Tiến Bách
Nước Mỹ được coi là một trong những quốc gia có môi trường kinh doanh, môi trường cạnh tranh thông thoáng, trật tư, ổn định và khá bình đẳng. Nhờ môi trường kinh doanh - cạnh tranh quốc gia này, một số doanh nghiệp của Mỹ đã đạt tới tầm cỡ thống trị, thao túng, khống chế, kiểm soát một số ngành sản xuất - kinh doanh xuất khẩu trên thị trường thế giới. Để có được môi trường kinh doanh - cạnh tranh như vậy là do hệ thống luật pháp, chính sách của Mỹ trong lĩnh vực này nhằm vào 4 mục tiêu kinh tế quan trọng nhất như sau:
Trước hết, bảo vệ và duy trì cạnh tranh là mục tiêu trọng tâm bằng cách không cho phép độc quyền, cấm cạnh tranh không lành mạnh và loại bỏ hành động phân biệt và câu kết về giá.
Thứ hai là bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, bằng cách cấm những hình thức kinh doanh, cạnh tranh thiếu công bằng, mang tính lừa dối.
Thứ ba là bảo vệ những hãng kinh doanh với quy mô nhỏ và hoạt động độc lập, tránh khỏi sức ép kinh tế do sự cạnh tranh của các hãng lớn gây ra.
Thứ tư là nhằm vào điều chỉnh nhiều hơn tới các yếu tố chính trị và xã hội có liên quan so với vấn đề kinh doanh và kinh tế.
Môi trường kinh doanh - cạnh tranh trong nước ở Mỹ được coi là trật tư, khá ổn định ở chỗ đã áp dụng hình sự hoá các chế tài trong luật chống độc quyền và mặc dù hầu hết các bang đều ban hành luật chống độc quyền, song các đạo luật như Sherman năm 1890, Clayton năm 1914 (bổ sung làm rõ đạo luật Sherman); đạo luật của Uỷ ban thương mại liên bang năm 1914; đạo luật cải tiến lĩnh vực chống độc quyền năm 1976 của toàn liên bang vẫn được coi là cơ sở quyết định đối với tất cả các quy định cạnh tranh - chống độc quyền tại nước Mỹ. Điều đáng lưu ý là đạo luật cải tiến lĩnh vực chống độc quyền là một đạo luật tách biệt nhằm tăng cường quyền lực của chính phủ Mỹ trong việc thi hành ba luật nêu trên. Tuy nhiên, ở Mỹ không phải tất cả mọi tổ chức đều phải tuân thủ theo 4 đạo luật về chống độc quyền trên đây. Nghị Viện Mỹ đã miễn trừ việc áp dụng một số quy định về chống độc quyền đối với những công đoàn nỗ lực độc quyền trong việc cung cấp lao động; những hợp tác xã nông nghiệp đôi khi tham gia vào những hành vi phản cạnh tranh; các công ty bảo hiểm chịu sự điều chỉnh theo luật cạnh tranh của bang chứ không phải theo luật của liên bang...; một số vụ giao dịch kinh doanh nhỏ liên quan đến vấn đề quốc phòng, an ninh và những hoạt động nghiên cứu phát triển của các hợp tác xã.
Luật chống độc quyền của Mỹ được coi là thông thoáng ở chỗ quan điểm của các toà án trong thực tiễn xét xử không coi việc tăng cường quy mô công ty bằng cách sáp nhập, tập trung quyền lực kinh tế thống trị một ngành hay một thị trường một cách chính đáng là vi phạm luật cạnh tranh, chống độc quyền Đối với các công ty Mỹ, một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu để nâng cao năng lực cạnh tranh trong xuất khẩu, thống trị kinh tế ngành và thị trường quốc tế là việc sáp nhập theo chiều dọc và sáp nhập các tập đoàn. Việc này gần như trở thành xu thế chính với tốc độ cao và số lượng lớn. Ví dụ, chỉ một thời gian ngắn từ 1981 - 1982 đã có tới 8 vụ sáp nhập doanh nghiệp lớn với giá trị giao dịch từ 1 tỷ USD đến 7,8 tỷ USD. Tính riêng năm 1981, đã có tới 2.800 trường hợp sáp nhập công ty lớn, nhỏ với tổng số tiền 82,6 tỷ USD được chi tiêu vào các hoạt động sáp nhập.
Tuy nhiên, giải pháp này phát huy tác dụng trong điều kiện một nền kinh tế phát triển và tạo lợi thế về quy mô trong cạnh tranh xuất khẩu trên thị trường quốc tế. Nhưng với một nền kinh tế đang phát triển và việc sáp nhập công ty để đối phó với cạnh tranh trên thị trường nội địa là chính (tiến tới độc quyền) thì không thể nâng cao được năng lực cạnh tranh trong xuất khẩu của các công ty. Vì không có sự cạnh tranh trên thị trường nội địa một cách gay gắt để tồn tại thì doanh nghiệp làm sao nâng cao được năng lực cạnh tranh xuất khẩu trên thị trường quốc tế.
Hiện nay, Singapore là một quốc gia có nền kinh tế phát triển, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và năng lực cạnh tranh trong xuất khẩu của doanh nghiệp được xếp ở thứ bậc cao là nhờ chính phủ Singapore thực hiện chính sách tự do hoá thương mại và đầu tư rất sớm (1966 - 1973). Mà then chốt là chính phủ thực thi chiến lược hướng về xuất khẩu như dồn mọi nỗ lực vào việc tiếp cận và phát triển thị trường nước ngoài, hỗ trợ phát triển các nhà xuất khẩu (1979 1984), xúc tiến xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ (1985 - 1990). Từ 1991 đến nay, Singapore thực thi chính sách "quốc tế hoá nội địa", mục tiêu là biến Singapore thành một trung tâm thương mại quốc tế lớn. Hệ thống chính sách kinh tế của Singapore được tập trung giải quyết bởi một Uỷ ban liên bộ của Chính phủ, do phó thủ tướng đứng đầu, dưới nó là các uỷ ban chuyên trách như IDB, TDB (Uỷ ban phát triển đầu tư - thương mại), HDB (Uỷ ban phát triển nhà ở) ... Theo cơ cấu tổ chức này tránh được sự riêng rẽ, cứng nhắc trong từng bộ, đồng thời tạo được sự phối hợp đồng bộ trong hoạch định và thực thi các chính sách phát triển kinh tế đất nước.
Quan điểm về xây dựng chính sách cạnh tranh của Singapore là đặt các doanh nghiệp tại Singapore (không phân biệt trong nước, ngoài nước, sở hữu) trong môi trường cạnh tranh quốc gia bình đẳng, theo kiểu chọn lọc tự nhiên, Nhà nước không bảo hộ. Nhưng nhà nước ưu tiên đầu tư cho doanh nghiệp ở các ngành quan trọng phát triển bằng cổ phần lớn của nhà nước, khi các doanh nghiệp này đủ mạnh trong cạnh tranh xuất khẩu trên thị trường quốc tế thì nhà nước bán cổ phiếu cho người dân. Ví dụ, công ty vận tải biển NEPTUNE và Công ty BUS SERVICES là hai tập đoàn lớn ở Singapore. Nhà nước Singapore chú trọng phát triển các tập đoàn kinh tế thương mại tổng hợp theo mô hình của Nhật Bản và Hàn Quốc. Các tập đoàn kinh tế thương mại tổng hợp có nhiều ưu thế trong cạnh tranh xuất khẩu do có thế lực rất lớn, có mục tiêu cụ thể, là cầu nối giữa thị trường trong nước với thị trường ngoài nước. ưu thế của các tập đoàn kinh tế - thương mại tổng hợp thể hiện ở chỗ sử dụng đội ngũ chuyên gia tinh thông nghiệp vụ và kiến thức kinh doanh quốc tế, có quy mô và tiềm lực tài chính lớn, năng động vì nắm giữ một lượng thông tin khổng lồ, kịp thời đưa ra các giải pháp khi thị trường có biến động, có đủ khả năng đầu tư tạo lập một ngành công nghiệp lớn hoặc thống trị một ngành, một thị trường lớn.
Nhà nước Singapore rất chú trọng phát triển nguồn nhân lực với quan điểm là: "mọi cố gắng bằng không khi dân không được giáo dục đào tạo một cách bài bản và chuẩn mực". Vì vậy, chính sách của Chính phủ tập trung vào giải quyết vấn đề sử dụng thiết bị, phương tiện một cách có hiệu quả nhất chứ không nhất thiết phải ào ạt đầu tư, hiện đại hoá các phương tiện thiết bị khi chưa đồng bộ với lực lượng sử dụng nó. Mặt khác, chính phủ Singapore cũng rất chú trọng chính sách lao động và tiền lương. Việc tuyển dụng lao động và đề bạt cất nhắc căn cứ vào năng lực và chuyên môn thật sự chứ không chỉ dựa vào tiêu chuẩn bằng cấp hoặc là con ông cháu cha. Càng cán bộ cấp cao càng phải được đào tạo bắt buộc và thường xuyên. Lập Quỹ tiết kiệm trung ương (CPF) để thực hiện trợ cấp xã hội, trên cơ sở bắt buộc các doanh nghiệp đóng góp 25% thu nhập, người lao động đóng 20% thu nhập vào quỹ và được hưởng lãi suất cao, khi về hưu mỗi người có khoản tiền từ 500.000 đến 1.000.000 USD để chi dùng cá nhân. Chính sách này đã tạo cho người lao động Singapore hết lòng với nhà nước và doanh nghiệp, tạo động lực lớn phát triển kinh tế đất nước và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
TẠP CHÍ TIÊU CHUẨN - ĐO LƯỜNG - CHẤT LƯỢNG SỐ 6/2007
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét