Tính cạnh tranh của nền pháp luật phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trước hết, phụ thuộc vào những người làm ra luật, tức là Quốc hội và một phần nào đó là Chính phủ.
Luật làm ra mà không dùng được, hoặc các nhà làm luật vì lý do nào đó tỏ ra chậm chạp thì dễ hiểu là cả hệ thống pháp luật mất tính cạnh tranh so với các hệ thống pháp luật khác. Mới đây, các nhà đầu tư đã cảnh báo dự thảo Luật đầu tư chung sẽ làm mất đi tính hấp dẫn của môi trường đầu tư VN, và các nhà đầu tư sẽ bỏ ra đi.
Ở đây, tính cạnh tranh của nền kinh tế có thể bị ảnh hưởng xấu do tính cạnh tranh thấp của dự thảo Luật đầu tư chung. Ngược lại, Luật doanh nghiệp 1999 trước đây và Luật doanh nghiệp chung hiện nay là minh chứng cho tính cạnh tranh khá cao cần phải có của hệ thống pháp luật. Các bước sửa đổi của Luật doanh nghiệp cho thấy không phải cứ thay đổi là có tính cạnh tranh, là năng động.
Điều quan trọng là thay đổi theo cách thức nào. Mỗi bước sửa đổi của Luật doanh nghiệp đều lấy luật tiền nhiệm làm nền, trên cái nền đó mà nâng cao lên. Trước lúc sửa đổi, quá trình nghiên cứu, tham vấn rộng khắp và có thực chất đã được tiến hành.
Có thể nói Luật doanh nghiệp cạnh tranh được với các đạo luật cùng một lĩnh vực của các nước khác trong việc khuyến khích tinh thần kinh doanh. Tuy nhiên, tính cạnh tranh của Luật doanh nghiệp đã và đang bị đe dọa bởi những qui định trói buộc doanh nghiệp ở những văn bản pháp luật khác, nhất là các văn bản dưới luật.
Tiếp đó, tính cạnh tranh của nền pháp luật phụ thuộc vào những người áp dụng nó, tức là tòa án và các thiết chế liên quan như công tố viên, luật sư, thi hành án... Muốn vậy, rất cần đến những thẩm phán năng động không chỉ biết chờ văn bản hướng dẫn mới xét xử được.
Mặt khác, thẩm phán cũng phải được trao quyền giải thích luật như ở các nước. Quyền này sẽ tạo điều kiện cho thẩm phán chọn lựa qui định pháp luật nào được áp dụng trong trường hợp các qui định “đá nhau”. Nếu không tìm thấy qui định thích hợp, thẩm phán được trao quyền tìm ra hướng giải quyết trước những tình huống pháp lý mới nảy sinh mà chưa được nâng lên thành luật, bù đắp phần thiếu hụt trong các văn bản pháp luật.
Nếu sự chờ chực quá nhiều các văn bản dưới luật là một trong những nguyên nhân làm cho pháp luật chậm đi vào cuộc sống thì một hệ thống tòa án năng động như trên có thể giải thoát cho pháp luật khỏi sự chờ chực.
Cuối cùng, tính cạnh tranh của pháp luật phụ thuộc vào hoạt động đào tạo và nghiên cứu của các trường đại học, các viện nghiên cứu. Nếu các giáo trình pháp luật vẫn nhai đi nhai lại những chủ thuyết đã lỗi thời thì rõ ràng các sinh viên luật sẽ tụt hậu, không được tiếp xúc với các xu hướng mới. Mà nếu chính các chủ thể tương lai của nền pháp luật bị tụt hậu thì lấy đâu ra tính cạnh tranh của cả nền pháp luật.
Một thực tế là nước ngoài nghiên cứu về pháp luật VN cơ bản hơn giới nghiên cứu trong nước. Nghiên cứu chưa trở thành nền tảng tư vấn cho chính sách trong hoạt động lập pháp. Thực tế này làm cho việc cải cách pháp luật, hay là sự phản ứng của pháp luật trước cuộc sống diễn ra lẻ tẻ, manh mún, theo cảm tính, không có một chủ thuyết rõ ràng. Nó khiến nền pháp luật thay đổi xoành xoạch, mất đi tính ổn định. Mà tính ổn định chính là một yếu tố tạo nên tính cạnh tranh của nền pháp luật.
Nguyên Lâm
Tuổi Trẻ chủ nhật
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét