Thứ Ba, 21 tháng 8, 2007

THỦ TỤC TỐ TỤNG HÌNH SỰ

Tố tụng hình sự bắt đầu khi một đạo luật bị vi phạm và trải qua các giai đoạn bắt giữ, cáo trạng, xử sơ thẩm và phúc thẩm. Ở Mỹ không có một trình tự tố tụng hình sự hoặc dân sự thống nhất. Thay vào đó, hệ thống liên bang có một trình tự tố tụng ở cấp độ quốc gia, và mỗi bang và lãnh thổ có những quy tắc và quy định riêng tác động lên thủ tục tố tụng. Những chuẩn mực và sự tương đồng tồn tại giữa tất cả các thực thể chính quyền này, và ở đây chúng tôi sẽ tập trung trao đổi về các chuẩn mực và tương đồng đó, mặc dù thực tế không có hai bang nào có hệ thống tòa án hoàn toàn giống nhau, và không bang nào có hệ thống tòa án hoàn toàn giống với hệ thống tòa án của chính quyền quốc gia.

BẢN CHẤT VÀ CĂN NGUYÊN CỦA TỘI PHẠM

Một hành động không tự động được coi là tội phạm vì nó gây tổn hại hay sai trái. Một hành động chỉ cấu thành tội phạm thực sự khi hành động đó vi phạm một cách cụ thể một đạo luật hình sự do Quốc hội, một cơ quan lập pháp bang hay một số cơ quan công quyền khác ban hành. Khi đó, tội phạm là một hành vi chống lại bang, mà có thể bị phạt tiền, ngồi tù hoặc tử hình. Tội phạm là sự vi phạm các nghĩa vụ đối với toàn thể cộng đồng và chỉ có thể bị trừng phạt bởi bang. Chế tài phạt tù hay tử hình không thể được đặt ra bởi một tòa án dân sự hay trong một hành động dân sự (mặc dù tiền phạt có thể là hình phạt dân sự hoặc hình sự).

Ở Mỹ, hầu hết tội phạm đều cấu thành từ một hành động sai trái như tấn công nghiêm trọng hay tham ô; một số ít tội phạm cấu thành từ việc không hành động như không dừng lại hay không trợ giúp sau một tai nạn giao thông hoặc không nộp một khoản hoàn thuế thu nhập. Bang coi một số tội phạm là nghiêm trọng như giết người hay phản quốc, và sự nghiêm trọng này được phản ánh ở những chế tài tương ứng như tù chung thân hay án tử hình. Bang coi những tội phạm khác chỉ bị khiển trách phần nào như vi phạm đỗ xe hai lần (double parking) hay quấy rối trật tự, và chịu nộp một ít tiền phạt hay một đêm trong nhà tù địa phương đại loại như một hành động nhắc nhở của chính quyền.

Một số tội phạm, như bắt cóc hay cưỡng hiếp, cấu thành những hành động mà thực sự mọi công dân đều coi là nằm ngoài phạm vi những hành xử có thể chấp nhận được của con người, trong khi những tội phạm khác cấu thành những hành động mà quan điểm về chúng có thể khác nhau. Chẳng hạn, một điều luật của bang Michigan năm 1897 coi việc chửi rủa trước mặt trẻ em là phạm pháp, và một đạo luật của bang Nebraska cấm chơi bingo trong bữa tối ở nhà thờ. Những đạo luật hình sự khác lại hết sức ngớ ngẩn: Tại bang Wisconsin, việc hát trong quán bar là phạm pháp, và ở bang Louisiana, việc xuất hiện trong tình trạng say xỉn tại cuộc họp của một hội văn học là điều bị cấm.

Những tội phạm nghiêm trọng nhất ở Mỹ là những tội nặng / trọng tội (felonies). Tại phần lớn các bang trọng tội là bất kỳ sự phạm tội nào mà hình phạt có thể là tử hình (ở những bang cho phép điều đó) hay tống giam vào nhà đá (một nhà tù liên bang hoặc bang); tất cả những tội khác là tội nhẹ / khinh tội (misdemeanors) hoặc vi cảnh (infractions). Ở những bang khác và theo luật liên bang, trọng tội là một tội mà hình phạt có thể là tử hình hoặc phạt tù từ một năm trở lên. Do vậy, việc định nghĩa trọng tội là khác nhau ở một số bang tùy theo nơi diễn ra hình phạt; ở một số bang và theo chính quyền liên bang, thời hạn của bản án là yếu tố chính. Những ví dụ về trọng tội bao gồm giết người, hãm hiếp bằng vũ lực và cướp có vũ khí.

Tội nhẹ / khinh tội (misdemeanors) được bang coi là những tội ít nghiêm trọng, và hình phạt của chúng thường là giam trong nhà tù của thành phố hay địa hạt trong thời gian dưới một năm. Say rượu nơi công cộng, đánh bạc lặt vặt và sống lang thang là những ví dụ chung về những vi phạm nhỏ. Một số bang còn có phân loại thứ ba về tội phạm là vi cảnh (infractions). Thông thường loại này bao gồm những vi phạm giao thông nhỏ, như vi phạm nơi đỗ xe, và hình phạt thường là nộp ít tiền phạt. Tiền phạt cũng có thể là một phần trong hình phạt dành cho những tội nhẹ / khinh tội và tội nặng / trọng tội.

PHÂN LOẠI TỘI PHẠM

Năm hạng mục rộng phân loại tội phạm bao gồm những loại vi phạm hình sự chủ yếu ở nước Mỹ ngày nay là tội phạm thông thường, tội phạm kinh tế, tội phạm có tổ chức, tội phạm chính trị và tội phạm đồng thuận.

Tội phạm thông thường

Tội phạm tài sản chiếm tỷ trọng lớn trong 31,3 triệu vụ tội phạm thông thường hàng năm ở Mỹ. Tội phạm tài sản được chính phủ phân biệt với tội phạm bạo lực mặc dù hai loại tội phạm này thường có mối quan hệ mật thiết. Chẳng hạn, kẻ trộm đột nhập vào nhà và vô tình chạm mặt chủ nhà có sức kháng cự; tên trộm này có thể làm bị thương người chủ nhà và do vậy sẽ bị kết tội không chỉ là ăn trộm tài sản.

Những tội phạm thông thường ít gặp hơn nhưng đáng sợ hơn là những tội liên quan đến con người. Những tội phạm bạo lực này bao gồm giết người và sát hại có chủ ý, hiếp dâm có bạo lực, cướp và hành hung nghiêm trọng.

Tội phạm kinh tế

Có bốn loại tội phạm kinh tế lớn:

  • Những tội phạm cá nhân bao gồm hành động phạm tội không dùng bạo lực mà một người bắt người khác phải chịu với hy vọng có được tiền. Những ví dụ bao gồm cố ý viết séc sai, gian trá với thuế thu nhập của mình và gian lận về tiền trợ cấp.
  • Việc lợi dụng niềm tin xảy ra khi các nhân viên trong doanh nghiệp và chính phủ vi phạm sự trung thực đối với người chủ hay khách hàng của họ và tham gia vào những việc làm như hối lộ thương mại, ăn trộm và biển thủ từ nơi làm việc, và lập sai hồ sơ các tài khoản chi tiêu.
  • Tội phạm kinh doanh là những tội phạm mà không nằm trong mục tiêu trọng tâm của doanh nghiệp kinh doanh nhưng có liên quan đến (hoặc trợ giúp cho) mục tiêu đó. Quảng cáo sai, vi phạm các luật chống tơ-rớt, và tính sai khấu hao để làm lệch thuế thu nhập công ty đều là tội phạm kinh doanh.
  • Những trò gian lận là hoạt động tội phạm mà những người lao động trí óc phạm phải dưới hình thức một doanh nghiệp/hoạt động kinh doanh.

Những tội phạm có tổ chức

Tội phạm có tổ chức là do những nhóm người phạm phải và thường được điều hành trên cơ sở một hệ thống thứ bậc nào đó. Nó thể hiện một hành động đang diễn ra gắn chặt với nỗi sợ hãi và tham nhũng. Tội phạm có tổ chức có xu hướng tập trung vào những lĩnh vực cực kỳ cám dỗ như buôn lậu thuốc, đánh bạc, mại dâm và cho vay nặng lãi (cho vay tiền với lãi suất và mức trả nợ gốc rất lớn).

Tội phạm chính trị

Tội phạm chính trị thường cấu thà nh một tội chống lại chính quyền: phản quốc, nổi loạn có vũ trang, ám sát các quan chức xã hội và xúi giục nổi loạn. Tuy nhiên, thuật ngữ này đã được chính phủ coi là bao gồm tội phạm do cá nhân công dân, các nhóm chống đối và chính quyền hay quố c gia nước ngoài phạm phải - chẳng hạn những cuộc nghe trộm (wiretaps) bất hợp pháp do chính quyền của các nhóm chống đối về chính trị tiến hành hay việc quân đội từ chối điều tra những vụ quấy rối tình dục.

Tội phạm đồng thuận

Cái gọi là tội phạm không có nạn nhân, như mại dâm, đánh bạc, sử dụng ma tuý, và những hà nh vi tính dục bất hợp pháp giữa những người trưởng thành đồng thuận, được gọi là đồng thuận (consensual) vì cả kẻ gây ra lẫn đối tượng đều mong muốn hành động bị cấ m đoán đó.

NHỮNG YẾU TỐ CẤU THÀNH TỘI PHẠM

Mọi tội phạm đều có một vài yếu tố cấu thành khác biệt, và không thể bị kết tội trừ phi bang có khả năng trình bày tại tòa sự tồn tại của những yếu tố thiết yếu này. Mặc dù thủ tục tố tụng ở phòng xử án có thể không tập trung một cách riêng rẽ và phân biệt vào mỗi một yếu tố cấu thành này nhưng chúng ít nhất cũng ẩn chứa xuyên suốt toàn bộ quá trình kết tội chính xác ai đó đã phạm một tội hình sự.

Luật định nghĩa tội phạm và hình phạt

Nếu một hành động được coi là bị cấm hoặc được luật pháp yêu cầu thì một cơ quan chức năng được thành lập chính đáng (thường là bởi Quốc hội hoặc cơ quan lập pháp bang) phải giải thích sự việc một cách chính xác để toàn thể công dân có thể biết trước hành vi nào là bị cấm hay được yêu cầu. Các nhà làm luật cũng phải công bố những hình phạt sẽ được áp dụng đối với cá nhân tham gia vào hành vi gây phương hại.

Có một vài hệ quả của nguyên tắc chung này. Một hệ quả là Hiến pháp Mỹ cấm các luật hình sự có giá trị hồi tố (ex post facto), có nghĩa là các luật tuyên bố một số hành vi là phạm pháp sau khi hành vi đó đã diễn ra. Cũng như vậy, bang có thể không thông qua lệnh tước quyền công dân và tịch thu tài sản, là những đạo luật chọn ra một người hay một nhóm người riêng biệt và tuyên bố một điều gì đó là phạm tội đối với họ nhưng lại là hợp pháp với tất cả những người khác. Một hệ quả cuối cùng là luật định nghĩa tội phạm cần phải chính xác để người bình thường cũng có thể xác định trước hành vi nào là bị cấm hay được yêu cầu.

Actus Reus (khách quan của tội phạm)

“Actus reus” là một cụm từ tiếng Latinh có nghĩa là hành động phạm tội mà bị cáo phạm phải dẫn đến việc khởi tố theo pháp luật. Actus reus là yếu tố vật chất của tội phạm. Yếu tố này có thể là việc phạm phải một hành động bị cấm (chẳng hạn, sự đe dọa và hành hung), hoặc có thể là không thực hiện hành động được yêu cầu (chẳng hạn, một người từ chối không dừng lại và giúp đỡ nạn nhân tai nạn xe máy).

Mens Rea (chủ quan của tội phạm)

“Mens rea” (một thuật ngữ Latinh) chỉ yếu tố tinh thần căn bản của tội phạm. Hệ thống pháp luật Mỹ luôn có sự phân biệt giữa sự phương hại bị gây ra một cách có chủ ý và sự phương hại bị gây ra do sơ suất hay ngẫu nhiên. Do đó, nếu một người lấy đi cuộc sống của một người khác thì bang không phải lúc nào cũng coi đó là tội giết người. Nếu việc giết người do một cá nhân lành mạnh thực hiện với dã tâm có suy tính trước thì đó có thể được coi là “giết người ở mức độ cấp một”. Nhưng nếu việc giết người xảy ra do hăng máu cãi lộn ở quán rượu thì có thể được gọi là “giết người ở mức độ cấp hai” và chịu hình phạt thấp hơn. Việc lái xe cẩu thả trên đường cao tốc gây ra cái chết của người khác sẽ được coi là “giết người do khinh suất” - một sự sai trái, chắc chắn là như vậy, nhưng không nghiêm trọng bằng tội giết người có chủ ý trong con mắt của bang.

Thiệt hại hay hậu quả

Một tội phạm bao gồm một thiệt hại hay sai trái cụ thể mà người này phạm phải đối với người khác. Tội phạm có thể làm phương hại toàn thể xã hội như bán những bí mật quân sự cho một chính quyền nước ngoài, hoặc sự tổn hại có thể giáng xuống một người và, do bản chất của nó, bị coi là xâm phạm toàn bộ xã hội. Bản chất của thiệt hại, giống như chủ quan của tội phạm (mens rea), thường xác định bản chất của tội phạm. Ví dụ, hai tài xế cắt mặt nhau trên đường. Cuối cùng cả hai đều dừng xe và nhảy ra ngoài đánh nhau. Giả sử một trong số họ đánh người kia trọng thương đến chết. Tội phạm có thể là giết người (ở cấp độ nào đó). Nếu người bị đánh không chết nhưng bị chấn thương cơ thể nặng thì tội phạm là hành hung nghiêm trọng (aggravated assault). Nếu sự tổn hại là nhỏ thì có thể buộc tội là hành hung không nghiêm trọng (simple assault). Do bản chất của sự tổn hại thường xác định sự vi phạm nên bản chất của sự tổn hại thường được khẳng định là yếu tố pháp lý then chốt của tội phạm.

Một số hành động có thể là tội phạm ngay cả khi trên thực tế không có sự tổn hại nào. Hầu hết tội phạm có âm mưu hình sự đều rơi vào loại này. Chẳng hạn, nếu một vài người lập kế hoạch ám sát một thẩm phán hay hối lộ những thành viên bồi thẩm đoàn để cố gắng làm cho kẻ phạm tội không bị kết án thì tội phạm sẽ là âm mưu cản trở việc xét xử. Đây cũng có thể là tội phạm ngay cả khi thẩm phán không hề bị phương hại và các thành viên bồi thẩm đoàn không nhận được đồng nào. Tất cả những điều được yêu cầu ở đây là tội phạm phải được lập kế hoạch và có chủ đích, và một số hành động cụ thể, công khai phải do một trong những kẻ chủ mưu thực hiện để thúc đẩy kế hoạch của chúng (như việc mua vũ khí hay sở hữu bản đồ con đường mà thẩm phán đi từ nhà đến phòng xử án).

Quan hệ nhân quả giữa hành động và thiệt hại

Trước khi có thể kết án một tội phạm hình sự, bang phải chứng tỏ rằng bị cáo, khi hành động theo chuỗi tự nhiên và liên tục, đã tạo ra tình huống gây phương hại. Thông thường, việc chứng minh mối quan hệ nhân quả không phải là khó khăn. Nếu “Bill” đâm “John” bằng một con dao và gây thương tích nhẹ thì rõ ràng là Bill đã phạm tội hành hung bằng vũ khí có thể gây chết người. Nhưng nếu John không được chăm sóc thuốc men đầy đủ cho vết thương khiến vết thương bị nhiễm trùng và làm anh ta chết thì chuyện gì sẽ xảy ra? Hoặc nếu sau khi bị đâm, John lỡ va vào một người thứ ba khác và khiến cô ta bị thương thì sao? Liệu Bill có bị buộc tội vì điều đó không?

Giải pháp cho những câu hỏi như vậy thường rất khó đối với các thẩm phán và bồi thẩm đoàn. Luật pháp yêu cầu phải tính đến mọi tình huống. Bị cáo chỉ bị kết tội khi bang có thể chứng tỏ rằng hành động của bị cáo là nguyên nhân trực tiếp, tức thì hay quyết định đến sự phương hại của nạn nhân.

THỦ TỤC TRƯỚC KHI XÉT XỬ SƠ THẨM

Trước khi một phiên tòa sơ thẩm hình sự được tiến hành, luật pháp của liên bang và bang yêu cầu rất nhiều thủ tục và sự kiện. Một số bước do Hiến pháp Mỹ và hiến pháp bang ủy quyền, một số do phán quyết của tòa án, và số khác do những đạo luật lập pháp. Phần còn lại thường là tập tục và truyền thống. Mặc dù bản chất chính xác của những sự kiện mang tính thủ tục này thay đổi theo thực tiễn của liên bang và bang – và giữa các bang với nhau – nhưng vẫn có những điểm tương đồng trên toàn đất nước. Tuy nhiên, những thủ tục này không mang tính tự động hay lệ thường mà đúng hơn là những người ra phán quyết của hệ thống pháp lý thực thi quyền tự quyết tại mọi bước tùy theo giá trị, thái độ và thế giới quan của họ.

Việc bắt giữ

Bắt giữ là sự liên hệ quan trọng đầu tiên giữa bang và bị cáo. Hệ thống pháp lý Mỹ đưa ra hai loại bắt giữ cơ bản – bắt giữ có lệnh và bắt giữ không có lệnh. Lệnh bắt giữ được ban hành sau khi một đơn kiện, do một người lập hồ sơ để kiện người khác, đã được trình bày và xem xét bởi một thẩm phán tiểu hình, người đã tìm ra nguyên nhân hợp lý cho việc bắt giữ. Bắt giữ không có lệnh xảy ra khi tội phạm diễn ra trước sự có mặt của một cảnh sát hay khi một viên cảnh sát có nguyên nhân hợp lý để tin rằng một người nào đó đã phạm (hoặc dường như phạm) một tội. Niềm tin như vậy sau đó phải được thể hiện bằng một tuyên bố cam đoan hoặc một bản cam kết. Ở Mỹ, 95% các cuộc bắt giữ là không có lệnh.

Quyết định của cảnh sát có bắt giữ hay không không hề đơn giản hay mang tính tự động một chút nào. Để chắc chắn, viên cảnh sát chứng kiến vụ giết người sẽ bắt giữ ngay tại chỗ nếu có thể. Nhưng hầu hết những vụ vi phạm pháp luật đều không đơn giản hay rõ ràng, và những viên chức cảnh sát có được - và thực thi - quyền tự quyết lớn về việc có bắt giữ người nào đó hay không. Những nguồn lực cần thiết không sẵn có cho cảnh sát một cách giản đơn để họ khởi kiện tất cả những hành động mà Quốc hội và các cơ quan lập pháp cấm. Do vậy, quyền tự quyết phải được thực thi để xác định phân bổ thời gian và nguồn lực đang có như thế nào. Quyền tự quyết của cảnh sát được phát huy tối đa trong một số lĩnh vực.

Những vi phạm nhỏ. Nhiều cẩm nang cho cảnh sát khuyên các sĩ quan rằng khi xảy ra những vi phạm luật pháp không đáng kể thì cảnh cáo, nhắc nhở là biện pháp hợp lý hơn so với bắt giữ. Vi phạm giao thông, những hành xử sai của tuổi vị thành niên, say rượu, đánh bạc và sống lang thang cấu thành những tội không quá nghiêm trọng và đòi hỏi cảnh sát phải có sự phán xét.

Nạn nhân sẽ không tìm cách khởi kiện. Không cưỡng chế thi hành luật pháp cũng là nguyên tắc trong những tình huống mà nạn nhân của một tội phạm sẽ không hợp tác với cảnh sát trong việc khởi tố một vụ án. Chẳng hạn, trong trường hợp tội phạm tài sản không đáng kể, nạn nhân thường thỏa mãn nếu có bồi thường và không thể có đủ thời gian để làm chứng trước tòa. Nhìn chung, cảnh sát bắt buộc phải tôn trọng mong muốn của nạn nhân trừ phi họ đã dùng hết những nguồn lực to lớn để điều tra một tội phạm tài sản cụ thể.

Khi nạn nhân của một tội phạm đang có mối quan hệ với kẻ phạm tội thì cảnh sát thường có xu hướng bắt giữ. Những mối quan hệ như vậy bao gồm chủ nhà và người thuê nhà, người hàng xóm này với người hàng xóm khác, và cho đến gần đây là giữa chồng và vợ. Tuy nhiên, trong trường hợp cuối này, nhận thức được đề cao về bạo lực trong gia đình có ảnh hưởng cực kỳ quan trọng đến các thủ tục của cảnh sát.

Hãm hiếp và quấy rối trẻ em cấu thành một hạng mục tội phạm quan trọng khác mà đối với chúng thường không có bắt giữ vì nạn nhân sẽ không hoặc không thể hợp tác với cảnh sát. Thông thường, về mặt cá nhân nạn nhân quen biết với, hoặc liên quan đến, kẻ phạm tội và nỗi sợ bị trả đũa hay công khai thù địch ngăn cản nạn nhân khởi kiện.

Nạn nhân cũng tham gia vào hành vi sai trái. Khi cảnh sát nhận thấy rằng nạn nhân của một tội phạm cũng có liên quan đến một số hành xử không đúng hoặc đáng ngờ thì cảnh sát thường lựa chọn không bắt giữ.

Xuất hiện trước thẩm phán tiểu hình

Khi một người bị bắt giữ vì tình nghi phạm tội thì người đó sẽ bị lưu giữ ở đồn cảnh sát; có nghĩa là những sự kiện xung quanh việc bắt giữ được ghi chép lại và bị cáo có thể bị lấy vân tay và chụp hình. Sau đó bị cáo xuất hiện trước một quan chức tư pháp cấp thấp mà chức danh có thể là thẩm phán, thẩm phán tiến hành, hay ủy viên hội đồng (commissioner). Sự xuất hiện như vậy phải xảy ra “mà không có sự chậm trễ vô cớ”; năm 1991, Tòa án tối cao Mỹ quyết định rằng cảnh sát có thể lưu giữ một người bị bắt giữ không có lệnh trong vòng 48 giờ mà không cần phải có một phiên tòa xem xét việc bắt giữ đó có đúng hay không.

Sự xuất hiện này ở tòa án là dịp diễn ra một số sự kiện quan trọng trong thủ tục tố tụng hình sự. Trước hết, bị cáo phải được thông báo trước về những lời buộc tội chính xác và phải được thông tin về bảo lãnh và những quyền được hưởng theo Hiến pháp. Trong số những quyền khác, những quyền được hưởng theo Hiến pháp này bao gồm những quyền nêu trong phán quyết của vụ án nổi tiếng hiện nay, vụ Miranda kiện Arizona, do Tòa án tối cao đưa ra năm 1966. Bị cáo “phải được cảnh báo trước bất kỳ câu hỏi nào rằng anh ta có quyền giữ im lặng, rằng bất cứ điều gì anh ta nói đều có thể dùng làm bằng chứng chống lại anh ta ở tòa án, rằng anh ta có quyền thuê luật sư, và rằng nếu anh ta không có khả năng thuê luật sư thì sẽ có một người được chỉ định thay mặt anh ta trả lời bất kỳ câu hỏi nào”. (Những cảnh báo như vậy cũng phải được viên cảnh sát bắt giữ thông báo nếu viên cảnh sát đó là người đặt câu hỏi về tội phạm cho kẻ bị tình nghi). Ở một số bang, bị cáo phải được thông báo về những quyền khác nêu trong Hiến chương nhân quyền của bang, như quyền được xét xử nhanh và quyền đối chất với những nhân chứng đối nghịch.

Thứ hai, thẩm phán tiểu hình sẽ xác định bị cáo có được bảo lãnh tại ngoại hay không, và trong trường hợp đó thì số tiền bảo lãnh là bao nhiêu. Về mặt Hiến pháp, yêu cầu duy nhất đối với số tiền bảo lãnh là nó không được “quá lớn”. Bảo lãnh được coi là một đặc quyền - chứ không phải quyền lợi - và nó có thể bị từ chối trong những vụ án tử hình mà bằng chứng phạm tội có tính thuyết phục cao hoặc nếu thẩm phán tiểu hình tin rằng bị cáo sẽ lẩn trốn khỏi bị kiện tụng mà không cần quan tâm số tiền bảo lãnh là bao nhiêu. Một biện pháp thay thế bảo lãnh là giải phóng bị đơn bằng cam kết trước tòa, về cơ bản là một lời hứa của bị đơn sẽ quay lại tòa án vào ngày xét xử được chỉ định.

Trong những vụ án nhỏ, bị cáo có thể được yêu cầu bào chữa có phạm tội hoặc không phạm tội. Nếu lời bào chữa là có phạm tội thì một bản án có thể được tuyên đọc ngay tại chỗ. Nếu bị đơn bào chữa là vô tội thì sẽ lên kế hoạch một ngày xét xử. Tuy nhiên, trong vụ án nghiêm trọng điển hình (tội phản quốc), nhiệm vụ quan trọng tiếp theo của thẩm phán tiểu hình là xác định liệu bên bị có yêu cầu một phiên tòa sơ bộ hay không. Nếu một phiên tòa như vậy là cần thiết thì vụ án sẽ được công tố hoãn lại và bắt đầu một bước tiếp theo của thủ tục tố tụng hình sự.


CẢNH BÁO VỀ QUYỀN CỦA BẠN

"Bạn đã bị bắt. Trước khi chúng tôi hỏi bạn bất cứ câu hỏi nào, bạn cần phải hiểu những quyền của bạn là gì.

Bạn có quyền giữ im lặng. Bạn không cần thiết phải nói bất cứ điều gì cho chúng tôi vào bất cứ thời điểm nào hoặc trả lời bất cứ câu hỏi nào. Bất cứ điều gì bạn nói có thể được dùng để chống lại bạn trước tòa.

Bạn có quyền nói chuyện với một luật sư để lấy lời khuyên trước khi chúng tôi hỏi bạn và có quyền yêu cầu luật sư ở bên cạnh bạn trong lúc chúng tôi đặt câu hỏi.

Nếu bạn muốn có nhưng không thể thuê luật sư, chúng tôi sẽ cung cấp luật sư cho bạn.

Nếu bạn muốn trả lời các câu hỏi bây giờ mà không cần có luật sư thì bạn vẫn sẽ có quyền dừng việc trả lời vào bất cứ lúc nào. Bạn cũng có quyền dừng trả lời vào bất cứ lúc nào cho đến khi bạn nói chuyện với luật sư.

Trang 4475"


Thủ tục đại bồi thẩm đoàn hay phiên tòa sơ bộ

Ở cấp độ liên bang tất cả những người bị cáo buộc phạm tội đều được bảo đảm theo Tu chính án Hiến pháp thứ năm rằng vụ án của họ sẽ được một đại bồi thẩm đoàn xem xét. Tuy nhiên, Tòa án tối cao từ chối làm cho quyền lợi này ràng buộc tất cả các bang. Ngày nay, chỉ khoảng một nửa số bang sử dụng đại bồi thẩm đoàn; ở một số bang trong những bang này đại bồi thẩm đoàn chỉ được dùng cho những loại vụ án đặc biệt. Những bang không sử dụng đại bồi thẩm đoàn sẽ áp dụng một phiên tòa sơ bộ hoặc một phiên thẩm vấn. (Một số bang sử dụng cả hai thủ tục này). Bất cứ phương pháp nào được sử dụng, mục đích cơ bản của khâu này trong thủ tục tố tụng hình sự là để xác định liệu có nguyên nhân hợp lý nào để đưa bị cáo ra phiên tòa chính thức không.

Đại bồi thẩm đoàn. Các đại bồi thẩm đoàn gồm 16 đến 23 công dân, thường lựa chọn một cách ngẫu nhiên từ danh sách đăng ký cử tri, đưa ra phán quyết trên cơ sở đa số phiếu bầu. Nhiệm kỳ của những người này có thể kéo dài tùy ý từ một tháng đến một năm, và một số người có thể tham gia vào hơn 1000 vụ án trong nhiệm kỳ của họ. Chỉ một mình công tố trình bày bằng chứng trước đại bồi thẩm đoàn. Bị cáo và luật sư của bị cáo không chỉ vắng mặt ở vụ kiện mà thông thường họ còn không có ý kiến gì về việc đại bồi thẩm đoàn xét xử vụ án như thế nào và khi nào. Nếu có đa số tin rằng có nguyên nhân hợp lý thì một bản cáo trạng (indictment), hay một đơn kiện (bill) thực sự, sẽ được đưa ra. Nếu không thì sẽ không có đơn kiện.

Từ trước đến nay, có hai lý lẽ được đưa ra để ủng hộ cho các đại bồi thẩm đoàn. Một là các đại bồi thẩm đoàn hoạt động như là người ngăn cản công tố có thể sử dụng chức vụ của mình để quấy rối một người vô tội vì những lý do chính trị hay cá nhân. Lý tưởng nhất là một nhóm người không thiên vị sẽ tự can thiệp vào giữa công tố vô nguyên tắc và bị cáo. Lý lẽ thứ hai ủng hộ đại bồi thẩm đoàn là bảo đảm rằng luật sư địa hạt đã có đủ bằng chứng để chứng thực rắc rối và chi phí (cho cả bang và bị cáo) của một phiên tòa xét xử đầy đủ.

Phiên tòa sơ bộ. Ở đa số các bang đã bãi bỏ hệ thống đại bồi thẩm đoàn, một phiên tòa sơ bộ được sử dụng để xác định liệu đã có nguyên nhân hợp lý để ràng buộc bị cáo để xét xử hay chưa. Ở phiên tòa này, công tố trình bày vụ kiện, và bị cáo có quyền đối chất các nhân chứng và đưa ra bằng chứng thỏa đáng. Thông thường, các luật sư của bị cáo lựa chọn không tranh cãi ở khâu này của thủ tục tố tụng hình sự; trên thực tế, các luật sư từ bỏ phiên tòa sơ bộ trong phần lớn các vụ kiện.

Nếu thẩm phán thẩm vấn xác định rằng có nguyên nhân hợp lý để xét xử hay nếu phiên tòa sơ bộ bị chối bỏ thì công tố phải đệ trình một đơn kiện lên tòa án nơi việc xét xử sẽ được tiến hành. Điều này giúp cho việc phác thảo chính xác những lời buộc tội sẽ được đưa ra xét xử ở cấp độ pháp lý mới.

Luận tội

Luận tội là quá trình bị cáo được đưa ra trước thẩm phán tại tòa án mà tại đó bị cáo sẽ bị xét xử trên cơ sở cáo trạng của đại bồi thẩm đoàn hoặc đơn kiện của công tố. Công tố hoặc thư ký tòa thường đọc ở tòa án công khai lời buộc tội đã được đưa ra chống lại bị cáo. Bị đơn được thông báo rằng anh ta có quyền hiến định được một luật sư đại diện và một luật sư sẽ được chỉ định không mất tiền nếu cần thiết.

Bị đơn có một số lựa chọn cho việc bào chữa cho lời buộc tội. Những lời bào chữa thông thường nhất là có phạm tội và vô tội. Nhưng bị cáo cũng có thể bào chữa vô tội vì mất trí, trước đó bị cùng một hiểm họa (đã bị xét xử vì cùng một lời buộc tội vào một thời điểm khác), hoặc “nolo contendere” (tiếng Latinh có nghĩa là không tranh cãi). “Nolo contendere” có nghĩa là bị cáo không chối bỏ những tình tiết của vụ án nhưng khiếu nại rằng anh ta không phạm bất cứ tội gì, hoặc nó có thể có nghĩa là bị đơn không hiểu lời buộc tội. Bào chữa không tranh cãi chỉ có thể được đưa vào với sự đồng ý của thẩm phán (và đôi khi của cả công tố). Bào chữa như vậy có hai điều lợi. Nó có thể giúp bị cáo giữ được thể diện trước công chúng vì anh ta sau đó có thể khiếu nại rằng không có phán quyết có tội nào được đưa ra ngay cả khi một bản án hay tiền phạt đã được áp dụng. Mặc dù vậy, bào chữa này có thể miễn cho bị đơn khỏi một số hình phạt dân sự có thể xảy ra sau lời bào chữa có tội (chẳng hạn, một vụ kiện dân sự có thể tiếp theo lời kết tội gian trá hay biển thủ).

Nếu bị cáo bào chữa vô tội thì thẩm phán sẽ lên kế hoạch một ngày xét xử. Nếu bị đơn tự nhận là có tội thì có thể bị kết án ngay tại chỗ hoặc một ngày sau đó do thẩm phán ấn định. Trước khi tòa án chấp nhận tự nhận tội, thẩm phán phải chứng nhận rằng lời bào chữa được đưa ra một cách tự nguyện và rằng bị đơn đã được biết những ý nghĩa của lời nhận tội. Tự nhận tội hầu như tương đương với phán quyết chính thức có tội.

Khả năng thương lượng lời khai

Ở cả cấp độ bang và liên bang, ít nhất 90 phần trăm số vụ hình sự không bao giờ bị xét xử. Điều này là vì, trước ngày xử án, giữa công tố và luật sư bên bị đã có sự thương lượng về những lời buộc tội chính thức sẽ được đưa ra và nội dung bản án mà bang sẽ khuyến nghị với tòa án. Trên thực tế sẽ có cam kết về một hình thức khoan dung để đổi lấy lời khai tự nhận tội.

Vì thương lượng bào chữa thực sự đã định đoạt số phận của bị đơn trước khi xét xử nên vai trò của thẩm phán chỉ đơn giản là để bảo đảm rằng những thủ tục pháp lý và Hiến pháp đúng đắn được tuân thủ. Có ba loại thương lượng lời khai (không loại trừ lẫn nhau).

Giảm cáo trạng. Hình thức thỏa thuận phổ biến nhất giữa công tố và bên bị là giảm cáo trạng xuống một mức đỡ nghiêm trọng hơn so với những gì mà bằng chứng có thể ủng hộ. Điều này làm cho những khả năng kết án tội phạm bị giảm đi đáng kể. Lý do thứ hai cho bị đơn tự nhận tội được giảm bớt cáo trạng là để tránh mang tiền án của một tội nhơ nhuốc về xã hội. Khả năng thứ hai là bị đơn có thể muốn tránh hồ sơ trọng tội và sẵn sàng tự nhận có phạm bất cứ tội ít nghiêm trọng nào nào do công tố đưa ra để tránh phải bị buộc tội nghiêm trọng.

Xóa cáo trạng tăng nặng. Hình thức thương lượng lời khai thứ hai là chưởng lý hạt đồng ý xóa bỏ những lời buộc tội khác đang dành cho một cá nhân. Có hai biến thể đối với hình thức này. Một là thỏa thuận không khởi tố “theo chiều dọc” - có nghĩa là không đưa ra những cáo buộc nghiêm trọng hơn chống lại cá nhân đó. Loại thỏa thuận thứ hai là bác những cáo buộc “theo chiều ngang”; đó là bác bỏ những cáo trạng bổ sung đối với cùng một tội đang dành cho bị cáo.

Một biến thể khác của hình thức thương lượng lời khai này là thỏa thuận mà trong đó điều khoản phạm tội nhiều lần được xóa khỏi bản cáo trạng. Ở cấp độ liên bang và tại nhiều bang, một người bị đánh giá là phạm tội thường xuyên khi bị kết án lần thứ ba về một trọng tội tại bất cứ nơi nào ở Mỹ. Bản án bắt buộc cho phạm tội thường xuyên là tù chung thân. Ở các tòa án bang, lời buộc tội đối với phạm tội thường xuyên thường được xóa bỏ để đổi lấy lời khai tự nhận tội.

Một thương lượng lời khai khác thuộc loại này là thỏa thuận mà trong đó những cáo trạng ở các tòa án khác nhau được hợp nhất tại một tòa án để các bản án được thi hành cùng một lúc. Do những cáo trạng và quyết định của phiên tòa sơ bộ được lưu giữ ở nhiều khu vực tài phán nên chúng được đưa vào sổ ghi án xét xử trong một hệ thống luân phiên. Điều này có nghĩa là một bị đơn bị cáo buộc bốn điểm giả mạo và tội danh sở hữu công cụ giả mạo có thể bị đưa vào sổ ghi án của năm tòa án khác nhau. Nhìn chung, việc chuyển tất cả những cáo trạng của một người cho tòa án đầu tiên được liệt kê là tập quán phổ biến ở những địa hạt có hệ thống nhiều tòa án như vậy. Điều này mang lại cho thẩm phán chủ tọa quyền tự quyết cho phép tất cả những bản án của bị đơn được thực hiện cùng một lúc.

Thương lượng hình phạt. Hình thức thứ ba của thương lượng lời khai liên quan đến việc để bị đợn tự nhận tội để đổi lấy một thỏa thuận của công tố yêu cầu thẩm phán có bản án nhẹ hơn. Sức mạnh của việc thương lượng hình phạt này dựa trên những thực tế về nguồn lực hạn chế của hệ thống pháp lý. Ít nhất ở cấp độ bang công tố có thể hứa với bị đơn một bản án công bằng cụ thể với niềm tin rằng thẩm phán sẽ chấp thuận đề nghị đó. Nếu thẩm phán không chấp thuận thì niềm tin của công tố sẽ nhanh chóng giảm sút và nhiều bị đơn đã tự nhận tội sẽ bắt đầu bào chữa vô tội và giành lấy cơ hội của họ tại tòa án. Kết quả có thể là án nợ đọng trong sổ ghi án của tòa ngày càng tăng lên, tràn ngập hệ thống pháp lý và làm nó bị ngưng trệ. Công tố và thẩm phán hiểu rõ điều này, và luật sư bào chữa cũng vậy.

Những hạn chế về mặt hiến định và luật định đối với thương lượng lời khai. Ở cả cấp độ bang và liên bang, những yêu cầu về thủ tục pháp luật thỏa đáng có nghĩa là thương lượng lời khai phải được đưa ra một cách tự nguyện và trên cơ sở nhận thức được. Điều này có nghĩa rằng bị đơn phải được tòa án cảnh báo về những hậu quả của việc tự nhận tội (chẳng hạn, bị đơn khước từ mọi cơ hội thay đổi ý kiến vào một thời điểm sau đó), rằng bị cáo phải có đầu óc bình thường và, như một bang đã nêu, rằng “Rõ ràng là bị đơn phải không chịu ảnh hưởng của bất kỳ sự đe dọa hay thuyết phục nào, hay hy vọng hão huyền sẽ được tha thứ khiến anh ta nhận tội”.

Đối với hai loại thương lượng lời khai đầu - giảm lời buộc tội và xóa cáo trạng tăng nặng - một số chuẩn mực chặt chẽ hơn được đặt ra cho các tòa án liên bang. Một chuẩn mực là thẩm phán trên thực tế không thể tham gia vào quá trình thương lượng lời khai; ở cấp độ bang, các thẩm phán có thể đóng một vai trò tích cực trong quá trình này. Mặc dù vậy, nếu thương lượng lời khai được đưa ra giữa viên chưởng lý Hoa Kỳ và bị đơn thì chính phủ không thể thất hứa với thỏa thuận. Nếu chính quyền liên bang làm vậy thì thẩm phán hạt liên bang phải rút lại lời bào chữa có tội. Cuối cùng, các Quy định liên bang về tố tụng hình sự đòi hỏi rằng, trước khi lời tự nhận tội có thể được chấp nhận, công tố phải đệ trình một bản tóm tắt những bằng chứng chống lại bị cáo, và thẩm phán phải đồng ý rằng có bằng chứng thuyết phục cho tội của bị đơn.

Những lập luận ủng hộ và phản đối thương lượng lời khai. Đối với bị đơn, lợi thế hiển nhiên của việc thương lượng là anh ta được đối xử đỡ khắc nghiệt hơn so với việc bị buộc tội và kết án cao nhất theo những điều kiện sẵn có. Mặc dù vậy, việc không có xét xử thường làm giảm sự công khai của vụ án, và do những lợi ích cá nhân và sức ép xã hội, bị cáo có thể muốn tránh mất nhiều thời gian và sự công khai của việc xét xử chính thức. Cuối cùng, một số nhà hình phạt học (những chuyên gia trong lĩnh vực trừng phạt và cải tạo) lập luận rằng bước đầu tiên để một tội phạm cải tạo là thừa nhận tội lỗi và nhận thức được vấn đề của mình.

Thương lượng lời khai cũng mang lại những lợi ích nhất định cho bang và toàn thể xã hội. Lợi ích rõ ràng nhất là sự chắc chắn của lời kết tội, vì bất kể bằng chứng đưa ra có sức thuyết phục đến đâu thì vẫn có khả năng được tuyên bố trắng án chừng nào việc xét xử chưa hoàn tất. Ngoài ra, văn phòng chưởng lý hạt và các thẩm phán tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức do họ không phải chuẩn bị và chủ trì những vụ án không có tranh cãi thực sự về sự vô tội hoặc những vụ không phù hợp với thủ tục xét xử. Cuối cùng, khi cảnh sát không được yêu cầu xuất hiện ở tòa án để chứng thực trong các vụ xét xử hình sự thì họ sẽ có nhiều thời gian hơn cho việc ngăn ngừa và giải quyết tội phạm.

Thương lượng lời khai cũng có những mặt tiêu cực của nó. Lý lẽ phản đối thường xuyên nhất đối với thương lượng lời khai là bản án của bị đơn có thể dựa trên những căn cứ không mang tính hình phạt. Với rất nhiều vụ án có thương lượng lời khai trong quyết định của tòa án, bản án có thể không liên quan gì đến những dữ kiện cụ thể của vụ án, đến những yêu cầu trừng phạt đối với tội phạm, hay đến mối quan tâm chính đáng của xã hội về sự khởi tố vụ án quyết liệt. Nhược điểm thứ hai là ở chỗ nếu thương lượng lời khai trở thành quy phạm của một hệ thống riêng biệt, khi đó những người vô tội thậm chí có thể bị những sức ép phi lý phải tự nhận tội. Những nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong một số quyền hạn xét xử, khả năng kết tội càng thấp thì việc thương lượng càng khó khăn do công tố muốn chí ít bị cáo cũng phải có một hình thức thú tội nào đó.

Nhược điểm thứ ba của thương lượng lời khai là khả năng xảy ra sự lạm dụng, được gọi là cáo trạng thổi phồng - thủ tục tố tụng mà theo đó công tố đưa ra những lời buộc tội đối với bị cáo nặng hơn nhiều so với những gì bằng chứng thể hiện, với hy vọng là công tố sẽ có lợi thế hơn trong việc thương lượng với luật sư bào chữa.

Một thiếu sót nữa của cơ chế thương lượng lời khai là nó có mức độ minh bạch rất thấp. Những cuộc thương lượng giữa công tố và luật sư bào chữa không được thực hiện ở tòa án công khai do một luật gia trung gian chủ trì và không phải để cho tất cả mọi người quan sát. Thay vào đó, những cuộc thương lượng này có thể diễn ra bên tách cà phê trong một quán cà phê ở tầng hầm trụ sở tòa án nơi mà lương tâm của hai luật sư mới chính là vị quan tòa thực thụ.

Cuối cùng, cơ chế thương lượng lời khai có khả năng phá vỡ những quy tắc bằng chứng then chốt về mặt thủ tục tố tụng và hiến pháp. Do công tố không nhất thiết phải đưa ra bằng chứng hay nhân chứng trước tòa nên một sự lừa bịp cũng có thể tạo ra lời kết tội ngay cả khi vụ án không thể đáp ứng các yêu cầu về thủ tục tố tụng thỏa đáng. Luật sư bào chữa có thể gặp bất lợi vì những quy tắc khám phá (những điều luật cho phép luật sư bào chữa được biết chi tiết bằng chứng mà công tố sẽ đưa ra) ở một số bang hạn chế việc chuẩn bị vụ án của luật sư bào chữa trong một khoảng thời gian sau khi thương lượng lời khai đã diễn ra. Do vậy, việc thương lượng lời khai có thể tước đi những quyền hiến định căn bản của bị cáo.

Thủ tục tố tụng đối nghịch

Mô hình đối nghịch được dựa trên giả định rằng mọi vụ án hay tranh cãi đều có hai mặt đối lập: Trong những vụ án hình sự, chính quyền kiện một bị đơn là phạm tội còn bị đơn cho rằng mình vô tội; trong các vụ án dân sự, công tố khẳng định rằng người mà anh ta đang khởi kiện đã gây ra một số thiệt hại trong khi người bị kiện lại chối bỏ trách nhiệm. Tại phòng xử án, mỗi bên cung cấp cho bên kia câu chuyện như đã chứng kiến. Lý thuyết (hay hy vọng) làm nền tảng cho mô hình này là: sự thật sẽ được sáng tỏ nếu mỗi bên có được cơ hội không hạn chế để đưa ra đầy đủ bằng chứng, dữ kiện và lập luận trước một thẩm phán (và bồi thẩm đoàn) trung lập và chu đáo.

Luật sư đại diện cho mỗi bên là những người có vai trò chính tại phòng xử án. Thẩm phán hành động như một trọng tài thụ động, không vụ lợi mà vai trò chủ yếu là kiểm soát hai bên trong những quy tắc được chấp nhận về thủ tục pháp lý và sự đúng mực trong phòng xử án. Thẩm phán cuối cùng sẽ xác định bên nào thắng kiện phù hợp với những quy tắc về bằng chứng, nhưng chỉ sau khi cả hai bên đã được trao đầy đủ cơ hội để trình bày lý lẽ của họ.

NHỮNG THỦ TỤC TRONG MỘT PHIÊN TỐ TỤNG HÌNH SỰ

Giả định rằng việc thương lượng lời khai không được thực hiện và bị cáo xác nhận sự vô tội của mình, thì một phiên tòa chính thức sẽ diễn ra. Đây là một quyền được Tu chính án Hiến pháp thứ sáu bảo đảm cho tất cả người dân Mỹ bị cáo buộc phạm những tội ở cấp độ liên bang và là một quyền được bảo đảm theo hiến pháp của nhiều bang - và theo Tu chính án Hiến pháp thứ mười bốn - dành cho tất cả những người bị cáo buộc phạm những tội ở cấp độ bang. Bị cáo được dành cho nhiều quyền hiến định và luật định trong thời gian xử án. Sau đây là những quyền lợi chủ yếu ràng buộc trách nhiệm các tòa án của cả liên bang và bang.

Những quyền căn bản được bảo đảm trong quá trình xét xử

Tu chính án Hiến pháp thứ sáu nêu rõ “Trong tất cả các vụ khởi tố hình sự, bị cáo sẽ được hưởng quyền xét xử nhanh chóng và công khai”. Những Người sáng lập của Tu chính án này nhấn mạnh từ nhanh chóng đến mức một bị cáo sẽ không bị kiệt quệ trong tù trong một thời gian dài trước khi xét xử hay phán quyết về số phận của họ bị trì hoãn trong một khoảng thời gian dài mà không có lý do chính đáng. Nhưng thế nào là nhanh chóng? Mặc dù từ này đã được Tòa án tối cao định nghĩa theo nhiều cách khác nhau nhưng Quốc hội đã đưa ra định nghĩa mới khi thông qua Đạo luật xét xử nhanh năm 1974. Đạo luật quy định rằng trong những giới hạn thời gian, cao nhất là 100 ngày, thì những cáo buộc tội phạm phải được đưa ra xét xử hoặc bị bãi bỏ. Hầu hết các bang đều có những biện pháp tương tự trong các cuốn sách luật, mặc dù khoảng thời gian chính xác là khác nhau theo từng khu vực tài phán. Với cụm từ “xét xử công khai”, những Người sáng lập hàm ý không khuyến khích quan điểm kiện tụng bí mật mà theo đó bị cáo có thể bị xét xử mà không thông báo công khai và bị đưa đến một trại giam nào đó mà không ai biết.

Tu chính án Hiến pháp thứ sáu cũng bảo đảm cho người dân Mỹ quyền được có một bồi thẩm đoàn không thiên vị. Ít nhất thì điều này cũng có nghĩa là những thành viên triển vọng của bồi thẩm đoàn phải không được có định kiến theo chiều hướng này hay chiều hướng khác trước khi phiên tòa bắt đầu. Chẳng hạn, một thành viên của bồi thẩm đoàn không được là bạn bè hay họ hàng của công tố hay nạn nhân của tội phạm; cũng không phải là một người có niềm tin thiên lệch cho rằng tất cả dòng họ hay tổ tiên của bị đơn đều “có thể là tội phạm”. Ý nghĩa trên thực tế của khái niệm bồi thẩm đoàn không thiên vị gồm những người đồng đẳng là ở chỗ các thành viên bồi thẩm đoàn được lựa chọn ngẫu nhiên từ những danh sách đăng ký cử tri - được bổ sung vào trong những lĩnh vực tài phán ngày một lớn theo những danh sách trên cơ sở giấy đăng ký ô tô, bằng lái xe, danh bạ điện thoại, bảng phúc lợi, v.v.. Mặc dù cơ chế này không thể hiện bộ phận tiêu biểu đại diện cho cộng đồng do không phải tất cả mọi người đều được đăng ký bỏ phiếu nhưng Tòa án tối cao đã khẳng định rằng phương pháp này đủ hiệu quả. Tòa án tối cao cũng quy định rằng không một tầng lớp nào (chẳng hạn người Mỹ gốc Phi hay phụ nữ) có thể bị loại trừ một cách có hệ thống khỏi diện được phục vụ trong bồi thẩm đoàn.

Ngoài việc được bảo đảm quyền được xét xử ở cùng địa điểm diễn ra hành vi phạm tội và được thông báo về lời buộc tội, bị đơn còn có quyền được đố i chất với những nhân chứng chống lại họ. Họ có quyền được biết những người buộc tội mình là ai và đang buộc tội gì để có được cách thức bào chữa hợp lý. Người bị buộc tội cũng được bảo đảm cơ hội “có được sự hỗ trợ của luật sư để bào chữa”. Trước thập niên 1960, điều này có nghĩa là một người chỉ có quyền này (ở cấp độ bang) khi liên quan đến những tội phạm cực kỳ nghiêm trọng và chỉ khi có đủ tiền thuê luật sư. Tuy nhiên, do hàng loạt những phán quyết của Tòa án tối cao, luật quốc gia bảo đảm cho một người được luật sư bảo vệ nếu bị xét xử vì bất cứ tội danh nào mà có thể bị tù, và chính quyền phải trả tiền bào chữa cho một bị đơn nghèo khó. Đây là quy định ở cấp độ quốc gia và bang.

Tu chính án Hiến pháp thứ năm tuyên bố rằng không một ai “có thể bị nguy hiểm đến tính mạng và thân thể hai lần vì cùng một tội danh”. Đây là điều khoản bảo vệ chống nguy cơ tái hình và có nghĩa là không một ai có thể bị chính quyền bang hay chính quyền liên bang xét xử hai lần cho cùng một tội danh. Tuy nhiên, nó không có nghĩa là một người không thể bị xét xử hai lần vì cùng một hành vi nếu hành vi đó vi phạm những điều luật của cả quốc gia và bang. Chẳng hạn, một người cướp một ngân hàng được thành lập theo luật liên bang ở New Jersey sẽ phạm vào cả luật liên bang và bang. Người này có thể bị xét xử pháp lý và được trắng án vì tội danh đó ở một tòa án của New Jersey và sau đó bị xét xử vì tội danh đó tại tòa án liên bang.

Một quyền quan trọng khác được bảo đảm cho bị cáo ở cả cấp độ bang và liên bang là không “bị ép buộc làm nhân chứng chống lại chính mình trong bất cứ vụ án hình sự nào”. Điều này được giải thích là việc người lựa chọn không làm chứng cho bản thân mình ở tòa án không thể được thẩm phán và bồi thẩm đoàn sử dụng chống lại người đó. Sự bảo đảm này củng cố cho nguyên lý rằng, trong hệ thống pháp lý của Mỹ, gánh nặng bằng chứng thuộc về bang; bị cáo được coi là vô tội cho đến khi chính quyền chứng minh được rằng khả năng ngược lại là không còn nghi ngờ hợp lý gì nữa.

Cuối cùng, Tòa án tối cao đã giải thích sự bảo đảm thủ tục pháp lý thỏa đáng có nghĩa là bằng chứng có được bằng việc điều tra và sai áp (lấy chứng cứ) bất hợp pháp không thể được sử dụng để chống lại bị cáo tại phiên tòa. Nguồn gốc của cái gọi là nguyên tắc loại trừ này là Tu chính án Hiến pháp thứ tư; Tòa án tối cao cũng đã ràng buộc quy tắc này đối với các bang. Mục đích của Tòa án tối cao là loại bỏ bất cứ động cơ thúc đẩy nào của cảnh sát trong lấy được bằng chứng một cách bất hợp pháp để chống lại bị cáo.

Lựa chọn thành viên bồi thẩm đoàn

Nếu bị cáo lựa chọn không theo tòa án xét xử - nghĩa là không bị xét xử và kết án bởi chỉ một thẩm phán - thì số phận của người đó sẽ do một bồi thẩm đoàn định đoạt. Ở cấp độ liên bang, 12 người phải đưa một phán quyết thống nhất. Ở cấp độ bang, tiêu chí này chỉ áp dụng cho những tội phạm nghiêm trọng nhất. Ở nhiều bang, một bồi thẩm đoàn có thể có quân số ít hơn 12 người và đưa ra phán quyết không phải bằng những quyết định đồng lòng tuyệt đối.

Một nhóm những người có tiềm năng trở thành thành viên bồi thẩm đoàn được triệu tập để có mặt ở tòa. Ở tòa án công khai, họ được thẩm vấn về những phẩm chất chung cho hoạt động của bồi thẩm đoàn theo một thủ tục được gọi là “voir dire” (tiếng Pháp cổ có nghĩa là “nói sự thật”). Công tố và luật sư bào chữa hỏi những câu hỏi chung và cụ thể đối với những thành viên tiềm năng của bồi thẩm đoàn. Họ có phải là công dân của bang không? Họ có thể hiểu được tiếng Anh không? Họ hay ai đó trong gia đình họ đã từng bị xét xử vì một tội hình sự hay chưa? Họ đã đọc hay nảy sinh ý kiến gì về vụ án có trong tay hay chưa?

Khi thực hiện thủ tục “nói sự thật”, bang và luật sư bào chữa có hai mục tiêu. Mục tiêu thứ nhất là để loại bỏ tất cả những thành viên nào trong danh sách hội thẩm, có lý do rõ ràng giải thích tại sao họ không thể đưa ra quyết định không thiên vị trong vụ án. Ví dụ phổ biến là một người nào đó bị luật pháp loại trừ khỏi bồi thẩm đoàn, một thành viên bồi thẩm đoàn là bạn hay họ hàng của một người tham gia vào việc xét xử, và một người nào đó công khai thừa nhận đã có sự thiên lệch rõ ràng trong vụ án. Những phản đối đối với thành viên bồi thẩm đoàn theo loại này được coi là phản đối vì định kiến, và con số những phản đối như vậy là không hạn chế. Chính thẩm phán là người quyết định những phản đối đó có hiệu lực hay không.

Mục tiêu thứ hai mà những luật sư phản biện hướng đến trong việc thẩm vấn những thành viên triển vọng của bồi thẩm đoàn là để loại bỏ những người mà họ tin là có thể không nghiêng về phía họ kể cả khi không có nguyên nhân rõ ràng cho sự thiên lệch. Mỗi bên được phép có một số phản đối võ đoán - yêu cầu tòa án loại trừ một thành viên triển vọng của bồi thẩm đoàn mà không đưa ra lý do. Hầu hết các bang theo tập quán dành cho luật sư bào chữa nhiều phản đối võ đoán hơn là cho công tố. Ở cấp độ liên bang, từ một đến ba phản đối tính trên một bồi thẩm đoàn thường được dành cho mỗi bên, tùy theo bản chất của tội phạm; còn đối với những vụ án tử hình thì con số này lên đến 20. Việc sử dụng phản đối võ đoán là một nghệ thuật hơn là một môn khoa học và thường dựa trên cơ sở linh cảm của luật sư.

Trong quá khứ, các luật sư có thể loại trừ những thành viên tiềm năng của bồi thẩm đoàn thông qua phản đối võ đoán đối với hầu như bất kỳ nguyên nhân gì. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Tòa án tối cao đã giải thích điều khoản bảo vệ công bằng của Tu chính án Hiến pháp thứ mười bốn là để hạn chế quyền tự quyết này bằng cách cấm công tố sử dụng phản đối của mình để loại trừ những người Mỹ gốc Phi hay phụ nữ khỏi hoạt động của bồi thẩm đoàn hình sự.

Thủ tục đặt câu hỏi và phản đối những thành viên triển vọng của bồi thẩm đoàn tiếp tục đến khi tất cả những người bị phản đối vì định kiến đều được loại bỏ, những phản đối võ đoán hoặc đã được được sử dụng hết hoặc bị khước từ dùng tiếp, và một bồi thẩm đoàn gồm 12 người (ở một số bang là 6 người) được thành lập. Tại một số bang, những thành viên dự khuyết cũng được lựa chọn. Họ tham dự phiên tòa nhưng chỉ tham gia vào những suy xét kỹ lưỡng khi một trong số những thành viên ban đầu của bồi thẩm đoàn không thể tiếp tục theo vụ kiện. Một khi danh sách bồi thẩm đoàn đã lựa chọn, họ sẽ tuyên thệ trước thẩm phán và viên lục sự.

Tuyên bố khai mạc

Sau khi phiên tòa chính thức bắt đầu, cả công tố và luật sư bào chữa đều đọc một tuyên bố khai mạc (mặc dù không ở bang nào luật sư bào chữa bắt buộc phải làm như vậy). Những tuyên bố dài dòng và quá chi tiết có thể được thực hiện ở phiên tòa có bồi thẩm đoàn hơn là các phiên tòa toàn thẩm phán. Mục đích của tuyên bố khai mạc là để cung cấp cho các thành viên của bồi thẩm đoàn - những người chưa quen thuộc với luật pháp và những thủ tục điều tra hình sự - một phác thảo những mục tiêu quan trọng trong vụ việc của mỗi bên, bằng chứng sẽ được xuất trình, những nhân chứng được triệu tập, và mỗi bên tìm cách chứng minh điều gì. Nếu những tuyên bố khai mạc được thực hiện tốt thì các thành viên bồi thẩm đoàn sẽ dễ nắm bắt được ý nghĩa và tầm quan trọng của bằng chứng và lời khai hơn. Thủ tục thông thường là bang sẽ thực hiện tuyên bố khai mạc của mình ngay đầu tiên còn luật sư bào chữa sẽ tiếp theo bằng một tuyên bố về việc luật sư sẽ bác lại vụ án như thế nào.

Lý lẽ từ phía công tố

Sau những tuyên bố khai mạc, công tố viên sẽ xuất trình bằng chứng mà bang đã thu thập được để chống lại bị cáo. Bằng chứng thường gồm hai loại - bằng chứng hữu hình (vật chứng) và lời khai của nhân chứng. Vật chứng có thể gồm những thứ như viên đạn, mẫu xét nghiệm đạn đạo, dấu vân tay, mẫu chữ viết tay, xét nghiệm máu và nước tiểu, và những giấy tờ hay vật khác dùng để hỗ trợ một cách hữu hình / cụ thể. Luật sư bào chữa có thể phản đối việc áp dụng những thứ hữu hình này và, nếu thành công, sẽ loại những thứ này khỏi diện xem xét. Nếu những phản đối của luật sư bào chữa không được chấp thuận thì bằng chứng hữu hình sẽ được một nhân viên của phòng xử án xác định chủng loại và trở thành một phần của hồ sơ chính thức.

Hầu hết bằng chứng ở các vụ hình sự là dưới hình thức lời khai của nhân chứng. Cách thức lấy lời khai là một thủ tục hỏi - đáp với mục tiêu có được những thông tin hết sức cụ thể một cách đúng trật tự. Mục đích của việc làm này là chỉ xuất trình những bằng chứng phù hợp với vụ án hiện thời và không đưa ra những thông tin gây nhầm lẫn hoặc không phù hợp hay bằng chứng bất hợp pháp mà có thể gây ra một vụ xét xử sai (chẳng hạn, bằng chứng mà bị cáo đã bị kết tội trước đó cho cùng một tội danh).

Sau mỗi nhân chứng, luật sư bào chữa có quyền đối chất. Mục tiêu của luật sư bào chữa là nghi ngờ lời khai của nhân chứng cho công tố - nghĩa là không tin lời khai đó. Luật sư bào chữa có thể nỗ lực làm cho nhân chứng nhầm lẫn, bối rối hoặc giận dữ, khiến cho nhân chứng không kiểm soát được bản thân và bắt đầu đưa ra những lời khai nhầm lẫn hay mâu thuẫn. Lời khai của một nhân chứng cho công tố cũng có thể bị nghi ngờ nếu sau đó có xuất hiện các nhân chứng bào chữa phủ nhận nội dung tường thuật theo gợi ý của bang. Sau khi hoàn thành đối chất, công tố có thể tiến hành kiểm tra lại để làm rõ hay chỉnh sửa một số điểm quan trọng trong quá trình đối chất. Sau khi xuất trình tất cả bằng chứng và nhân chứng, bang sẽ tạm quay về chỗ nghỉ.

Lý lẽ từ phía người bào chữa

Việc trình bày lý lẽ từ phía luật sư bào chữa cũng tương tự như từ phía công tố về mặt cách thể hiện và dạng thức. Đối với lý lẽ từ phía luật sư bào chữa, bằng chứng hữu hình kém phổ biến hơn, và hầu hết bằng chứng sẽ là của nhân chứng, những người được chuẩn bị để bác bỏ hay mâu thuẫn với những lập luận của công tố. Các nhân chứng được luật sư bào chữa thẩm vấn theo cùng một cách thức như trong lý lẽ phía công tố. Mỗi nhân chứng bào chữa đến lượt mình có thể bị chưởng lý hạt đối chất, và sau đó việc kiểm tra lại được tiến hành.

Sự khác biệt giữa việc đưa lý lẽ từ phía công tố và từ phía luật sư bào chữa là ở trách nhiệm của họ trước pháp luật. Luật sư bào chữa không bị luật pháp yêu cầu xuất trình bất kỳ bằng chứng mới hay bổ sung nào hay bất kỳ nhân chứng nào. Việc bào chữa có thể chỉ đơn thuần là chất vấn mức độ tin cậy hay tính hợp pháp của bằng chứng và nhân chứng của bang. Bên bào chữa không bắt buộc phải chứng minh sự vô tội của bị cáo; nó chỉ cần chỉ ra rằng lý lẽ của bang không nằm ngoài một mối nghi ngờ hợp lý. Bị đơn thậm chí cũng không cần ra làm chứng. (Tuy nhiên, nếu lựa chọn làm như vậy thì bị cáo sẽ phải đối mặt với rủi ro bị đối chất như những nhân chứng khác).

Sau khi luật sư bào chữa tạm quay về chỗ nghỉ, công tố có quyền đưa ra bằng chứng bác bỏ. Đến lượt mình, luật sư bào chữa đưa ra lời kháng biện, được gọi là lời đập lại lời buộc tội của công tố. Sau đó, mỗi bên đưa ra những lý lẽ cuối cùng. Thông thường, đây là một trong những hồi gay cấn của phiên tòa vì mỗi bên tìm cách kết luận nhưng lý lẽ của mình, cô đọng những lý lẽ thuyết phục nhất, và trình kháng nghị cuối cùng lên bồi thẩm đoàn. Bằng chứng mới có thể không được đưa ra ở bước này, và lý lẽ của cả hai bên dường như có cảm xúc và viện đến những giá trị vượt quá vụ án đang xét xử. Công tố có thể nói về vấn đề tội phạm nói chung, về nhu cầu phải có luật pháp và trật tự, và về yêu cầu không được để bị cáo giành được lòng trắc ẩn bằng sự cảm thông của nạn nhân của tội phạm. Mặt khác, luật sư bào chữa có thể nhắc nhở các thành viên bồi thẩm đoàn “tất cả chúng ta đều mắc sai lầm trong cuộc đời này như thế nào” hay lập luận rằng, trong một xã hội tự do, dân chủ, bất cứ điều gì nghi ngờ đều phải được giải quyết theo cách có lợi cho bị cáo. Tuy nhiên, công tố có thể dễ dàng trá nh sự đa cảm hơn luật sư bào chữa vì nhiều phán quyết của bồi thẩm đoàn đã bị đảo ngược ở tòa phúc thẩm sau khi chưởng lý hạt thêm thắt những lời lẽ gây tổn hại vào những tuyên bố sau cùng.

Vai trò của thẩm phán trong quá trình xét xử

Vai trò của thẩm phán trong việc xét xử, mặc dù rất quan trọng, nhưng lại là một vai trò tương đối thụ động. Thẩm phán không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào hay chủ động tham gia vào việc thẩm vấn nhân chứng. Thẩm phán được nhờ tới để giám sát trên cơ sở kiến nghị của công tố và luật sư bào chữa về loại bằng chứng được đưa ra và loại câu hỏi được dùng để hỏi nhân chứng. Trong một số khu vực tài phán, thẩm phán được phép đặt những câu hỏi thực chất cho nhân chứng và cũng bình luận trước bồi thẩm đoàn về mức độ tin cậy của bằng chứng đưa ra; ở những bang khác, thẩm phán bị hạn chế khỏi những hoạt động đó. Mặc dù vậy, truyền thống pháp lý của Mỹ cũng dành chỗ cho rất nhiều phong cách xét xử tư pháp tùy theo tư cách cá nhân, trình độ đào tạo và sự khôn ngoan của từng cá nhân thẩm phán.

Đầu tiên và trước hết, thẩm phán được kỳ vọng sẽ đóng vai trò một bên tham gia không vụ lợi mà công việc chủ yếu là bảo đảm rằng cả hai bên được phép trình bày vụ án của mình càng đầy đủ càng tốt trong phạm vi luật định. Nếu các thẩm phán không còn dáng vẻ thực hiện nhiệm vụ một cách công bằng và trung lập thì họ sẽ đi ngược lại với những nguyên lý căn bản của pháp luật Mỹ và phán quyết của họ có nguy cơ bị tòa phúc thẩm bác bỏ.

Mặc dù các thẩm phán phần lớn đóng một vai trò như vậy, nhưng những nền tảng và giá trị của các nhà luật học cũng tác động đến phán quyết của họ trong những vụ không rõ ràng – tức là khi họ phải đưa ra phán quyết về một yêu cầu trong đó lý lẽ của hai bên đều có lý hoặc khi luật pháp có thể được giải thích theo nhiều cách khác nhau.

Vai trò của bồi thẩm đoàn trong quá trình xét xử

Vai trò của các thành viên bồi thẩm đoàn trong quá trình xét xử là rất thụ động. Công việc của họ là lắng nghe các vụ án do các bên luật sư đệ trình và sau đó đi đến phán quyết chỉ dựa trên bằng chứng được đưa ra. Thông thường, các thành viên bồi thẩm đoàn không được phép đặt những câu hỏi cho nhân chứng hay thẩm phán, và họ cũng không được phép ghi chép về vụ kiện. Đây không phải do những điều cấm theo hiến pháp hay luật định mà chủ yếu vì đây là tập quán truyền thống của các tòa án ở Mỹ.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều thẩm phán đã cho phép các thành viên bồi thẩm đoàn được tham gia nhiều hơn vào công việc xét xử. John F. Grady, Chánh án Tòa án hạt liên bang tại Chicago, trong hơn một thập kỷ đã cho phép các thành viên bồi thẩm đoàn ở phòng xử án của mình được ghi chép. Ít nhất bốn tòa phúc thẩm Mỹ đã ngầm chấp thuận việc thành viên bồi thẩm đoàn tham gia thẩm vấn nhân chứng chừng nào những thành viên này vẫn không được phép đặt câu hỏi giữa lúc xử án và các luật sư được trao cơ hội phản đối những câu hỏi cụ thể trước khi được đặt ra cho nhân chứng. Ở một số bang, có một số ít thẩm phán xử án đã cho phép các thành viên bồi thẩm đoàn đóng vai trò tương đối tích cực trong việc xét xử. Mặc dù vậy, ở cả cấp độ bang và liên bang, vai trò của bồi thẩm đoàn về cơ bản vẫn còn rất thụ động.

Chỉ dẫn cho bồi thẩm đoàn

Mặc dù công việc của bồi thẩm đoàn là xem xét và đánh giá các dữ kiện của vụ án, nhưng thẩm phán phải chỉ dẫn cho các thành viên bồi thẩm đoàn về ý nghĩa của luật pháp và luật pháp được áp dụng như thế nào. Do nhiều vụ án bị đảo ngược khi phúc thẩm do những chỉ dẫn sai cho bồi thẩm đoàn nên các thẩm phán có xu hướng rất chú trọng đến việc từ ngữ chuẩn mực về mặt chuyên môn và pháp lý.

Tất cả những chỉ dẫn cho bồi thẩm đoàn phải có một số yếu tố cơ bản. Một yếu tố trong số đó là định nghĩa cho các thành viên tội danh mà bị cáo bị buộc tội. Điều này có thể liên quan đến việc dành cho các thành viên bồi thẩm đoàn rất nhiều lựa chọn về loại phán quyết đưa ra. Chẳng hạn, nếu một người lấy đi mạng sống của người khác thì bang có thể xử bị cáo tội giết người cấp độ 1. Tuy nhiên, thẩm phán cần giúp bồi thẩm đoàn hiểu định nghĩa pháp lý của giết người cấp độ 2 hay ngộ sát nếu thẩm phán xác định rằng bị đơn là thủ phạm nhưng không hành động có chủ định trước một cách độc ác.

Thẩm phán cũng phải nhắc nhở bồi thẩm đoàn rằng gánh nặng bằng chứng là dành cho bang và rằng bị cáo được giả định là vô tội. Nếu sau khi xem xét tất cả bằng chứng mà bồi thẩm đoàn vẫn có sự nghi ngờ hợp lý đối với tội danh của bị cáo thì bồi thẩm đoàn phải đưa ra một phán quyết không có tội.

Cuối cùng, thẩm phán thường giúp các thành viên bồi thẩm đoàn hiểu rất nhiều vấn đề về thủ tục, làm thế nào để liên lạc với thẩm phán khi họ có câu hỏi, trật tự mà theo đó họ phải xem xét lời buộc tội nếu có nhiều hơn một lời buộc tội, ai phải ký những giấy tờ chính thức thể hiện phán quyết của bồi thẩm đoàn. Sau khi những chỉ dẫn được đọc cho bồi thẩm đoàn (và luật sư bào chữa cho mỗi bên đã được dành cơ hội đưa ra lời phản biện), các thành viên bồi thẩm đoàn rút vào phòng nghị án để quyết định số phận của bị cáo.

Phán quyết của bồi thẩm đoàn

Bồi thẩm đoàn bàn bạc hoàn toàn kín đáo; không một người ngoài nào được quan sát hay tham gia vào việc bàn bạc này. Trong quá trình bàn bạc, các thành viên bồi thẩm đoàn có thể yêu cầu làm rõ những câu hỏi pháp lý từ thẩm phán, và họ có thể xem từng bằng chứng hay những phần chọn lọc trong bản ghi vụ án, nhưng họ không được tham khảo thêm bất cứ một thứ gì khác - không từ điển luật, sách pháp luật, không ý kiến từ các chuyên gia. Khi đã đạt được một quyết định bằng việc bỏ phiếu của các thành viên, bồi thẩm đoàn quay lại phòng xử án để công bố phán quyết đó. Nếu đến chập tối mà không đạt được quyết định thì các thành viên bồi thẩm đoàn được đưa về nhà với những chỉ dẫn kiên quyết không được trao đổi vụ án với người khác hay đọc về vụ án trên báo. Trong những vụ án cực kỳ quan trọng hoặc tai tiếng, bồi thẩm đoàn có thể bị thẩm phán tách riêng ra, nghĩa là các thành viên của bồi thẩm đoàn sẽ ở một khách sạn địa phương suốt đêm để tránh sự soi mói của công chúng.

Nếu bồi thẩm đoàn bị bế tắc và không thể đi đến một phán quyết thì có thể báo cáo sự việc lên thẩm phán. Trong trường hợp như vậy, thẩm phán có thể yêu cầu bồi thẩm đoàn vẫn tiếp tục nỗ lực để đạt được phán quyết. Hoặc, nếu bị thuyết phục rằng bồi thẩm đoàn trên thực tế bị bế tắc một cách vô vọng, thì thẩm phán có thể giải tán bồi thẩm đoàn và triệu tập một phiên tòa xét xử mới.

Những tài liệu nghiên cứu chỉ ra rằng hầu hết bồi thẩm đoàn làm việc với những vụ án hình sự đều đưa ra phán quyết một cách tương đối nhanh chóng. Gần như tất cả bồi thẩm đoàn đều tiến hành bỏ phiếu ngay sau khi họ lui về phòng của mình để xem họ bỏ phiếu chia rẽ hay thống nhất thế nào. Trong 30% số vụ án bồi thẩm đoàn chỉ phải tiến hành bỏ phiếu một lần là đã đạt được một phán quyết đồng thuận. Trong 90% số vụ án còn lại, kết quả đa số phiếu trong cuộc bỏ phiếu kín đầu tiên sẽ trở thành phán quyết. Những bồi thẩm đoàn bị bế tắc - những bồi thẩm đoàn không đạt được một phán quyết nào - thường chỉ xảy ra khi có tỷ lệ thiểu số khá lớn trong cuộc bỏ phiếu kín đầu tiên.

Các học giả cũng nhận thấy các bồi thẩm đoàn thường đạt được phán quyết mà thẩm phán muốn có, nếu thẩm phán là người duy nhất chịu trách nhiệm về phán quyết đó. Một nghiên cứu lớn về bồi thẩm đoàn yêu cầu các thẩm phán trả lời về việc họ ra phán quyết cho các vụ án có bồi thẩm đoàn mà họ chủ trì như thế nào. Thẩm phán và bồi thẩm đoàn đồng ý trong 81% các vụ án hình sự (tỷ lệ tương tự đối với các vụ án dân sự). Thẩm phán và bồi thẩm đoàn không thống nhất trong 19% số vụ án hình sự, với việc thẩm phán thể hiện một xu thế rõ rệt là kết án những gì bồi thẩm đoàn xử trắng án.

Khi những thành viên của bồi thẩm đoàn cuối cùng cũng đi đến quyết định, họ quay trở lại phòng xử án và phán quyết của họ được công bố công khai, thường là do chủ tịch bồi thẩm đoàn công bố. Khi đó công tố hoặc luật sư bào chữa thường yêu cầu được thăm dò ý kiến - nghĩa là mỗi thành viên bồi thẩm đoàn được hỏi độc lập rằng phán quyết đó thực tế có phản ánh ý kiến của riêng họ hay không. Mục đích của việc làm này là để xác định liệu mỗi thành viên có ủng hộ phán quyết chung hay đơn giản là họ chịu sức ép của cả nhóm. Nếu thủ tục thăm dò ý kiến cho thấy bồi thẩm đoàn thực sự không thống nhất với nhau thì bồi thẩm đoàn sẽ được yêu cầu trở lại phòng hội thẩm để tiếp tục cân nhắc; ở một số khu vực tài phán, có thể có lời tuyên bố về việc xét xử sai. Nếu bị tuyên bố là xét xử sai thì vụ án có thể bị xét xử lại trước một bồi thẩm đoàn mới. Ở đây không có nguy cơ tái hình vì bồi thẩm đoàn ban đầu không thống nhất đối với phán quyết. Nếu phán quyết của bồi thẩm đoàn là vô tội thì bị cáo được tuyên bố tha tại chỗ và được tự do rời khỏi phòng xử án.

NHỮNG THỦ TỤC SAU MỘT PHIÊN TÒA HÌNH SỰ

Khi kết thúc phiên tòa hình sự, thông thường vẫn còn hai khâu đối với bị đơn nếu bị tuyên có tội: quyết định hình phạt và kháng án.

Quyết định hình phạt

Quyết định hình phạt là lời công bố chính thức của tòa án về việc xét xử bị đơn mà vào thời điểm đó sự trừng phạt hay hình phạt được đưa ra.

Ở cấp độ liên bang và ở hầu hết các bang, quyết định hình phạt chỉ do thẩm phán đưa ra. Tuy nhiên, ở một số bang bị đơn có thể lựa chọn được thẩm phán hoặc bồi thẩm đoàn quyết định hình phạt, và trong các vụ án tử hình các bang thường yêu cầu rằng không được áp dụng hình phạt tử hình nếu không có quyết định đồng thuận của 12 thành viên bồi thẩm đoàn. Tại một số bang, sau khi bồi thẩm đoàn xác minh và tuyên bố một ai đó là có tội thì bồi thẩm đoàn sẽ thảo luận kỹ lưỡng lần thứ hai để xác định bản án. Ở một vài bang, một bồi thẩm đoàn mới sẽ được đưa vào danh sách cốt để tuyên án. Khi đó những quy tắc về bằng chứng sẽ được nới lỏng hơn, và bồi thẩm đoàn có thể được phép nghe bằng chứng đã bị loại trừ trong thời gian xét xử thực tế (chẳng hạn, hồ sơ tội phạm trước đó của bị cáo).

Sau khi thẩm phán công bố bản án, theo tập quán sẽ có một vài tuần tính từ lúc bị đơn bị xác minh và tuyên bố là có tội đến khi hình phạt được đưa ra. Khoảng thời gian này cho phép thẩm phán nghe và xem xét những kiến nghị sau phiên tòa mà luật sư bào chữa có thể nêu ra (như kiến nghị một phiên tòa mới) và cho phép một người quản chế tiến hành điều tra trước khi kết án. Người quản chế này là một chuyên gia về tội phạm học, tâm lý học hay xã hội học - người sẽ gợi ý cho thẩm phán về độ dài thời gian áp đặt hình phạt. Người quản chế thông thường xem xét những yếu tố như lai lịch của tội phạm, mức độ nghiêm trọng của tội danh phạm phải, và khả năng tội phạm tiếp tục tham gia vào những hoạt động phi pháp. Các thẩm phán không buộc phải tuân theo khuyến nghị của người quản chế, nhưng khuyến nghị này vẫn là một yếu tố quan trọng trong đánh giá của thẩm phán về việc sẽ đưa ra bản án nào. Các thẩm phán được giới thiệu rất nhiều biện pháp thay thế và hàng loạt những bản án khi trừng phạt tội phạm. Nhiều biện pháp thay thế trong số này liên quan đến khái niệm cải tạo và đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của các chuyên gia trong các lĩnh vực tội phạm học và khoa học xã hội.

Hình phạt nhẹ nhất mà một thẩm phán có thể đưa ra là án treo. Đây thường là hình phạt mà tội phạm được coi là rất nhẹ hoặc nếu thẩm phán tin rằng người phạm tội sẽ không tiếp tục tham gia vào những hoạt động phi pháp. Nếu án treo được đưa ra thì người phạm tội có thể không phải ngồi tù một tí nào chừng nào những điều kiện của án treo vẫn được duy trì. Những điều kiện như vậy có thể gồm tránh xa những tên tội phạm đã bị kết án, không phạm những tội danh khác, hay thực hiện một số hoạt động cộng đồng một cách thường xuyên hơn. Nếu một người phạm tội trải qua thời gian án treo mà không có vi phạm gì thì hồ sơ tội phạm của người đó thường được xóa sạch và trong con mắt của pháp luật thì dường như người đó chưa hề phạm tội gì.

Nếu thẩm phán không mấy ngả về quyết định án treo và thấy rằng thời gian trong nhà lao là cần thiết thì thẩm phán có thể đưa ra một án tù trong phạm vi quy định của luật pháp. Lý do phải có một dãy số năm tù thay vì tự động áp dụng số năm tù là ở chỗ luật pháp nhận thấy không phải mọi tội danh và kẻ phạm tội là đồng nhất với nhau và trên nguyên tắc hình phạt phải phù hợp với tội danh.

Trong nỗ lực xóa bỏ những chênh lệch lớn trong việc kết án, chính quyền liên bang và nhiều bang đã cố gắng đưa ra những bộ hướng dẫn chuẩn mực để tạo sự nhất quán cao hơn giữa các thẩm phán. Ở cấp độ quốc gia, nỗ lực này được thể hiện bằng việc ban hành Đạo luật cải cách việc quyết định hình phạt năm 1987 - là đạo luật xây dựng những hướng dẫn cơ cấu thủ tục kết án.

Quốc hội quy định rằng các thẩm phán chỉ có thể đi trệch khỏi những hướng dẫn nếu họ tìm ra một tình tiết trầm trọng hơn hoặc giảm nhẹ đi mà tội danh phạm phải không được xem xét một cách thỏa đáng. Mặc dù những hướng dẫn của Quốc hội không chỉ ra cụ thể những loại yếu tố có thể cấu thành nên cơ sở cho việc đi trệch khỏi những hướng dẫn kết án, nhưng Quốc hội nêu rõ rằng những cơ sở như vậy không thể bao gồm chủng tộc, giới tính, xuất xứ, tín ngưỡng, tôn giáo, tình trạng kinh tế xã hội, sự lệ thuộc vào ma tuý, hay lạm dụng rượu.

Các bang cũng có rất nhiều chương trình để tránh những chênh lệch lớn trong bản án của thẩm phán. Đến năm 1995, 22 bang đã thành lập các ủy ban để xây dựng những hướng dẫn kết án cho các thẩm phán của mình, và đến cuối năm 1997, những hướng dẫn đó đã có hiệu lực ở 17 bang. Tương tự như vậy, gần như hầu hết các bang giờ đây đã ban hành những đạo luật kết án bắt buộc đòi hỏi sự kết án tự động, cụ thể đối với việc phạm phải một số tội danh - đặc biệt là những tội có bạo lực, những tội có sử dụng súng, hoặc những tội do tội phạm thường xuyên phạm phải.

Bất chấp việc có tác động to lớn đối với việc kết án, các thẩm phán không nhất thiết phải có tiếng nói cuối cùng về bản án. Bất cứ khi nào một thời hạn ngồi tù được thẩm phán đặt ra thì nó vẫn phục thuộc vào những luật tạm tha của chính quyền liên bang và của các bang. Do vậy các ủy ban về tạm tha (và đôi khi là tổng thống và các thống đốc, những người có quyền đưa ra lệnh tha hay những bản án giảm nhẹ) có tiếng nói cuối cùng về việc một người thực tế phải ngồi tù bao lâu.

Kháng án

Ở cả cấp độ bang và liên bang, mọi người đều có quyền ít nhất một lần kháng án đối với việc bị kết án phạm trọng tội, nhưng trên thực tế rất ít tội phạm hình sự sử dụng đặc quyền này. Việc kháng án dựa trên lý lẽ cho rằng đã có sai phạm về luật trong quá trình xử án. Một sai phạm như vậy phải là có thể đảo ngược chứ không phải là vô hại. Một sai phạm được coi là vô hại nếu việc xảy ra vi phạm không ảnh hưởng lên kết quả của việc xét xử. Tuy nhiên, một sai phạm có thể đảo ngược là một sai phạm nghiêm trọng mà có thể tác động lên phán quyết của thẩm phán hay bồi thẩm đoàn. Chẳng hạn, một sự kháng án thành công có thể dựa trên lập luận rằng bằng chứng được chấp nhận một cách không hợp lý tại phiên tòa, rằng chỉ dẫn của thẩm phán cho bồi thẩm đoàn bị bỏ sót, hoặc rằng lời bào chữa có tội không được thực hiện một cách tự nguyện. Tuy nhiên, việc kháng án phải dựa trên những câu hỏi về thủ tục và giải thích pháp lý, chứ không dựa trên những phán quyết căn cứ theo sự thực về sự phạm tội hay vô tội của bị đơn. Hơn nữa, trong hầu hết các trường hợp, một người không thể kháng cáo thời hạn bản án của mình ở Mỹ (chừng nào thời hạn đó vẫn nằm trong phạm vi quy định theo pháp luật).

Những bị đơn hình sự có mức độ thành công nhất định trong việc kháng án, khoảng 20%, nhưng điều đó không có nghĩa là bị cáo được thoát tội. Tập quán thông thường đối với tòa phúc thẩm là gửi trả vụ án (gửi lại vụ án xuống cấp dưới) cho tòa án cấp thấp hơn để xét xử lại. Khi đó công tố phải xác định liệu những sai phạm về thủ tục trong lần xét xử đầu tiên có vượt qua được lần xét xử thứ hai không và liệu có đáng mất thời gian và công sức để làm điều đó không. Một phiên tòa thứ hai không được coi là tái hình vì bị đơn đã chọn kháng cáo sự kết tội đầu tiên.

Truyền thông và các phương tiện thông tin khác liên quan đến luật pháp thường hướng sự chú ý của công chúng đến các tòa phúc thẩm mà dường như thả lỏng những tội phạm đã bị kết tội và đến những lời kết án được đảo ngược về tính chất chuyên môn. Chắc chắn là điều đó sẽ xảy ra, và ta có thể lập luận rằng điều này là không thể tránh khỏi trong một đất nước dân chủ có hệ thống pháp luật dựa trên nền tảng hành xử công bằng và giả định về sự vô tội của bị cáo. Tuy nhiên, khỏa ng 90% số bị đơn bào chữa có tội, và sự bào chữa này thực sự đã loại trừ khả năng kháng cáo. Trong số những bị đơn còn lại thì hai phần ba bị kết luận có tội tại phiên tòa xét xử và chỉ một phần rất nhỏ trong số họ kháng cáo. Trong số những người kháng cáo thì chỉ có 20% có được một mức độ thà nh công vừa phả i. Trong số những người mà lời kết án dành cho họ được đảo ngược, có nhiều người bị kết luận có tội tại phiên tòa tiếp theo. Do đó, số người bị kết án phạm tội mà sau đó được tha tội do những sai phạm có thể đảo ngược của tòa án chỉ dừng lại ở tỷ lệ nhỏ bé 1% mà thôi.

=====================================

Ấn phẩm của Chương trình Thông tin Quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, năm 2004 - Bản dịch của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến