Nghị đinh 79/2007/NĐ-CP sắp có hiệu lực sẽ thay thế các quy định về chứng thực bản sao, chữ ký trong Nghị định 75 năm 2000 về công chứng, chứng thực. Còn Luật Công chứng (có hiệu lực từ ngày 1-7) sẽ thay thế phần về công chứng trong Nghị định 75. Cạnh những cải tiến về thủ tục như phân cấp mạnh về chứng bản sao cho UBND cấp xã, tách bạch giữa công chứng với chứng thực…. các quy định mới vẫn còn nhiều điểm chưa rõ có thể sẽ “trói giò” người dân khi thực hiện.
Cấp huyện: Có rảnh tay?
Luật Công chứng chỉ đề cập hoạt động của công chứng viên thuộc các phòng công chứng nhà nước và văn phòng công chứng tư. Công chứng viên chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch bằng văn bản mà pháp luật quy định phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng. Ngoài ra, công chứng viên còn công chứng các hợp đồng, giao dịch về bất động sản (trong phạm vi cấp tỉnh nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở), di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản. Như vậy, sắp tới các phòng công chứng sẽ không còn chứng nhận bản sao, bản dịch và chữ ký cá nhân nữa.
Trong khi đó, Nghị định 79 quy định các phòng tư pháp cấp huyện sẽ chứng bản sao các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài; chữ ký của người dịch trong các giấy tờ, văn bản từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc ngược lại; chữ ký trong các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài. Còn việc chứng các giao dịch, hợp đồng liên quan đến bất động sản theo thẩm quyền địa hạt; hợp đồng, giao dịch liên quan đến động sản có giá trị dưới 50 triệu đồng;văn bản thỏa thuận phân chia di sản…. Nghị định 75 giao cho UBND cấp huyện trong Nghị định 75 thì lơ lửng, không rõ cấp huyện có tiếp tục làm nữa không.
Có ý kiến cho rằng làm Luật Công chứng và Nghị định 79 đã thay thế hai phần công chứng lẫn chứng thực trong Nghị định 75, do đó UBND cấp huyện sắp tới sẽ không còn được chứng các hợp đồng, giao dịch của người dân nữa. Khi đó, UBND cấp huyện sẽ phải chuyển giao việc chứng nhận hợp đồng, giao dịch cho các phòng công chứng. Đây sẽ là trở ngại lớn cho những người dân ở xã trung tâm các đô thị cấp tỉnh (nơi các phòng công chứng tọa lạc). Ví dụ, hai đương sự ở Củ Chi muốn chứng một hợp đồng vay mượn tiền hoặc khai nhận di sản thừa kế thì phải đi bốn, năm chục cây số mới đến được các phòng công chứng trong nội thành TP. HCM. Đó là chưa nói đến các vùng xa xôi, hẻo lánh của các tỉnh khác.
Chỉ cần bản sao vẫn bán được nhà?
Theo Nghị định 79, bản sao giấy tờ, văn bản được cấp từ sở gốc hoặc được chứng thực hợp pháp có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch. Cơ quan tiếp nhận bản sao từ sổ gốc, bản sao đã được chứng thực không được yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu. Quy định này được xem là rất cởi mở nhưng lại bị nhiều chuyên gia cho rằng nó chứa đựng nhiều rủi ro. Chẳng hạn, một người đem bản chính chủ quyền nhà thế chấp vay tiền tại ngân hàng, sau đó anh ta đến phòng công chứng làm hợp đồng mua bán căn nhà đó bằng bản sao đã chứng thực thì liệu các công chứng viên có dám ký cho mua bán? Ông Trần Thanh Minh, Phó phòng Tư pháp quận Tân Bình, cho biết đối với các giao dịch giá trị tài sản lớn, nếu không đối chiếu bản sao (dù đã chứng thực) với bản chính thì người thụ lý lẫn người giải quyết sẽ “nhát” tay không dám chứng.
Đụng đến ngoại ngữ: Rất khó!
Điều 5 Nghị định 79 quy định phòng tư pháp cấp huyện sẽ chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài. Thực tế, văn bản tiếng nước ngoài rất đa dạng, phong phú như tiếng Anh, Pháp, Nhật, Đức, Hoa, Hàn… Liệu các cán bộ Tư pháp có đọc, hiểu được nội dung của văn bản trước khi chứng không? Nghị định 75 hiện hành có quy định rõ khi chứng nhận bản sao văn bản bằng tiếng nước ngoài thì các công chứng viên phải ghi rõ “Chỉ chứng thực chữ ký, không chứng nội dung”. Nghị định 79 có làm theo cách này không cũng chưa rõ.
Về việc chứng thực bản dịch từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài và ngược lại, Nghị định 79 chỉ có vài điều khá sơ sài. Theo đó, người dịch phải thông thạo tiếng nước ngoài cần dịch nhưng chưa nêu rõ tiêu chuẩn cụ thể của người dịch. Nghị định 75 quy định rất chặt chẽ về dịch thuật và buộc người phiên dịch phải có trình độ cử nhân chuyên ngành. Ông Hoàng Mạnh Thắng, Phó phòng Công chứng số 2, kiến nghị thay vì cứ mỗi lần dịch giấy tờ, văn bản lại phải đi chứng thực chữ ký của người dịch thì nên quy định thủ tục đăng ký chữ ký của phiên dịch viên. Sau đó mỗi lần họ yêu cầu chứng bản dịch thì xuất trình giấy đăng ký đó là đủ.
Theo báo pháp luật Tp.HCM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét