Thứ Tư, 29 tháng 8, 2007

BƯỚC TIẾN MỚI VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI Ở NƯỚC TA

Việt Nam là một trong những quốc gia sớm tham gia ký và phê chuẩn Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW). Chủ trương không phân biệt đối xử ở Việt Nam hiện nay không chỉ là điều tuyên ngôn, mà được thể hiện đậm nét trong chính sách, pháp luật của Nhà nước, được tôn trọng và đảm bảo thi hành trong thực tiễn đời sống xã hội, cũng như trong mọi gia đình và trong nhận thức của người dân. Mục tiêu cơ bản của công cuộc đổi mới của Việt Nam là “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Đây cũng chính là điều kiện quan trọng, bảo đảm thực hiện nguyên tắc bình đẳng về giới trong đời sống xã hội. Để bảo đảm bình đẳng giới, Nhà nước đã tiến hành những hoạt động sau:

1. Thực thi các biện pháp chống phân biệt đối xử

Việt bảo đảm bình đẳng nam nữ được thực hiện thông qua các hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp; thông qua nguyên tắc tổ chức và hoạt động của các đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội, nghề nghiệp mà mỗi cá nhân là thành viên.

Đối với hoạt động lập pháp: Nguyên tắc bình đẳng giới được chú trọng ngay từ khâu lựa chọn nhân sự để thành lập Ban soạn thảo văn bản pháp luật, thường có từ 30% đến 45% thành viên nữ, gần tương xứng với tỷ lệ cán bộ nữ của Bộ Tư pháp là 40%, bảo đảm sự tham gia của phụ nữ vào quá trình xây dựng và giám sát việc thực thi luật pháp.

Trong hoạt động hành pháp: Nguyên tắc bình đẳng nam, nữ luôn được tôn trọng và thể hiện trong quy định chế độ, chính sách; bảo đảm quá trình thực hiện ở cấp độ thụ hưởng, tham gia, giám sát và quản lý; phát triển đội ngũ nữ công chức và các nhà quản lý, lãnh đạo nữ; tham khảo ý kiến của phụ nữ, thu hút sự tham gia của Hội phụ nữ vào hoạt động quản lý nhà nước, của chính quyền.

Về hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp: tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật, tạo điều kiện để thực thi nguyên tắc bình đẳng giới.

Thực hiện các biện pháp ngăn cấm sự phân biệt đối xử, Nhà nước sửa đổi, hoàn chỉnh luật pháp, đảm bảo các quy định của luật pháp (như Bộ Luật Hình sự năm 1985, Bộ Luật Lao động năm 1994,...); đảm bảo những quy định có tính chất chế tài, nhằm trừng phạt những ai có hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ, và đó là cơ sở pháp lý bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ với nam giới trong gia đình và ngoài xã hội.

Những thành tựu to lớn thu được trong 20 năm đổi mới đã chứng tỏ công cuộc đấu tranh bảo vệ quyền bình đẳng của phụ nữ thu được nhiều thắng lợi quan trọng, trên mọi phương diện chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội. Song hành với việc thực thi pháp luật, nhiều biện pháp được thực hiện nhằm ngăn ngừa và loại trừ phân biệt đối xử với phụ nữ, góp phần thay đổi nhận thức toàn xã hội về bình đẳng giới như: tuyên truyền, giáo dục truyền thông, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, v.v... Đồng thời, thực hiện các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với những hành vi vi phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự, sức khỏe, tính mạng của phụ nữ.

Quyền của phụ nữ trên cơ sở bình đẳng với nam giới trong mọi mặt đời sống xã hội được khẳng định và bảo vệ bằng Hiến pháp và pháp luật. Bất kỳ hành vi phân biệt đối xử trên cơ sở giới tính nào cũng đều bị pháp luật nghiêm cấm và xã hội lên án, nếu dẫn đến hậu quả nghiêm trọng đều bị Tòa án xử lý theo luật định.

Từ những năm đất nước bước vào đổi mới đến nay, công dân Việt Nam đã nhận thức ngày càng rõ hơn, đầy đủ hơn các quyền và nghĩa vụ của mình do Hiến pháp và pháp luật quy định. Ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng cao. Tình hình vi phạm pháp luật, nhất là vi phạm nguyên tắc bình đẳng giới có xu hướng giảm. Các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, đoàn thể, tổ chức kinh tế luôn cố gắng dành cho phụ nữ những điều kiện thuận lợi để thực hiện quyền bình đẳng với nam giới trên các lĩnh vực công tác. Phụ nữ có quyền khiếu nại, tố cáo với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc bị xâm phạm quyền bình đẳng hay bị phân biệt đối xử theo quy định tại Điều 74, Hiến pháp năm 1992. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các Hội, đoàn thể quần chúng khác có vai trò rất tích cực trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên.

Do quy định luật pháp về cấm phân biệt đối xử; do hoạt động thường xuyên của các cơ quan giám sát hoặc cưỡng chế việc thực hiện các quy định đó, nên ở Việt Nam không một cá nhân, tổ chức nào dám công khai tiến hành hoạt động có tính chất phân biệt đối xử với phụ nữ. Tuy nhiên, trên thực tiễn, vẫn còn một số tồn tại trong việc tôn trọng quyền bình đẳng của phụ nữ trên bình diện xã hội (phụ thuộc vào nhận thức và hoàn cảnh cụ thể của người dân). Do đó, đấu tranh để bảo vệ quyền bình đẳng của phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ các dân tộc thiểu số, tiếp tục là nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương và cộng đồng.

2. Bảo đảm sự phát triển và tiến bộ đầy đủ của phụ nữ

Để bảo đảm sự phát triển và tiến bộ đầy đủ của phụ nữ, từ năm 1995 đã thực hiện Kế hoạch hành động Quốc gia vì sự tiến bộ của Phụ nữ Việt Nam đến năm 2000 và giai đoạn 2001-2010 phát triển thành Chiến lược Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam. Chiến lược này có 5 mục tiêu chủ yếu: 1- Thực hiện các quyền bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực lao động, việc làm. 2- Thực hiện các quyền bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo. 3- Cải thiện và nâng cao sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em. 4- Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của phụ nữ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội để tăng tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo. Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình và xã hội. 5- Tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ.

Đối chiếu với 5 mục tiêu trên, qua 5 năm thực hiện Chiến lược Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ, nước ta đã đạt được một số thành tựu nổi bật sau:

- Bình đẳng giới trong lao động - việc làm: Đã có nhiều chính sách, biện pháp tạo điều kiện để phụ nữ có việc làm, phát triển kinh tế, tăng thu nhập, ổn định đời sống của gia đình và bản thân. Theo đánh giá giữa kỳ kết quả việc thực hiện Chiến lược quốc gia, đến năm 2005 có trên 46% trong tổng số lao động được giải quyết việc làm là nữ. Phụ nữ tham gia ở tất cả các loại hình nghề nghiệp, song chủ yếu tập trung vào các nghề dịch vụ, giản đơn, không đòi hỏi trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao.

Tỷ lệ sử dụng thời gian lao động của phụ nữ nông thôn đã liên tục tăng trong vòng 5 năm qua, đến năm 2005 đã đạt 80%. Tỷ lệ lao động nữ thất nghiệp ở thành thị năm 2005 là 6,14%. Trên 70% phụ nữ chủ hộ trong số các hộ nghèo được vay vốn phát triển sản xuất.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 181/2004/NĐ-CP hướng dẫn cụ thể về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có cả họ tên vợ và chồng, nhằm khắc phục những hạn chế của phụ nữ trong việc tiếp cận đất đai.

Chính sách tín dụng được đổi mới, đồng thời với chương trình quốc gia về xóa đói giảm nghèo và việc làm đã tạo điều kiện để phụ nữ ngày càng tiếp cận nhiều hơn với vay vốn mở rộng sản xuất, tăng thu nhập và xóa đói nghèo. Ngoài ra, thông qua Hội phụ nữ cũng có các hoạt động tín dụng, được đánh giá là rất hiệu quả (tỷ lệ nợ quá hạn được đánh giá là 0,7%). Đã có 1,3 triệu phụ nữ được vay với tổng số vốn trên 5.000 tỉ đồng.

- Bình đẳng giới trong giáo dục - đào tạo: Phụ nữ và trẻ em gái được tạo điều kiện bình đẳng với nam giới trong nâng cao trình độ văn hóa và trình độ học vấn. Tỷ lệ phụ nữ so với nam giới trong số người biết chữ đã tăng lên đáng kể. Chênh lệch về tỷ lệ học sinh nam - nữ trong tất cả các cấp bậc học được thu hẹp (Báo cáo Quốc gia của Việt Nam, tháng 8-2005 đã khẳng định điều này). Về cơ bản, Việt Nam có thể đạt được mục tiêu xóa bỏ cách biệt giới ở các cấp học trước năm 2015. Có 4 loại hình giáo dục không chính quy, chủ yếu dành cho người lớn, trong đó có phụ nữ, như: Chương trình xóa nạn mù chữ và giáo dục sau biết chữ; Chương trình giáo dục đáp ứng nhu cầu của người học, Chương trình đào tạo bổ sung, tu nghiệp định kỳ, bồi dưỡng nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức, kỹ năng và Chương trình giáo dục để lấy văn bằng, v.v... Các chương trình này đã tạo nhiều cơ hội học tập đối với phụ nữ hơn rất nhiều so với trước.

- Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào công tác lãnh đạo, quản lý: Tỷ lệ nữ trong các cơ quan dân cử (Hội đồng nhân dân các cấp) ngày càng tăng, nhiệm kỳ 2004-2009 cao hơn so với nhiệm kỳ trước. Cấp tỉnh, thành đạt 23,8%; cấp huyện đạt 23,2% và cấp xã, phường đạt 20,1%. Tuyên Quang là một tỉnh miền núi còn nghèo, với 22 dân tộc thiểu số, nhưng có tỷ lệ đại biểu nữ cao nhất 33,3%. Điều đó cho thấy điều kiện kinh tế không phải là yếu tố quyết định tới khả năng tham gia lãnh đạo của phụ nữ, mà điều cốt yếu nhất là quyết tâm chính trị, sự chỉ đạo và quan tâm của các cấp, các ngành chức năng trong công tác quy hoạch và đào tạo phụ nữ.

Toàn quốc có 3 Chủ tịch, 32 Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh là nữ, tăng gấp rưỡi so với nhiệm kỳ 1999-2004. Tỷ lệ nữ trong Uỷ ban nhân dân các cấp cũng tăng so với nhiệm kỳ trước: cấp tỉnh tăng từ 6,4% lên 23,9%; cấp huyện từ 4,9% lên 23% và cấp xã từ 4,5% lên 19,5%. Việt Nam tiếp tục dẫn đầu các nước trong khu vực châu Á về tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội với 27,3% khóa 2002-2007. Cùng với sự gia tăng về số lượng, chất lượng tham gia của các đại biểu Quốc hội là nữ cũng nâng lên (tỷ lệ đại biểu nữ có học vấn từ đại học trở lên tăng từ 30,3% khóa 1992-1997 lên 44,9% khóa 1997-2002 và đạt 50,2% vào khóa 2002-2007).

Tỷ lệ nữ bộ trưởng và tương đương đạt 12,7%; thứ trưởng và tương đương là 9,1%; tỷ lệ nữ là chủ doanh nghiệp hiện nay là 20%; nữ thẩm phán của Tòa án nhân dân tối cao là 33%; v.v...

- Bình đẳng giới trong chăm sóc sức khỏe: Đã có các hoạt động tập trung nâng cao nhận thức về giới, thay đổi hành vi trong chăm sóc sức khỏe phụ nữ và kế hoạch hóa gia đình. Đổi mới và phát triển mạng lưới tư vấn sức khỏe, nhất là sức khỏe sinh sản; giáo dục giới tính và tình dục an toàn vị thành niên; vận động nam, nữ áp dụng các biện pháp tránh thai; tuyên truyền, hướng dẫn phụ nữ biết cách chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình; phòng trừ bệnh dịch. Đồng thời, phát triển cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhất là chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ. Đến nay, các tỉnh đều có Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản. Các trạm y tế xã, phường từng bước được cung cấp trang thiết bị cơ bản, quĩ thuốc thiết yếu và phương tiện chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình (trong đó 37% trạm đạt tiêu chuẩn quốc gia); có nhân viên chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình. Cán bộ y tế xã, phường được phụ cấp hoặc hưởng lương.

Theo Bộ Y tế, đến nay ở 76% thôn, bản có y tế cơ sở, đã thực hiện chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em và kế hoạch hóa gia đình đến tận hộ gia đình, có những nơi đạt tỷ lệ trên 90% như: Tây Nguyên, Duyên hải Miền Trung. Tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo sử dụng tốt mô hình kết hợp quân - dân y trong chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân. Y tế dự phòng được thực hiện có hiệu quả, nhiều bệnh dịch nguy hiểm được khống chế và đẩy lùi; trình độ chuyên môn kỹ thuật của ngành y tế có bước phát triển đáng kể. Công tác truyền thông được tăng cường để nâng cao nhận thức về bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ, thay đổi hành vi và thói quen của người dân, đặc biệt là phụ nữ về chăm sóc sức khỏe, nhất là sức khỏe sinh sản, an toàn thực phẩm, hướng dẫn vai trò giới trong kế hoạch hóa gia đình... Do thực hiện các chương trình: Chăm sóc sản khoa thiết yếu, Làm mẹ an toàn, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em..., nên công tác bảo vệ sức khoẻ bà mẹ trẻ em có nhiều chuyển biến. Trên 90% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được tiêm phòng uốn ván, riêng phụ nữ có thai đạt trên 80%. Tỷ suất chết sơ sinh ở các vùng Đông Nam bộ, đồng bằng sông Hồng, Duyên hải Nam Trung bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long giảm rõ rệt.

- Tăng cường năng lực của hệ thống cơ quan hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 92/2001/QĐ-TTg về kiện toàn bộ máy Uỷ ban Quốc gia. Các bộ, ngành ở trung ương và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, (thành phố) đã kiện toàn tổ chức Ban Vì sự tiến bộ của Phụ nữ tương đối đồng đều, thường xuyên bám sát những mục tiêu chung và có sự chỉ đạo phù hợp, sát với điều kiện thực tiễn nên đạt kết quả tương đối tốt.

Mặc dù đạt được kết quả bước đầu, song việc thực hiện bình đẳng giới nói chung và vì sự tiến bộ của phụ nữ nói riêng là một sự nghiệp lớn đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đây là cuộc đấu tranh rất lâu dài và gian khổ. Việt Nam là một nước thuộc khu vực Đông Nam Á còn nghèo, lại chịu ảnh hưởng của nhiều tư tưởng phong kiến, lạc hậu nên không thể tránh khỏi những hạn chế. Đó là: những định kiến giới và tư tưởng trọng nam hơn phụ nữ ở mọi tầng lớp xã hội. Các biểu hiện có thể thấy được là thích đẻ con trai hơn con gái; coi nội trợ, chăm sóc con cái là công việc của phụ nữ; khi chia tài sản thừa kế, thường cho con trai nhiều hơn; nam giới được coi là trụ cột, quyết định chính trong gia đình, v.v... Thời gian làm việc của phụ nữ thường kéo dài hơn nam giới trung bình khoảng 4 giờ/ngày, chủ yếu là do phụ nữ ngoài công việc ở cơ quan, còn phải chăm sóc con cái, nội trợ. Họ có ít thời gian nghỉ ngơi, học tập nâng cao trình độ hơn so với nam giới, nhất là ở những vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đây thực sự là gánh nặng đè lên vai phụ nữ, ảnh hưởng xấu đến tình trạng sức khỏe của họ. Trong giáo dục, trẻ em gái và phụ nữ dân tộc ít người còn nhiều khó khăn và trở ngại hơn so với các trẻ em trai và nam giới. Tỷ lệ nữ có học hàm, học vị còn quá thấp so với nam giới.

Mặc dù, tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý trong những năm gần đây đã tăng đáng kể, nhưng vẫn còn thấp và không đồng đều ở các cấp, các lĩnh vực và chưa tương xứng với lực lượng phụ nữ trong xã hội. Trong lao động việc làm, mặc dù chênh lệch về tỷ lệ tham gia các hoạt động kinh tế không lớn, nhưng thu nhập trung bình thực tế của nam giới vẫn cao hơn nữ giới. Tỷ lệ lao động nữ qua đào tạo vẫn thấp hơn nam. Tình trạng ngược đãi phụ nữ trong gia đình vẫn tồn tại ở cả nông thôn và thành thị, trong tất cả các nhóm xã hội và vẫn còn cho rằng đó là riêng tư, thuộc nội bộ gia đình, nên những nỗ lực của các cơ quan chức năng, đoàn thể chưa mang lại hiệu quả cao.

Thách thức hiện nay đối với phụ nữ là điều kiện sống, môi trường làm việc của nữ thanh niên tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; định hướng đi xuất khẩu đối với lao động nữ còn nhiều bất cập, lao động không nghề, thu nhập thấp, điều kiện sinh sống không đảm bảo. Hiện tượng buôn bán phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài làm mại dâm diễn biến ngày càng phức tạp (thông thường phụ nữ bị buôn bán là những chị em có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, sống ở vùng sâu, vùng xa, ít hiểu biết, thiếu thông tin, trình độ văn hóa thấp,...). Có những tiêu cực trong dịch vụ môi giới phụ nữ lấy chồng người nước ngoài; tình hình lây nhiễm HIV/AIDS tiếp tục gia tăng trong phụ nữ và trẻ em,...

3. Định hướng Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010 có vai trò quan trọng đặc biệt tới việc thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X.

Đây là giai đoạn cuối trong quá trình thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001-2010 cũng là giai đoạn 2 của việc thực hiện Chiến lược Quốc gia Vì sự tiến bộ của Phụ nữ. Để đạt được các mục tiêu về bình đẳng giới, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực triển khai giai đoạn 2 của Chiến lược quốc gia Vì sự tiến bộ của Phụ nữ Việt Nam, thông qua Kế hoạch Hành động giai đoạn 2006-2010. Cùng với 5 mục tiêu quan trọng đã nói ở trên, được cụ thể hơn qua hệ thống các chỉ tiêu và các giải pháp sau:

Thứ nhất, chú trọng đến các giải pháp phối hợp liên ngành, thực hiện đồng bộ các chỉ tiêu. Có sự phân công trách nhiệm rõ ràng đối với các cơ quan. Tập trung xây dựng và thi hành luật pháp; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới;

Thứ hai, đẩy mạnh hơn nữa việc lồng ghép giới vào quá trình hoạch định chiến lược, kế hoạch phát triển và thực thi chính sách ở tất cả các cấp, các ngành; lồng ghép giới vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo và tạo việc làm. Tăng cường đầu tư cho công tác giáo dục, dạy nghề, khuyến nông và đào tạo nâng cao trình độ mọi mặt cho phụ nữ.

Thứ ba, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thông, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới. Chú trọng các thông tin mang tính cảnh báo về tệ mại dâm, buôn bán phụ nữ và phát triển các hoạt động trợ giúp pháp lý, phòng ngừa, hạn chế tối đa các tổn hại có thể xảy ra đối với phụ nữ.

Thứ tư, tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động của Uỷ ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của Phụ nữ và hệ thống các ban Vì sự tiến bộ của Phụ nữ và năng lực của Hội Phụ nữ các cấp. Đổi mới về cơ chế cấp kinh phí hoạt động cho tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới. Mở rộng hợp tác quốc tế và tranh thủ sự giúp đỡ của các nước, các tổ chức quốc tế về công tác này.

**********************************************************************************

NGUYỄN THỊ BÌNH

TẠP CHÍ CỘNG SẢN SỐ 4 (124) NĂM 2007


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến