Một người thân vừa mới qua đời tại Pháp, không để lại di chúc. Người đã mất có thể là bố, mẹ, bác, cô, vợ, chồng, anh chị, em ruột hay anh chị em họ với một hoặc nhiều người sống tại Việt Nam. Xung quanh vấn đề thừa kế có yếu tố nước ngoài, có nhiều câu hỏi sẽ đặt ra: Ai sẽ là người được hưởng thừa kế? Luật của Pháp có quy định giống luật Việt Nam về quyền thừa kế của vợ hoặc chồng goá hay không? Trình tự giải quyết thừa kế ở pháp được tiến hành ra sao? Đâu là những khoản phí phải trả? Trong hàng loạt vấn đề pháp lý, thuế khoá do việc mở thừaa kế sẽ đặt ra, vấn đề nào cần phải giải quyết trước? Điều gì nên làm và điều gì tuyệt đối không nên làm? Xin chia sẻ cùng các đồng nghiệp một vài hiểu biết về thủ tục thừa kế tiến hành tại Pháp.
Trình tự giải quyết.
Việc giải quyết thừa kế tại Pháp sẽ qua bốn giai đoạn và do một Công chứng viên, được nhà nước uỷ quyền, chịu trách nhiệm thực hiện.
Lập danh sách những người thừa kế.
Trong giai đoạn đầu tiên này, cần lập danh sách những người có quyền hưởng thừa kế và kỳ phần tương ứng của họ.
Để làm việc này, người công chứng viên yêu cầu thân nhân của người quá cố cung cấp tài liệu xác định những thành viên của gia đình mà việc thừa kế có thể sẽ liên hệ đến ( sổ hộ khẩu gia đình, thoả ước hôn nhân bản án ly dị…) tiếp theo, người công chứng viên tập hợp những giấy tờ thể hiện ý chí của người quá cố định đoạt một phần hay toàn bộ di sản thừa kế: di chúc, hợp đồng tặng cho tài sản giữa vợ chồng. Người công chứng viên sẽ tra cứu cơ sở dữ liệu tại Trung tâm lưu trữ di chúc để kiếm những di chúc mà người quá cố đã lập.
Xác định khối di sản thừa kế.
Trong giai đoạn này, Công chứng viên thống kê khối di sản người quá cố để lại, trong đó liệt kê tài sản có (gồm số dư tài khoản, chứng khoản, động sản, bất động sản) cùng với ước tính giá trị của nhưng tài sản này và những khoản nợ. Để làm việc này, người công chứng viên thu thập những giấy tờ như chứng từ sở hữu, giấy báo có ngân hàng, sổ tiết kiệm, hoá đơn… cho phép xác tài sản có và tài sản nợ trong khối di sản. Những người thừa kế cũng cần cung cấp cho người công chứng viên những giao dịch khác nhau người quá cố đã thực hiện như mua, bán, đổi chác, lập công ty, tặng cho.. Tuỳ theo từng trường hợp mà người công chứng viên lập bản tình trạng khối di sản hoặc lập bản kiểm kê tài sản.
Kê khai thừa kế.
Sau hai bước trên, công chứng viên thực hiện các thủ tục liên quan đến đăng ký bất động sản (do có sự chuyển dịch quyền sở hữu) và khai thừa kế gồm lập và gửi cho Cơ quan quản lý thế chấp Giấy chứng nhận bất động sản đối với tài sản trả thuế do cơ quan thuế vụ trong thời hạn 6 tháng kể từ thời điểm mở thừa kế hoặc đề nghị trả chậm hoặc trả từng phần khoản thuế này.Những người thừa kế có thể quyết định trong giai đoạn này việc chia hoặc không chia, một phần hoặc toàn bộ di sản với lời tư vấn của công chứng viên.
Phân chia thực tế di sản thừa kế.
Việc phân chia thực tế khối di sản thừa kế là giai đoạn cuối cùng. Những người thừa kế có thể quyết định không phân chia khối di sản và trong trường hợp này, họ giữ chế độ sở hữu chung (theo phần) bao lâu tuỳ thích.
Tuy vậy, khi chế độ sở hữu chung tỏ ra không phù hợp, những người thừa kế (là đồng chủ sở hữu) có thể quyết định phân chia khối di sản. Về nguyên tắc, quyết định phân chia di sản có thể xảy ra bất cứ lúc nào và theo nguyên tắc tự chia và tự thoả thuận. Trong trường hợp có bất đồng nghiêm trọng (ví dụ như thành phần tài sản của mỗi suất thừa kế hay việc định giá những tài sản đó) tranh chấp sẽ do Toà án giải quyết (tốn thêm thời gian và tiền bạc cho vụ kiện dân sự).
Mất bao nhiêu thời gian ?
Thời gian giải quyết thừa kế tuỳ thuộc nhiều vào đặc điểm từng trường hợp. Trung bình là mất 6 tháng kể từ ngày mở thừa kế. Đó cũng là thời hạn mà luật yêu cầu phải nộp các khoản thuế từ thừa kế. Nếu chậm nộp, thì sẽ phải chịu phạt 0,75%/tháng trên khoản tiền chậm nộp.
Ngoài những trình tự giải quyết chung nói trên, có thể có thêm những thủ tục đặc biệt và như vậy, thời gian sẽ kéo dài thêm vài ba tháng. Ví dụ, nếu có người thừa kế là vị thành niên hoặc người không có năng lực hành vi (đặt dưới chế độ giám hộ hoặc đỡ đầu), thì có thể phải triệu tập Hội đồng gia đình, tham khảo ý kiến của thẩm phán giám hộ hoặc xin phép những người này. Một số tài sản phải được xử lý đặc biệt như sản nghiệp thương mại, nông trại, doanh nghiệp cần phải duy trì hay cần chuyển quyền khai thác cho người khác. Đôi khi phải trưng cầu giám định hoặc người quản lý tư pháp. Việc tìm kiếm những người thừa kế theo luật hoặc theo di chúc đôi khi được trao cho chuyên gia phả hệ, và có thể nói trước thời gian tìm kiếm là bao lâu.
Còn có nhiều yếu tố khác có ảnh hưởng đến quá trình giải quyết thừa kế, và đến thời hạn giải quyết như: Mức độ hoà thuận giữa những người thừa kế, tầm quan trọng của khối di sản hoặc khoản nợ, sự xuất hiện người thừa kế nước ngoài hoặc tài sản thừa kế nằm ở nước ngoài.
Chi phí ?
Những chi phí mà những người thừa kế trả trong quá trình giải quyết thừa kế tại Pháp sẽ bao gồm 3 loại: Thuế trả cho Nhà nước Pháp (gồm thuế thu nhập từ thừa kế giao động từ 5% đến 60% tuỳ theo mức độ gần gũi giữa người thừa kế và người để lại thừa kế và giá trị tài sản được nhận, thuế tem, thuế trên giá trị gia tăng do chuyển nhượng bất động sản), các chi phí mà Công chứng viên đã chi (chi phí để xin một số giấy tờ bắt buộc, lệ phí đăng ký bất động sản) và tiền thù lao của công chứng viên chịu trách nhiệm giải quyết thừa kế (theo biểu thù lao Nhà nước qui định).
=========================
Luật sư Trần Nguyên Hạnh
Văn Phòng Luật sư Nam Á
Nguồn thông tin: http://www.luatsuhanoi. org.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét