ĐÀO HỮU ĐĂNG
Phó Viện trưởng Viện phúc thẩm 1 VKSNDTC
Từ ngày 1 tháng 1 năm 2005 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004 có hiệu lực thi hành; tuy Bộ luật có nhiều quy định so với Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế và Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động, song về cơ bản quyền kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát đối với bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm vẫn không thay đổi.
Qua tổng kết những năm gần đây của Viện phúc thẩm 1 cho thấy số lượng thụ lý các vụ án dân sự, kinh tế, lao động có xu hướng tăng lên nhất là các vụ án dân sự. Vai trò của Toà án trong việc giải quyết các tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực dân sự, kinh tế, lao động sẽ ngày càng được người dân coi trọng, vì vậy khả năng số lượng cũng như tính phức tạp trong việc giải quyết các loại án này sẽ ngày càng tăng. Cũng theo số liệu tổng kết nhiều năm của Viện phúc thẩm 1 số lượng án cải sửa hàng năm đều trên dưới 50% tổng số các vụ án đã xét xử phúc thẩm. Các vụ án bị cải sửa vì những lý do như do các đương sự tự thoả thuận có sự thay đổi yêu cầu so với ban đầu hoặc các đương sự xuất trình được có tình tiết mới làm thay đổi nội dung của vụ việc dẫn đến sự thay đổi về nội dung của bản án. Tuy nhiên, không ít trong số đó là do sai sót của cấp sơ thẩm. Số lượng các vụ án mà Toà phúc thẩm huỷ án của cấp sơ thẩm thường chiếm tỷ lệ từ 15% đến 20% số án đã xét xử. Riêng số án bị huỷ này thường là do cấp sơ thẩm xác định không đúng thẩm quyền giải quyết, việc điều tra còn phiến diện, không đầy đủ, xác định sai tư cách người tham gia tố tụng hoặc để sót không đưa một số người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng. Những sai sót của cấp sơ thẩm có nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân về tự hạn chế trong nhận thức, trình độ, trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng. Viện kiểm sát nhân dân với vai trò kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự cũng có trách nhiệm về những sai sót đó của Toà án nếu không phát hiện và kháng nghị kịp thời, chính xác. Vì vậy, Viện kiểm sát cần phải xác định rõ nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong việc thực hiện quyền kháng nghị phúc thẩm để góp phần đảm bảo pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
Từ kết quả xét xử phúc thẩm những năm qua cho thấy, trong số các vụ án bị cấp phúc thẩm cải, sửa thì số án mà Viện kiểm sát kháng nghị chỉ chiếm 4% đến 7%. Như vậy, còn nhiều vụ án có sai sót ở cấp sơ thẩm nhưng chưa được Viện kiểm sát phát hiện để kháng nghị.
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004 thì Viện kiểm sát không tham gia tất cả các phiên toà dân sự, kinh tế, lao động mà chỉ tham gia một số phiên toà nhất định, trong khi đó Viện kiểm sát vẫn phải kiểm sát bản án và thực hiện quyền kháng nghị phúc thẩm nếu phát hiện sai sót, vi phạm. Đây là một vấn đề mới đặt ra cho Viện kiểm sát phải xem xét, để tổ chức thực hiện theo đúng quy định.
Đối với các vụ án mà Viện kiểm sát trực tiếp tham gia phiên toà thì có thể dễ dàng đi đến quyết định kháng nghị hay không kháng nghị. Điều chúng ta phải suy nghĩ là vì sao số lượng án sơ thẩm có sai sót, vi phạm bị cấp phúc thẩm cải sửa hoặc huỷ án khá lớn song tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát còn ít. Từ đó, đặt ra yêu cầu cần quan tâm hơn đến công tác quản lý chỉ đạo, điều hành; tăng cường và nâng cao chất lượng công tác kháng nghị phúc thẩm, cần chú ý hơn nữa việc nâng cao trình độ, năng lực của Kiểm sát viên để có thể nâng cao chất lượng kiểm sát việc giải quyết án dân sự, phát hiện ra những sai sót của Toà án để kịp thời kháng nghị. Tuy nhiên, theo quy định của Điều 21 Bộ luật Tố tụng Dân sự thì những vụ án mà Viện kiểm sát trực tiếp tham gia phiên toà sẽ không nhiều như trước đây. Phần lớn các vụ án Viện kiểm sát sẽ không tham gia phiên toà. Vậy, Viện kiểm sát phải làm gì để thực hiện được quyền kháng nghị phúc thẩm để góp phần không để lọt những bản án có sai sót mà không được kháng nghị để sửa chữa khắc phục kịp thời. Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự. Như vậy, mặc dù Viện kiểm sát không trực tiếp tham gia phiên toà nhưng vẫn có quyền kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử giải quyết các vụ án dân sự. Trách nhiệm của Viện kiểm sát là phải thực hiện tốt những quyền mà Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định.
Cần yêu cầu Toà án gửi kịp thời các thông báo, các quyết định, các bản án của Toà án cho Viện kiểm sát. Theo các quy định tại các Điều 174, 187, 194, 241 đảm bảo đúng thời hạn, trên cơ sở đó để nắm bắt hồ sơ và diễn biến vụ án, kịp thời phát hiện vi phạm, ban hành kháng nghị.
Về mặt chủ quan, cần khắc phục tư tưởng chỉ thực hiện các việc mà Luật buộc Viện kiểm sát phải tham gia còn các quy định có tính chất tuỳ nghi thì ngại khó, né tránh; không nên ngụy biện rằng: Đương sự có quyền tự định đoạt, đây là một nguyên tắc của Bộ luật Tố tụng Dân sự, vì thế nếu đương sự không kháng cáo thì Viện kiểm sát cũng không nên kháng nghị cho dù phát hiện có vi phạm xảy ra. Tuy nhiên, xung quanh vấn đề này còn có nhiều quan điểm trái ngược, nhiều nội dung cần phải được nghiên cứu để sáng tỏ về mặt lý luận về mối quan hệ giữa quyền kháng nghị phúc thẩm nói riêng và quyền kháng nghị nói chung của Viện kiểm sát với quyền tự định đoạt của đương sự.
Theo chúng tôi, việc các đương sự tự nhận thức được sự đúng, sai của bản án không phải là điều dễ dàng. Kháng nghị của Viện kiểm sát sẽ có tính chất hướng dẫn cho đương sự giúp họ hiểu rõ được quyền lợi chính đáng của họ; Như vậy, không lý do gì để họ lại đối lập lại với kháng nghị của Viện kiểm sát. Vì vậy, Viện kiểm sát hoàn toàn có thể chủ động trong việc ra quyết định kháng nghị, vấn đề là nội dung kháng nghị phải chuẩn xác. Trường hợp đương sự dù đã hiểu rõ quyền lợi của mình bị xâm hại nhưng vẫn quyết định từ bỏ, tất nhiên Viện kiểm sát phải tôn trọng quyền tự định đoạt của họ điều này không làm thấp đi vai trò của Viện kiểm sát.
Vị trí và vai trò của Viện kiểm sát trong Bộ luật Tố tụng Dân sự qua thực tiễn sẽ được đánh giá. Viện kiểm sát có phát huy được vai trò của mình hay không, xã hội có chấp nhận và đánh giá cao vai trò của Viện kiểm sát trong hoạt động tố tụng hay không? Chính là thước đo tính hiệu quả các công tác kiểm sát mà trong đó, có sự đóng góp của hoạt động kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát nhân dân./.
NGUỒN: TẠP CHÍ KIỂM SÁT SỐ 2/2005
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét