Chính phủ vừa ban hành Nghị định 88/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2006 về đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp 2005 (sau đây gọi là NĐ 88). Trong bài viết này, chúng tôi xin tập trung giới thiệu về một vấn đề tưởng chừng "nhỏ mà không nhỏ", đó là Tên của DN mà Nghị định hướng dẫn.
Mặc dù đã cố gắng phân nhóm và quy định cụ thể nhưng dường như NĐ 88 chưa bao trùm hết những trường hợp "cấm"ä, đồng thời lại có nguy cơ "đóng" những trường hợp không đáng hạn chế.
Bất cập của quy định
Cụ thể, DN được phép đặt tên DN nếu không trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của DN khác đã đăng ký trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ. Chúng tôi xin ví dụ hai trường hợp có thể xảy ra là:
Trường hợp thứ nhất: Một DN khá tên tuổi là Hoà Phát có trụ sở tại Hà Nội (Hoà Phát - Hà Nội). Một Cty khác có thể lấy tên này để thành lập tại Đà Nẵng, hoặc Đồng Nai, hoặc bất kỳ tỉnh thành nào khác, miễn là không phải Hà Nội (nơi đăng ký gốc của Hoà Phát - Hà Nội). Sau đó, Cty Hoà Phát tại Đà Nẵng (Hoà Phát - Đà Nẵng) mở chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Hà Nội. Tên cơ sở này sẽ có thể là: Chi nhánh Cty TNHH Hoà Phát tại Hà Nội. Giả sử Cty TNHH Hoà Phát tại Hà Nội (gốc) cũng mở một chi nhánh nữa ngoài trụ sở chính, tên Chi nhánh này sẽ giống hệt tên chi nhánh Hoà Phát - Đà Nẵng.
Trường hợp thứ 2: Cty Hoà Phát nổi tiếng với những sản phẩm nội thất và thép. Tuy nhiên, một DN khác kinh doanh lụa và may thêu ren muốn thành lập Cty TNHH Hoà Phát may thêu ren tại Hà Nội. Rất có thể cơ quan ĐKKD sẽ không cấp ĐKKD cho Cty TNHH Hoà Phát may thêu ren này.
Hệ quả là, NĐ 88 quy định rằng "cơ quan ĐKKD có quyền từ chối chấp thuận tên dự kiến đăng ký của DN và quyết định của cơ quan ĐKKD là quyết định cuối cùng". Như vậy, sau khi nhận được quyết định này, DN không còn quyền khiếu nại, hay khởi kiện ra toà án hành chính - một điều hoàn toàn bình thường?
Ngoài ra, đối với trường hợp thứ nhất, quy định về ĐKKD có hiệu lực toàn quốc. DN cũng có tầm hoạt động - về lý thuyết - là toàn quốc sau khi được cấp ĐKKD. Trong khi đó, nếu có hai DN cùng một ngành nghề, chỉ khác trụ sở, sẽ có trường hợp mạo danh để kinh doanh sản phẩm tương tự gây nhầm lẫn cho khách hàng. Nhất là trong trường hợp kinh doanh đang toàn cầu hoá như hiện nay.
Trường hợp thứ hai, mặc dù các DN đóng cùng trên một địa bàn, nhưng họ kinh doanh nhiều ngành nghề khác nhau. Nếu theo NĐ 88, nếu lỡ có một Cty cùng tỉnh, thành đăng ký mất tên DN thì Cty "chậm chân" thành ra bị mất cơ hội đăng ký cái tên đắc ý của mình.
Giải pháp là gì?
Hiện tại, quy định đặt tên DN với các quy định về nhãn hiệu hàng hoá (NHHH) theo pháp luật về sở hữu công nghiệp (SHCN). Theo đó, các sản phẩm dịch vụ đã được quy chuẩn theo thông lệ quốc tế với 42 nhóm sản phẩm khác nhau.
Phương pháp phân nhóm của lĩnh vực SHCN vừa lỏng, lại vừa chặt. Lỏng ở chỗ, chủ DN cứ việc đăng ký trùng tên, nếu sản phẩm của họ khác nhóm với một sản phẩm đã đăng ký. Nhưng chặt ở chỗ, cùng một nhóm thì không thể có hai sản phẩm trùng nhau. Thực ra, dường như NĐ 88 đã học hỏi được ý tưởng này khi quy định tại Điều 23, theo đó, "lệ phí đăng ký kinh doanh được xác định theo số lượng ngành, nghề đăng ký kinh doanh". Thiết nghĩ, đây là một quy định rất "văn minh" và giảm được nhiều hệ luỵ không đáng có.
Chúng tôi lấy tên DN để nói đến một vấn đề lâu nay còn tồn tại. Đó là sự thiếu thống nhất giữa các văn bản pháp luật được soạn thảo bởi các cơ quan khác nhau. Từ thiếu thống nhất khái niệm, dẫn đến thiếu thống nhất về giải pháp và sự bất hợp lý trong quy định sẽ nảy sinh. đã đến lúc, các cơ quan chịu trách nhiệm quản lý các vấn đề tương đồng nên ngồi lại bàn bạc với nhau, để tránh vẽ lại những gì đã có và bỏ sót những điều cuộc sống kinh doanh hối hả đang từng phút từng giây sáng tạo ra.
NĐ 88 Chương III quy định về Tên DN
Theo Điều 10, tên DN phải viết được bằng tiếng Việt, có thể kèm theo chữ số và ký hiệu và có hai thành tố: Loại hình DN (bao gồm: Cty TNHH; Cty cổ phần; Cty hợp danh; DN tư nhân) và tên riêng của DN.
Theo phương pháp loại trừ tại Điều 11 của NĐ 88, DN có thể đặt tên DN nếu không trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của DN khác đã đăng ký trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. tên DN cũng không được sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của DN... Trường hợp tên DN vi phạm các quy định của pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại thì DN có tên vi phạm phải đăng ký đổi tên.
NĐ 88 cũng đã phân định: "Tên trùng là trường hợp tên của DN yêu cầu đăng ký được viết và đọc bằng tiếng Việt hoàn toàn giống với tên của DN đã đăng ký".
Tại Điều 12, NĐ 88 chỉ ra những dấu hiệu gây nhầm lẫn, bao gồm TDN này bị "đọc giống" tên DN khác; khác nhau bởi những ký hiệu đơn giản như "&"; ký hiệu "-" ; chữ "và"; Tên viết tắt hoặc Tên bằng tiếng nước ngoài giống nhau; tên DN chỉ khác nhau bởi một số từ bổ nghĩa...
Nguyễn Quang Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét