Tính đến thời điểm này, chỉ còn không đầy 3 tháng nữa là Luật Luật sư sẽ có hiệu lực thi hành.Tất nhiên, để Luật Luật sư có thể đi vào cuộc sống kể từ ngày 01/01/2007, thì còn rất nhiều việc phải làm: Đó là Chính phủ phải nhanh chóng ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Luật sư và Bộ Tư pháp phải ra kịp thời ra Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định. Ngoài ra, cũng cần đẩy nhanh tiến độ thành lập Tổ chức Luật sư toàn quốc…
Khi Luật Luật sư có hiệu lực pháp luật, thì việc đào tạo nghề luật sư sẽ không còn là chuyện riêng của Học viện Tư pháp. Mà rất có thể có một số cơ sở đào tạo nghề luật sư mới được thành lập theo Luật Luật sư. Nhưng, bất luận thế nào thì vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo và đổi mới nội dung đào tạo nghề luật sư vẫn rất cần được sự quan tâm đúng mực.
Có thể đánh giá một cách khách quan rằng: trong 5 năm vừa qua đã có hàng nghìn người tốt nghiệp khóa đào tạo nghề luật sư tại Học viện Tư pháp. Chính điều này, lý giải cho việc gia tăng nhanh chóng số lượng luật sư trong cả nước, cụ thể:
Số lượng luật sư hiện nay đã tăng lên gần gấp 5 lần số lượng luật sư ở thời điểm năm 2001.
Việc hình thành và phát triển của sự nghiệp đào tạo nghề luật sư ở nước ta mới đang ở năm thứ năm. Trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo thì thời gian 5 năm không phải là dài, nếu không muốn nói là rất ngắn. Nhưng phải nói rằng, thông qua việc đào tạo nghề luật sư, học viên đã được trang bị “vốn kiến thức căn bản của nghề luật sư”. Đây chính là một trong những giải pháp hữu hiệu, góp phần nâng cao chất lượng luật sư và qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ pháp lý cho xã hội.
Do công tác đào tạo nghề luật sư là lĩnh vực mới mẻ, nên đòi hỏi phải nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện được nội dung chương trình đào tạo nghề luật sư cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn của xã hội và chuẩn bị tốt cho quá trình hội nhập.
Thời gian vừa qua, Bộ tư pháp và Học viện tư pháp đã tiến hành tổ chức nhiều cuộc hội thảo với qui mô khác nhau, xoay quanh chủ đề đào tạo nghề luật sư tại Việt Nam. Tất cả các cuộc hội thảo đó, đều hướng tới mục đích là không ngừng nâng cao chất lượng việc đào tạo luật sư của chúng ta trong thời gian tới.
Cùng với công cuộc đổi mới nền kinh tế đất nước, việc cải cách hành chính và cải cách tư pháp là một trong những giải pháp đồng bộ đổi mới đất nước. Cải cách hành chính, cải cách tư pháp là khâu then chốt để chúng ta xây dựng nhà nước pháp quyền, xây dựng một xã hội dân sự, dân chủ và văn minh.
Riêng trong lĩnh vực cải cách tư pháp, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến đội ngũ luật sư và hoạt động của luật sư. Bởi lẽ, bản chất hoạt động luật sư là thước đo quyền dân chủ cơ bản của công dân. Quyền của luật sư càng được tôn trọng bao nhiêu, đồng nghĩa với việc quyền dân chủ cơ bản của công dân càng được bảo đảm bấy nhiêu.
Điều này được thể hiện ngay tại Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 02/ 01/ 2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới, trong đó chỉ rõ: Tòa án chỉ ra bản án dựa trên những tài liệu đã được kiểm tra đánh giá chứng cứ và dựa trên kết quả tranh tụng tại phiên tòa.
Không chỉ có việc ban hành Nghị quyết 08/ NQ-TW mà Bộ Chính trị cũng đã tiếp tục ban hành hai bản Nghị quyết số 48 và số 49 về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020. Một trong những nội dung được đặt ra tại Nghị quyết 49 NQ/ TW ngày 02/ 6/ 2005, là phải hoàn thiện chế định hỗ trợ tư pháp. Tại mục 2-3 về hoàn thiện các chế định bổ trợ tư pháp có nêu rõ: “Đào tạo, phát triển đội ngũ luật sư về số lượng, có phẩm chất chính trị, đạo đức, có trình độ chuyên môn. Hoàn thiện cơ chế bảo đảm để luật sư thực hiện tốt việc tranh tụng tại phiên tòa, đồng thời xác định rõ chế độ trách nhiệm đối với luật sư. Nhà nước tạo điều kiện về pháp lý để phát huy chế độ tự quản của tổ chức luật sư; đề cao trách nhiệm của các tổ chức luật sư với thành viên của mình”.
Như vậy, phải được hiểu là việc đào tạo nghề luật sư là một trong những giải pháp hoàn thiện lực lượng bổ trợ tư pháp. Thông qua đó, góp phần đảm bảo việc luật sư thực hiện tốt nhiệm vụ tranh tụng trước tòa án…
Với tư cách là một bên tham gia trong quá trình tranh tụng, nên mỗi luật sư đều phải không ngừng rèn luyện, học hỏi để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ tranh tụng của mình. Mặt khác, luật sư muốn nâng cao uy tín của mình, nâng cao chất lượng tranh tụng, thì không thể không ngừng học hỏi, cập nhật kiến thức. Chỉ có như vậy, thì luật sư mới có thể bắt kịp được với đòi hỏi ngày càng cao của xã hội.
Nội dung đào tạo nghề luật sư theo yêu cầu của Nghị quyết 49/ NQ-TW là phải đảm bảo “đủ về số lượng, có phẩm chất chính trị, đạo đức, có trình độ chuyên môn”.
Theo chúng tôi, bên cạnh việc đào tạo nghề luật sư cho những người chuẩn bị gia nhập đoàn luật sư. Cũng cần đặt ra nhiệm vụ đào tạo và đào tạo lại “nâng cao tay nghề đối với đội ngũ luật sư hiện có” mới có thể đáp ứng được với nhu cầu về dịch vụ pháp lý chất lượng cao của xã hội, cũng như tiến trình hội nhập WTO đang đến rất gần.
Với tư cách cá nhân, tôi xin có một số ý kiến về thực trạng công tác đào tạo luật sư hiện nay và một số kiến nghị đối với công tác đào tạo nghề luật sư trong giai đoạn tới như sau:
Trước hết, công tác đào tạo luật sư là phải trang bị cho luật sư có phẩm chất chính trị, đạo đức vững vàng trong khi hành nghề (đào tạo về con người). Chỉ có những người có phẩm chất chính trị vững vàng, có tư chất đạo đức tốt thì mới có thể trở thành luật sư chân chính được. Nội dung đào tạo này, được hiểu là đào tạo người “luật sư có cái tâm” và chỉ một người luật sư có tâm mới tạo được uy tín cho khách hàng và cho xã hội. Nói như cụ Nguyễn Du thì “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.
Thứ hai, mục đích đào tạo nghề luật sư sẽ góp phần nâng cao “tay nghề” của các học viên trước khi gia nhập đoàn luật sư. Qua đó, góp phần nâng cao “uy tín chuyên môn” của các tổ chức hành nghề luật sư, của đoàn luật sư và của giới luật sư nói chung.
Nghề luật sư là một nghề đặc thù đòi hỏi người hành nghề phải có trình độ chuyên môn, có kinh nghiệm và những hiểu biết xã hội. Luật sư muốn có kinh nghiệm và kiến thức xã hội, thì cần phải có thời gian hành nghề nhất định. Nhưng đối với kiến thức chuyên môn thì chỉ có sự học, học ở nhà trường và học qua đồng nghiệp.
Học ở nhà trường là quãng thời gian 6 tháng học nghề luật sư; học qua đồng nghiệp là khoảng thời gian 18 tháng tập sự hành nghề luật sư. Theo chúng tôi không riêng gì các người tập sự hành nghề luật sư, mà ngay đối với các luật sư chính thức vẫn rất cần tự học, để tự hoàn thiện mình trong công việc.
Chúng ta thử hình dung một “tổ chức hành nghề có nhiều luật sư có uy tín và kinh nghiệm” đương nhiên tổ chức đó sẽ được tín nhiệm và có nhiều khách hàng. Khi Đoàn luật sư có nhiều “luật sư có uy tín, kinh nghiệm”, thì đương nhiên đoàn luật sư đó ắt được xã hội tôn trọng và đánh giá cao. Khi chúng ta có nhiều đoàn luật sư có nhiều luật sư kinh nghiệm và uy tín, hẳn nhiên sẽ được xã hội nhìn nhận và tôn trọng.
Trên thực tế, ở nơi này, nơi khác vẫn còn có những cái nhìn không mấy thiện cảm và tôn trọng đối với luật sư. Khách quan mà nói, sở dĩ có việc nhìn nhận không đúng mực đối với luật sư, theo chúng tôi xuất phát từ hai nguyên nhân cơ bản sau đây:
Một là, pháp luật tuy có qui định một số quyền và nghĩa vụ cho luật sư khi tham gia tố tụng. Nhưng do không có cơ chế rõ ràng để luật sư thực thi quyền của mình theo pháp luật. Đây chính là nguyên nhân để một số cơ quan tiến hành tố tụng gây khó khăn, cản trở đối với hoạt động luật sư.
Hai là, một số luật sư trong quá trình hành nghề đã dễ dàng thỏa mãn những đòi hỏi “vô lý và vô luật” của các cơ quan tiến hành tố tụng về mặt thủ tục giấy tờ. Việc làm của một số luật sư nêu trên đã gián tiếp ảnh hưởng đến hình ảnh của giới luật sư nói chung.
Khi nói đến công tác đào tạo nói chung và đào tạo luật sư nói riêng, chúng ta không thể không đề cập đến ba yếu tố cấu thành cơ bản quyết định đến chất lượng đào tạo nghề luật sư, đó là: Giáo viên, học viên và nội dung chương trình đào đạo.
1. “Không thày đố mày làm nên”, khâu đầu tiên là phải có một đội ngũ giáo viên có uy tín chuyên môn, có trình độ sư phạm. Họ có thể là những chuyên gia pháp luật, là những luật sư có uy tín và nhiều năm kinh nghiệm hành nghề luật sư.
2. Cần có đội ngũ học viên đạt một chuẩn nhất định trước khi theo học nghề luật sư và thật sư yêu nghề luật sư. Việc học viên cần phải đạt một chuẩn nhất định trước khi theo học đào tạo nguồn luật sư, xuất phát từ nguyên nhân:
- Thứ nhất, đối với những người được cấp bằng cử nhân luật chính qui thì cũng đồng nghĩa là họ đã phải trải qua một kỳ thi tuyển vào trường đại học hết sức khó khăn với tỷ lệ chọi trong những năm vừa qua là 1/10; 1/ 15 thậm chí là 1/ 30.
- Thứ hai, đối với những hệ đào tạo mở, mở bán công, đào tạo tại chức… đương nhiên việc thi đầu vào không đến mức “mười người leo đến chín người rơi” như những người thi vào hệ đào tạo chính qui được.
Minh chứng cho điều này, là hệ đào tạo luật tại Trường mở bán công thành phố HCM từ những năm 92 - 98 của thế kỷ trước, những sinh viên theo học ở đây chỉ ghi danh mà không phải qua thi tuyển đầu vào.
Tuy nhiên, Luật Luật sư lại không có qui định những người theo học khóa đào tạo nghề luật sư phải qua thi tuyển đầu vào. Chính vì vậy, mà việc thi tốt nghiệp khóa đào tạo nghề luật sư và thi chuyển luật sư chính thức cho những người tập sự hành nghề rất cần phải được quan tâm đúng mức.
Theo chúng tôi, “giáo viên và học viên là hai mặt của một thể thống nhất” của quá trình đào tạo nghề luật sư. Chỉ khi có đội ngũ giáo viên giỏi và tận tụy cùng với đội ngũ học viên chăm học mới có thể tạo ra “sản phẩm có chất lượng cao - đó là đội ngũ luật sư đã qua đào tạo”.
Chúng ta không thể đào tạo được một đội ngũ luật sư “có tay nghề”, nếu như không có đội ngũ giáo viên có chuyên môn giỏi, có phương pháp sư phạm tốt, có kinh nghiệm nghề nghiệp để truyền nghề cho học viên.
Ngược lại, khi đã có đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn, có phương pháp giảng dạy tốt và rất tận tụy trong công tác giảng dạy. Nhưng, đối với học viên đi học chiếu lệ, học cho có và mang tính đối phó, thì giáo viên dù có giỏi đến mấy cũng không thể đào tạo ra “sản phẩm tốt được”.
Vì vậy, việc đào tạo nghề luật sư phải đảm bảo hai yếu tố là phải có đội ngũ giáo viên “có tay nghề” có phương pháp sư phạm tốt và đội ngũ học viên luôn tự giác trong học tập thì khi ấy mới có kết quả tốt trong lĩnh vực đào tạo được.
Khi việc đào tạo đã hội đủ hai yếu tố “giáo viên giỏi và học viên tự giác, yêu nghề”. Thì như thế vẫn là chưa đủ, mà chúng ta phải có nội dung chương trình đào tạo nghề luật sư một cách hoàn thiện và phù hợp với thực tế. Việc đào tạo những nội dung gì ? phương thức đào tạo ra sao?, giữ một vai trò quan trọng trong công tác đào tạo nghề luật sư, quyết định chất lượng đào tạo nghề luật sư.
3. Về thời gian và nội dung chương trình đào tạo nghề luật sư.
Về vấn đề thời gian đào tạo nghề luật sư luôn thu hút được sự quan tâm đặc biệt của giới luật sư và những người làm công tác quản lý và đào tạo nghề luật sư. Đã có không ít những ý kiến tham gia đóng góp về thời gian đào tạo nghề luật sư. Nhìn chung, các ý kiến đóng góp được chia làm hai loại ý kiến khác nhau, như sau:
Loại ý kiến thứ nhất: Cần tăng thời gian đào tạo nghề luật sư từ 6 tháng lên ở mức 12 tháng, thậm chí là 18 tháng. Với lập luận rằng, khoảng thời gian 12 tháng mới đủ để đào tạo nghề luật sư một cách đầy đủ và toàn diện.
Mặt khác, với thời gian là 12 tháng hoặc 18 tháng thì Trường đào tạo nghề mới đủ thời gian để hợp nhất một cách tương đối nội dung đào tạo của cả 3 ngành luật sư, thẩm phán và kiểm sát…
Loại ý kiến thứ hai: Chỉ cần giữ nguyên thời gian đào tạo nghề luật sư là 6 tháng như qui định của Pháp lệnh luật sư năm 2001 là đủ. Ở loại ý kiến thứ hai này, mọi người cho rằng: nội dung đào tạo nghề luật sư như thế nào !? mới là quan trọng, vấn đề không phải vấn đề thời gian 6 tháng hay 12 tháng.
Hiện nay, Luật Luật sư đã được Quốc hội khóa X thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2007, trong đó có qui định thời gian đào tạo luật sư là 6 tháng.
Như vậy, vấn đề thời gian đào tạo nghề luật sư là không cần phải bàn cãi. Ở đây, chỉ nên tập trung ý kiến đóng góp xây dựng về nội dung đào tạo nghề luật sư mà thôi. Ở góc độ khác, ngay với đa số những luật sư chính thức hiện nay cũng rất cần được bồi dưỡng và thậm chí đào tạo lại mới có thể đáp ứng được với những đòi hỏi ngày càng cao của đời sống xã hội và tình hình hội nhập.
4. Nội dung đào tạo nghề luật sư.
Như đã phân tích ở phần trên, thời gian là điều kiện cần thiết cho việc đào tạo nghề nói chung và việc đào tạo “nghề luật sư” nói riêng. Nhưng điều quan trọng hơn cả là nội dung đào tạo nghề luật sư.Chúng ta đào tạo những nội dung gì?, cách thức đào tạo ra làm sao ? Tỷ lệ các môn học được phân bổ thế nào cho hợp lý? Đây chính là những nội dung cần được sự quan tâm đóng góp một cách thỏa đáng và từ nhiều phía.
Hiện nay, chúng ta mới chỉ có duy nhất Học viện Tư pháp là đào tạo nghề luật sư. Tuy ở nơi này hay nơi khác vẫn còn có những ý kiến đánh giá khác nhau về vấn đề chất lượng đào tạo nghề luật sư tại đây. Nhưng nói cho khách quan, thì hiện nay và có lẽ cả sau này, Học viện Tư pháp vẫn sẽ là cơ sở đào tạo nghề luật sư được tin cậy, bởi “bề dày đào tạo”của trường . Vẫn biết rằng, khi Tổ chức Luật sư toàn quốc được thành lập, Trường đào tạo nghề luật sư có thể ra đời, nhưng Học viện Tư pháp vẫn có thể là sự “ưu tiên lựa” chọn của các học viên khi quyết định theo học nghề luật sư. Trong thời gian vừa qua, Học viện Tư pháp đã rất nỗ lực trong việc xây dưng chương trình, biên soạn giáo trình và đổi mới nội dung bài giảng đối với các khóa đào tạo luật sư. Có thể nói những nỗ lực tự thân của lãnh đạo và giáo viên Nhà trường trong việc xây dựng nội dung chương trình đào tạo đều nhằm hướng tới đích xây dựng “thương hiệu và công nghệ đào tạo cho riêng mình”.
Về nội dung đào tạo nghề luật sư, chúng tôi xin nêu một số ý kiến đóng góp cụ thể như sau:
1. Theo tinh thần của Nghị quyết 49/ NQ-TW về vấn đề hoàn thiện đội ngũ bổ trợ tư pháp đã chỉ rõ: “Đào tạo, phát triển đội ngũ luật sư về số lượng, có phẩm chất chính trị, đạo đức, có trình độ chuyên môn”…
Như vậy, nội dung đầu tiên trong công tác đào tạo luật sư là đào tạo con người có phẩm chất chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng. Trong hoạt động nghề nghiệp của luật sư yếu tố con người ở đây cũng rất cần phải có tâm, có phẩm chất đạo đức và bản lĩnh vững vàng trong khi hành nghề.
Việc tăng cường nội dung đào tạo phẩm chất đạo đức, chính trị cho học viên trong quá trình đào tạo luật sư, sẽ giúp cho họ sau này khi hành nghề có trách nhiệm hơn. Mặt khác, bản chất nghề luật sư là nghề tự do và công việc hàng ngày của họ luôn cọ xát với tội phạm và tiền bạc, luật sư sẽ không bị nghiêng ngả, vấp ngã…
Chỉ khi nào, chúng ta đào tạo được một đội ngũ luật sư có phẩm chất chính trị, đạo đức và có bản lãnh vững vàng trong hoạt động nghề nghiệp. Thì khi ấy, giới luật sư mới tạo được sự tín nhiệm, tôn trọng của khách hàng và sự tôn vinh của xã hội.
2. Nội dung đào tạo chuyên môn nghề luật sư:
Nội dung thứ hai trong công tác đào tạo luật sư theo tinh thần Nghị quyết số 49/ NQ-TW là việc đào tạo chuyên môn cho luật sư. Tổ chức của luật sư mang tính chất xã hội và hoạt động của luật sư là hoạt động mang tính nghề nghiệp cao..Do vậy, luật sư trong quá trình hành nghề bắt buộc phải có chuyên môn, đó là chưa nói đến có chuyên môn cao. Do tính chất nghề nghiệp của luật sư cho nên vấn đề đào tạo chuyên môn cho luật sư là đặc biệt quan trọng. Nếu ví như “việc đào tạo luật sư có phẩm chất chính trị, đạo đức là việc đào tạo “con người có tâm” thì việc đào tạo chuyên môn cho luật sư được hiểu là đào tạo cho họ có “tài” hoặc cao hơn nữa là có “ tầm”.
Bên cạnh đó, nội dung đào tạo nghề luật sư cần phải được cập nhật thường xuyên và mang tính thực tiễn cao, để khi ra trường các học viên có thể thích ứng được với công việc tranh tụng cũng như tư vấn cho khách hàng.
Kiến nghị:
* Nghề luật sư là “nghề nói”, “khôn ngoan ra cửa quan mới biết” do đó, cho dù tham gia tranh tụng hay tư vấn pháp luật thì việc trình bày của luật sư là “tối quan trọng”. Phải xem việc rèn luyện kỹ năng nói “hùng biện” là một nội dung quan trọng trong công tác đào tạo nghề luật sư. Điều này, không chỉ có ý nghĩa khi luật sư nói trước những nơi đông người, mà còn cần thiết cả khi giao tiếp, tư vấn cho ít người, thậm chí cho một người.
Vì vậy, theo quan điểm của chúng tôi là bổ sung vào nội dung đào tạo luật sư “ kỹ năng hùng biện” cho học viên. Việc này, có thể được tiến hành dưới nhiều hình thức như: tổ chức những cuộc thi hùng biện, chú trọng tỷ lệ luật sư tham gia diễn án, giảng dạy theo cơ chế phát huy sự sáng tạo và trình bày cho học viên…
* Ngoài việc đào tạo và rèn luyện kỹ năng nói cho luật sư, thì vấn đề đào tạo và rèn luyện kỹ năng viết văn bản cho luật sư cũng rất cần được quan tâm đúng mức. Trong hoạt động nghề nghiệp của luật sư thì luật sư sẽ phải viết rất nhiều như: viết quan điểm bào chữa, viết luận cứ bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, viết dự án…Trên thực tế chúng ta gặp không ít những trường hợp “lúng túng” khi yêu cầu phải viết quan điểm của mình về một vụ án hoặc một vấn đề cụ thể nào đó…
Từ thực tiễn như vậy, nên chăng cũng cần xem xét đưa vào nội dung đào tạo luật sư “kỹ năng viết” cho luật sư để khi hành nghề họ hiểu cần viết cái gì và cách viết ra làm sao?...
Tóm lại, việc đào tạo luật sư có phẩm chất chính trị, đạo đức có trình độ chuyên môn theo tinh thần Nghị quyết số 49/ NQ-TW. Chúng ta cần rất cần phải có đủ ba yếu tố cơ bản là: Đội ngũ giáo viên; đội ngũ học viên và phải có nội dung chương trình đào tạo nghề luật sư thích ứng với yêu cầu đào tạo. Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải chuẩn bị tốt khâu “phục vụ cho công tác đào tạo” như giáo vụ, hành chính, quản lý học viên và cơ sở vật chất như trường lớp…
5. Thời gian tập sự của luật sư.
Tới đây, khi Luật Luật sư có hiệu lực thi hành vào ngày 01/ 01/2007, thì thời gian tập sự hành nghề luật sư chỉ còn là 18 tháng. Theo quan điểm của chúng tôi, trong thời gian thời gian tập sự hành nghề, hiểu theo một nghĩa nào đó vẫn là thời gian học của người tập sự hành nghề luật sư.
Bởi lẽ, sự học phải đi đôi với hành, học và hành vừa điều kiện vừa là mục đích của nhau. Học nghề luật sư và tập sự hành nghề là hai mặt thống nhất của quá trình đào tạo nghề luật sư. Bởi lẽ, muốn đủ điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư thì phải hoàn thành cả việc học và việc tập sự hành nghề…Tập sự hành nghề mà không được học nghề thì làm việc gì cũng khó khăn. Có học mà không được thực hành, thì sự học cũng là “một mớ” lý thuyết suông.
Vì vậy, quá trình tập sự hành nghề là thời gian học viên đem những kiến thức đã học áp dụng vào thực tiễn công việc và được đặt dưới sự hướng dẫn của Luật sư chính thức.
Thực tiễn cho thấy, không ít trường hợp người đăng ký ghi danh tập sự một cách hình thức tại một Tổ chức hành nghề nghề luật sư nào đó, để rồi họ không bao giờ có mặt. Cũng không ít trường hợp người tập sự rất chăm chỉ và cầu thị, nhưng Luật sư hướng dẫn “trăm công ngàn việc, đầu tắt mặt tối” thì cũng không thể có thời gian để hướng dẫn tập sự tốt được. Trong trường hợp này, người thiệt thòi là người được chịu sự hướng dẫn tập sự.
Để giải quyết tình trạng này, tới đây khi Tổ chức luật sư toàn quốc được thành lập cũng cần tính đến việc có những qui định thống nhất nghĩa vụ đối với người tập sự hành nghề luật sư và nhiệm vụ của luật sư hướng dẫn tập sự.
6. Việc bồi dưỡng, tập huấn, đào tại nâng cao tính chuyên sâu cho đội ngũ luật sư.
Cùng với công cuộc đổi mới đất nước và nhất là để chuẩn bị cho quá trình hội nhập hội nhập với tổ chức kinh tế lớn nhất hành tinh-WTO. Nhà nước ta đang tích cực sửa đổi, bổ sung và ban hành mới rất nhiều luật mới cho phù hợp với tiến trình hội nhập với tổ chức kinh tế toàn cầu.
Chính vì vậy, vấn đề đặt ra là Tổ chức luật sư toàn quốc tới đây và trước mắt là các đoàn luật sư sẽ phải tiến hành bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật mới và thậm chí phải đào tạo lại đối với đội ngũ luật sư hiện có. Đây vừa là nhiệm vụ mang tính thời sự đối với cá nhân các luật sư mà còn có ý nghĩa với các tổ chức hành nghề luật sư và các đoàn luật sư.
Chúng ta hy vọng rằng, công tác đào tạo nghề luật sư sẽ thật sự khởi sắc, chất lượng đào tạo luật sư sẽ được nâng cao khi Luật Luật sư có hiệu lực thi hành vào ngày 01/ 01/ 2007 tới đây.
**********************************************************************
Luật sư Hoàng Huy Được
Phó Chủ nhiệm ĐLS thành phố Hà Nội
NGUỒN: http://www.luatsuhanoi.org.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét