Thứ Tư, 12 tháng 9, 2007

Cổ phần hóa DNNN: Thực trạng và giải pháp

Với khoảng 1.750 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được cổ phần hóa (CPH) trong 13 năm qua đang hoạt động tương đối có hiệu quả, chủ trương này đã thể hiện tính đúng đắn và phù hợp thực tiễn. Tuy nhiên, vấn đề cấp bách hiện nay là cần có những giải pháp mạnh để đẩy nhanh hơn nữa tiến trình này.

Quá trình CPH DNNN ở Việt Nam được bắt đầu từ năm 1992, Nhà nước chỉ chọn một số doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, kinh doanh có lãi và tự nguyện CPH để thực hiện thí điểm. Suốt bốn năm 1992-1996, tuy chỉ CPH được 5 doanh nghiệp nhưng cả 5 đơn vị này đều hoạt động có hiệu quả hơn trước khi CPH.

Từ sau năm 1996, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương chính sách về CPH, trong đó điểm mốc là Nghị quyết Hội nghị Trung ương ba, khóa IX (năm 2001) coi việc đẩy mạnh CPH những doanh DNNN không cần nắm giữ 100% vốn là khâu quan trọng để tạo bước chuyển biến cơ bản trong việc nâng cao hiệu quả DNNN.

Các DNNN đã được tổ chức lại bằng các hình thức sáp nhập, hợp nhất, giải thể, phá sản, khoán kinh doanh, cho thuê và CPH. Các DNNN giảm mạnh về số lượng và được cải thiện đáng kể về quy mô vốn. Cơ cấu DNNN đã chuyển đổi theo hướng Nhà nước chỉ nắm giữ những lĩnh vực, ngành then chốt với thị phần đủ lớn đối với các sản phẩm, dịch vụ chủ yếu; không nhất thiết phải giữ tỷ trọng lớn ở tất cả các ngành, lĩnh vực và sản phẩm của nền kinh tế.

Kết quả khảo sát của Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển DNNN đối với khoảng 500 doanh nghiệp đã CPH hơn một năm cho thấy, doanh thu tăng 43%, lợi nhuận tăng trên 2,4 lần, thu nhập của người lao động tăng 54%, cổ tức bình quân được chia 15,5%. Vai trò của người lao động trong doanh nghiệp CPH được nâng lên rõ rệt do được quyền làm chủ với tư cách là cổ đông, thực sự góp phần tạo ra động lực trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo nhận định của Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển DNNN, quá trình chuyển đổi này diễn ra chậm ở tất cả các khâu và quan trọng hơn là chưa thực sự tạo được bước chuyển biến về chất trong hoạt động của khối DNNN. Tám tháng đầu năm nay, cả nước CPH được 358 doanh nghiệp. Theo ông Phạm Viết Muôn, Phó Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và Phát triển DNNN cho rằng với con số này thì mục tiêu CPH 700 doanh nghiệp trong năm nay và 800 doanh nghiệp trong năm 2005 cần những giải pháp mạnh mới có thể thực hiện được.

Trên thực tế ở các doanh nghiệp CPH, khoảng 38% vốn vẫn do Nhà nước nắm giữ, tỷ lệ bán ra bên ngoài nhiều nhất cũng chưa đến 10%. Điều này cho thấy tình trạng cổ phần hóa “khép kín” trong nội bộ doanh nghiệp vẫn đang diễn ra phổ biến; hạn chế việc thu hút nhà đầu tư có tiềm năng về vốn, công nghệ và trình độ quản lý.

Bởi vậy, các chuyên gia kinh tế thuộc Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DNNN cho rằng cần có chuyển biến mạnh mẽ từ hình thức CPH nội bộ là chính sang hình thức bán cổ phần ra ngoài doanh nghiệp, kể cả việc bán cho các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, diện doanh nghiệp CPH cũng được mở rộng, không chỉ các doanh nghiệp nhỏ mà còn tiến hành CPH cả các tổng công ty lớn. Hiện nay, các ngành liên quan đang xúc tiến quá trình cổ phần hóa các ngân hàng thương mại, Tổng công ty Điện tử-tin học, Tổng Công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng, Tổng Công ty Thương mại và Xây dựng.

Việc xác định giá trị doanh nghiệp cũng đang là một trong những khâu bức xúc nhất trong tiến trình CPH. Ban định giá bao gồm các chuyên gia từ nhiều bộ ngành hiện nay cần được thay bằng các đơn vị trung gian có kiến thức và kinh nghiệm trong công tác định giá để đảm bảo chính xác và khách quan, sát với thị trường. Một số ngân hàng thương mại sẽ đi tiên phong trong việc thuê các công ty định giá nước ngoài.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 64/CP về chuyển đổi DNNN thành công ty cổ phần theo hướng cho phép các doanh nghiệp có giá trị tài sản dưới 20 tỷ đồng được tự kê khai, tự định giá để cơ quan chức năng công bố giá trị doanh nghiệp tiến hành CPH. Nếu được chấp thuận thì nội dung sửa đổi này sẽ thúc đẩy quá trình CPH doanh nghiệp rất đáng kể vì hiện nay số đơn vị cổ phần hóa có vốn dưới 20 tỷ đồng chiếm tỷ lệ khá lớn.

Theo TTXVN 22/7/2006

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến