LÊ PHƯỚC NGƯỠNG
Viện trưởng VKSND tỉnh Thừa Thiên - Huế
Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là một trong những trường hợp của trách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng thuộc về người có lỗi (cố ý hoặc vô ý) xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ… các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể thì phải bồi thường. Việc bồi thường thiệt hại phải tuân theo nguyên tắc nhất định của Luật dân sự. Về nguyên tắc, người gây ra thiệt hại phải bồi thường toàn bộ, kịp thời khi lỗi gây ra thiệt hại thuộc hoàn toàn về bên gây ra thiệt hại cho bên bị thiệt hại. Tuy nhiên, việc bồi thường thiệt hại trong quan hệ pháp luật dân sự giữa bên gây ra thiệt hại có trách nhiệm bồi thường và bên bị thiệt hại được nhận khoản bồi thường còn căn cứ vào nguyên tắc cơ bản xuyên suốt trong quá trình giải quyết việc bồi thường là các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, các hình thức bồi thường và không trái với đạo đức… không trái với các quy định của pháp luật.
Việc bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra phải được xác định rõ những phương tiện giao thông vận tải… được quy định thuộc nguồn nguy hiểm hay nguồn nguy hiểm cao độ để xác định trách nhiệm bồi thường cụ thể khi có thiệt hại xảy ra. Nguồn nguy hiểm cao độ được quy định tại khoản 1 Điều 627 Bộ luật Dân sự hiện hành bao gồm các phương tiện giao thông vận tải, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm khác do pháp luật quy định.
Người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thuộc chủ sở hữu hoặc người được giao trách nhiệm sử dụng, điều khiển, bảo quản nguồn nguy hiểm cao độ. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là loại trách nhiệm dân sự đặc biệt. Trách nhiệm dân sự trong trường hợp này không cần có yếu tố lỗi của chủ sở hữu, người chiếm hữu sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ. Những thiệt hại có liên quan đến nguồn nguy hiểm cao độ trong một số trường hợp là do bản thân nguồn nguy hiểm đó gây ra, có những trường hợp do người có trách nhiệm được giao sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc sử dụng, bảo quản, điều khiển, quản lý nguồn nguy hiểm đó. Khi người trực tiếp quản lý sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi đối với việc gây ra thiệt hại, thì chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu hợp pháp vẫn phải bồi thường nhưng họ có quyền yêu cầu người trực tiếp sử dụng đã gây ra thiệt hại phải có nghĩa vụ bồi hoàn cho mình.
Nguồn nguy hiểm cao độ có thể là loại tài sản có tính năng hoạt động đặc biệt có khả năng gây ra thiệt hại cho những thiệt hại cho tài sản và những lợi ích của chủ thể xung quanh cho nên việc vận hành, sản xuất, bảo quản đều phải tuân theo những quy định rất nghiêm ngặt về an toàn kỹ thuật, trình tự, quy trình vận hành và khai thác ích lợi của tài sản đó. Trong trường hợp chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu hợp pháp nguồn nguy hiểm đó có lỗi trong việc để người khác sử dụng vi phạm pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại do người sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.
Khoản 2 Điều 627 Bộ luật Dân sự thì: "Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải tuân thủ các quy định bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật. Phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thoả thuận khác".
Quy định này cũng được hướng dẫn cụ thể tại phần 2, Mục III của Nghị quyết số 01/HĐTP: Xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra:
a. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Chủ sở hữu chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ là đang thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình để nắm giữ, quản lý nguồn nguy hiểm cao độ nhưng không được trái pháp luật, đạo đức, xã hội, khai thác công dụng hưởng hoa lợi, lợi tức từ nguồn nguy hiểm cao độ.
b. Người được chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, trừ trường hợp giữa chủ sở hữu và người được giao chiếm hữu, sử dụng có thoả thuận khác không trái pháp luật, đạo đức xã hội hoặc không nhằm trốn tránh việc bồi thường thiệt hại.
c. Về nguyên tắc chung chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp thiệt hại xảy ra do lỗi cố ý của người bị thiệt hại…
d. Người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra…
đ. Nếu chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ đã giao nguồn nguy hiểm cao độ cho người khác mà gây ra thiệt hại thì phải xác định trong từng trường hợp cụ thể đó người được giao nguồn nguy hiểm cao độ có phải là người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ hay không để xác định ai có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Ví dụ: A là chủ sở hữu xe ô tô đã giao xe ô tô đó cho B. B lái xe ô tô tham gia giao thông đã gây ra tai nạn và gây thiệt hại thì cần phải phân biệt:
- Nếu B chỉ được A thuê lái xe ô tô và được trả tiền công, có nghĩa B không là người chiếm hữu, sử dụng xe ô tô đó mà A vẫn chiếm hữu, sử dụng; do đó, A phải bồi thường thiệt hại.
- Nếu B được A giao xe ô tô thông qua hợp đồng thuê tài sản, có nghĩa A không còn chiếm hữu, sử dụng xe ô tô đó mà B là người chiếm hữu, sử dụng hợp pháp; do đó B phải bồi thường thiệt hại.
Như vậy, tuỳ trong từng trường hợp cụ thể mà chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm giữ, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra cho chủ thể khác khi lỗi do lái xe vi phạm an toàn giao thông, để kịp thời khắc phục thiệt hại gây ra cho người bị hại.
Tuy nhiên, trong thực tế việc áp dụng các quy định trên đây khi giải quyết phần trách nhiệm dân sự trong các vụ án tai nạn giao thông vẫn còn những vướng mắc, có những trường hợp rất khó xác định ai là người phải bồi thường thiệt hại (chủ sở hữu hay người sử dụng, chiếm hữu nguồn nguy hiểm cao độ).
Chúng tôi xin nêu vụ án sau đây: Nguyễn Đình Thuận (sinh năm 1980) là lao động tự do, sau một ngày làm thuê đã về nhà mình lấy xe máy của bố trực tiếp điều khiển để đưa 2 người bạn của mình về nhà. Trên đường đi do không làm chủ tay lái, chở quá số lượng người ngồi phía sau nên đã gây tai nạn với người đi ngược chiều là Nguyễn Đình Tý. Hậu quả là anh Tý bị thương nặng phải vào bệnh viện cấp cứu và điều trị. Theo hồ sơ điều trị và kết quả xác minh, anh Tý phải chi phí hết trên 30 triệu đồng.
Vụ tai nạn giao thông đã được các cơ quan chức năng làm rõ Nguyễn Đình Thuận người điều khiển xe máy bị khởi tố và truy tố theo Điều 202 Bộ luật Hình sự. "Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ".
Về trách nhiệm dân sự áp dụng khoản 2, Điều 627 Bộ luật Dân sự và hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2004-NQ của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao để buộc Nguyễn Đình Thuận (người chiếm hữu chiếc xe máy) hay bố của Thuận (chủ sở hữu chiếc xe máy) phải bồi thường thiệt hại cho ông Nguyễn Đình Tý. Xung quanh vấn đề bồi thường thiệt hại trong trường hợp này có 2 quan điểm khác nhau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Nguyễn Đình Thuận là một công dân có đầy đủ năng lực hành vi, việc Thuận sử dụng xe máy (nguồn nguy hiểm cao độ) được sự đồng ý của chủ sở hữu nên được xem là "theo đúng quy định của pháp luật" (theo hướng dẫn tại điểm b phần 2 Mục III của Nghị quyết số 01 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao), do đó Thuận phải bồi thường thiệt hại cho người bị hại. Chủ sở hữu chiếc xe (người bố) không có trách nhiệm liên đới.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Việc người bố (chủ sở hữu) giao xe cho Thuận (con mình) sử dụng chỉ là tức thời, trong lúc này quyền quản lý, nắm giữ, khai thác công dụng, từ chiếc xe máy này vẫn thuộc về chủ sở hữu (là người bố). Do đó về trách nhiệm dân sự phải buộc chủ sở hữu bồi thường thiệt hại cho người bị hại. Điều này phù hợp với hướng dẫn tại điểm a, đ phần 2 Mục III của Nghị quyết số 01.
Chúng tôi đồng ý với ý kiến thứ hai về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người sử dụng phương tiện khi tham gia giao thông gây ra những tổn hại cho sức khoẻ người khác và người chủ sở hữu của phương tiện giao thông đó khi để cho người khác sử dụng phương tiện của mình phải có trách nhiệm xác định các điều kiện của người mà mình giao phương tiện đó hoặc có những cam kết cụ thể giữa họ. Nếu trường hợp người chủ sở hữu phương tiện khi giao cho người khác sử dụng không đưa ra những điều kiện cụ thể nào thì phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cùng với người sử dụng phương tiện để khắc phục ngay những thiệt hại, nhất là những thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ cho người bị hại và sau đó họ được quyền yêu cầu người sử dụng phương tiện của mình đã gây ra tổn thất cho người khác có nghĩa vụ hoàn trả lại chủ sở hữu số tiền mà chủ sở hữu phương tiện đã thực hiện trách nhiệm bồi thường. Để bảo đảm cho việc bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra được thống nhất và nhằm giải quyết việc bồi thường thiệt hại do người điều khiển phương tiện giao thông khi tham gia giao thông đã gây ra thiệt hại cho người khác, chúng tôi đề nghị cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể về vấn đề này nên quy định theo hướng là nhằm khắc phục kịp thời thiệt hại cho người bị hại và nêu cao trách nhiệm của chủ sở hữu phương tiện tham gia giao thông đã cho người khác sử dụng phương tiện của mình gây ra thiệt hại cho người khác và cho xã hội./.
TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ, THU HỒI VŨ KHÍ VÀ CÁC PHƯƠNG TIỆN,
CÔNG CỤ MÀ BỌN TỘI PHẠM CÓ THỂ SỬ DỤNG ĐỂ GÂY ÁN
BÙI VĂN THỊNH
Học viện Cảnh sát nhân dân
Hoạt động của tội phạm hình sự nổi lên trong giai đoạn hiện nay là các loại tội phạm có sử dụng bạo lực, các loại tội phạm nguy hiểm như giết người, cướp, hiếp dâm, chống người thi hành công vụ... Khi tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và các phương tiện khác trong khi gây án thì hậu quả do chúng gây ra là rất nặng nề.
Vì vậy, trong phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm thì việc tìm hiểu, phát hiện, loại bỏ và làm mất tác dụng của vũ khí, công cụ, phương tiện, của thủ phạm là rất quan trọng, có tính quyết định đến việc loại trừ hậu quả tác hại của chúng. Từ những vấn đề trên cho thấy, đẩy mạnh hoạt động quản lý, thu hồi các loại vũ khí, phương tiện công cụ gây án của bọn tội phạm hiện nay là một vấn đề có ý nghĩa quan trọng, có nơi, có lúc trở thành vấn đề bức xúc, cấp bách của các cơ quan bảo vệ pháp luật và toàn xã hội. Trong những năm gần đây, để tăng cường công tác quản lý vũ khí, công cụ, phương tiện, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 504/TTg năm 1994 về tăng cường công tác quản lý vũ khí trong tình hình mới và Nghị định số 47/CP về việc quản lý vũ khí vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; các Bộ, Ngành chức năng như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tư pháp đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các cấp, các ngành, các địa phương tổ chức thực hiện việc quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Để thực hiện tốt các quy định nói trên, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thu hồi vũ khí và các phương tiện, công cụ gây án của tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khoẻ con người, chúng ta cần chú ý những nội dung sau:
- Thường xuyên phát động các phong trào và các chiến dịch toàn dân thu hồi và giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ phương tiện mà bọn tội phạm có thể sử dụng gây án. Từ đó đề ra mục tiêu yêu cầu cuộc vận động, lập kế hoạch và xác định nội dung các mặt hoạt động, phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng lực lượng để công tác này có sự phối hợp chặt chẽ các lực lượng và sẽ thu được nhiều kết quả. Trong quá trình vận động nhân dân tự giác thu hồi giao nộp, Ban chỉ đạo thường xuyên động viên mạnh mẽ lực lượng Cựu chiến binh, Công an về hưu, các tổ an ninh nhân dân, các đội viên dân phòng... là lực lượng nòng cốt, gương mẫu để nhân dân cùng noi theo và tích cực tham gia.
- Làm công tác tuyên truyền vận động nhân dân phát hiện, thu hồi và giao nộp vũ khí các loại; Tập trung công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức do cơ quan Công an, Quân sự, Cựu chiến binh chủ trì với các nội dung: giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm công dân tham gia phát hiện thu hồi, giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và các công cụ hỗ trợ... và thực hiện các quy định của Nhà nước về quản lý vũ khí, vật liệu nổ; phổ biến các văn bản pháp quy của Chính phủ, các thông tư liên ngành, chỉ thị, kế hoạch của chính quyền địa phương; tổ chức ký cam kết ở từng cấp, các ngành ở quận, huyện với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận, huyện; các Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường, xã với cấp huyện; các trưởng khu hành chính, cụm trưởng dân cư với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường, xã và đến từng hộ nhân dân ký cam kết không tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ. Khảo sát nắm tình hình, khuyến khích động viên quần chúng thu hồi, phát hiện, giao nộp với những hình thức mềm dẻo, kết hợp với hình thức biểu dương khen thưởng. Chỉ xử lý những người cố tình giấu diếm không tự giác giao nộp.
- Khơi dậy ý thức trách nhiệm công dân kết hợp với vận động quần chúng giao nộp và kiểm tra, xử lý, thu hồi.
- Thường xuyên kiểm tra đôn đốc đến từng cơ sở phường, xã, cụm dân cư, kết hợp chặt chẽ việc thu hồi, giao nộp với việc bảo quản, phân loại xử lý các loại vũ khí đảm bảo kịp thời và an toàn. Trên cơ sở đó, các cơ sở quản lý, vận chuyển, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tiến hành tổng kiểm kê, rà soát lại việc trang bị cấp phát, quản lý sử dụng, từ đó có biện pháp khắc phục những sai sót và chấp hành tốt các nguyên tắc về quản lý sử dụng vũ khí đảm bảo an toàn không mất mát, thất lạc, không để cho vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ lọt khỏi sự quản lý và rơi vào tay bọn tội phạm.
- Trong phong trào giao nộp thu hồi vũ khí, kết hợp với các nhà trường, cụm dân cư phát động nhân dân nhất là các thanh thiếu niên, học sinh đang tàng trữ sử dụng các loại vũ khí thô sơ như dao, kiếm, mã tấu, côn, gậy,... đem giao nộp cho nhà trường và chính quyền địa phương. Từ đó làm cho môi trường học tập, sinh hoạt của cộng đồng nói chung và trong các nhà trường trở nên lành mạnh hơn, an toàn hơn.
- Kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm minh các đối tượng mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí và bịt kín các nguồn đưa vũ khí, công cụ phương tiện bất hợp pháp vào xã hội ta, ngăn chặn không để cho bọn tội phạm sử dụng để gây án.
- Các cơ quan chức năng như Công an, Quân đội cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, chú ý các tuyến, các địa bàn, các đối tượng đã được xác định có khả năng đang vận chuyển, buôn bán, tàng trữ và sử dụng vũ khí trái phép. Thông qua biện pháp tuần tra kiểm soát chúng ta còn hỗ trợ cho hoạt động trinh sát, chuyển hoá chứng cứ và tổ chức bắt đối tượng mà vẫn đảm bảo bí mật nghiệp vụ.
- Tăng cường quản lý vũ khí, vật liệu nổ, bịt kín các nguồn cung cấp vũ khí cho bọn tội phạm theo một chế độ đặc biệt nghiêm ngặt.
- Bên cạnh việc quản lý các kho vũ khí và các loại vũ khí đang được trang bị cho các lực lượng chiến đấu, không để thất thoát, cần chú ý ngăn chặn bịt kín các nguồn khác cung cấp vũ khí cho bọn tội phạm như tình trạng buôn bán vũ khí trái phép, đưa lậu từ nước ngoài vào nước ta và tình trạng sản xuất súng săn, súng tự tạo (súng kíp), mìn, lựu đạn và các loại vũ khí thô sơ khác. Cần tiến hành lập các chuyên án, tổ chức lực lượng tuần tra kiểm soát bắt giữ và ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả các trường hợp buôn bán trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ.
- Hiện nay, tình trạng sản xuất các loại vũ khí thô sơ đang là một lĩnh vực không được quản lý chặt chẽ và có nhiều sơ hở nhất, tình trạng sản xuất và bày bán tràn lan các loại vũ khí thô sơ ở khắp các địa bàn trong cả nước. Các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và những vùng sâu, vùng xa, nhân dân vẫn còn tự sản xuất một số vũ khí như: Súng săn, cung, nỏ, mã tấu,... để phục vụ cho các hoạt động săn bắn, bảo vệ cuộc sống hàng ngày của họ. Một số trường hợp kẻ phạm tội đã sử dụng ngay chính những vũ khí này để tấn công người bị hại. Vì vậy, việc sản xuất, mua bán, sử dụng súng săn, vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ phải được quản lý chặt chẽ theo yêu cầu của pháp luật đã được quy định tại Chương III và Điều 40 Quy chế ban hành kèm theo Nghị định 47/CP của Chính phủ./.
NGUỒN: TẠP CHÍ KIỂM SÁT NHÂN DÂN. SỐ 1/2005
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét