James Madison tuyên bố “khi xây dựng một hệ thống mà chúng ta mong muốn sẽ tồn tại trong một thời gian dài, chúng ta không nên bỏ qua những thay đổi trong khoảng thời gian đó”. Hiến pháp được xây dựng để phục vụ lợi ích của người dân – dù giàu hay nghèo, người miền Bắc hay miền Nam, nông dân, công nhân và doanh nhân. Trong suốt nhiều năm, Hiến pháp đã được vận dụng đáp ứng những nhu cầu thay đổi của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
Các đại biểu dự Đại hội Lập hiến tin tưởng mạnh mẽ vào sự lãnh đạo của đa số, nhưng họ muốn bảo vệ các nhóm thiểu số chống lại bất kỳ sự bất công nào của đa số. Họ đã đạt được mục đích này thông qua việc phân chia và cân bằng quyền lực của chính phủ quốc gia. Những mục tiêu cơ bản khác của hiến pháp còn có sự tôn trọng quyền của cá nhân và các bang, nhân dân cầm quyền, sự tách rời giữa nhà thờ và nhà nước, và vị thế tối cao của chính phủ quốc gia.
Hiến pháp đã được sửa đổi 27 lần, trong đó có Tuyên ngôn Nhân quyền. Các điều bổ sung sửa đổi có thể được đề xuất bởi hai phần ba thành viên trong mỗi viện hay bởi một đại hội toàn quốc do Quốc hội triệu tập theo yêu cầu của các cơ quan lập pháp của hai phần ba số bang. Một Điều bổ sung sửa đổi trở thành bộ phận của Hiến pháp sau khi được phê chuẩn hoặc bởi cơ quan lập pháp của ba phần tư số bang hoặc bởi các đại hội ở ba phần tư số bang. Quốc hội quyết định nên sử dụng hình thức phê chuẩn nào và thời gian các bang phải xem xét mỗi Điều bổ sung sửa đổi. Trong nhiều trường hợp, Quốc hội chọn thời hạn bảy năm để xem xét một Điều bổ sung sửa đổi.
Các đại biểu dự Đại hội Lập hiến biết rằng họ không thể soạn thảo luật cho mọi khả năng tình huống. Do đó, họ trao cho Quốc hội quyền thông qua tất cả các luật “cần thiết và hợp lý” để thực hiện các quyền lực Hiến pháp trao cho Tổng thống, Quốc hội, và các tòa án liên bang. Quốc hội đã thông qua luật thành lập những tổ chức hành chính như Cục Hàng không Liên bang và Cục Bưu điện. Quốc hội cũng đã thông qua luật điều tiết thương mại liên bang, qua đó kiểm soát nhiều khía cạnh của nền kinh tế Mỹ.
PHÁN QUYẾT CỦA TÒA ÁN. Thẩm phán liên bang và bang áp dụng Hiến pháp trong nhiều vụ án. Tòa án Tối cao có quyền lực cuối cùng trong việc diễn đạt ý nghĩa của Hiến pháp trong bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Tòa án có quyền xem xét lại về pháp lý - tức là họ có thể tuyên bố một bộ luật là bất hợp hiến. Tòa án Tối cao có quyền này do phán quyết của Chánh án John Marshall trong vụ Marbury kiện Madison năm 1803. Kể từ đó, tòa án đã phán quyết hơn 100 bộ luật liên bang và hàng trăm bộ luật bang là bất hợp hiến.
HÀNH ĐỘNG CỦA TỔNG THỐNG. Những Tổng thống mạnh đã sử dụng quyền lực của mình để mở rộng những ngôn từ đơn giản trong Điều 2 của Hiến pháp thành nguồn quyền lực mạnh mẽ của tổng thống. Những Tổng thống mạnh như vậy có George Washington, Thomas Jefferson, Andrew Jackson, Abraham Lincoln, Theodore Roosevelt, Woodrow Wilson, Franklin D.Roosevelt, và George W. Bush. Ví dụ, Washington đã biến Tổng thống trở thành nhân vật hàng đầu trong lĩnh vực đối ngoại. Lincoln đã sử dụng những quyền trong điều này để giải phóng nô lệ nổi loạn ở các bang miền Nam trong cuộc Nội chiến (1861-1865).
TẬP QUÁN đã làm cho Hiến pháp trở nên linh hoạt và đã tăng thêm quyền của chính phủ quốc gia. Ví dụ, nội các của Tổng thống đã phát triển từ những nội dung trong Điều 2 cho phép người đứng đầu “yêu cầu đóng góp ý kiến bằng văn bản của cán bộ phụ trách từng bộ phận điều hành, về bất kỳ chủ đề nào liên quan đến nhiệm vụ của từng bộ phận đó”.
HÀNH ĐỘNG CỦA BANG VÀ ĐẢNG PHÁI. Hiến pháp quy định về một phương thức chung để bầu cử Tổng thống. Hiến pháp không đề cập tới các đảng phái chính trị. Nhưng luật của các bang và hoạt động của các đảng phái chính trị đã làm thay đổi hệ thống bầu cử trong hiến pháp thành những chiến dịch vận động và những cuộc bầu cử thú vị diễn ra ngày nay.
Hiến pháp đã tiếp tục phát triển đáp ứng những yêu cầu của một xã hội ngày càng phát triển thông qua tất cả những phương thức trên. Nhưng tinh thần và nội dung của Hiến pháp vẫn nhất quán. Con người mỗi thế hệ đã vận dụng các điều khoản của Hiến pháp để giải quyết các vấn đề của mình theo những cách có vẻ là hợp lý đối với họ.
Chính khách người Anh William E. Gladstone đã mô tả Hiến pháp là “tác phẩm tuyệt vời nhất từng được sản sinh ra vào một thời điểm nhất định bởi trí óc và mục đích của con người”. Trong một thế giới đổi thay và tranh đấu, nhân dân Mỹ không có tài sản nào quý giá hơn văn kiện vĩ đại này. Toàn văn Hiến pháp Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, kèm theo chú giải, được trình bày trong những trang tiếp theo. Sau toàn văn là phần giải thích.
********************************************************
HIẾN PHÁP HỢP CHỦNG QUỐC HOA KỲ VÀ CHÚ THÍCH
Ấn phẩm của Chương trình Thông tin Quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tháng 7/2004
Phỏng theo TỪ ĐIỂN BÁCH KHOA WORLD BOOK, bản quyền của Công ty World Book năm 2004.
Được phép của Nhà xuất bản. Địa chỉ trên Internet: ww.worldbook.com
bản dịch đại sứ quán hoa kỳ tại việ tnam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét