Thứ Tư, 12 tháng 9, 2007

Lĩnh vực áp dụng và lợi ích của việc thực thi luật cạnh tranh

Luật Cạnh tranh đã được Quốc hội khoá XI kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 03 tháng 12 năm 2004 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2005. Để thực thi Luật này, ngày 15 tháng 9 năm 2005 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2005/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cạnh tranh. Việc Luật Cạnh tranh được thông qua và có hiệu lực đã góp phần vào hoàn thiện khung khổ pháp lý trong lĩnh vực pháp luật về kinh tế, đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta.

1. Lĩnh vực áp dụng của Luật Cạnh tranh

Theo quy định tại Điều 1 của Luật, lĩnh vực áp dụng (phạm vi điều chỉnh) được áp dụng đối với các hành vi hạn chế cạnh tranh, hành vi cạnh tranh không lành mạnh, trình tự, thủ tục giải quyết vụ việc cạnh tranh, biện pháp xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh và theo Nghị định 116/2005/ NĐ-CP hướng dẫn, chi tiết thi hành một số điều của Luật Cạnh tranh về kiểm soát hành vi hạn chế cạnh tranh và tố tụng cạnh tranh.

1.1 Hành vi hạn chế cạnh tranh

Theo Luật Cạnh tranh, hành vi hạn chế cạnh tranh là hành vi của doanh nghiệp làm giảm, sai lệch, cản trở cạnh tranh trên thị trường, bao gồm hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền và tập trung kinh tế.

Hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh được quy định trong Luật Cạnh tranh gồm 8 loại thoả thuận sau:

1. Thoả thuận ấn định giá hàng hoá, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp;

2. Thoả thuận phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hoá, cung ứng dịch vụ;

3. Thoả thuận hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hoá, dịch vụ;

4. Thoả thuận hạn chế phát triển kỹ thuật, công nghệ, hạn chế đầu tư;

5. Thoả thuận áp đặt cho doanh nghiệp khác điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hoá, dịch vụ hoặc buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng;

6. Thoả thuận ngăn cản, kìm hãm, không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh;

7. Thoả thuận loại bỏ khỏi thị trường những doanh nghiệp không phải là các bên của thoả thuận;

8. Thông đồng để một hoặc các bên của thoả thuận thắng thầu trong việc cung cấp hàng hoá, cung ứng dịch vụ.

Đối với những hành vi từ 1 đến 5, nếu các bên tham gia thỏa thuận có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan từ 30% trở lên thì sẽ bị cấm. Luật cũng cấm các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh đối với các hành vi từ 6 đến 8.

Đối với việc lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, doanh nghiệp được coi là có vị trí này khi doanh nghiệp đó có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể.

Đối với nhóm doanh nghiệp, họ được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu cùng hành động nhằm gây hạn chế cạnh tranh và thuộc một trong các trường hợp sau:

- Hai doanh nghiệp có tổng thị phần từ 50% trở lên trên thị trường liên quan;

- Ba doanh nghiệp có tổng thị phần từ 65% trở lên trên thị trường liên quan;

- Bốn doanh nghiệp có tổng thị phần từ 75% trở lên trên thị trường liên quan.

Theo Luật Cạnh tranh, doanh nghiệp được coi là có vị trí độc quyền khi trên thị trường liên quan không có doanh nghiệp nào cạnh tranh về hàng hóa, dịch vụ đối với hàng hoá, dịch vụ mà doanh nghiệp đó đang kinh doanh. Để ngăn ngừa những doanh nghiệp lợi dụng vị trí độc quyền trong kinh doanh, Luật Cạnh tranh nêu rõ những hành vi bị cấm như bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành nhằm mục đích loại bỏ đối thủ, áp đặt những điều kiện, cách thức bất lợi buộc doanh nghiệp khác phải chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến hợp đồng, ngăn cản việc tham gia thị trường của doanh nghiệp mới... Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền nhà nước hay cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích thì được Nhà nước kiểm soát thông qua các quyết định giá mua, giá bán, số lượng, phạm vi thị trường... khi các doanh nghiệp tham gia các hoạt động này.

Đối với việc tập trung kinh tế, Luật Cạnh tranh xác định có bốn loại hành vi chính, đó là: sáp nhập, hợp nhất, mua lại và liên doanh giữa các doanh nghiệp. Theo đó, các hành vi này sẽ bị cấm khi thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% thị phần liên quan trừ khi một hoặc nhiều bên tham gia tập trung kinh tế đang trong tình trạng phá sản, giải thể hoặc khi tập trung kinh tế có tác dụng mở rộng xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ. Trường hợp các doanh nghiệp sau khi thực hiện tập trung kinh tế vẫn thuộc loại doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật thì không bị xác định là tập trung kinh tế.

1.2. Hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Luật xác định rõ các hành vi sau là hành vi cạnh tranh không lành mạnh: Chỉ dẫn gây nhầm lẫn, xâm phạm bí mật kinh doanh, ép buộc trong kinh doanh, gièm pha doanh nghiệp khác, gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác, quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh, khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh, phân biệt đối xử của hiệp hội và bán hàng đa cấp bất chính;

1.3. Thẩm quyền giải quyết

Theo quy định của Luật, việc giải quyết vụ việc liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh sẽ thuộc thẩm quyền của Hội đồng Cạnh tranh. Hội đồng này do Chính phủ thành lập gồm 11 đến 15 thành viên. Thành viên Hội đồng do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thương mại với nhiệm kỳ là 5 năm.

Đối với các vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh và các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh khác theo quy định của pháp luật sẽ do Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Thương mại) xử lý. Bên cạnh đó Cục Quản lý Cạnh tranh có trách nhiệm: Thụ lý, tổ chức điều tra các vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh để Hội đồng cạnh tranh xử lý theo quy định của pháp luật; Thẩm định hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ (đối với tập trung kinh tế); Kiểm soát quá trình tập trung kinh tế.

Trường hợp không nhất trí với quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, các bên liên quan có quyền khởi kiện vụ án hành chính đối với một phần hoặc toàn bộ nội dung của quyết định giải quyết khiếu nại ra Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền (Điều 115).

2. Lợi ích trong việc thực thi Luật Cạnh tranh

2.1.Đảm bảo sự bình đẳng của các doanh nghiệp

Quy định của Luật Cạnh tranh tạo cơ sở pháp lý để các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế khi tham gia vào thị trường được bình đẳng như nhau. Sự bình đẳng thể hiện ở chỗ nếu các doanh nghiệp, dù doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, tư nhân hay có vốn đầu tư nước ngoài, nếu vi phạm các quy định về hạn chế cạnh tranh hoặc cạnh tranh không lành mạnh đều sẽ bị xử lý. Luật xác định rõ những hành vi nhằm cảnh báo và có tính chất ngăn ngừa để các doanh nghiệp biết và không được thực hiện các hành vi đó. Chẳng hạn việc cấm khuyến mại, nhằm cạnh tranh không lành mạnh là một điển hình (Điều 46 Luật Cạnh tranh). Chúng ta đều biết rằng trong nền kinh tế thị trường, việc khuyến mại của các doanh nghiệp là việc làm bình thường và theo sách lược kinh doanh của từng đơn vị, nhưng nếu hành động khuyến mại có tính chất như gian dối về giải thưởng, phân biệt đối xử, gây nhầm lẫn... thì đều vi phạm Luật Cạnh tranh và bị cấm.

2.2. Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Có điều rõ ràng là khi thực hiện Luật Cạnh tranh, các doanh nghiệp đều có cơ hội như nhau, không sợ rằng mình khi tham gia vào thị trường đối với mặt hàng nào đó mà lại thấy rằng lĩnh vực đó đã có doanh nghiệp lớn hay giữ vị trí độc quyền chi phối làm cản trở việc gia nhập thị trường. Sự tham gia rộng rãi và đa dạng của các thành phần kinh tế làm bức tranh thị trường trở nên sống động, thúc đẩy sự gia tăng số lượng doanh nghiệp và sự phát triển của nền kinh tế. Các doanh nghiệp có điều kiện cạnh tranh phù hợp với quy định của pháp luật. Trong quá trình cạnh tranh đó, sẽ có những doanh nghiệp thất bại và có nhiều doanh nghiệp thành công. Xét một cách tổng thể, cạnh tranh góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.

2.3. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Bằng các quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh và cạnh tranh không lành mạnh, Luật Cạnh tranh nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Nếu như trước đây, việc bán hàng đa cấp bất chính (là một hành vi cạnh tranh không lành mạnh) chưa được quy định thì nay, hành vi này đã được xác định trong Luật (Điều 48). Còn việc bán hàng đa cấp theo phương thức tiếp thị để bán lẻ hàng hoá tuân theo các quy định của Luật Cạnh tranh là hợp pháp. Các điều kiện này được quy định tại khoản 11 Điều 3 của Luật và Chính phủ đã ban hành Nghị định số 110/2005/NĐ-CP ngày 24/8/2005 hướng dẫn về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Đây chỉ là một ví dụ, còn trong thực tế nhờ cạnh tranh và Luật Cạnh tranh, quyền lợi người tiêu dùng được chú ý, nâng cao và bảo vệ.

Ths. Lý Quốc Hùng

TCCN số tháng 8/2006 (trang 53)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến