I. NHỮNG VẤN ĐỀ LỚN
1/ Về phạm vi điều chỉnh của Luật
Đa số ý kiến chọn phương án 1, điều chỉnh cả nội dung hiến hiến xác Việc cho rằng Bộ luật dân sự đã có quy định về hiến xác nên không điều chỉnh trong luật này là không thỏa đáng vì: Bộ luật dân sự cũng có quy định về hiến bộ phận cơ thể người nhưng lĩnh vực này lại được điều chỉnh trong dự thảo luật; mặt khác, Bộ luật dân sự chỉ nêu các quyền hiến xác, bộ phận cơ thể một cách chung nhất, cần thiết phải đưa vào điều chỉnh trong dự thảo luật để quy định trình tự, thủ tục cụ thể đối với các quyền này.
-Một số ý kiến đề nghị bổ sung việc cho, nhận tế bào vào phạm vi điều chỉnh của Luật (Điều 13 của dự thảo luật có quy định về việc hiến, nhận tinh trùng, noãn, phôi trong thụ tinh nhân tạo, đồng nghĩa với việc tế bào thuộc phạm vi điều chỉnh của luật).
Các ý kiến này cho rằng noãn, tinh trùng, máu cuống rốn... đang và sẽ là những nội dung rất quan trọng và cần thiết quy định chặt chẽ việc hiến, nhận. Hơn nữa, với sự phát triển rất nhanh chóng của khoa học kỹ thuật, vấn đề điều trị bằng tế bào gốc sẽ ngày càng phổ biến hơn và cần phải có những quy định cụ thể, chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, dự thảo luật lại quy định còn sơ sài, chung chung về vấn đề này. Các ý kiến phân tích: Nếu như việc hiến mô và bộ phận cơ thể liên quan trực tiếp đến người cho và người nhận, thì việc hiến, nhận tế bào còn tạo ra một cá thể mới hay một chủ thể pháp luật mới. Đối với tinh trùng ngoài việc lấy ở người sống, vẫn có thể lấy ở người bị bệnh nan y sắp chết để điều trị cho người vợ (đây là nhu cầu lớn trong xã hội)… Khoản 6 điều 10 quy định nghiêm cấm “cấy tinh trùng, noãn, phôi giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ và những người khác giới có họ trong phạm vi ba đời”, nhưng thực tế về di truyền và sinh học thì việc cho nhận phôi giữa hai chị em không ảnh hưởng gì và thế giới cũng không đặt vấn đề nghiêm cấm. Do đó, cần xây dựng Mục riêng và bổ sung các quy định chi tiết, đầy đủ hơn về việc hiến, nhận tế bào.
-Có ý kiến đề nghị cần rà soát để bổ sung vào khoản 2 điều 1 một số bộ phận cơ thể có thể tái sinh không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này như tóc…
2/ Về tên của Luật
Đa số ý kiến chọn phương án 1, giữ lại tên Luật như dự thảo “Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người” vì tên luật chỉ cần thể hiện nội dung chính, không nhất thiết phải liệt kê tất cả nội dung trong phạm vi điều chỉnh của Luật.
3/ Về bố cục của Luật
Đa số ý kiến tán thành bố cục của dự thảo Luật.
4/ Về vấn đề chết não
4.1- Về việc quy định chết não chi tiết hay chỉ nêu nguyên tắc
Đa số chọn phương án 1, cho rằng vấn đề chết não không cần thiết đặt ra chi tiết chuyên môn, tiêu chuẩn cụ thể mà nên quy định theo hướng Luật nêu những nguyên tắc chung xác định chết não, về thẩm quyền, thủ tục xác định chết não, điều kiện cụ thể do Chính phủ quy định.
4.2- Về thẩm quyền xác định chết não (điều 27)
-Về quy định “bác sĩ trực tiếp tham gia ghép mô, bộ phận cơ thể người và bác sĩ đang trực tiếp điều trị cho người chết não không được tham gia Hội đồng xác định chết não” (Khoản 3 điều 27): đa số ý kiến tán thành như dự thảo
-Nhiều ý kiến cho rằng không cần thiết quy định sự tham gia của chuyên gia pháp y vào Hội đồng xác định chết não (điểm c khoản 2 điều 27). Trong điều kiện còn thiếu nhiều chuyên gia pháp y như hiện nay, nếu quy định như dự thảo sẽ có nhiều trường hợp phải chờ sự có mặt của chuyên gia pháp y, do đó sẽ kéo dài “thời gian vàng” cho phép lấy những bộ phận tạng được hiến ở điều kiện tốt nhất (các cơ quan nội tạng như thận, tim, gan, phổi, ruột…) chỉ có thể bảo quản trong một thời gian rất ngắn. Đối với nội tạng, trừ thận có thể kéo dài tối đa 72 giờ, còn các bộ phận khác đều phải ghép theo dạng cấp cứu, phải chuyển tới nơi thực hiện ghép tạng ngay sau khi được lấy ra khỏi cơ thể và phải được ghép trong vòng 24 giờ). Do đó, việc xác định chết não nên giao cho một hội đồng khoa học độc lập, gồm các chuyên gia thuộc chuyên khoa hồi sức, hồi sức tích cực, nội-ngoại thần kinh đánh giá dựa trên những dấu hiệu lâm sàng và cận lâm sàng - với những dấu hiệu lâm sàng và cận lâm sàng của khoa học kỹ thuật y học hiện đại là những chứng cứ quan trọng. Sau khi hội đồng đã có kết luận thống nhất thì thủ trưởng cơ quan y tế sẽ quyết định cuối cùng.
5/ Về ngân hàng mô (Điều 33)
Đa số ý kiến cho rằng để tránh xảy ra tình trạng mua bán nội tạng hoặc vì lợi nhuận tạo ra tai nạn để lấy các bộ phận trên cơ thể người thì không nên cho phép thành lập ngân hàng mô tư nhân. Các nước trên thế giới cũng không cho phép tư nhân lập ngân hàng mô. Do đó, chỉ nên cho phép cơ quan nhà nước được thành lập ngân hàng mô
6/ Về vấn đề lấy, ghép bộ phận cơ thể không có khả năng tái sinh
Một số ý kiến đề nghị quy định thành phần Hội đồng tư vấn lấy, ghép bộ phận cơ thể người do cơ sở y tế quy định và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Các ý kiến này cho rằng nếu quy định thành phần hội đồng tư vấn như điều 15 của dự thảo, gồm các chuyên gia về y tế, pháp luật, tâm lý, xã hội sẽ rất phức tạp, thủ tục kéo dài không đảm bảo được “thời gian vàng” trong cấy, ghép.
7/ Về độ tuổi của người hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống
Nhiều ý kiến đồng ý với dự thảo luật khi quy định chỉ người từ 18 tuổi trở lên mới được hiến mô, nếu quy định từ 16 tuổi trở lên trong đó có sự đồng ý của cha mẹ đôi lúc không khách quan vì quyền nhân thân đã được pháp luật công nhận và là quyền dân sự gắn liền với cá nhân con người không thể chuyển giao cho người khác, hơn nữa trong hệ thống pháp luật của chúng ta độ tuổi từ đủ 16 đến 18 là đối tượng đặc biệt được pháp luật bảo vệ.
Có ý kiến đề nghị giới hạn độ tuổi người hiến mô, bộ phận cơ thể từ 18 đến 60 tuổi, vì cho rằng mô, bộ phận cơ thể của người trên 60 tuổi đã lão hoá, nếu cho phép hiến sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ của cả người hiến lẫn người nhận. Tuy nhiên, ý kiến khác cho rằng không nên cứng nhắc, cần phân biệt tuổi già với việc già về mặt sinh học, thực tế các bệnh viện mắt vẫn lấy giác mạc của người trên 60 tuổi để ghép cho bệnh nhân; do vậy, nên giới hạn từ 18 -65 tuổi.
11-Các vấn đề khác:
-Vấn đề được nhiều ý kiến đặc biệt quan tâm là dự thảo cần có những quy định thích hợp và các điều kiện chặt chẽ để chống việc mua bán, thương mại hoá hoạt động hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người. Bởi vì việc mua bán có thể biến tướng dưới nhiều hình thức khác nhau, trong thực tế đã có trường hợp người hiến chỉ định đích danh người được hiến (không phải là thân nhân), cơ quan nhà nước khó có thể xác định việc hiến này vì mục đích nhân đạo hay có sự thỏa thuận mua bán ngầm giữa các bên. Mặt khác, dự luật cần phải đưa ra các tiêu chí rõ ràng để đáp ứng các yêu cầu về chuyên môn, nhu cầu của cộng đồng và đạo đức truyền thống xã hội, đặc biệt tiêu chí về đạo đức của các bác sĩ trong thực hiện lấy, ghép mô tạng cần được chú trọng và thể chế hoá trong dự luật. Các biện pháp chế tài xử lý vi phạm cũng cần được quy định cụ thể hơn.
-Một số ý kiến đề nghị dự thảo luật quy định cụ thể hơn về việc giải quyết các khiếu nại, tranh chấp (nếu có) xảy ra trong quá trình hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người.
II/ NHỮNG VẤN ĐỀ CỤ THỂ
1. Đối tượng áp dụng
Đa số ý kiến tán thành như dự thảo, bổ sung đối tượng là “Người nước ngoài không sinh sống tại Việt Nam tự nguyện hiến mô, bộ phận cơ thể người cho người Việt Nam”
Có 1 ý kiến đề nghị nên mở rộng cả người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam tự nguyện hiến mô, bộ phận cơ thể người và đối tượng nhận không chỉ giới hạn cho người Việt Nam mà cả tổ chức y tế Việt Nam (torng việc nghiên cứu khoa học).
2. Giải thích từ ngữ (Điều 3)
Có ý kiến đề nghị bổ sung giải thích khái niệm tế bào: “Tế bào là các đơn vị cấu trúc, chức năng cơ bản của mọi sinh vật đa tế bào”
Có ý kiến đề nghị bổ sung từ “tế bào” vào sau từ “mô” ở khoản 2 điều 3
Có ý kiến đề nghị viết lại khoản 5 điều 3 có sửa đổi, bổ sung như sau: “Phôi là một bộ phận hay một cơ thể đang phát triển từ sự kết hợp giữa noãn và tinh trùng” .
Có ý kiến đề nghị giữ lại giải thích khái niệm “ghép tự thân” như trong dự thảo cũ: “Ghép tự thân là việc lấy mô tương ứng từ cơ thể người sống để cấy ghép lên chính cơ thể người đó”.
4. Chính sách Nhà nước về hiến, lấy, ghép, mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác (điều 9)
Đa số ý kiến tán thành như dự thảo
5. Các hành vi bị nghiêm cấm
-Điều 10 của dự thảo quy định một số hành vi bị nghiêm cấm như: lấy trộm mô, bộ phận cơ thể người; ép buộc người khác phải cho mô, mua bán bộ phận cơ thể người dưới bất cứ hình thức nào; lấy ghép, sử dụng, lưu trữ mô, bộ phận con người vì mục đích vụ lợi; quảng cáo, môi giới việc cho, nhận bộ phận cơ thể người … Có ý kiến cho rằng dự thảo Luật chưa quy định các biện pháp chế tài đối với từng loại vi phạm trong khi Bộ Luật hình sự cũng chưa có quy định điều chỉnh đối với từng loại hành vi vi phạm được quy định trong dự thảo Luật. Đề nghị dự thảo Luật bổ sung các biện pháp chế tài để làm căn cứ xử lý khi các điều cấm bị vi phạm hoặc bổ sung vào Bộ Luật hình sự điều luật xử lý các loại tội phạm này.
6. Về thủ tục đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống (Điều 11); thủ tục đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sau khi chết và hiến xác (Điều 18)
Một số ý kiến cho rằng Dự thảo quy định tại khoản 4 điều 11 và khoản 4 điều 18 về trách nhiệm của cơ sở y tế là “trực tiếp đến gặp người hiến để tư vấn về các thông tin có liên quan…” là không khả thi, vì người dân sẽ hiểu theo nghĩa: các cơ sở y tế có phải có trách nhiệm cử cán bộ tới nhà gặp trực tiếp người hiến để tư vấn. Vì vậy, đề nghị sửa lại nội dung khoản 4 điều 11 và khoản 4 điều 18 theo hướng cơ sở y tế có trách nhiệm mời người hiến đến cơ sở y tế để trực tiếp cung cấp đầy đủ các thông tin có liên quan, thực hiện việc tư vấn về sức khỏe, tâm lý, xã hội cho người đã đăng ký…”
7. Về quyền lợi của người sống đã hiến mô, bộ phận cơ thể người (Điều 17)
-Có ý kiến cho rằng dự thảo Luật cần quy định thêm quyền lợi của người đã hiến tế bào. Trong thực tế, người hiến tế bào và người hiến cơ quan dù giống nhau về bản chất nhưng có những ảnh hưởng rất khác nhau lên tình trạng sức khỏe của bản thân. Dự thảo Luật đã quy định về quyền lợi của người sống hiến mô, bộ phận cơ thể là phù hợp tuy nhiên để khuyến khích sự tham gia của nhiều người cần có những biện pháp khuyến khích những người tham gia hiến tế bào.
-Cần làm rõ hơn quy định “khám sức khỏe định kỳ miễn phí…’ (điểm a khoản 2 điều 17). Nếu có bệnh lý có liên quan đến việc hiến mô, bộ phận cơ thể như suy thận còn lại vài năm sau khi đã hiến một thận thì có được miễn phí hay không và nếu phải chạy thận nhân tạo hay thay thận thì giải quyết như thế nào. Do đó đề nghị sửa khoản a điều 17 như sau: “Được chăm sóc, phục hồi sức khỏe miễn phí ngay sau khi thực hiện hiến bộ phận cơ thể tại cơ sở y tế, được khám sức khỏe định kỳ miễn phí và được điều trị miễn phí với những bệnh lý trực tiếp hay gián tiếp gây ra từ việc hiến bộ phận cơ thể”.
-Có ý kiến đề nghị viết lại điểm d khoản 2 điều 17 có bổ sung như sau: “Được Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc cấp được uỷ nhiệm tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp bảo vệ sức khoẻ nhân dân”.
8. Về quyền lợi của người hiến xác, hiến mô, bộ phận cơ thể sau khi chết (Điều 25)
Có 1 ý kiến cho rằng cần bổ sung quyền lợi về tinh thần cho gia đình người hiến xác, hiến mô, bộ phận cơ thể sau khi chết ngoài việc cấp thẻ và tôn vinh người hiến xác, mộ, bộ phận cơ thể người sau khi chết. Đề nghị sửa lại điều 25 của dự thảo như sau: “Bản thân và gia đình người đã hiến xác, bộ phận cơ thể người sau khi chết được Bộ Y tế truy tặng đối với bản thân và tặng đối với gia đình kỷ niệm chương vì sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân”.
11. Về điều kiện đối với việc lấy xác người không có địa chỉ cư trú cuối cùng (điểm c khoản 1 Điều 22)
Đa số ý kiến đồng ý với dự thảo luật. Tuy nhiên có ý kiến đề nghị cần quy định rõ hơn trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó chết hoặc xác định một khoảng thời gian nhất định (lưu giữ xác) để xác định nơi cư trú của người đó nhằm tránh hậu quả pháp lý xảy ra sau đó.
11. Về tổ chức tang lễ và mai táng di hài cho người hiến xác (Điều 24)
-Khoản 1 điểm b điều 24 quy định cơ sở y tế, cơ sở nghiên cứu, đào tạo y học trong việc lấy xác, bộ phận cơ thể người sau khi chết phối hợp với gia đình để tổ chức lễ truy điệu.
Một số ý kiến cho rằng trên thực tế nhiều gia đình ở rất xa, phương tiện đi lại di chuyển khó khăn. Khi cơ sở y tế đến tiếp nhận thì gia đình đã tổ chức truy điệu hoặc thực hiện theo các nghi lễ theo phong tục tập quán. Do đó, chỉ cần quy định cơ sở y tế, cơ sở nghiên cứu, đào tạo y học có trách nhiệm đến viếng, đọc thư tri ân trước khi tiếp nhận thì phù hợp hơn.
-Có ý kiến đề nghị thêm vào điểm d khoản 1 điều 24 như sau “Tổ chức mai táng di hài sau khi không còn nhu cầu sử dụng xác, nếu gia đình muốn giữ lại tro cốt, cơ sở y tế thông báo cho gia đình và phối hợp tổ chức hóa táng”.
12. Về điều kiện đối với người được ghép mô, bộ phận cơ thể người (Điều 28)
Có 1 ý kiến đề nghị quy định rõ người chỉ định ghép là người đứng đầu cơ sở y tế của bệnh viện cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vì cho rằng đây là một thủ thuật chuyên sâu cao do đó phải đáp ứng về thiết bị, chuyên môn đồng thời tránh việc tranh chấp về thẩm quyền.
Về chăm sóc sức khoẻ sau khi ghép mô, bộ phận cơ thể người (Điều 30)
Có ý kiến đề nghị bổ sung “điều trị” cho người được ghép mô, bộ phận cơ thể người vào nội dung điều luật này.
Về chế độ bảo hiểm y tế và viện phí đối với người được ghép (điều 31)
Có ý kiến đề nghị thiết kế lại điều 31 có bổ sung như sau:
“1.Người được ghép tế bào, mô, bộ phận cơ thể người có thẻ bảo hiểm y tế được cơ quan bảo hiểm y tế thanh toán viện phí về việc ghép và chăm sóc điều trị, theo dõi sức khoẻ sau ghép theo quy định của pháp luật
2.Người được ghép tế bào, mô, bộ phận cơ thể người không có thẻ bảo hiểm y tế phải chi trả viện phí và chăm sóc điều trị, theo dõi sức khoẻ sau ghép theo quy định của pháp luật”
Về ngân hàng mô (Điều 33)
-Có ý kiến đề nghị bỏ cụm từ “bộ phận cơ thể người” ở khoản 2 điều 33, vì các bộ phận này phải do Trung tâm điều phối quốc gia về ghép phân phối ngay cho các cơ sở y tế ngay sau khi lấy để được ghép tức khắc nhằm đảm bảo “thời gian vàng”. Hơn nữa, trên thế giới không có ngân hàng tạng hay bộ phận cơ thể người.
-Về tiêu chuẩn của người quản lý chuyên môn ngân hàng mô (khoản 4 điều 33): có ý kiến đề nghị bổ sung các đối tượng là người có bằng đại học chuyên ngành di truyền, miễn dịch học hoặc những chuyên gia đã có kinh nghiệm trong việc cấy, ghép tế bào, mô.
13. Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (điều 34)
-Đa số ý kiến thống nhất với điều 34 dự thảo luật quy định vị trí pháp lý, chức năng nhiệm vụ cơ bản của Trung tâm này để làm cơ sở định hướng cho Bộ trưởng Bộ Y tế thành lập và quy định cụ thể về tổ chức và hoạt động của Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.
-Có 1 ý kiến cho rằng hiện nay tại nước ta vẫn chưa có một ngân hàng mắt nào thực hiện hoạt động, các tiêu chí chung về dự thảo Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người là phù hợp với tình hình ở nước ta. Tuy nhiên, ghép giác mạc của ngành Nhãn khoa có một số đặc điểm riêng khác với ghép mô tạng như chỉ được lấy giác mạc khi người cho đã chết hoặc ở người còn sống bị chấn thương vỡ nhãn cầu có chỉ định cắt bỏ nhãn cầu; sau khi người cho chết trong vòng 8-12 tiếng vẫn có thể tiến hành lấy mô; khi lấy giác mạc ở người chết với phương pháp mới không cần lấy toàn bộ nhãn cầu mà chỉ lấy phần giác mạc do đó hầu như không biến dạng nào ở mắt, mặt; sau khi lấy giác mạc được bảo quản và có thể tiến hành phẫu thuật ghép sau khi chết 5-7 ngày. Do đó, đề nghị ngân hàng Mắt tại Việt Nam cần được hoạt động độc lập với Trung tâm điều phối quốc gia và để sau này có thể hoạt động “liên kết và chia sẻ” với các ngân hàng Mắt khác trong nước và trên thế giới.
ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TP.HCM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét