Thứ Tư, 12 tháng 9, 2007

BẢO HIỂM BẮT BUỘC TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ CỦA NGƯỜI KINH DOANH VẬN TẢI THỦY NỘI ĐỊA

Ngày 22/12/2005, Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 99/2005/QĐ-BTC ban hành Quy tắc, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của người kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa dễ cháy và dễ nổ trên đường thủy nội địa.

Theo Quyết định này, tất cả những người kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa dễ cháy và dễ nổ trên đường thủy nội địa (được gọi là bên mua bảo hiểm), đều có nghĩa vụ phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự, bao gồm: Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người kinh doanh vận tải hàng hóa dễ cháy và dễ nổ trên đường thủy nội địa đối với người thứ ba; Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người kinh doanh vận tải hành khách đối với hành khách.

Theo quy tắc bảo hiểm kèm theo quyết định này, đường thủy nội địa được hiểu là luồng, âu tàu, các công trình đưa phương tiện qua đập, thác trên sông, kênh, rạch hoặc luồng trên hồ, đầm, phá, vụng, vịnh, ven bờ biển, ra đảo, nối các đảo thuộc nội thủy của nước ta được tổ chức quản lý, khai thác giao thông vận tải. Phương tiện thủy nội địa được hiểu là tàu, thuyền và các cấu trúc nổi khác, có động cơ hoặc không có động cơ, tự hành hoặc có phương tiện lai kéo chuyên hoạt động trên đường thủy nội địa, có đăng ký kinh doanh và đăng kiểm theo quy định của pháp luật.

Người kinh doanh vận tải là người vận tải giao kết hợp đồng vận tải hàng hóa, hành khách với người thuê vận tải để thực hiện việc vận tải hàng hóa, hành khách mà có thu cước phí vận tải. Người vận tải “là tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện để vận tải người, hàng hóa trên đường thủy nội địa”. Còn người thứ ba trong bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người kinh doanh vận tải hàng hóa dễ cháy và dễ nổ trên đường thủy nội địa là những người bị thiệt hại về thân thể, tài sản do phương tiện thủy nội địa gây ra.

Như vậy, hàng hoá dễ cháy-nổ được chuyên chở trên phương tiện thủy nội địa và những người đi trên các phương tiện này (được gọi là hành khách) sẽ được chi trả bảo hiểm khi không may gặp sự cố, thiệt hại hay tai nạn.

Để được hưởng những quyền lợi khi có sự kiện bảo hiểm, bên mua bảo hiểm có nghĩa vụ kê khai đầy đủ, trung thực mọi chi tiết liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm, đóng phí bảo hiểm đầy đủ theo thời hạn và phương thức đã thỏa thuận; Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, người được bảo hiểm cần triển khai, áp dụng các biện pháp cứu chữa, hạn chế thiệt hại về người và tài sản theo quy định của pháp luật, bảo vệ hiện trường nơi xảy ra sự kiện bảo hiểm, đồng thời thông báo ngay cho doanh nghiệp bảo hiểm để phối hợp giải quyết chậm nhất không quá ba (03) ngày kể từ ngày xảy ra sự kiện bảo hiểm hoặc từ ngày phương tiện bảo hiểm về đến bến, cảng đầu tiên. Thời hạn yêu cầu bồi thường là một năm kể từ ngày xảy ra tai nạn, trừ trường hợp chậm trễ do nguyên nhân khách quan và bất khả kháng theo quy định của pháp luật.

Ngược lại, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để bên mua bảo hiểm tham gia bảo hiểm. Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải phối hợp chặt chẽ với người được bảo hiểm và các cơ quan chức năng để giải quyết sự việc, thu thập các thông tin cần thiết có liên quan nhằm xác định nguyên nhân và mức độ thiệt hại do sự kiện bảo hiểm gây ra. Đồng thời phải thanh toán bồi thường chậm nhất 30 (ba mươi) ngày kể từ khi nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ và không kéo dài quá 60 (sáu mươi) ngày trong trường hợp phải tiến hành xác minh hồ sơ. Doanh nghiệp bảo hiểm phải thông báo bằng văn bản cho bên mua bảo hiểm trong trường hợp từ chối bồi thường với thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Theo điều 9 của quy tắc, người được bảo hiểm sẽ được thanh toán các chi phí phải trả theo quy định của pháp luật đối với những thương tích, tử vong cho người thứ ba, nhưng với số tiền không vượt quá mức quy định trong Bảng quy định trả tiền bồi thường thiệt hại về người đã quy định; Người được bảo hiểm cũng được chi trả bồi thường đối với những thiệt hại thực tế theo mức độ lỗi của mình. Số tiền này được xác định trên cơ sở giá trị thị trường của tài sản bị tổn thất tại thời điểm, nơi xảy ra tổn thất và mức độ thiệt hại thực tế.

Người được bảo hiểm cũng được người bảo hiểm thanh toán các chi phí hợp lý, hợp lệ như: chi phí tẩy rửa ô nhiễm dầu, tiền phạt của chính quyền địa phương và các khiếu nại về hậu quả do ô nhiễm dầu gây ra; chi phí cần thiết và hợp lý trong việc ngăn ngừa và hạn chế tổn thất, trợ giúp cứu nạn; chi phí liên quan đến tố tụng, tranh chấp khiếu nại về trách nhiệm đối với bên thứ ba, …

Mai Thanh Bình

WWW.BAOVIET.COM.VN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến