Các trường đại học công lập thường tuyển hàng vạn sinh viên và cấp bằng cho hàng trăm lĩnh vực. Robert H. Bruininks phác họa cơ cấu tổ chức, cơ cấu tài chính, cơ hội cho sinh viên và học giả quốc tế trong các trường đại học công lập lớn. Ông là hiệu trưởng trường Đại học Minnesota từ năm 2002 và là thành viên của Ủy ban xét duyệt học bổng J. William Fulbright cho người nước ngoài.
Các trường đại học công lập lớn ở Hoa Kỳ, hay còn gọi là đại học tiểu bang, gắn bó chặt chẽ với tiểu bang và được tiểu bang hỗ trợ. Đó là những trung tâm giáo dục đại học rất năng động, được đánh giá cao với những truyền thống độc đáo và các mối quan hệ cộng đồng. Đó còn là những thanh nam châm thu hút nhân tài từ khắp nơi trên cả nước và thế giới.
Thông thường các trường đại học này tuyển sinh hàng chục ngàn sinh viên. Họ cấp phần lớn các loại bằng đại học, sau đại học và chuyên nghiệp trong cả nước. Chương trình học thuật đa dạng cũng là điểm rất phổ biến của các trường đại học công lập. Ví dụ như ở trường của tôi, cơ sở ở thành phố Twins của trường Đại học Minnesota có 50.000 sinh viên, cấp hàng trăm loại bằng, và dẫn đầu trong các ngành như thần kinh học, phẫu thuật cấy ghép; khoa học kinh tế, chính trị; khoa học nguyên vật liệu, kỹ thuật nano; nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên.
Các trường đại học công lập đóng vai trò then chốt trong sự phát triển kinh tế, văn hóa và dân cư của vùng, và nhiều trường, như trường Đại học Minnesota đòi hỏi khắc khe việc phát triển kiến thức và công nghệ thông qua nghiên cứu. Các trường đại học này thuộc nhóm các trường đại học nghiên cứu lớn ở Hoa Kỳ, thường tổ chức các chương trình quốc tế lớn vòng quanh thế giới. Trong nửa sau thế kỷ 19, liên bang đã ban hành một loạt các điều luật nhằm giúp các tiểu bang xây dựng nhiều trường đại học. Các trường đại học này được uỷ quyền phải liên kết chặt chẽ với tiểu bang (ví dụ: chuyển giao công nghệ, hỗ trợ nông nghiệp, phối hợp với trường tiểu học, trung học cơ sở, và liên kết với các nhà hoạch định chính sách của bang).
Cường độ nghiên cứu khoa học giữa các trường đại học của tiểu bang khác nhau rất nhiều. Điển hình, hàng năm con số trợ cấp và hợp đồng nghiên cứu được trao cho các trường công lập có uy tín lên tới hàng trăm triệu đô la. Ngoài ra còn có sự khác biệt lớn về hỗ trợ từ các tiểu bang, 10 đến 30% ngân sách của các trường đại học công lập dành cho các quỹ nghiên cứu lớn được tiểu bang cung cấp, phần còn lại của ngân sách thu từ học phí, trợ cấp/hợp đồng và quà biếu.
Nhờ cơ cấu tài trợ vốn của các trường đại học công lập mà nhiều sinh viên sau đại học nhận được hỗ trợ tài chính thông qua các chương trình hỗ trợ nghiên cứu liên kết với trợ cấp và hợp đồng do trường nhận được. Mặc dù các trường đại học công lập đang tìm kiếm nhiều nguồn tài trợ hơn để hỗ trợ việc trao đổi và học tập quốc tế, nhưng sinh viên quốc tế rất khó tìm được các nguồn hỗ trợ tài chính khác ngoài tiền trợ cấp cho nghiên cứu kể trên. Do sinh viên chưa tốt nghiệp thường không được hỗ trợ nghiên cứu, nên học bổng cho sinh viên quốc tế rất hạn chế ở các trường đại học công lập này.
Các trường đại học công lập lớn tọa lạc ở rất nhiều cộng đồng, từ các thị trấn nhỏ đến những khu vực thủ đô rộng lớn. Nhiều trường đại học còn có nhiều khu học xá ở nhiều địa điểm khác nhau trong tiểu bang của mình, và nhiều tiểu bang còn có nhiều hệ thống đại học công lập.
Đại học công lập được quản lý bởi một ban quản trị, và ban này có trách nhiệm báo cáo với chính quyền bang. Không giống ở nhiều nước khác, các trường đại học ở Hoa Kỳ không phải báo cáo lên cấp bộ trưởng giáo dục của liên bang mà phần lớn các tiểu bang tự quản lý chính sách giáo dục, ngoại trừ hai trường hợp đặc biệt là quỹ cho sinh viên vay vốn của liên bang và quỹ nghiên cứu thông qua các cơ quan của liên bang như Quỹ Khoa học Tự nhiên, Viện Sức khỏe Quốc gia, và các cơ quan khác của liên bang.
Một số truyền thống của đại học công lập ở Hoa Kỳ hoàn toàn khác với các nước khác. Ngay cả ở những trường được tiểu bang hỗ trợ này, sinh viên vẫn phải đóng mot phan học phí và các khoản phí khác, và những chi phí này ngày càng tăng. Ngày nay, thông thường sinh viên phải vay tiền để trả chi phí cho việc học của mình. Việc gây quỹ riêng đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc tài trợ cho các dự án, học bổng và vị trí việc làm trong các trường đại học công lập. Cuối cùng, các sự kiện thể thao liên trường luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của sinh viên, cựu sinh viên, và công chúng, và các sự kiện thể thao này cũng giúp các trường tăng thêm nguồn thu.
Trong số các trường đại học ở Hoa Kỳ, các trường đại học công lập lớn thường có lượng sinh viên và học giả quốc tế nhiều nhất. Ở trường Đại học Tổng hợp bang Minnesota, chúng tôi có hơn 4.500 sinh viên và học giả quốc tế đến từ khoảng 130 quốc gia. Đại học Tổng hợp bang Minnesota cung cấp những dịch vụ hỗ trợ như tư vấn những vấn đề cá nhân và học hành, hướng dẫn làm quen với nước Mỹ và văn hóa đại học, tư vấn việc cư trú và làm thị thực, và các khóa học tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai (ESL), cũng như các chương trình và hội thảo về nhiều đề tài như hiểu biết và giao tiếp giữa các nền văn hóa. Nhiều trường đại học công lập khác cũng có những chương trình tương tự để giúp sinh viên nhìn nhận những rắc rối trong qui tắc quản lý của trường, mặc dù quy mô của các dịch vụ này ở các trường là khác nhau.
Cùng với sự cạnh tranh ngày càng gia tăng với các nước khác, không trường đại học lớn nào của Hoa Kỳ xem nhẹ nguồn lợi từ sinh viên nước ngoài. Kết quả là các trường đại học công lập ngày càng chú ý quan tâm hơn đến việc thu hút những sinh viên ưu tú nhất trên khắp thế giới. Nếu bạn là một sinh viên tích cực, có động cơ rõ ràng và biết tự định hướng để có thể khám phá chân trời kiến thức và một công việc sáng tạo, tôi khuyến khích bạn nên tìm hiểu các cơ hội rất phong phú có thể tìm thấy tại các trường đại học công lập lớn ở Hoa Kỳ.
Robert H. Bruininks
Ý kiến trình bày trong bài này không nhất thiết phản ánh quan điểm hoặc chính sách của Chính phủ Hoa Kỳ.
*****************************************
Nguồn:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét