Việc phát triển thị trường vốn đang là một trong những vấn đề ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam. Trong bài phát biểu tổng kết Hội nghị Chính phủ sơ kết 4 năm thi hành Luật Doanh nghiệp toàn quốc đầu tháng 11 năm 2003, Thủ tướng Phan Văn Khải đã nêu rõ điều cấp bách hiện nay là hình thành đồng bộ các loại thị trường, trong đó có thị trường vốn, để tạo dựng môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả. Tại hội nghị này, chính giới ngân hàng cũng đã khuyến cáo doanh nghiệp cần tìm nguồn vốn trung và dài hạn thông qua các kênh khác của thị trường vốn như trái phiếu hoặc cổ phiếu, vì với nguồn huy động từ tiền gửi tiết kiệm ngắn hạn, hoạt động chính của ngân hàng là cung cấp tín dụng ngắn hạn chứ không phải là dài hạn. Bản tin này đề cập đến các khó khăn trong việc phát triển thị trường cổ phiếu và huy động vốn cổ đông ở Việt Nam.
Số lượng và chất lượng hạn chế của cổ phiếu niêm yết trên Trung tâm Giao dịch Chứng khoán (TTGDCK)
Sau hơn 3 năm hoạt động, với 22 công ty được niêm yết vào thời điểm hiện tại, quy mô của TTGDCK Việt Nam còn quá nhỏ so với nhu cầu vốn của nền kinh tế.1 Tất cả các công ty niêm yết hiện đều là các công ty quy mô nhỏ với số vốn khoảng vài chục tỷ đồng, chưa đủ gây ra sức hút đối với các nhà đầu tư. Cho đến nay, chưa có DNNN lớn nào được Nhà nước cho phép bán cổ phần ra công chúng và niêm yết trên TTGDCK. Số lượng công ty tư nhân đạt tiêu chuẩn niêm yết cũng rất hạn chế. Hơn nữa, các công ty niêm yết trên thị trường hiện nay đều đã được cổ phần hóa trước khi niêm yết; chưa công ty nào được thành lập mới bằng cách huy động vốn qua TTCK (IPO). Nhiều nhà đầu tư cho rằng sự hạn chế từ phía cung này khiến thị trường không có sức hấp dẫn đối với họ.
Thiếu vắng sự tham gia tích cực của những nhà đầu tư tổ chức trên thị trường
Về phía cầu, những nhà đầu tư cổ phiếu trên TTGDCK Việt Nam hầu hết là cá nhân mang tính đầu cơ hơn là đầu tư, góp phần tạo tính bất ổn định của thị trường. Điều này làm cho chính các doanh nghiệp ngần ngại khi quyết định huy động vốn qua TTGDCK. Những nhà đầu tư tổ chức Việt Nam cũng như nước ngoài chưa tham gia nhiều vào mua cổ phiếu của các công ty niêm yết, một phần là do tính kém hấp dẫn của các cổ phiếu trên thị trường, nhưng cũng một phần do những khó khăn, phức tạp liên quan đến khuôn khổ pháp lý. Những khó khăn đó là khung pháp lý về bảo vệ quyền lợi cổ đông thiểu số chưa đầy đủ, thiếu các chuẩn mực về công khai minh bạch thông tin, các quy định chưa rõ ràng về chế độ thuế đối với nhà đầu tư, quỹ đầu tư nước ngoài, các hạn chế về hạn mức đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, v.v.
Hoạt động của thị trường phi chính thức lớn hơn nhiều lần so với thị trường chính thức và không được kiểm soát thích đáng
Việc bán cổ phiếu cho công chúng ở bên ngoài TTGDCK (thị trường phi tập trung OTC) diễn ra khá sôi động, nhưng hiện chưa có quy định pháp luật nào kiểm soát hoạt động này. Theo ước tính, số lượng doanh nghiệp huy động vốn cổ đông từ công chúng trên thị trường không chính thức này gấp khoảng 30 lần số doanh nghiệp niêm yết chính thức.2 Trong số khoảng 1.000 DNNN đã được cổ phần hóa, chỉ có chưa tới 3% đã niêm yết, như vậy có thể cho rằng một số lượng lớn cổ phiếu của các doanh nghiệp này đang được mua bán trên thị trường không chính thức.
Ở các nền kinh tế phát triển, thị trường OTC thường cũng có quy mô lớn hơn gấp nhiều lần thị trường tập trung, song thị trường này được kiểm soát bởi các luật lệ khá chặt chẽ nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Các luật lệ này vẫn chưa được thiết lập ở Việt Nam. Lo lắng chung từ phía quản lý nhà nước cũng như giới doanh nghiệp là thị trường phi chính thức không được kiểm soát này có nguy cơ sụp đổ cao và có thể gián tiếp làm tổn hại cho thị trường chính thức mới manh nha phát triển.
Chiến lược phát triển thị trường vốn của Chính phủ và khuôn khổ pháp lý liên quan còn có nhiều bất cập
Mặc dù Chính phủ đã thể hiện quyết tâm phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam (qua Quyết định số 163/2003/QD-TTg ra ngày 5/8/2003 định ra các mục tiêu chiến lược như đưa tổng giá trị thị trường chứng khoán đạt 2-3% GDP vào năm 2005 và 10-15% GDP vào năm 2010), nhưng các quy định pháp lý hiện hành cũng như những biện pháp triển khai dường như lại không thống nhất với chiến lược này. Ví dụ như theo văn bản Nhà nước gần đây nhất về cổ phần hóa (Chỉ thị số 01 Chính phủ tháng 1 năm 2003), Nhà nước vẫn sẽ nắm giữ ít nhất 51% cổ phần đối với các DNNN cổ phần hóa có vốn trên 5 tỷ đồng và sản xuất kinh doanh có lãi. Như vậy, trong số gần 2.000 DNNN nằm trong kế hoạch cổ phần hóa đến năm 2005, sẽ có rất ít trường hợp mà cổ đông tư nhân được chiếm phần đa số trong các công ty lớn.
Quy mô nhỏ và mức độ công khai thông tin thấp của các doanh nghiệp Việt Nam
Các công ty tư nhân của Việt Nam mới phát triển trong vòng hơn một thập kỷ qua, đặc biệt là từ năm 2000. Vì vậy, hầu hết các công ty tư nhân đều ở một quy mô nhỏ hoặc rất nhỏ và thường được quản lý theo kiểu gia đình. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam thường tìm cách duy trì chế độ nhiều sổ sách và không công khai thông tin. Ví dụ, số doanh nghiệp báo cáo tài chính theo quy định của Luật Doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng 15-20%.3 Nguyên nhân của tình hình này không chỉ do ý định chủ quan, thói quen của doanh nghiệp mà còn do sự thiếu vắng khung pháp lý và các chuẩn mực về công khai thông tin, kiểm toán, kế toán... của Việt Nam. Các vấn đề này tiếp tục là trở ngại đối với nhà đầu tư và không khuyến khích được hoạt động huy động vốn cổ đông.
****************************
Nguồn: www.vcci.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét