Thứ Năm, 6 tháng 9, 2007

NGUYÊN TẮC CÔNG NHẬN VÀ CHO THI HÀNH TẠI VIỆT NAM BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH DÂN SỰ CỦA TOÀ ÁN NƯỚC NGOÀI, TRỌNG TÀI NƯỚC NGOÀI

Nông Quốc Bình

Công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự, của toà án nước ngoài, quyết định của trọng tài nước ngoài là một vấn đề quan trọng trong tố tụng dân sự, theo đó các phán quyết của toà án hoặc của trọng tài một nước sẽ có thể được công nhận và thi hành ở nước khác. Trong bối cảnh của quan hệ quốc tế ngày càng được mở rộng thì vấn đề công nhận và cho thi hành các phán quyết của toà án và trọng tài nước ngoài là vấn cần được quan tâm. Để đảm bảo quyền lợi của các bên chủ thể trong quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài trong tố tụng dân sự, trên cơ sở chủ quyền quốc gia, việc công nhận, thi hành phán quyết của toà án, trọng tài nước ngoài phải tuân theo một số nguyên tắc pháp lý nhất định.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, những vấn đề pháp lý liên quan tới thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam, quyết định dân sự của toà án nước ngoài, quyết định của trọng tài nước được quy định tại Phần thứ sáu của Bộ Luật tố tụng dân sự (BLTTDS). Trên cơ sở các quy định của phần thứ sáu BLTTDS, bài viết này xin đề cập tới một số quy định có tính nguyên tắc trong việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của toà án nước ngoài, quyết định của trọng tài nước ngoài tuyên.

1. Toà án của Việt Nam chỉ công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của toà án nước ngoài, quyết định của trọng tài nước ngoài phù hợp với quy định của điều ước mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập

Tôn trọng các cam kết quốc tế là một trong những nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế. Theo đó tất cả các thành viên của điều ước quốc tế phải tự nguyện tuân thủ những điều đã cam kết.

Trong quan hệ quốc tế, Việt Nam luôn tôn trọng nguyên tắc này. Để khẳng định việc tuân thủ nguyên tắc tôn trọng cam kết quốc tế, pháp luật Việt Nam đã quy định: Trong trường hợp có sự khác nhau giữa pháp luật trong nước và điều ước quốc tế thì áp dụng điều ước quốc tế. Nội dung thể hiện sự tôn trọng điều ước quốc tế này được quy định trong Khoản 3 Điều 2 của BLTTDS và trong nhiều quy định của một số văn bản pháp luật khác như: Khoản 2 Điều 827 Bộ luật dân sự,(1) khoản 2 Điều 5 Luật cạnh tranh...

Trên cơ sở của khoản 3 Điều 2 của BLTTDS, nguyên tắc tôn trọng các cam kết quốc tế trong việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của toà án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài, đã được cụ thể hoá trong BLTTDS như sau:

Thứ nhất, đối với bản án hoặc quyết định dân sự của toà án nước ngoài tuyên. Các bản án và quyết định của toà án nước ngoài sẽ được toà án Việt Nam xem xét để công nhận và cho thi hành tại Việt Nam nếu bản án hoặc quyết định dân sự đó được tuyên bởi toà án của nước ký kết với Việt Nam một điều ước quốc tế có quy định việc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của nhau hoặc cùng Việt Nam là thành viên của điều ước quốc tế về vấn đề công nhận và cho thi hành các bản án, quyết định dân sự (Điều 343 BLTTDS).

Trên thực tế Việt Nam đã ký kết nhiều điều ước quốc tế tay đôi về tương trợ tư pháp và pháp lý(2) (HĐTTTP). Trong các HĐTTTP này Việt Nam đã thoả thuận với các nước ký kết đối với việc công nhận và cho thi hành bản án và quyết định dân sự của nhau trong quan hệ quốc tế. Trên cơ sở quy định của HĐTTTP, nội dung quy định về vấn đề này được thực hiện theo nguyên tắc những phán quyết của toà án của nước ký kết này sẽ được công nhận và cho thi hành trên lãnh thổ của nước ký kết kia. Theo đó các bản án, quyết định dân sự của toà án nước ký kết này sẽ được mặc nhiên công nhận và cho thi hành ở nước ký kết kia. Ví dụ: Điều 46, 47 của HĐTTTP giữa Việt Nam với Cu Ba; Điều 51 của HĐTTTP giữa Việt Nam với Hunggari; Khoản 1, 2 Điều 44 của HĐTTTP giữa Việt Nam và Lào; Điều 51, 52, 53 của HĐTTTP giữa Việt Nam với Liên bang Nga; Điều 15 HĐTTTP giữa Việt Nam với Trung Quốc; Điều 21 của HĐTTTP giữa Việt Nam với Cộng hoà Pháp ; Điều 56, 57, 58 HĐTTTP giữa Việt Nam với Cộng hoà Bêlarut...

Theo quy định tại khoản 5 Điều 343 BLTTDS thì trong trường hợp Việt Nam ký kết hoặc tham gia điều ước quốc tế về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của toà án nước ngoài thì bản án hoặc quyết định dân sự do toà án nước là thành viên của điều ước quốc tế tuyên sẽ được mặc nhiên công nhận và cho thi hành tại Việt Nam nếu không có yêu cầu yêu cầu thi hành tại Việt Nam và không có đơn yêu cầu không công nhận.

Thứ hai, đối với quyết định của trọng tài nước ngoài tuyên. Căn cứ vào quy định tại khoản 2 Điều 343 BLTTDS thì có thể nói toà án của Việt Nam xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài trong hai trường hợp.

Trường hợp thứ nhất, quyết định của trọng tài được tuyên tại nước là thành viên của điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập. Trong trường hợp này dấu hiệu nơi trọng tài tuyên được coi là dấu hiệu để xác định thẩm quyền của toà án Việt Nam trong việc xem xét, công nhận quyết định của trọng tài nước ngoài. Trên thực tế, khi thoả thuận về trọng tài các bên có thể chọn ra loại trọng tài (trọng tài thiết chế hoặc trọng tài ad-hoc) đồng thời có thể thoả thuận cả nơi trọng tài sẽ tiến hành xét xử, đặc biệt là đối với trường hợp chọn trọng tài ad-hoc. Vì vậy, trong trường hợp này, nếu nơi tiến hành xét xử là nước thuộc thành viên của điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập thì phán quyết của trọng tài đó có thể được toà án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam.

Trường hợp thứ hai, quyết định trọng tài được tuyên bởi trọng tài của nước mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế có quy định về vấn đề công nhận và cho thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài. Trong quan hệ quốc tế về vấn đề này, năm 1995 Việt Nam đã gia nhập Công ước New- York (1958) về công nhận và cho thi hành quyết định của Trọng tài nước ngoài(3). Tuy nhiên, trong quá trình gia nhập Công ước này Việt Nam đưa ra 3 điều bảo lưu cơ bản đó là: a) Công ước chỉ được áp dụng đối với việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam các quyết định của trọng tài nước ngoài được tuyên trên lãnh thổ của các quốc gia thành viên của Công ước; b) Công ước chỉ được áp dụng đối với các tranh chấp phát sinh từ các quan hệ pháp luật thương mại; c) Mọi sự giải thích Công ước trước Toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác của Việt Nam phải tuân theo pháp luật Việt Nam. Chúng tôi cho rằng vào thời điểm gia nhập Công ước này các đây 10 năm việc Việt Nam đưa ra 3 điều bảo lưu như trên là cần thiết. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, thì việc bảo lưu này cần được nghiên cứu xem xét thêm.

 2. Toà án Việt Nam chỉ công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của toà án nước ngoài, quyết định của trọng tài nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam

Nhằm bảo vệ quyền lợi của các bên đương sự, đặc biệt là của nguyên đơn trong các vụ kiện có yếu tố nước ngoài, trong một số trường hợp pháp luật Việt Nam quy định việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam các bản án, quyết định dân sự của toà án nước ngoài, quyết định của trọng tài nước ngoài tuyên. Về vấn đề này, BLTTDS quy định toà án xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự khi bản án và quyết định dân sự đó nếu được pháp luật Việt Nam công nhận và cho thi hành (Điều 343 BLTTDS).

Trong BLTTDS không quy định cụ thể loại bản án, quyết định dân sự nào của toà án nước ngoài tuyên hoặc quyết định của trọng tài nước ngoài tuyên sẽ được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong BLTTDS lại quy định rất cụ thể các loại bản án, quyết định dân sự của toà án nước ngoài cũng như quyết định của trọng tài nước ngoài sẽ không được toà án của Việt Nam xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam.

Thứ nhất, đối với việc không công nhận và thi thành các bản án, quyết định dân sự của toà án nước ngoài.

Trên cơ sở nội dung quy định tại Điều 356 BLTTDS thì các bản án và quyết định dân sự của toà án nước ngoài sau đây sẽ không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam:

- Bản án, quyết định dân sự chưa có hiệu lực pháp luật theo quy định của pháp luật nước có toà án đã ra bản án hoặc quyết định đó;

- Người phải thi hành hoặc người đại diện của người đó đã vắng mặt tại toà án nước ngoài vì đa không được triệu tập hợp lệ;

- Vụ án thuộc thẩm quyền xét xử riêng biệt của toà án Việt Nam;

- Vụ án đã có bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực của toà án Việt Nam hoặc vụ án của toà án nước ngoài đã được toà án Việt Nam công nhận hoặc vụ án mà trước khi toà án nước ngoài thụ lý, toà án Việt Nam đã thụ lý và đang trong giải quyết vụ án đó;

- Bản án, quyết định dân sự đã hết hiệu lực thi hành theo pháp luật của nước có toà án đã ra bản án, quyết định đó hoặc theo quy định của pháp luật Việt Nam;

- Việc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của toà án nước ngoài tại Việt Nam trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

Thứ hai, đối với việc không xem xét công nhận và thi hành các quyết định của Trọng tài nước ngoài.

Theo quy định tại Điều 370 BLTTDS, toà án của Việt Nam sẽ không xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam các quyết định của Trọng tài nước ngoài sau đây:

- Quyết định trọng tài dựa trên ký kết thoả thuận trọng tài của các bên không đủ năng lực hành vi ký kết theo quy định của pháp luật áp dụng cho mỗi bên.(4)

Quy định này được hiểu là các bên ký kết phải đủ năng lực hành vi ký kết. Như vậy, nếu một trong các bên không đủ năng lực hành vi ký kết thỏa thuận trọng tài thì phán quyết của trọng tài dựa trên cơ sở thỏa thuận đó cũng sẽ không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam. Theo quy định này thì pháp luật áp dụng để xác định năng lực hành vi ký kết thỏa thuận trọng tài của các bên là luật quốc tịch của các bên. Theo đó luật quốc tịch sẽ là cơ sở pháp lý để xác định tính năng lực hành vi ký kết của mỗi bên.

- Quyết định của trọng tài dựa trên sự thoả thuận trọng tài không có giá trị pháp lý theo quy định của pháp luật áp dụng cho thoả thuận trọng tài(5). Trường hợp này có thể xảy ra khi:

+ Trái với luật mà các bên đã thoả thuận áp dụng;

+ Trái với luật nước nơi ra quyết định trọng tài (nếu các bên không chọn luật áp dụng).

- Quyết định trọng tài đã vi phạm thủ tục tố tụng(6). Ví dụ người phải thi hành quyết định trọng tài đã không được thông báo kịp thời và hợp thức đối với việc chỉ định trọng tài viên hoặc thông được thông báo về thủ tục giải quyết tranh chấp tại trọng tài hoặc vì nguyên nhân chính đáng mà người phải thi hành đã không được thực hiện quyền tố tụng trong trọng tài của mình(7) hoặc thành phần, thủ tục trọng tài nước ngoài đã không phù hợp với thỏa thuận trọng tài.

- Quyết định của trọng tài nằm ngoài yêu cầu giải quyết của các bên hoặc vượt quá yêu cầu của các bên trong thoả thuận trọng tài(8).

- Quyết định của trọng tài nước ngoài chưa có hiệu lực bắt buộc đối với các bên hoặc bị cơ quan có thẩm quyền huỷ bỏ hoặc đình chỉ thi hành(9).

- Quyết định của trọng tài nước ngoài không phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam hoặc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam(10).

3. Toà án Việt Nam có thể công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của toà án nước ngoài, quyết định của trọng tài nước ngoài trên cơ sở có đi có lại

Có đi có lại là một nguyên tắc quan trọng trong quan hệ quốc tế. Nguyên tắc này thường được áp dụng trong trường hợp không có điều ước quốc tế. Theo nguyên tắc có đi có lại thì một nước này sẽ áp dụng cho thể nhân hoặc pháp nhân nước khác một chế độ pháp lý nhất định giống như chế độ pháp lý mà thể nhân hoặc pháp nhân của nước này được hưởng tại nước khác đó. Chế độ pháp lý nhất định trong trường hợp này thông thường là chế độ đãi ngộ tối huệ quốc hoặc chế độ đãi ngộ quốc gia hoặc một số ưu đãi. Tuy nhiên, trên thực tế, nguyên tắc có đi có lại cũng có thể dùng để hạn chế quyền lợi của thể nhân hoặc pháp nhân nước ngoài tại nước sở tại. Theo đó nếu một nước đơn phương không áp dụng chế độ có đi có lại hoặc hạn chế quyền lợi của công dân một nước thì nước có công dân bị hạn chế quyền lợi sẽ áp dụng biện pháp trả đũa bằng cách hạn chế ngay những quyền lợi tương tự đối với công dân của nước kia.

Nguyên tắc có đi có lại được áp dụng trong việc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của toà án nước ngoài, quyết định của trọng tài nước ngoài được quy định tại khoản 3 Điều 343 BLTTDS. Về mặt lý luận cũng như thực tế, nguyên tắc có đi có lại được áp dụng mà không đòi hỏi phải Việt Nam và các nước hữu quan phải là thành viên của điều ước quốc tế về vấn đề này. Trên cơ sở lý luận về nguyên tắc có đi có lại trong quan hệ quốc tế, về vấn đề này có thể được hiểu là toà án của Việt Nam có thể công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của toà án hoặc quyết định của trọng tài nước ngoài của một nước khi toà án nước này đã công nhận và cho thi hành đối với bản án, quyết định dân sự của toà án Việt Nam hoặc quyết định của trọng tài Việt Nam.

4. Bản án, quyết định dân sự của toà án nước ngoài hoặc quyết định của trọng tài nước ngoài chỉ được thi hành tại Việt Nam sau khi đã được toà án của Việt Nam công nhận và cho thi hành 

Thi hành quyết định của toà án hoặc phán quyết của trọng tài có một ý nghĩa quan trọng. Theo đó quyền lợi của bên bị hại sẽ được thực hiện. Trong quan hệ quốc tế, việc cho thi hành một bản án của toà án hoặc một quyết định của trọng tài nước ngoài không chỉ thể hiện quan điểm của toà án nước cho thi hành bản án đối với việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bên bị hại mà còn thể hiện sự tôn trọng của cơ quan xét xử nước này đối với phán quyết của cơ quan xét xử nước khác. Tuy nhiên, về mặt pháp lý cũng như thực tiễn tư pháp thì một bản án hoặc quyết định dân sự của toà án nước này tuyên sẽ không được thi hành ở một nước khác khi chưa được nước khác đó công nhận và cho thi hành. Nguyên tắc này được áp dụng không chỉ thể hiện chủ quyền quốc gia mà còn đảm bảo rằng nội dung của bản án cũng như hậu quả của việc thi hành các bản án của toà án nước ngoài tuyên sẽ không đi ngược lại những nguyên tắc pháp lý của nước nơi thi hành bản án đó.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, tại khoản 4 Điều 343 của BLTTDS thì những bản án, quyết định dân sự của toà án nước ngoài hoặc của trọng tài nước ngoài chỉ được thi hành tại Việt Nam sau khi được Toà án Việt Nam công nhận và cho thi hành(11).

Tóm lại, việc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của toà án nước ngoài và quyết định của trọng tài nước ngoài phải tuân theo một số nguyên tắc nhất định. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, các nguyên tắc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của toà án nước ngoài, các quyết định của trọng tài nước ngoài được quy định trong BLTTDS. Theo đó toà án của Việt Nam chỉ công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của toà án nước ngoài, quyết định của trọng tài nước ngoài khi: Việc công nhận và cho thi hành này phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập; phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam; trên nguyên tắc có đi có lại; và việc thi hành chỉ được thực hiện sau khi đã được Toà án của Việt Nam công nhận và cho thi hành. Việc tuân thủ các nguyên tắc này không chỉ thể hiện chủ quyền của Việt Nam mà còn phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế trong giai đoạn hiện nay./.


(1) Bộ luật dân sự được Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 28/10/1995.

(2) Việt Nam đã ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp với 14 nước trên thế giới.

(3) Ngày 28/7/1995 Chủ tịch nước đã ký quyết định gia nhập Công ước New York 1958 về việc công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài.

(4) Xem điểm a khoản 1 Điều 370 BLTTDS.

(5) Xem điểm b khoản 1 Điều 370 BLTTDS.

(6) Xem điểm c, đ khoản 1 Điều 370 BLTTDS.

(7) Xem điểm c khoản 1 Điều 370 BLTTDS.

(8) Xem điểm d khoản 1 Điều 370 BLTTDS.

(9) Xem điểm e, g khoản 1 Điều 370.

(10) Xem khoản 2 Điều 370 BLTTDS.

(11) Xem khoản 4 Điều 343 BLTTDS.


ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI

TẠP CHÍ LUẬT HỌC SỐ ĐẶC SAN VỀ BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ NĂM 2004  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến