Thứ Hai, 3 tháng 9, 2007

LUẬT ÐIỀU CHỈNH NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG

J.Peter Byrne

Kinh tế thị trường tạo ra của cải cho xã hội thông qua việc trao đổi. Nhìn chung, các bên, vì mục đích riêng của mình, sẽ trao đổi hàng hoá và dịch vụ khi họ tin rằng việc trao đổi hàng hoá và dịch vụ đó sẽ mang lại thêm lợi ích cho họ. Khi các bên đồng ý trao đổi, mỗi bên cần những gì mà họ nhận được hơn là những gì họ bỏ ra để trao đổi . Qua đó, các bên đều mong muốn được lợi hơn thông qua việc trao đổi. Nếu thị trường có thể vận hành một cách hoàn hảo, việc trao đổi không ngừng có thể phân bổ mọi nguồn lực tới các bên cần nó nhất, thúc đẩy tính hiệu quả trong việc tạo ra của cải xã hội và thỏa mãn mong muốn của mọi người.

Khác với nền kinh tế chịu sự quản lý của nhà nước, kinh tế thị trường dựa trên vô số các quyết định và sự nỗ lực của từng cá nhân. Các quyết định của người bán và người mua tạo ra cung và cầu, quyết định giá cả và cho biết số lượng hàng hoá cần sản xuất ra. Sự can thiệp quá lớn của chính phủ vào quá trình này sẽ dẫn tới sự thiếu hụt, dư thừa, hàng hóa kém chất lượng, lạc hậu và kém hiệu quả về kinh tế. Cơ chế can thiệp đó có thể còn không khuyến khích các cá nhân tham gia tích cực vào hoạt động sản xuất.

Luật thương mại dành một phần rất lớn để thúc đẩy và bảo vệ cơ chế trao đổi thị trường nói trên. Bốn nguyên tắc cơ bản sau chi phối hầu hết các qui định của luật thương mại. Ðó là:

Quyền tự do hợp đồng. Quyền tự do của các bên trong việc quyết định có tham gia vào một giao dịch cụ thể và đồng ý về các điều khoản của giao dịch đó hay không là nền tảng pháp lý của nền kinh tế thị trường. Từng cá nhân có thể tham gia vào các mối quan hệ pháp lý một cách nhanh chóng và trực tiếp mà không có bất kỳ sự can thiệp chính trị hay ngoại giao nào. Do vậy, các bên có thể đưa ra các quyết định kinh tế tức thì, có liên quan trực tiếp đến sự thành công của họ. Ngoài ra, các bên sẽ tự quyết định sự được mất trong phần lớn các cuộc thương lượng của họ (với điều kiện là không bên nào bị ở vị thế quá bất lợi).

Luật thương mại chỉ có hiệu lực ràng buộc các nghĩa vụ pháp lý khi các bên tham gia được cho là đã tự nguyện gánh vác các nghĩa vụ đó. Một bộ luật thương mại có thể qui định cụ thể khi nào một bên đã thực sự gánh vác các nghĩa vụ pháp lý đó, ví dụ như là việc xác định ranh giới khi việc thỏa thuận về một thương vụ nào đó trở thành một cam kết mang tính hợp đồng. Nhưng các bên có thể tự thỏa thuận các điều khoản cho các cam kết của họ. Thậm chí ngay cả khi khi bộ luật thương mại có các qui định về việc thực hiện các giao dịch cụ thể nào đó, các bên vẫn có quyền tự do bãi bỏ hoặc thay đổi các quy tắc áp dụng. Một ví dụ điển hình là Ðiều 6 của Công ước Liên Hiệp Quốc về Bán hàng hoá quốc tế, cho phép các bên "không phải áp dụng Công ước này hoặc...làm giảm bớt hay thay đổi hiệu lực của bất kỳ điều khoản nào của Công ước này,"

Tất nhiên, tự do hợp đồng cũng có những giới hạn của nó. Nhìn chung, các hợp đồng nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như buôn bán thuốc phiện bất hợp pháp, sẽ không xác lập các quyền hợp pháp. Bản thân các hợp đồng khác có thể có hiệu lực,song có thể dẫn tới các chế tài pháp lý độc lập, chẳng hạn như hợp đồng gây cản trở buôn bán cạnh tranh. Trong cả hai ví dụ trên, nói chung luật trước hết sẽ bảo vệ cho những người không phải là các bên của hợp đồng. Ngoài ra, một số bên như người tiêu dùng hay những nhóm đối tượng thiểu số có thể còn có những bảo vệ đặc biệt trong các đàm phán bất lợi với điều kiện là họ không thể tự bảo vệ đầy đủ quyền lợi của mình. Tuy nhiên, các nước thường cho phép các bên mua bán tự đàm phán với nhau và không can thiệp sâu vào các hợp đồng riêng chẳng hạn như bằng cách ấn định mức giá "phải chăng" hay các tiêu chuẩn chất lượng bắt buộc.

Bảo vệ các mong muốn hợp lý. Các bên tham gia các giao dịch thương mại thường dựa vào luật để bảo vệ các quyền của mình trong tương lai. Thường thì không thể hoặc không hiệu quả nếu các bên đồng thời ngừng việc thực hiện. Chẳng hạn, một người thợ thủ công nhận làm đồ đạc đặt đóng giờ đây sẽ dựa vào luật để buộc người mua thực hiện nghĩa vụ nhận đồ đạc và thanh toán tiền trong tương lai. Các quyền và nghĩa vụ đó có thể do luật áp dụng hay do thoả thuận giữa các bên xác lập. Toà án nên thận trọng khi thi hành các điều khoản trong thoả thuận, mà thông qua các điều khoản đó các bên đã thoả thuận bảo vệ mình trước những bất trắc trong tương lai.

Nhiều khi, khó có thể bảo vệ được các mong muốn của cả hai bên. chẳng hạn như người mua có thể ký hợp đồng với người bán buôn nào đó để mua cam vào một ngày nhất định theo mức giá nhất định. Thời tiết lạnh làm hỏng rất nhiều cam khiến cho mức giá hiện thời hay "giao ngay” tăng kỷ lục, khiến người bán giao cam bị lỗ lớn. Bên bán có thể đã không dự liệu được việc giá tăng cao như vậy, nhưng bên mua đã ký hợp đồng có kỳ hạn chủ yếu nhằm giúp họ tránh việc tăng giá đột ngột. Luật bán hàng của các nước khác nhau về cách thức giải quyết các tình huống bất ngờ này, song tất cả đều áp dụng việc phân bổ những rủi ro có thể thấy trong hợp đồng giữa các bên.

Ngăn chặn sự gian lận và lạm quyền. Các quyết định của thị trường không thể phân bổ các nguồn lực một cách có hiệu quả trừ phi các quyết định đó là sản phẩm của sự lựa chọn tự do và được thông tin. Các giao dịch thương mại có sự gian lận hay cưỡng ép sẽ không có hiệu lực pháp luật. Những giao dịch đó còn làm mất đi lòng tin của mọi người vào thị trường và hệ thống pháp luật.

Không có gì ngạc nhiên khi luật thương mại nghiêm cấm sự gian lận và cưỡng ép. Chẳng hạn, các hợp đồng được xác lập trên cơ sở cưỡng ép hay gian lận của một bên nào đó sẽ không có hiệu lực, ký hậu giả mạo séc cũng không có hiệu lực và những con nợ đang trong quá trình phá sản không được hưởng các quyền lợi từ việc phá sản. Ðiều này chỉ áp dụng trong phạm vi nạn nhân của sự gian lận không thể bảo vệ mình mà không gây tổn hại đến bên thứ ba vô can. Ví dụ, theo luật của một số nước thì ai có được hàng hoá thông qua gian lận sẽ không có quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hoá đó, nhưng có thể chuyển quyền sở hữu hợp pháp hàng hoá đó cho một người mua vô can nào đó vì mục đích giá trị.

Giảm chi phí giao dịch. Luật thương mại nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các bên tham gia và thực hiện các giao dịch với chi phí thấp nhất cùng với hạn chế tối thiểu sự gian lận. Nếu chi phí thực hiện giao dịch cao thì các bên sẽ bỏ lỡ các cơ hội có lợi. Do vậy, các thủ tục cần thiết để xác lập một hợp đồng có hiệu lực, chẳng hạn như thủ tục chứng thực của cơ quan công chứng trong một số hệ thống pháp lý, đã không còn nữa. Một ví dụ khác nữa là hệ thống nộp thông báo về các giấy tờ bảo đảm theo Ðiều 9 Bộ luật Thương mại Thống nhất Hoa Kỳ đã được đơn giản hoá.

Có thể cách quan trọng nhất mà bộ luật thương mại hiện đại đã làm để giảm bớt các chi phí giao kết hợp đồng là quy định các điều kiện chuẩn cho những thoả thuận cụ thể. Chẳng hạn như các luật hiện đại điều chỉnh về mua bán hàng hoá chủ yếu là các quy định sẵn có về phân bổ rủi ro và hướng dẫn việc thực hiện, cho dù các bên vẫn có thể tự do thay đổi các quy định áp dụng thông qua thỏa thuận. Việc áp dụng các quy định đó hoàn toàn tiên liệu được khiến các bên không cần thiết phải quy định trong thoả thuận của mình những vấn đề và các trường hợp bất ngờ xa vời, từ đó đơn giản hoá đáng kể quá trình ký kết thoả thuận. Một ví dụ khác về việc đưa thêm điều khoản đó là luật điều chỉnh phương thức thanh toán bằng séc; mặc dù phần lớn các điều khoản về mối quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng có thể thay đổi theo thoả thuận, song việc sử dụng séc trong thương mại đã trở lên thuận lợi hơn thông qua việc tiêu chuẩn hoá pháp lý các quyền ghi trong loại séc thường thấy này.

**************************************************

LUẬT KINH DOANH VÀ THƯƠNG MẠI: NHỮNG NGUYÊN TẮC CƠ BẢN
Ấn phẩm của Chưong trình Thông tin Quốc tế, tháng 8/1994

bản dịch đại sứ quán hoa kỳ tại việ tnam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến