Thứ Hai, 3 tháng 9, 2007

NHỮNG QUYẾT ĐỊNH QUAN TRỌNG CỦA TÒA ÁN TỐI CAO

“Tòa nghiêng mình trước những bài học của kinh nghiệm và sức mạnh của lập luận chặt chẽ, thừa nhận rằng tiến trình xét xử và sai lầm, có ích biết bao trong các môn khoa học tự nhiên, cũng thích hợp cả trong chức năng tư pháp"
- Louis D.Brandeis, Phó chánh án Tòa án Tối cao Hợp chúng quốc,
vụ Burnet kiện Công ty Coronado Oil and Gas, 1932

Kể từ ngày Tòa án Tối cao Hợp chúng quốc họp lần đầu năm 1790 đến nay, Tòa đã bày tỏ hàng nghìn ý kiến về mọi vấn đề, từ quyền lực của chính quyền đến các quyền công dân và tự do báo chí. Tuy rằng nhiều trong số những quyết định ít được biết đến và ít được quảng đại công chúng quan tâm, song có một số quyết định nổi bật lên do tác động mà chúng đã có đối với lịch sử nước Mỹ. Dưới đây tóm tắt một số vụ quan trọng nhất.

Vụ Marbury kiện Madison (1803)

Thường được coi là quyết định quan trọng nhất trong lịch sử của Tòa án Tối cao, vụ Marbury kiện Madison lập nên một nguyên tắc giám sát tư pháp và quyền lực của Tòa trong việc xác định tính hợp hiến của các hành vi lập pháp và hành pháp.

Vụ này sinh ra từ một cuộc tranh cãi chính trị diễn ra sau cuộc bầu cử tổng thống năm 1800, trong đó Thomas Jefferson, một người Dân chủ - Cộng hòa, đã đánh bại tổng thống đương  nhiệm John Adams, một người chủ trương chế độ liên bang. Trong những ngày cuối cùng của chính quyền Adams, Quốc hội dưới sự khống chế của phái Liên bang đã lập ra một số chức vụ tư pháp, trong đó có 42 thẩm phán hòa giải cho quận Columbia. Thượng viện đã phê chuẩn việc bổ nhiệm này, tổng thống đã ký và trách nhiệm của quốc vụ khanh là đóng dấu và trao những quyết định. Trong lúc vội vã vào những phút cuối cùng, quốc vụ khanh sắp mãn nhiệm quên trao quyết định cho 4 thẩm phán, trong đó có William Marbury.

Quốc vụ khanh mới dưới quyền của Tổng thống Jefferson là James Madison không chịu trao những quyết định đó vì chính quyền mới tức giận phái Liên bang đã tìm cách gài người của đảng họ vào trong ngành tư pháp. Marbury đã khởi kiện tại Tòa án Tối cao đòi Madison phải trao quyết định cho mình.

Nếu như Tòa đứng về phía Marbury, Madison có thể vẫn không chịu trao quyết định và Tòa không có cách nào làm cho lệnh của mình được thi hành. Nếu Tòa xử trái với yêu cầu của Marbury thì Tòa có nguy cơ nhượng quyền tư pháp cho người của phái Jefferson bằng cách để cho họ được phép khước từ Marbury chức vụ mà ông được quyền nhận theo pháp lý. Chánh án Tòa án Tối cao John Marshall đã giải quyết thế khó xử này bằng quyết định cho rằng Tòa án Tối cao không có thẩm quyền hành  động trong vụ này. Marshall phát biểu rằng Chương 13 của Luật Tư pháp, đạo luật đã trao quyền cho Tòa án Tối cao, là không hợp hiến vì nó đã mở rộng phạm vi tài phán nguyên thủy của Tòa từ phạm vi tài phán đã được chính Hiến pháp xác định. Bằng quyết định  không đưa ra quyết định trong vụ này, Tòa án Tối cao đã bảo đảm an toàn cho vị trí của mình là trọng tài cuối cùng của luật pháp.

Vụ Gibbons kiện Ogden (1824)

Chính quyền đầu tiên của Hợp chúng quốc theo Điều lệ Liên bang non yếu một phần bởi nó không có quyền điều hành nền kinh tế của đất nước mới này, trong đó có luồng thương mại giữa các bang. Hiến pháp trao cho Quốc hội Hợp chúng quốc quyền "điều hành thương mại... giữa nhiều bang..." nhưng quyền này thường hay bị các bang thách thức khi họ cảnh báo rằng họ muốn giữ lại quyền kiểm soát đối với các vấn đề kinh tế.

Những năm đầu thế kỷ XIX, bang New York thông qua một đạo luật yêu cầu những người lái tàu thủy đi lại giữa New York và New Jersey phải có giấy phép của New York. Aaron Ogden đã có một giấy phép như vậy, còn Thomas Gibbons thì không. Khi Ogden biết được rằng Gibbons cạnh tranh với mình mà không có giấy phép của New York thì Ogden khởi kiện để chặn tay Gibbons.

Gibbons có giấy phép liên bang để đi lại trên vùng ven biển theo Điều luật Ven biển năm 1793, nhưng tòa án bang New York lại đồng ý với Ogden là Gibbons đã vi phạm luật pháp vì không có giấy phép của bang New York. Khi Gibbons đưa vấn đề này ra Tòa án Tối cao thì các thẩm phán phê phán luật của New York là không hợp hiến vì nó xâm phạm đến quyền của Quốc hội Hợp chúng quốc được điều hành thương mại. Tòa phán quyết: “ Từ ngữ "điều hành" bản chất nó hàm nghĩa có toàn quyền đối với vấn đề được điều hành. Nó nhất thiết loại trừ hành động của tất cả những ai khác thực hiện cũng hoạt động ấy đối với cũng vấn đề ấy".

Vụ Dred Scott kiện sandford (1857)

Dred Scott là một nô lệ mà ông chủ, John Emerson, đã đưa anh từ Missouri, một bang cho phép tồn tại chế độ nô lệ, đến bang Illinois, nơi chế độ nô lệ bị ngăn cấm. Nhiều năm sau, Scott trở lại Missouri cùng với Emerson. Scott tin rằng do anh ta đã sống tại một bang tự do, anh ta không còn bị coi là nô lệ nữa.

Emerson chết năm 1843, và 3 năm sau, Scott kiện bà quả phụ Emerson để đòi tự do cho mình. Scott đã thắng kiện tại một tòa án ở Missouri năm 1850, nhưng năm 1852, Tòa án Tối cao bang đảo ngược quyết định  của tòa cấp dưới. Trong thời gian đó, bà quả phụ Emerson tái giá và Scott trở thành tài sản hợp pháp của anh trai bà là John Sanford (trong biên bản của tòa, viết nhầm là Sandford). Scott khởi kiện Sanford đòi  tự do cho mình tại tòa liên bang và tòa này đã phán quyết trái với yêu cầu của Scott vào năm 1854.

Khi vụ này được đưa lên Tòa án Tối cao, các thẩm phán quyết định rằng Scott đã không trở thành một người tự do với lý do đã sống tại một bang tự do được, và do vậy, với tư cách là một người da đen, Scott không phải là một công dân, và do đó không đủ tư cách khởi kiện tại một tòa án. Quyết định này đã bị chỉ trích rộng rãi, và nó đã góp phần vào việc bầu Abraham Lincoln, một người chống lại chế độ nô lệ, làm tổng thống năm 1860 và đẩy nhanh việc nổ ra Nội chiến trong năm 1861. Vụ án Dred Scott kiện Sandford đã bị đảo ngược bởi Điều sửa đổi Hiến pháp thứ 13 vào năm 1865 bãi bỏ chế độ nô lệ, và bởi Điều sửa đổi Hiến pháp thứ 14 vào năm 1868 trao quyền công dân cho những người trước đây là nô lệ.

Vụ Ban quan hệ lao động quốc gia (NLRB) kiện công ty thép Jones & Laughlin (1937)

Trong khi vụ Gibbons kiện Ogden xác lập ưu thế của Quốc hội trong việc điều hành thương mại giữa các bang thì vụ NLRB kiện Công ty Jones & Laughlin mở rộng quyền của Quốc hội từ điều hành thương mại sang điều hành các hoạt động kinh doanh của các ngành công nghiệp tham gia thương mại giữa các bang.

Công ty Jones & Laughlin, một trong những nhà sản xuất thép lớn nhất đất nước, đã vi phạm Đạo luật quốc gia về quan hệ lao động năm 1935 khi công ty này sa thải 10 nhân viên vì đã tham gia các hoạt động công đoàn. Đạo luật này ngăn cấm nhiều cách ứng xử không công bằng đối với lao động và bênh vực quyền của công nhân được lập ra nghiệp đoàn và thương lượng một cách tập thể. Công ty này không chịu nghe theo một lệnh của NLRB đòi đưa công nân trở lại làm việc. Tòa Phúc thẩm khu vực từ chối việc cưỡng chế thi hành lệnh của NLRB, và Tòa án Tối cao phải xem xét vụ này.

Vấn đề đặt ra trong vụ này là liệu Quốc hội có quyền điều hành những hoạt động "địa phương" của những công ty tham gia việc buôn bán giữa các bang hay không - nghĩa là những hoạt động diễn ra trong phạm vi một bang. Công ty Jones & Laughlin cho rằng điều kiện trong xưởng máy của họ không ảnh hưởng đến thương mại giữa các bang và do đó không thuộc quyền điều hành của Quốc hội. Tòa án Tối cao không đồng ý với ý kiến đó, cho rằng "việc đình chỉ hoạt động sản xuất này bởi sự tranh chấp trong công nghiệp sẽ có ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng đối với thương mại giữa các bang... Kinh nghiệm đã nhiều lần chứng minh rằng việc thừa nhận các nhân viên có quyền tự tổ chức và có đại diện của mình chọn lựa mục tiêu thương lượng tập thể, nhiều khi là một điều kiện thiết yếu để có sự yên bình trong công nghiệp ". Với việc ủng hộ tính hợp hiến của Đạo luật quốc gia về Quan hệ lao động, Tòa án Tối cao đã đưa thắng lợi lại cho một tổ chức nghiệp đoàn và mở đường cho việc chính quyền liên bang đề ra những quy tắc có ảnh hưởng rộng lớn hơn trong công nghiệp.

Vụ Brown kiện Ban giáo dục (1954)

Trước khi diễn ra vụ án lịch sử này, nhiều bang và quận Columbia đã thi hành chế độ nhà trường có sự phân biệt chủng tộc theo lệnh của quyết định năm 1896 của Tòa án Tối cao trong vụ Plessy kiện Ferguson, cho phép có sự phân biệt nếu các phương tiện thực thi ngang bằng như nhau. Năm 1951, Oliver Brown ở Topeka, bang Kansas, đã không thừa nhận thuyết "tách rời nhưng ngang bằng" này khi ông khởi kiện ban giám hiệu trường học của thành phố nhân danh đứa con gái lên 8 của mình. Brown muốn con gái mình được theo học tại trường học người da trắng cách nhà ông 5 khối nhà, chứ không phải theo học ở trường người da đen cách xa 21 khối nhà. Nhận thấy hai trường về cơ bản đồng đều nhau, một tòa án liên bang đã quyết định trái với yêu cầu của Brown.

Trong khi đó, cha mẹ của những trẻ em da đen khác tại các bang South Carolina, Virginia và Delaware cũng khởi kiện tương tự. Tòa án Delaware thấy các trường người da đen chất lượng thấp hơn các trường người da trắng nên đã lệnh cho trẻ em da đen được chuyển đến các trường người da trắng, nhưng các quan chức nhà trường đã nhờ đến quyết định Tòa án Tối cao.

Tòa đã đồng thời nghe lý lẽ của tất cả các bên. Lý lẽ của nguyên đơn da đen gồm có những số liệu và bằng chứng của các nhà tâm lý học và các nhà khoa học xã hội giải thích tại sao họ nghĩ rằng sự phân biệt đối xử ở đây có hại cho trẻ em da đen. Năm 1954, Tòa án tối cao đã nhất trí cho rằng: "... trong lĩnh vực giáo dục, thuyết "tách rời nhưng ngang bằng" không có chỗ đứng", và quyết định rằng sự phân biệt đối xử trong các  trường công đã tước của trẻ em da đen "sự bảo vệ ngang bằng của luật pháp được bảo đảm trong Điều sửa đổi Hiến pháp thứ 14".

Các vụ Gideon kiện Wainwright (1963) và Miranda kiện Bang Arizona (1966)

Hai quyết định của Tòa án Tối cao trong thập niên 1960 đã ủng hộ quyền của những người bị tố cáo là phạm tội.

Clarence Earl Gideon bị bắt giữ vì đã đột nhập vào một phòng bỏ phiếu tại Florida năm 1961. Khi ông yêu cầu tòa cử một luật sư bào chữa cho mình thì thẩm phán khước từ yêu cầu của ông, nói rằng luật pháp bang  chỉ yêu cầu cử luật sư trong những vụ trọng án - những vụ án liên quan đến cái chết của một người hoặc đòi hỏi một án tử hình. Gideon tự bào chữa cho mình và bị kết án là có tội. Ơ± trong tù, ông dành nhiều thời gian đến thư viện, nghiên cứu các sách luật và viết một kiến nghị gửi Tòa án Tối cao yêu cầu Tòa xem xét trường hợp của mình. Tòa cho rằng Gideon đã bị tước quyền có một cuộc xét xử công bằng và quyết định rằng các bang đều phải cung cấp luật sư cho những người bị tố cáo phạm tội mà không có khả năng tự mình thuê luật sư. Khi Gideon được xử lại với sự bào chữa của một luật sư thì ông được trắng án.

Đúng 3 năm sau Tòa án Tối cao quyết định rằng kẻ bị tố cáo phải có quyền có một luật sư từ sớm trước ngày ra tòa. Ernesto Miranda bị kết tội ăn cắp và hiếp dâm tại một tòa án bang ở Arizona. Lời kết tội anh ta căn cứ vào một lời thú tội mà Miranda khai với cảnh sát sau 2 giờ bị thẩm vấn mà không được báo cho biết rằng anh ta có quyền yêu cầu sự có mặt của một luật sư. Trong quyết định của mình, Tòa án Tối cao yêu cầu các sĩ quan cảnh sát khi bắt giữ người phải báo cho người bị bắt giữ biết những điều mà nay được gọi là những lời cảnh báo Miranda, đó là kẻ bị tình nghi có quyền im lặng, rằng những điều anh ta nói ra có thể được dùng để chống lại anh ta, rằng anh ta có thể yêu cầu sự có mặt của một luật sư trong khi bị thẩm vấn, và một luật sư sẽ được cung cấp nếu anh ta không tự thuê được.

Vụ Miranda kiện bang Arizona là một trong những quyết định nổi tiếng nhất của Tòa án Tối cao, do những lời cảnh báo Miranda đã được thường xuyên đưa lên nổi bật trong phim ảnh và chương trình truyền hình ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, năm 1999 một tòa phúc thẩm liên bang đã không thừa nhận quyết định này trong vụ Dickerson kiện Hợp chúng quốc, trong đó một tên phạm tội cướp nhà băng nói rằng hắn đã không biết đầy đủ các quyền của hắn. Tháng 6-2000, Tòa án Tối cao đã đảo ngược bản án Dickerson bằng một quyết định 7 phiếu trên 2 khẳng định lại mạnh mẽ giá trị của vụ Miranda.

Vụ Thời báo New York  kiện Sullivan (1964)

Điều sửa đổi thứ nhất trong Hiến pháp Hợp chúng quốc bảo đảm quyền tự do báo chí, nhưng trong nhiều năm Tòa án Tối cao không chịu sử dụng Điều sửa đổi thứ nhất này để bênh vực các phương tiện thông tin báo chí chống lại những vụ kiện về tội phỉ báng - những vụ kiện căn cứ trên việc đăng những thông tin sai làm hại đến uy tín của cá nhân. Quyết định của Tòa án Tối cao trong vụ Thời báo New York  kiện Sullivan đã làm đảo lộn luật về tội phỉ báng tại Hợp chúng quốc bằng cách quyết định rằng các quan chức nhà nước không thể khiếu kiện thành công về tội phỉ báng đơn giản bằng cách chứng minh rằng thông tin được đăng đó là sai. Tòa quyết định rằng ngươứi khiếu kiện còn phải chứng minh rằng các phóng viên hoặc biên tập viên đã hành động "cố tình ác ý" và đã đăng những thông tin "một cách bừa bãi, không đếm xỉa là nó sai hay không".

Vụ này phát sinh do có một trang quảng cáo trên tờ Thời báo New York do  Hội nghị Ban lãnh đạo Thiên Chúa giáo miền Nam (Southern Christian Leadership Conference) gửi đăng để quyên tiền ủng hộ việc bào chữa cho lãnh tụ nhân quyền Martin Luther King, Jr., sau khi ông này bị bắt giữ tại Alabama năm 1960. L.B. Sullivan, cảnh sát trưởng thành phố Montgomery, bang Alabama, phụ trách sở cảnh sát, cho rằng lời quảng cáo này đã phỉ báng ông ta bằng cách miêu tả sai những hành động của lực lượng cảnh sát thành phố. Sullivan khởi kiện 4 giáo sĩ đã cho đăng lời quảng cáo này và tờ Thời báo New York vì đã không kiểm tra tính chính xác của lời quảng cáo.

Trang quảng cáo quả có chứa đựng một số điều không chính xác, và một đoàn bồi thẩm đã cho Sullivan được hưởng 500.000 đôla bồi thường. Tờ Thời báo New York và các lãnh tụ nhân quyền kháng cáo lên Tòa án Tối cao và Tòa này đã nhất trí phán quyết ủng hộ họ. Tòa án Tối cao quyết định rằng luật về tội phỉ báng không thể áp dụng "để áp đặt sự trừng phạt đối với việc thể hiện lời chỉ trích hành vi chính thức của các quan chức nhà nước", và việc đòi phải bảo đảm tính chính xác của những điều phát biểu của họ sẽ dẫn đến việc tự kiểm duyệt. Tòa án Tối cao không thấy có bằng chứng nào cho thấy tờ Thời báo New York hoặc các giáo sĩ kia đã “ cố tình ác ý”  khi cho đăng lời quảng cáo này.

lên đầu trang ^


- Đọc thêm-

  • Chương 1: Hiến pháp: Một văn kiện trường tồn
  • Chương 2: Giải thích Hiến pháp: Các bài viết chủ trương chế độ liên bang
  • Chương 3: Ngành hành pháp: Quyền lực của Tổng thống
  • Chương 4: Ngành lập pháp: Quyền lực của Quốc hội
  • Chương 5: Ngành tư pháp: Giải thích Hiến pháp
  • Chương 6: Những quyết định cột mốc của Tòa án Tối cao
  • Chương 7: Một đất nước nhiều chính quyền
  • Chương 8: Chính quyền của nhân dân: Vai trò của công dân
  • Tài liệu đọc thêm về chính quyền Hợp chúng quốc Hoa Kỳ
  • ********************************

    KHÁI QUÁT VỀ CHÍNH QUYỀN HỢP CHỦNG QUỐC HOA KỲ
    Ấn phẩm của Chương trình Thông tin Quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, năm 2000

    Bản dịch của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại ViệtNam

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét

    Bài đăng phổ biến