Đã có một thời gian khá dài tồn tại cách nghĩ văn hóa như một thành quả của quá trình lao động sản xuất. Với quan niệm đó, hưởng thụ văn hóa là sự đãi ngộ cho những nỗ lực của con người trong lao động. Trồng cây có ngày hái quả, câu thành ngữ này nhằm động viên con người kiên nhẫn vượt qua khó khăn vì những điều tốt đẹp đang chờ phía trước. Hái quả ở đây được hiểu theo nghĩa là sự đền bù cả về vật chất và tinh thần, có cơm no áo ấm, con cái được học hành, đời được an nhàn, sung sướng. Cách tư duy tách rời văn hóa khỏi quá trình sáng tạo vật chất là lối tư duy của nền kinh tế tiểu nông và hệ quả của tình trạng nghèo khổ triền miên qua nhiều thế hệ. Sau một năm làm lụng vất vả, tháng giêng là tháng ăn chơi, là tết nhất, là mùa lễ hội... cho đến tháng ba lại cày vỡ ruộng ra theo cái qui trình bất biến đã nghìn năm nông vụ chí kỳ.
Cách nghĩ như vậy cũng đã từng ăn sâu trong đời sống văn hóa nước ta nhiều chục năm từ đầu tư, tổ chức, quản lý đến gắn kết sự phát triển kinh tế - xã hội với phát triển văn hóa. Biểu hiện rõ nét của điều đó là đầu tư cho văn hóa không ít năm luôn đứng cuối danh mục chỉ tiêu ngân sách của Nhà nước. Các mục tiêu về văn hóa luôn ở vị trí chót trong các báo cáo hàng năm, thậm chí chỉ được coi là phần phụ trong chương trình hành động của không ít tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể xã hội, địa phương. Phải chăng tình trạng xuống cấp trên nhiều lĩnh vực văn hóa có nguyên nhân từ đó.
nó có mối liên hệ qua lại với trình độ phát triển kinh tế và thường là hệ quả của trình độ phát triển kinh tế. Tuy vậy, văn hóa không phải là cái bóng thụ động của kinh tế. Lịch sử loài người chứng minh rằng có những nền văn minh trí tuệ rực rỡ đến nay vẫn làm chúng ta kinh ngạc và mơ ước được là người chủ sáng tạo ít ra là một phần nhỏ của nó lại được nảy sinh từ thời cổ đại khi con người còn sống chủ yếu bằng săn bắt, hái lượm, chưa từng biết đến động cơ đốt trong và máy vi tính. Cũng như vậy, nhiều kỳ quan của thế giới không phải được sáng tạo ở những quốc gia rộng lớn, đông dân, giàu có mà lại ở những quốc gia nhỏ bé, nghèo khổ thậm chí trên những hòn đảo gần như cô lập với thế giới bên ngoài. Có một nghịch lý nhưng khó chối bỏ đó là nhiều thời kỳ văn hóa rực rỡ lại được tạo dựng trên nền thực trạng xã hội rối ren, trì trệ, mục nát. Nền kiến trúc Trung cổ, nền hội hoạ thời Phục hưng ở châu âu, thời kỳ chói sáng của văn học Việt Nam thế kỷ XVIII minh chứng cho điều đó. Ngược lại, không nhất thiết sự phát triển kinh tế luôn đồng hành với sự phát triển của văn hóa. Thể thao là một lĩnh vực của văn hóa. Trong nhiều kỳ Wold Cup, không ít nước giàu có, đông dân hàng đầu thế giới mơ ước có được hình ảnh của mình tương tự các nước nghèo như Mêhicô, Braxin, Camơrun, Nigiêria mà thôi. Ngay như nước ta, 20 năm đổi mới là quá trình thay da đổi thịt thần kỳ ai cũng nhận thấy. Từ một quốc gia kiệt quệ sau 30 năm chiến tranh, khủng hoảng triền miên, người dân thiếu ăn, thiếu mặc chỉ trong một thời gian ngắn trở thành một nước xuất khẩu gạo, thủy sản, dầu mỏ, than đá, giày dép, quần áo có sức cạnh tranh với nhiều nước lớn, một nước được thế giới thừa nhận về tốc độ tăng trưởng cao, xoá đời giảm nghèo nhanh, an ninh kinh tế tốt vào loại nhất khu vực. Nhưng có hiện tượng trong khi đời sống vật chất của người dân được nâng cao thì một số mặt trong đời sống văn hóa lại suy giảm. Chưa bao giờ trong hơn nửa thế kỷ qua, chúng ta phải lo lắng đến thế về tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống, về các tệ nạn xã hội gia tăng, về môi trường văn hóa bị xâm hại, về tinh hoa văn hóa truyền thông bị đe dọa trước ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài và cả từ bên trong.
Giải thích về điều đó, có lẽ trước hết nên bắt đầu từ nguyên nhân cách nghĩ của chúng ta về văn hóa còn đơn giản và lạc hậu. Đã không ít thập kỷ, văn hóa được hiểu là thành quả của lao động sản xuất của cải vật chất, không gắn gì với quá trình lao động sản xuất ấy. Văn hóa là quả, lao động sản xuất là việc trồng cây. Người trồng cây đổ mồ hôi sôi nước mắt cực nhọc cho ngày hái quả, tức là ngày hưởng thụ. Văn hóa đồng nghĩa với việc hưởng thụ, thậm chí là sự hưởng thụ không thiết yếu như ăn, mặc, ở, đi lại, đôi khi còn được hiểu là "cờ hoa loa đài", “loa đèn kèn trống", "ăn chơi nhảy múa". Bởi thế việc văn hóa bị coi nhẹ, người làm văn hóa ít được tôn trọng trong một xã hội cái ăn, cái mặc là nỗi lo thường trực. Thực ra, văn hóa là cái còn lại sau những gì đã mất. Văn hóa là những giá trị vật chất đã thăng hoa vào đời sống tinh thần. Một công cụ ghè đẽo bằng đá đối với người tiền sử chỉ có giá trị như một công cụ lao động nhưng sau hàng vạn năm, những cục đá thô sơ đó khiến ta xúc động vì chúng giúp ta hình dung ra cuộc sống của tổ tiên. Một bức tranh sở dĩ đẹp vì nó cho ta biết cái gì đang diễn ra trong tâm hồn hoạ sĩ và qua đó, mở thêm một cánh cửa cho ta nhìn thấu tâm hồn mình. Bởi vậy,văn hóa luôn gắn chặt với mọi hoạt động vật chất nhưng nó không chỉ là cái đạt được mà còn là khởi nguyên mọi hoạt động của con người, trong sản xuất của cải vật chất cũng như trong quá trình sáng tạo văn hóa. Văn hóa là nền tảng của sự phát triển.
Thật dễ dàng nhận ra điều đó trong mọi lĩnh vực của đời sống đương đại. Trình độ học vấn của một người chỉ mới phản ánh quá trình tích luỹ và hình thành trình độ văn hóa của người đó.Vô số những tích luỹ như thế bằng nhiều con đường khác nhau, được nhào nặn như con ong nhào nặn phấn hoa và mật hoa từ hàng vạn bông hoa sẽ tạo nên trong mỗi con người bề dày văn hóa của riêng họ và chính bề dày văn hóa này là nền móng, là định hướng, là động lực chi phối mọi hành động của từng con người cụ thể, từ đó rộng ra là với từng cộng đồng người, từng dân tộc. Nếu hiểu như vậy, văn hóa đóng vai trò quyết định con đường phát triển của xã hội, quyết định năng lực và hiệu quả của quản lý, quyết định năng suất và chất lượng lao động của mỗi người. Ngày nay, đã khó hình dung hoạt động của một doanh nghiệp chẳng hạn, lại không có sự tham gia của những thành tựu tin học. Cũng thật khó hình dung sẽ có một nền kinh tế hiện đại hóa nếu những người lao động vẫn giữ nguyên cách suy nghĩ, tác phong lao động, ý thức kỷ luật của một nền sản xuất nhỏ tự cấp tự túc. Cũng cần nhấn lại rằng sự phát triển văn hóa không chồng khít với sự phát triển kinh tế. Trên thế giới, nhiều người đã lên tiếng báo động về tình trạng nghèo khổ đời sống tinh thần, tóm lại là tình trạng nghèo khổ về văn hóa ở ngay những nước phát triển. Sự nghèo khổ, tha hóa về văn hóa ấy cũng đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ ở các nước đang phát triển như Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi". Thấm thía ý nghĩa sâu sắc và đầy minh triết của câu nói này, đưa phát triển văn hóa trở thành quốc sách hàng đầu, lấy văn hóa làm nền đường, làm đầu kéo cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phải chăng đó là quy trình thuận trong các quyết sách vĩ mô của đất nước ta hiện nay.
==============================================
Vũ Duy Thông
Tạp chí Văn hóa doanh nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét