"Tôi đòi bồi thường cho tôi song cũng muốn bằng thực tế đau đớn của bản thân, gửi kiến nghị đến các cơ quan chức năng là với doanh nhân chúng tôi, nếu oan sai mà lại kéo dài đến gần 10 năm thì thiệt hại lớn lắm" - Nguyễn Đình Chiến (Người khởi kiện)
Hành trình đi tìm chân lý cùng tòa án
Vụ này, khi TAND Cần Thơ xử sơ thẩm lần thứ nhất, từ ngày 6 đến 9/4/1998, cáo trạng quy kết ông Nguyễn Đình Chiến chiếm đoạt 18 tỷ đồng nhưng Tòa chỉ xem xét 3,5 tỷ đồng thì tôi đã có niềm tin vào công lý.
Trước đó, sau khi ông Chiến bị bắt tạm giam (ngày 2/10/1996), tôi gặp ông trong nhà giam Long Tuyền (Cần Thơ), hỏi ông về một số điều. Ông trả lời rõ ràng, không né tránh và không lúng túng.
Tôi lại gặp ông Võ Hoàng Minh GĐ MEKONIMEX Cần Thơ, cũng trong trại tạm giam Long Tuyền, vốn là bạn bè, hỏi thẳng và được trả lời thẳng: Ông và ông Chiến làm ăn có hợp đồng, không ai lừa ai. Hơn thế nữa, ông Minh còn ca ngợi ông Chiến là một doanh nhân đàng hoàng.
Tại sao một “nạn nhân bị lừa đảo” lại ca ngợi “người lừa đảo mình”, đó là câu hỏi day dứt trong nghề viết báo của tôi ngay từ khi khởi tố vụ án này.
Xin tóm tắt vụ án: Ông Chiến đại diện cho 2 doanh nghiệp ở Hải Phòng mua của MEKONIMEX Cần Thơ hơn 9.000 tấn đường. Lô đường sau đó được bán cho doanh nghiệp của Lý Hóc Lỷ ở Sóc Trăng (thanh toán bằng đường hoặc sắt, thép, nhựa…).
Các thương vụ có hợp đồng rõ ràng. Hơn thế, mua bán giữa 2 doanh nghiệp của ông Chiến với doanh nghiệp của Lý Hóc Lỷ còn được ngân hàng bảo lãnh.
Nhưng Lý Hóc Lỷ bỏ trốn, ngân hàng bội tín nên 2 doanh nghiệp của ông Chiến nợ MEKONIMEX hơn 40 tỷ đồng. Công an Cần Thơ bắt ông Chiến.
Khi vụ án mới xảy ra, có thể thông cảm với tư duy “bảo vệ tài sản XHCN” lúc đó (MEKONIMEX là DNNN). Tuy nhiên, nhiều năm sau mà vẫn tư duy như thế là lạc hậu.
Nhất là tòa phúc thẩm lần thứ nhất ngày 29 và 30/1/1999 đã tuyên ông Chiến vô tội, xem xét giám đốc thẩm ngày 29/2/2000 cũng không tán thành với việc kết tội thiếu căn cứ của cáo trạng, rồi tiếp tục nhiều lần tòa án hoãn xử, trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại mà VKSND TP Cần Thơ vẫn khăng khăng kết tội theo tư duy cũ thì quả khó chấp nhận.
Nên tại phiên tòa sơ thẩm TAND TC tuyên ông Chiến vô tội ngày 3/3/2006, luật sư Nguyễn Trường Thành bào chữa cho ông Chiến đã phải nhận xét:
Gần 10 năm trôi qua, đất nước có nhiều đổi mới, luật pháp cũng đã thay đổi nhiều để phù hợp với tiến trình phát triển nhưng quan điểm của VKSND TP Cần Thơ với vụ án này thì không thay đổi.
Sau khi tòa phúc thẩm lần thứ nhất đầu năm 1999 tuyên ông Chiến vô tội, thả tự do tại tòa, được hơn 1 năm thì ông Chiến tiếp tục bị lôi vào vòng tố tụng.
Chúng tôi thấy cần phải trực tiếp điều tra chứ không thể đọc các văn bản của cơ quan tố tụng, liền đi đến những nơi có dự án của ông Chiến và các ngân hàng, doanh nghiệp có quan hệ làm ăn với ông.
Đi theo hướng này bởi TANDTC đã yêu cầu: Phải làm rõ tài sản của 2 doanh nghiệp do ông Chiến làm chủ ở thời điểm khởi tố vụ án, nếu tài sản của doanh nghiệp ít hơn nợ phải trả thì mới có thể kết luận ông “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản…”.
Qua điều tra, chúng tôi thấy tài sản của 2 doanh nghiệp do ông Chiến làm chủ rất lớn và đây cũng là vấn đề mà các kết luận điều tra cũng như cáo trạng buộc tội ông Chiến luôn né tránh, không làm rõ.
Chúng tôi còn cảm nhận thêm hai điều nhức nhối. Hai điều này rõ nét ngay những ngày ở thị trấn Vân Đồn (Quảng Ninh) nơi dự án Trung tâm Thương Mại - Du lịch và Dân cư Cái Rồng do VIMPROCO của ông Chiến triển khai trước khi ông bị bắt và đang bị ngưng trệ.
Thứ nhất: Tầm nhìn của một doanh nhân. Trên đảo Cái Rồng có một bến cảng hình thành từ đầu thiên niên kỷ thứ 2, nơi Hoàng tử Lý Long Tường rời đất nước để sang Hàn Quốc. Cha ông lập ra bến cảng này nhằm mở mang giao thương với các nước phương Bắc.
Do nhiều biến cố, một thời gian dài nó bị lãng quên. Khi ông Chiến ra đây thực hiện dự án (năm 1994) thì còn nhiều trắc trở lắm, phải vượt biển hàng buổi trời, trước đó có doanh nhân ra đây đã bỏ về.
Ông Chiến lấp biển, xây dựng con đường với hai dãy phố từ thị trấn Vân Đồn ra đảo Cái Rồng, xuyên đảo tới bến cảng và vòng ra hai sườn núi. Đó là giai đoạn 1.
Giai đoạn 2 của dự án biến vùng biển giữa thị trấn Vân Đồn và đảo Cái Rồng thành khu Thương mại-Du lịch-Dân cư hiện đại. Thế nhưng, triển khai chưa xong giai đoạn 1 thì ông Chiến bị bắt (Hiện nay, khu này nằm trong vùng kinh tế mở của Quảng Ninh, mỗi mét vuông đất giá nhiều triệu đồng).
Đứng trên sườn núi Cái Rồng nhìn cái dự án với biết bao tâm huyết lúc này chỉ còn là bãi đất nham nhở, chúng tôi cảm nhận thật rõ ràng sự mất mát lớn lao cho xã hội.
Đáng tiếc hơn, hỏi những cán bộ và nhân dân địa phương mà chúng tôi có dịp tiếp xúc, họ đều bảo chưa hề thấy Kiểm sát viên của VKSND Cần Thơ tới đây.
Thứ hai: Hiểu thêm vì sao thông tin từ đây vào đến Cần Thơ có nhiều sai lệch. Trong lúc cán bộ và nhân dân địa phương ca ngợi ông Chiến (có người đề nghị dựng tượng ông ở đảo Cái Rồng) thì một số người trong VIMPROCO lại quay mặt với ông.
Tại sao ông chủ của họ (ông Chiến là Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ VIMPROCO) đang được các cơ quan tố tụng xem xét có tội hay không mà họ lại muốn đẩy ông vào tù? Họ đã viết nhiều văn bản gửi đến nhiều nơi quy kết cho ông Chiến những tội hình sự nặng nề. Thì ra nhóm người này chỉ chiếm dưới 5% vốn điều lệ của VIMPROCO.
Khi ông Chiến bị bắt, họ đã giữ con dấu, giữ trụ sở (?). Điều này trái với luật pháp và bị nhiều cơ quan chức năng, ngân hàng ở TP Hải Phòng phản đối. Song đáng nói hơn: Những lập luận của họ phần nào “giống” với lập luận trong cáo trạng truy tố ông Chiến.
Khi báo Tiền phong Chủ nhật có loạt bài “Vụ án tranh cãi xuyên thế kỷ” phản ánh những dấu hiệu oan sai đối với ông Chiến, cảnh báo những thiệt hại to lớn về kinh tế-xã hội, nhóm người này ở VIMPROCO phản ứng quyết liệt.
Khi tòa sơ thẩm tuyên ông Chiến vô tội ngày 3/3/2006, Chủ tọa phiên tòa là bà Dương Thị Thu Hà tâm sự: “Tôi cũng bị nhóm người ở VIMPROCO gửi đơn tố cáo đủ điều”.
Tôi gặp Chánh án TAND TP Cần Thơ, ông Lê Văn Tâm. Ông nói: “doanh nghiệp làm ăn rõ ràng thì không thể buộc tội chủ doanh nghiệp. Hội đồng xét xử độc lập ra quyết định, song vụ này tôi hiểu và tôi tán thành phán quyết tuyên ông Chiến vô tội. Nếu sai thì tôi cũng sẵn sàng chịu trách nhiệm”.
Ngày 10/7/2006, Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP Hồ Chí Minh tuyên bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật, tôi tìm Chánh án Lê Văn Tâm để chúc mừng.
Ông mỉm cười nhẹ nhàng: “Thắng lợi của pháp luật, của tư duy mới, có góp phần của công luận, của báo Tiền phong. Phải như thế để doanh nghiệp , doanh nhân còn có niềm tin làm ăn phát triển đất nước”.
Người yêu cầu bồi thường nói gì về món tiền khổng lồ hơn 452 tỉ đồng ?
Ông Nguyễn Đình Chiến, người bị truy tố oan gần 10 năm trong “vụ án tranh cãi xuyên thế kỷ”, trả lời phỏng vấn báo Tiền phong :
+ Thưa ông, nhận xét chung của bạn đọc báo Tiền phong là số tiền đòi bồi thường quá lớn. Ông nghĩ thế nào?
Tôi cũng biết đó là số tiền lớn. Nhưng thực tế thiệt hại mà các cơ quan tố tụng gây ra trong vụ án oan sai này còn lớn hơn rất nhiều. Chẳng hạn hàng nghìn công nhân ở các doanh nghiệp do tôi làm chủ và các doanh nghiệp có liên quan bị mất hoặc giảm công ăn việc làm, chưa kể thiệt hại do đình trệ sản xuất kinh doanh là không tính được.
+ Xin đi vào những nội dung cụ thể. Ông đòi bồi thường thiệt hại cho cá nhân ông hơn 75 tỷ đồng. Từ đâu có con số lớn như thế?
- Tôi chỉ xin nêu vài con số chủ yếu thôi. Khi vụ án xảy ra, khách hàng chiếm dụng của tôi gần 5 tỷ đồng đến nay chưa trả, con số này có trong cáo trạng truy tố tôi, lãi suất gần 10 năm là hơn 17 tỷ đồng.
Khoản tiền đặt cọc mua hàng 400.000 USD của tôi ở Hãng tàu Biển Đen để nhập hàng hóa, nay hãng này đã giải thể, chỉ tiền lãi đã hơn 22 tỷ đồng. Lãi cổ tức của tôi ở VIMPROCO trong gần 10 năm là gần 32 tỷ đồng.
Cũng vì xảy ra vụ án mà căn nhà 15A Hoàng Diệu (Hải Phòng) của tôi bị phát mãi, tiền cho thuê căn nhà này cũng hơn 1 tỷ đồng.
+ Còn thiệt hại cho 2 doanh nghiệp do ông làm chủ trong đơn của ông là xấp xỉ 217 tỷ đồng. Ông có thể nêu lí do vì sao lại có con số lớn như thế?
- Các chứng thư bảo lãnh mà một số ngân hàng giữ của chúng tôi, lãi suất phát sinh gần 123 tỷ đồng. Thiệt hại của dự án Trung tâm Thương mại-Du lịch và Dân cư Cái Rồng (Quảng Ninh), chưa kể sự đình đốn, riêng số tiền đã đầu tư mà không phát huy được hiệu quả, tính ra lãi suất đã hơn 88 tỷ đồng.
Dự án đầu tư xây dựng tại TP Lạng Sơn với diện tích 26.000 m2, chưa kể thiệt hại bị thu hồi, chỉ tính thiệt hại về lãi suất của số tiền đã đầu tư gần 5 tỷ đồng.
+ Tuy nhiên, Nghị quyết 388 chỉ quy định bồi thường cho người bị oan mà chưa đề cập việc bồi thường cho doanh nghiệp của người bị oan?
- Nhưng trong 2 doanh nghiệp ấy, vốn của tôi chiếm đa số, phải tính thiệt hại cho cá nhân tôi theo tỷ lệ đồng vốn chứ.
+ Vậy còn thiệt hại ở các ngân hàng và doanh nghiệp liên quan như đơn của ông liệt kê, ông có vốn trong đó không?
- Tôi không có vốn trong đó. Tổng thiệt hại cho các ngân hàng và doanh nghiệp liên quan hơn 160 tỷ đồng, các số liệu chủ yếu tôi lấy trong cáo trạng, trong đó các ngân hàng thiệt hại hơn 64 tỷ đồng, MEKONIMEX Cần Thơ gần 45 tỷ đồng (hơn 2,8 triệu USD)…
Tôi liệt kê, một phần để cho thấy tổng thiệt hại do vụ án gây ra, phần khác là sau này các ngân hàng và doanh nghiệp ấy không được kiện đòi tôi.
+ Ngoài ra còn khoản nào nữa không ?
- Tài sản nhà đất tôi sẽ khởi kiện ra tòa để đòi lại. Còn thiệt hại về sức khỏe, cho bản thân và gia đình tôi là rất lớn, khó tính bằng tiền và tôi cũng không tính để khỏi bị hiểu lầm là ăn vạ.
Tôi đòi bồi thường cho tôi song cũng muốn bằng thực tế đau đớn của bản thân mình, gửi một kiến nghị đến các cơ quan chức năng là với doanh nghiệp, doanh nhân chúng tôi, nếu oan sai mà lại kéo dài đến gần 10 năm thì thiệt hại lớn lắm.
Ở đây chưa kể thiệt hại chung cho nền kinh tế của đất nước, như tiền thuế chúng tôi có thể đóng, sự đình đốn, sự mất mát về thời gian không lấy lại được.
*****************************************
Theo Tiền Phong ngày 13/8/2006
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét