Nghị quyết 388/NQ-UBTV QH ngày 17/3/2003 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra được coi là một chính sách tích cực của Đảng và Nhà nước đối với người bị oan. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, trên thực tế nhiều người bị oan dẫu đã được minh oan nhưng hành trình đi tìm công lý vẫn dài dằng dặc phía trước.
Một dẫn chứng tiêu biểu là trường hợp của ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình): Trong suốt hơn 3 năm qua, tài liệu mà ông Phi gửi đến các cơ quan chức năng có thể được tính bằng độ dày... hàng mét nhưng đến thời điểm này ông vẫn phải tiếp tục hành trình đi “giải oan”. Và như nhiều cuộc hành trình đi tìm công lý khác trong lĩnh vực oan sai, hai bên lại dẫn nhau ra “Tòa”.
Có thể tóm tắt ngắn ngọn: Ông Phi nguyên là Giám đốc Cty TNHH khai thác chế biến nông hải sản xuất khẩu Hoà Bình. Ngày 1/5/1998, Công an tỉnh Thái Bình đã bắt giam ông vì cho rằng đã có hành vi "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN". Ngày 28/9/1999, TAND tỉnh Thái Bình đã xét xử và tuyên phạt ông Phi 14 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN và ba năm tù về tội trốn thuế.
Sau khi xem xét bản án, ngày 25/4/2000, TAND tối cao đã xử phúc thẩm, tuyên ông Phi không phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN. Theo tinh thần Nghị quyết 388 của UB Thường vụ Quốc hội về bồi thường cho người oan sai, ngày 22/4/2004, ông Lương Ngọc Phi đã gửi đơn đến Tòa án ND tỉnh Thái Bình yêu cầu bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần. Nhưng suốt hai năm ròng rã, Tòa đẩy cho Viện, Viện lại đẩy qua Tòa sự việc mới ngã ngũ. Ngày 13/6/2006, TAND tỉnh Thái Bình thay mặt các cơ quan bảo vệ pháp luật tỉnh tổ chức công khai xin lỗi ông. Oan đã rõ! Mức bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần do ông Phi đưa ra ban đầu là trên 23 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại về tổn thất tinh thần là 66,611 triệu đồng (ông Phi đã bị bắt giam oan 1.066 ngày (từ1/5/1998 đến 30/3/2001), thiệt hại về thu nhập thực tế bị mất là 70 triệu đồng, thiệt hại do tài sản bị kê biên bán phát mại là 5,307 tỷ đồng, thiệt hại do không sử dụng khai thác tài sản là 15,785 tỷ đồng, thiệt hại do khoản tiền bị tịch thu và lãi phát sinh là 1,974 tỷ đồng...
Nhưng trải qua 6 lần thương lượng trong vòng hơn một năm TAND tỉnh Thái Bình và ông Phi vẫn không thống nhất được mức bồi thường bởi Tòa chỉ chấp nhận bồi thường cho ông Phi 163 triệu đồng (con số rất nhỏ so với trên 23 tỷ đồng mà ông Phi đòi bồi thường). Cực chẳng đã, đầu tháng 8/2007 ông Phi đã làm đơn đưa vụ việc ra TAND TP Thái Bình để “xử” TAND tỉnh Thái Bình và Công an tỉnh Thái Bình với mức đòi bồi thường lên đến 33,9 tỷ đồng. Với một số vụ “dẫn nhau ra tòa” trước đây theo tinh thần Nghị quyết 388, một kết thúc có hậu là khó xảy ra bởi với những vụ “Tòa” cấp dưới xử “Tòa” cấp trên thì mức bồi thường do “Tòa” cấp trên đưa ra chẳng mấy khi xê dịch. Chờ được “xử” đã khó nhưng có lẽ ông Phi sẽ còn tiếp tục nộp đơn để ra Tòa những lần tiếp theo và chẳng biết đến bao giờ mới kết thúc hành trình “giải oan”.
Phan Đông Hưng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét