Khi gia nhập WTO, vấn đề tranh chấp thương mại liên quan đến việc thực thi nghĩa vụ pháp lý được quy định bởi các hiệp định của WTO là điều rất có thể xảy ra đối với bất kỳ một quốc gia thành viên nào. Việt Nam đang trong quá trình chuẩn bị gia nhập WTO và trong bối cảnh đó, việc tìm hiểu cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO là điều rất cần thiết.
Hệ thống giải quyết tranh chấp đóng vai trò quan trọng trong việc làm rõ và thực thi các nghĩa vụ pháp lý của các quốc gia thành viên được quy định trong các hiệp định của WTO. Đây là một phần quan trọng trong thực tế vận hành của tổ chức này. Hệ thống giải quyết tranh chấp cũng có tính bắt buộc đối với tất cả các quốc gia thành viên của WTO và việc chấp nhận quyền tài phán của hệ thống giải quyết tranh chấp đã được hàm chứa khi thành viên đó gia nhập WTO.
1. Khái quát các bước của quá trình giải quyết tranh chấp theo quy định của WTO:
Khi có tranh chấp nảy sinh, nước khiếu nại cần nêu vấn đề với nước bị khiếu nại và đề nghị tham vấn để tìm ra cách giải quyết. Đề nghị tham vấn phải được thông báo cho Cơ quan giải quyết tranh chấp (DSB). Trong vòng 10 ngày, cơ quan bị khiếu kiện phải trả lời đề nghị tham vấn và hai bên bắt đầu quá trình tham vấn trong khoảng thời gian không quá 30 ngày kể từ ngày bên khiếu kiện nhận được đề nghị tham vấn. Nếu bên bị kiện không đáp ứng được thời hạn trên hoặc kết thúc tham vấn, mà hai bên không thoả thuận được, thì bên khiếu kiện có thể đề nghị DSB cho thành lập Ban Hội thẩm.
Ban Hội thẩm tiến hành các hoạt động xem xét, đánh giá, thẩm định một cách khách quan các tài liệu đệ trình, cũng như những trình bày của các bên tại các cuộc họp, đồng thời dự thảo Báo cáo mô tả để các bên đóng góp ý kiến. Báo cáo được tiếp tục hoàn chỉnh và các bên lại có cơ hội được đóng góp ý kiến trước khi Ban Hội thẩm đưa ra báo cáo cuối cùng gửi tới các bên và gửi DSB. Quá trình này diễn ra thông thường là 6 tháng kể từ ngày thành lập Ban Hội thẩm. DSB sẽ xem xét và thông qua báo cáo của Ban Hội thẩm sớm nhất vào ngày thứ 20 và muộn nhất là sau 60 ngày kể từ ngày báo cáo được gửi, trừ khi có một bên tranh chấp thông báo chính thức cho DSB về quyết định kháng cáo của mình. Trong trường hợp có kháng cáo, báo cáo của Ban Hội thẩm sẽ được DSB xem xét thông qua chỉ sau khi hoàn thành việc phúc thẩm kháng cáo.
Sau khi có kháng cáo, DSB sẽ giao cho Cơ quan phúc thẩm xem xét lại báo cáo của Ban Hội thẩm. Việc xem xét này được tiến hành trong 60 ngày, trường hợp đặc biệt cũng không được quá 90 ngày, sau đó Ban Hội thẩm phải đưa ra báo cáo của mình. Báo cáo của Cơ quan phúc thẩm có thể giữ nguyên, sửa đổi hoặc quy định ngược lại các ý kiến và kết luật của Ban Hội thẩm. Báo cáo của Cơ quan phúc thẩm được DSB xem xét thông qua trong vòng 30 ngày sau khi báo cáo được chuyển tới các thành viên.
Tại cuộc họp của DSB được tổ chức trong vòng 30 ngày sau ngày thông qua báo cáo của Ban Hội thẩm hoặc cơ quan phúc thẩm, bên có nghĩa vụ phải thông báo cho DSB về các dự định của mình đối với việc thực hiện các khuyến nghị và phán quyết, việc thực thi có thể được quy định trong một khoảng thời gian hợp lý. Nếu việc thực hiện không đạt được sự tuân thủ hoàn toàn thì nước bị khiếu kiện có thể đề nghị bồi thường bằng một biện pháp khác.
Trường hợp các khuyến nghị và phán quyết không được thực hiện trong khoảng thời gian hợp lý, nước thắng kiện có quyền yêu cầu DSB cho phép tạm hoãn thi hành việc áp dụng đối với nước không thực hiện phán quyết những nhượng bộ hoặc nghĩa vụ khác tương ứng đối với nước vi phạm này (biện pháp trả đũa). Tuy nhiên, biện pháp trả đũa chỉ là tạm thời và chỉ được áp dụng cho tới khi bên thua kiện đã thực hiện những khuyến nghị hay phán quyết hoặc các bên đã thoả thuận được về một biện pháp giải quyết thoả đáng.
Trong quá trình giải quyết tranh chấp, bất cứ lúc nào, các bên cũng có thể sử dụng trung gian, hoà giải, môi giới để giải quyết tranh chấp.
2. Quy định về đối xử đặc biệt và khác biệt đối với các nước thành viên là nước đang phát triển trong hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO
Thoả thuận về các quy tắc và thủ tục điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp (DSU) đề cập đến địa vị đặc biệt của các thành viên WTO là các nước đang phát triển. Trong các quy định này, đối xử đặc biệt và khác biệt đối với các thành viên là nước đang phát triển không có nghĩa làm giảm nhẹ nghĩa vụ, làm tăng các quyền về nội dung hoặc cho phép thời gian ân hạn, mà là thuật ngữ mang tính thủ tục. Cụ thể là:
2.1. Trong tham vấn: Nếu tham vấn là biện pháp do một nước thành viên đang phát triển áp dụng thì các bên có thể đồng ý kéo dài thời hạn tham vấn thông thường. Nếu vào cuối giai đoạn tham vấn, các bên không thể đồng ý kết thúc tham vấn thì Chủ tịch DSB có thể kéo dài thời hạn tham vấn.
2.2. Giai đoạn xét xử của Ban Hội thẩm: Khi tranh chấp xảy ra giữa một nước thành viên đang phát triển với một nước thành viên phát triển, căn cứ vào yêu cầu của nước thành viên đang phát triển, Ban Hội thẩm phải có ít nhất một hội thẩm viên từ nước thành viên đang phát triển. Nếu bị đơn là nước thành viên đang phát triển, Ban Hội thẩm phải giành đủ thời gian cần thiết để thành viên này chuẩn bị và đệ trình lý lẽ bào chữa của mình.
2.3. Trong thực thi các quyết định của DSB: ở giai đoạn thực thi, DSB cho phép dành sự quan tâm đặc biệt đối với các vấn đề ảnh hưởng đến lợi ích của các nước thành viên đang phát triển.
2.4. Hỗ trợ về mặt pháp lý: Ban Thư ký WTO có 1 chuyên gia chuyên trách và 2 tư vấn gia độc lập làm việc bán chuyên trách để thực hiện việc tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho các nước thành viên đang phát triển trên nguyên tác tôn trọng tính trung lập, khách quan, đồng thời Ban Thư ký cũng tiến hành việc tổ chức các khoá đào tạo đặc biệt về hệ thống giải quyết tranh chấp cho các nước thành viên.
3. Những ưu điểm của hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO:
3.1. Bảo đảm các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia thành viên theo Hiệp định WTO:
Hệ thống giải quyết tranh chấp WTO là một hệ thống chặt chẽ và quan trọng đối với việc giải quyết mâu thuẫn trong thương mại quốc tế và làm dịu đi những bất bình đẳng giữa các quốc gia mạnh và yếu. Thay vì việc bên mạnh có đủ khả năng quyết định kết quả của các mối quan hệ, mâu thuẫn như trước kia, với hệ thống giải quyết tranh chấp WTO, các tranh chấp đã được giải quyết trên cơ sở các quy định pháp luật quốc tế. Nhờ cơ chế giải quyết tranh chấp này, các thành viên WTO có thể đảm bảo rằng, các quyền của mình theo Hiệp định WTO được thực hiện. Khi một thành viên có sự không tuân thủ theo Hiệp định WTO, hệ thống giải quyết tranh chấp sẽ đưa ra cách giải quyết bằng một quyết định độc lập buộc phải thi hành ngay và nếu thành viên thua kiện không chịu thi hành thì sẽ có thể bị trừng phạt thương mại.
3.2. Giải quyết tranh chấp nhanh chóng:
Hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO bao gồm các thủ tục tương đối cụ thể về cả các bước tiến hành cũng như thời gian tương ứng. Có thể nói, hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO hoạt động tương đối nhanh và hơn rất nhiều so với hệ thống giải quyết tranh chấp trong nước hoặc các hệ thống tài phán quốc tế khác.
3.3. Làm rõ các quyền và nghĩa vụ của mỗi quốc gia thành viên WTO:
Các quyền và nghĩa vụ của quốc gia thành viên được quy định trong Hiệp định WTO thường mang tính bao trùm và có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau, nguyên nhân chính là do các hiệp định quốc tế này thường là kết quả của các vòng đàm phán đa phương. Hệ thống giải quyết tranh chấp có mục tiêu làm rõ các quy định của Hiệp định WTO phù hợp với những quy tắc về tập quán trong giải thích công pháp quốc tế ở mỗi tranh chấp cụ thể nhằm làm rõ các quyền và nghĩa vụ áp dụng cho các bên tranh chấp.
3.4. Đảm bảo sự an toàn và dự báo trước cho hệ thống thương mại đa phương:
Mục tiêu của hệ thống giải quyết tranh chấp là bảo đảm có một hệ thống hoạt động trên cơ sở quy định pháp luật, tin cậy, hiệu quả và nhanh chóng để giải quyết các tranh chấp liên quan đến việc áp dụng các điều khoản của Hiệp định WTO, thông qua đó làm hệ thống thương mại trở nên an toàn hơn và có khả năng dự đoán trước.
4. Những khó khăn đối với thành viên là nước đang phát triển khi tham gia vào hệ thống giải quyết tranh chấp WTO:
Khó khăn lớn nhất khi áp dụng hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO trong thương mại quốc tế đối với thành viên là nước đang phát triển chính là vấn đề tài chính. Trước tiên, khi tham gia vào vụ kiện, các nước phải trả chi phí tư pháp mà đối với nước đang phát triển thì đó là một khoản chi phí không nhỏ. Bên cạnh đó là những tổn thất về lợi ích kinh tế và thương mại mà các nước này phải gánh chịu trong suốt quá trình tranh chấp đang được giải quyết. Thậm chí, trong trường hợp nước đang phát triển là nguyên đơn thắng kiện thì cũng không nhận được bất kỳ khoản bồi thường nào cho những thiệt hại mà họ phải gánh chịu trong suốt thời gian bị đơn thực hiện phán quyết.
Các nước đang phát triển thường thiếu nguồn nhân lực với các kiến thức chuyên môn cụ thể về giải quyết tranh chấp của WTO, trong điều kiện đó, khi tham gia vào các vụ kiện, nước thành viên là nước đang phát triển thường phải thuê đại diện cho mình trong quá trình giải quyết tranh chấp và phải chịu tốn kém không nhỏ.
Cuối cùng, khi nước thành viên là nước đang phát triển thắng kiện, bên thua kiện không chịu thi hành phán quyết, phần nhiều trường hợp bên thắng kiện là nước đang phát triển không có khả năng thực tiễn để viện dẫn đến quyền được tạm dừng thực hiện nghĩa vụ và như vậy có nghĩa là biện pháp trả đũa mà hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO đưa ra không thể mang lại hiệu quả để buộc bên thua kiện phải thi hành nghĩa vụ theo pháp quyết mà DSB đã đưa ra.
Lan Hương
TCCN kì I tháng 7/2006 (trang 50)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét