh chính đáng có thể phát triển thịnh vượng nhờ Internet thì sự tồn tại của chúng lại bị đe dọa bởi những đối thủ không trung thực - những hãng lợi dụng những kẽ hở để có được lợi thế không công bằng nhằm bán đi hàng giả như hàng chính hiệu và lảng tránh việc thực thi. Những trang web xấu này, dù có vẻ như là chúng không liên quan đến nhau hay chỉ hoạt động ở quy mô nhỏ, lại có thể dễ dàng đạt lợi nhuận hàng triệu đô-la thông qua việc khai thác những điểm yếu trong các đạo luật hiện có cũng như trong kỹ thuật thực thi pháp luật.
Tuy vậy, một khuôn khổ pháp lý quốc tế nhằm bảo vệ những người nắm giữ các nhãn hiệu thương mại hợp pháp trên Internet vẫn chưa tồn tại. Do đó, việc thực thi bởi khu vực tư nhân và các chính phủ cần có sự bền bỉ và cảnh giác. Chính phủ và người sở hữu nhãn hiệu cần nhận thức rằng họ có thể có những bước đi để bảo vệ nhãn hiệu của mình trong một thế giới Internet đầy những hoạt động mua bán suốt ngày đêm ở rất nhiều quốc gia.
Chúng ta có thể chia các chiến lược thực thi này thành hai khu vực chính, một để đối phó với các trang web bán đấu giá và một đối phó với các trang bán lẻ. Những trang web bán đấu giá cho thấy những thách thức đặc biệt đối với việc thực thi và đặt ra vấn đề về độ tin cậy của trang web (độ tin cậy của trang web liên quan đến trách nhiệm pháp lý của trang web). Vì các đạo luật và chính sách ở mỗi quốc gia và/ hoặc của trang web bán đấu giá khác nhau đáng kể nên chủ đề này quá phức tạp để bàn thảo trong bài báo ngắn này. Tuy nhiên, hiện tại, hướng tiếp cận được ưa thích là xác định trang web vi phạm và đưa ra cơ hội sửa chữa vi phạm bằng cách loại bỏ những lời chào bán vi phạm. Nếu vi phạm tiếp diễn, người có trách nhiệm quản lý trang web sẽ đóng tài khoản của người vi phạm trên trang web.
Bài viết này chỉ giới hạn ở việc xem xét tổng thể các vấn đề liên quan đến các trang web bán lẻ chào bán hàng giả. Tập trung vào những cách làm hiện tại ở Hoa Kỳ, chúng tôi sẽ đánh giá phạm vi của vấn đề, phác họa những bước đi cần được tiến hành, xem xét những khó khăn mà mỗi hành động mang lại và xác định xem đâu là những phương pháp có thể thành công.
Quá trình đối phó với các trang web bán hàng giả có thể rất tốn thời gian và không may là không làm cho các chủ sở hữu các quyền cảm thấy được xoa dịu ngay lập tức. Thành công đòi hỏi sự bền bỉ và kiến thức chuyên môn. Internet mang đến những thách thức đặc biệt đối với các chủ sở hữu trí tuệ bởi vì, trong rất nhiều trường hợp, trang web vi phạm lại đưa ra những thông tin “Đăng ký” sai hoặc không đầy đủ. Việc thiếu thông tin đầy đủ này là một rào cản lớn đối với các chủ sở hữu các quyền đang cố gắng xác định trang web và báo cảnh sát về việc bán những hàng này trên Internet.
Nhiều công ty chính hãng đã thuê các nhóm nhân viên làm việc trong văn phòng, sử dụng các phần mềm đặc biệt và thuê các nhà cung cấp dịch vụ ở bên ngoài để truy tìm những trang web bán hàng hóa giả. Khi một chủ sở hữu trí tuệ phát hiện ra một trang web chào bán hàng giả, người đó có thể bắt đầu thu thập dữ liệu, xem xét lại các cơ sở dữ liệu và thu thập các cơ sở dữ liệu Whois; thông tin để xác định những người chịu trách nhiệm về trang web.
Trong hầu hết các trường hợp, thông tin về trang web thu thập từ cơ sở dữ liệu Whois thường không chính xác hoặc hoàn toàn sai. Do không có hình phạt nào ở Hoa Kỳ đối với việc cung cấp thông tin sai lạc vào một cơ sở dữ liệu, những kẻ làm hàng giả điền các thông tin Whois với những dấu chấm, dấu gạch ngang, tên của những người đã chết và các địa chỉ ở Atlantis hoặc một nơi không thể xác định nào đó. Mặc dù đã có những cuộc bàn thảo về việc sửa đổi những đạo luật đang được áp dụng của Hoa Kỳ, yêu cầu những thông tin chính xác hơn khi đăng ký một tên miền, song những nỗ lực đó vẫn chưa cho kết quả.
Tuy nhiên, một khi một trang web bán hàng giả bị phát hiện, chủ sở hữu trí tuệ sẽ viết các bức thư yêu cầu ngừng việc bán lại và gửi chúng tới nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) và tới chính trang web. Trong hầu hết các trường hợp, trang web sẽ lờ đi những bức thư đó. Tuy nhiên, trang web đã được thông báo về việc vi phạm và không thể nói “không biết” đối với hoạt động sai phạm đó.
Nhìn chung, các ISP đều hợp tác khi được liên hệ, mặc dù theo luật pháp hiện tại, họ không bị buộc phải xác minh bất kỳ thông tin nào mà họ thu thập được. Các nhà cung cấp dịch vụ Internet tuân thủ pháp luật sẽ loại bỏ những trang web vi phạm khỏi máy chủ của họ. Tuy nhiên, điều này không xảy ra khi trang web chào bán hàng giả lại là nhà cung cấp dịch vụ Interner cho chính nó và lờ đi tất cả những thư từ liên hệ. Ngoài ra, còn có những nhà cung cấp dịch vụ Internet bất hảo, trở thành nơi trú ấn an toàn cho những trang web vi phạm. Hiệu ứng không mong muốn đối với các ISP là nhiều trang web vi phạm cuối cùng sẽ chuyển sang thuê dịch vụ của những ISP ở bên ngoài nước Mỹ, nơi có luật pháp khác và các IPS thường là thiếu tinh thần hợp tác hơn.
Nếu như việc liên hệ với trang web đó gặp thất bại và kẻ làm hàng giả chơi trò chuyển sang các ISP khác, người nắm quyền hữu trí tuệ có thể có thêm những hành động khác. Họ có thể nghiên cứu thêm, và trong một số trường hợp, có thể thuê những nhà điều tra bên ngoài mua các hàng hóa giả để có thể tìm ra nguồn hàng hoặc nguồn của trang web. Việc điều tra thường cho kết quả là rất nhiều nguồn hàng giả. Mặc dù có nhiều trang web tiếng Anh và thực hiện việc kinh doanh bằng đô-la Mỹ nhưng thường thì chúng hoạt động ở ngoài biên giới nước Mỹ. Trong những trường hợp khác, chúng thu tiền tại Hoa Kỳ nhưng lại chuyên chở hàng giả tới những người mua ở nước ngoài. Việc này gây thêm những khó khăn về mặt thực thi đối với chủ sở hữu, những người phải duy trì việc thuê luật sư và nhà điều tra nước ngoài để tăng cường việc điều tra. Như thế, chủ sở hữu trí tuệ phải chịu những chi phí lớn và những đặc thù của việc thực thi ở một khu vực tài phán nước ngoài.
Người nắm quyền sở hữu trí tuệ có thể tiến hành hành động pháp lý khi đã thu thập đủ thông tin. Hành động pháp lý cho phép chủ sở hữu được yêu cầu trình ra tòa hồ sơ của nhà cung cấp dịch vụ Internet về hoạt động của trang web xấu. Thông thường, hồ sơ của các ISP đã quá hạn hoặc không còn được lưu nữa. Nếu trang web là một phần trong một chuỗi các trang web lớn hơn thuộc cùng một chủ sở hữu, nó có thể bị viện dẫn đến việc thực thi luật tố tụng hình sự. Tuy nhiên, do thiếu nguồn lực và các đơn vị tội phạm tin học đặc nhiệm, nên các hành động pháp lý hình sự chỉ chiếm một phần nhỏ trong việc thực thi. Chủ sở hữu của những trang web nhái (replica site) rất hiểu rằng còn thiếu các hành động thực thi mang tính hình sự này.
Những vấn đề đối với việc thực thi được phác họa ở đây chỉ có thể được giảm đi khi chính quyền có các đạo luật làm hài hòa và công bằng sân chơi Internet và hỗ trợ các nỗ lực thực thi của khu vực tư nhân. Đồng thời khu vực tư nhân cũng phải duy trì cam kết theo đuổi những kẻ vi phạm trên Internet.
_____________________________________
Angelo Mazza là đối tác của hãng Gibney, Anthony & Flaherty, LLP ở thành phố New York. Ông giám sát và chuyên về hoạt động hàng ngày trên Internet. Ông cũng là Chủ tịch Quỹ Liên minh chống hàng giả quốc tế (IACC), phụ trách giáo dục và đào tạo của IACC.
********************
CHUYÊN ĐỀ VỀ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ
Ấn phẩm của Chương trình Thông tin Quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tháng 1/2006
Bản dịch của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét