Thứ Hai, 27 tháng 8, 2007

MỘT VÀI KIẾN THỨC CƠ BẢN VỀ BẢO HỘ TÊN THƯƠNG MẠI


Theo Nghị định 54/2000/NĐ-CP ngày 30/10/2000 của Chính phủ về bảo hộ quyền SHCN đối với bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại và bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến SHCN thì tên thương mại là một trong những đối tượng được bảo hộ quyền SHCN thuộc “các đối tượng khác” theo Điều 780 Bộ luật Dân sự ngày 28/10/1995.
Tên thương mại được bảo hộ là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh, đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây: a) Là tập hợp các chữ cái, có thể kèm theo chữ số, phát âm được; b) Có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với các chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực kinh doanh. Các tên gọi sau đây không được bảo hộ dưới danh nghĩa là tên thương mại: a) Tên gọi của các cơ quan hành chính, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoặc các chủ thể không liên quan tới hoạt động kinh doanh; b) Tên gọi nhằm mục đích thực hiện chức năng của tên thương mại nhưng không có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh của các cơ sở kinh doanh trong cùng một lĩnh vực; c) Tên thương mại gây nhầm lẫn với tên thương mại của người khác đã được sử dụng từ trước trên cùng một địa bàn và trong cùng một lĩnh vực kinh doanh, gây nhầm lẫn với nhãn hiệu hàng hoá của người khác đã được bảo hộ từ trước khi bắt đầu sử dụng tên thương mại đó. (Điều 14 - Nghị định 54/NĐ-CP)


Chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại là tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó (Điều 15). Nội dung quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại 1. Chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại có quyền sử dụng tên thương mại vào mục đích kinh doanh bằng cách dùng tên thương mại để xưng danh trong các hoạt động kinh doanh, thể hiện tên thương mại đó trong các giấy tờ giao dịch, biển hiệu, sản phẩm, hàng hoá, bao bì hàng hoá và quảng cáo.
2. Chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại có quyền chuyển giao tên thương mại theo hợp đồng hoặc thừa kế cho người khác với điều kiện việc chuyển giao phải được tiến hành cùng với toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó. (Điều 16)
Tuy nhiên thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh ở Việt Nam cho thấy hiện tượng trùng “tên thương mại” là vấn đề thường gặp đối với các doanh nghiệp đang vươn lên trở thành tập đoàn hay các doanh nghiệp theo mô hình doanh nghiệp mẹ - con. Theo Điều 14 Nghị định 54 quy định: Tên thương mại được bảo hộ là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động sản xuất kinh doanh đáp ứng đủ các điều kiện sau: Là tập hợp các chữ cái, có thể kèm theo chữ số phát âm được; Có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh trong cùng lĩnh vực. Một doanh nghiệp khi được thành lập hợp pháp lấy tên thương mại đáp ứng đủ những điều kiện trên theo Điều 14 Nghị định 54 thì tên thương mại đó được tự động bảo hộ mà không cần phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đây là điểm khác biệt so với các đối tượng SHCN khác. Giả sử một doanh nghiệp là: Cty TNHH ABC thành lập năm 2000 tại Hà Nội với 4 lĩnh vực hoạt động chính là: sản xuất gỗ dán; sản xuất máy tính; vận tải hành khách trong chiến lược kinh doanh vươn lên trở thành tập đoàn hoá năm 2004 sẽ mở rộng thêm ở 2 lĩnh vực là: may công nghiệp; cho thuê tài chính. Năm 2003 một doanh nghiệp khác cũng có tên là Cty TNHH ABC (2) được thành lập trên địa bàn Hà Nội với 2 lĩnh vực: cho thuê tài chính và may công nghiệp. Khi đó 2 doanh nghiệp trên vẫn tồn tại hợp pháp với cùng 1 tên thương mại vì không cùng lĩnh vực kinh doanh. Nhưng khi Cty TNHH ABC (1) mở rộng hoạt động kinh doanh thêm 2 lĩnh vực như trên thì vấn đề đặt ra là tên thương mại của 2 doanh nghiệp có trùng không và xử lý như thế nào?

Việc Cty TNHH ABC (1) mở rộng thêm hoạt động kinh doanh ở 2 lĩnh vực: Cho thuê tài chính và may công nghiệp sẽ dẫn đến hiện tượng 2 doanh nghiệp có cùng tên thương mại trong cùng lĩnh vực kinh doanh. Giả sử cho rằng Cty TNHH ABC (1) đăng ký bổ sung ở thời gian sau nên đã vi phạm quy định tại điểm C khoản 2 Điều 14 NĐ 54: “Tên thương mại gây nhầm lẫn với tên thương mại của người khác đã được sử dụng từ trước trên cùng 1 địa bàn và trong cùng lĩnh vực kinh doanh...”. Như vậy có hợp lý không khi tên thương mại của Cty TNHH ABC (1) xuất hiện trước. Và sự tồn tại của tên thương mại của 2 doanh nghiệp trên là hoàn toàn hợp pháp và đã được bảo hộ tự động khi mới thành lập. Giả sử nếu Cty TNHH ABC (1) phải đổi tên thương mại mới được đăng ký bổ sung thì có hợp lý và công bằng không khi tên thương mại đó đã tồn tại và có thể đã được khách hàng biết đến (như một thương hiệu) trong suốt những năm qua nhờ chính sách quảng bá và hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Còn nếu đổi tên thì về cơ bản phải xây dựng hình ảnh của doanh nghiệp lại từ đầu. Mặt khác, khách hàng tiêu dùng hoặc sử dụng dịch vụ có thể sẽ dễ nhầm lẫn sản phẩm và dịch vụ của Cty TNHH ABC (1) là của Cty TNHH ABC (2). Vậy nếu sản phẩm, dịch vụ của một trong 2 doanh nghiệp cung cấp không đảm bảo chất lượng hay yêu cầu thì khách hàng sẽ bị nhầm tưởng và dễ có phản ứng (như khiếu nại, khiếu kiện, tẩy chay hàng hoá...). Khi đó uy tín và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp làm tốt sẽ bị ảnh hưởng. Vậy họ sẽ phải làm gì để bảo vệ chính mình? Đây quả là một vấn đề không dễ giải quyết khi doanh nghiệp kia đang hoạt động hợp pháp. Hiện pháp luật chưa có quy định về vấn đề này khiến nhiều doanh nghiệp hoạt động kinh doanh chịu thiệt hại.
********************************************
Văn bản và các điều luật được trích dẫn đã được thay thế bằng văn bản khác

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến