Vì ta sùng bái hâm mộ cái phong lục xã hội Âu, Mỹ - cái chế độ hôn nhân của họ mà ta muốn mang hết thảy về thay đổi cho ta, đó chẳng những không hấp thụ được cái tinh hoa văn hóa họ mà lại dẫm lên cái cặn bã văn hóa của họ... Vậy thì chị em ai là người chủ trương sự giải phóng cho nữ giới, phải nên lựa chọn cái tính chất văn hóa cũ cùng cái tính chất của văn hóa mới dung hòa thế nào cho phù hợp nhau, để tạo nên những người phụ nữ rất trung thành với nghĩa vụ của mình, rất thấu đạt cái địa vị của mình đối với gia đình, đối với xã hội. Cái phương châm giáo dục cho phụ nữ ta là nhằm với cái mục đích ấy mà tới vậy”. Năm 2006 nước Việt Nam đã gia nhập WTO - tức là nước ta đã được hội nhập với nền kinh tế toàn cầu, được Tổng thống Mỹ ví như "một con hổ trẻ"... Có nhiều cơ hội để cho Việt Nam tiến lên theo kịp các nước trên thế giới, đồng thời cũng sẽ có nhiều thay đổi về kinh tế, xã hội, con người, giáo dục... Sự thay đổi ấy có ảnh hưởng đến từng gia đình không? Chắc chắn là có? Không phải ngẫu nhiên mà tôi mượn lời mở đầu bài này của nữ nhà báo Đạm Phương Sử Nữ - Người phụ nữ sinh ra và sống qua hai thế kỷ XIX, XX. Tuy cách hành văn của bà còn cổ xưa nhưng ý nghĩa thì hoàn toàn tân tiến thích hợp với thế kỷ XXI của chúng ta - nhất là thời điểm này khi mà đất nước tưng bừng đón chào năm mới cùng với những hy vọng ở tương lai. Văn hóa gia đình Việt Nam luôn gắn liền với những người phụ nữ Nước Việt Nam có hàng nghìn năm phong kiến, tuy nhiên người phụ nữ trong những gia đình dòng tộc lớn luôn là người duy trì nề nếp gia phong, dậy dỗ con cháu... Họ không những sinh ra những đứa con “nối dõi tông đường" mà còn có nhiều ảnh hưởng đến các thế hệ con cháu làm rạng rỡ tổ tông đời sau. Đọc cuốn "Hồi ký về Giáo sư Nguyên Văn Huyên" của tác giả Nguyễn Kim Nữ Hạnh (con gái của ông) chúng ta thấy rõ sự tu nghiệp lẫy lừng của vị Bộ trưởng Bộ giáo dục suốt 29 năm. Ông đã được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh, là người đặt nền móng cho ngành nghiên cứu văn hoá Việt Nam bằng cuốn sách “Văn minh Việt Nam" in năm 1944 và nhiều công trình nghiên cứu khoa học nổi tiếng về tinh thần người Việt. Ông sinh ra trong một gia đình công chức. Ông viết về mẹ mình như sau: "Mẹ góa, chồng sớm, cần cù khuya sớm làm ăn, dành dụm cho con đi học. Bản thân mẹ hiếu học, ghét mê tín và luôn cầu tiến, ít nói, thì không cãi cọ với ai bao giờ nếp sinh hoạt phong kiến thờ chồng, dạy con, chăm sóc mẹ già thay anh". Nhờ có người mẹ như vậy mà năm 18 tuổi ông được sang Pháp học tập vài năm sau đỗ bằng Cử nhân Văn chương và Cử nhân Luật. Sau đó ông bảo vệ Luận án Tiến sĩ tại Đại học đã Sorbonne - Paris. Người phụ nữ thứ hai rất ảnh hưởng đến cuộc đời ông chính là vợ ông bà Vi Kim Ngọc. Bà chính là con gái của Tổng đốc Thái Bình: Vi Kim Định (cụ thuộc dòng dõi nhiều đời làm tướng trấn giữ biên cương). Theo truyền thống gia đình, bà Ngọc ngay từ nhỏ đã được học “cầm, kỳ, thi, họa", võ tàu, cưỡi ngựa và được đến trường học. Hai ông bà có bốn người con, họ đều thành đạt và nối tiếp theo tấm gương của cha mẹ nuôi dạy con cháu trong gia đình. Trước khi mất bà Ngọc đã dặn dò các con: "Gương người cha kính yêu là mẫu mực của một con người: Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Những lời tuy cổ xưa, nhưng mẹ nghĩ con người có nhân cách phải thực hiện đạo đức đó…”. Tài sản cha mẹ để cho các con Nhà văn nhà cách mạng lớn Đặng Thai Mai sinh ra trong một gia đình "sang" nhất vùng. Vì có ông nội là cử nhân, khai khoa. Bố của ông đỗ phó bảng. Ngôi nhà của ông nội là nơi các sĩ phu yêu nước ngày ấy thường lui tới bàn bạc việc "đánh tây". Khi Đặng Thai Mai lên bẩy tuổi, cha bị bắt đi đầy, đến ở với bà nội - một người phụ nữ trung hậu, đảm đang, yêu nước không kém gì chồng và các con trai của mình. Năm 1925 ông học trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương ở Hà Nói rồi ra làm Giáo sư Trường Quốc học Huế, sau đó kinh qua nhiều hoạt động. Năm 1945 ông được bầu là Đại biểu Quốc hội khoá I, Bộ trưởng Bộ Giáo dục, 1955 Giám đốc trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1960 Viện trưởng Viện Văn học - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, được Nhà nước tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Người thầy dậy toán học của Đặng Thai Mai chính là cụ Hồ Phi Thống tác giả nhân đạo quyền hành và Đạm Trai văn tập sau này trở thành bố vợ của ông. Vợ ông là người đã sinh cho ông năm người con và gắn bó với ông cả cuộc đời cho dù sướng hay khổ, buồn hay vui. Con gái đầu lòng của ông - cô Đặng Bích Hà (Vợ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp) đã viết về cha mẹ mình như sau: "Mấy chị em chúng tôi lớn lên trong tình thương yêu của cha mẹ... Nếu mẹ đã bạn cho các con tình mẹ con sáng đẹp thì cha tôi là một người cha với toàn vẹn ý nghĩa của từ này. Ông đã chăm chút, hướng dẫn chúng tôi trên đường đời không phải chỉ bằng sự răn dạy hay những lời khuyên nhủ ân cần. Ông tạo điều kiện để chúng tôi được học hành đến nơi đến chốn. Ông luôn chỉ cho chúng tôi đâu là thực chất, đâu là phù phiếm và điều quan trọng nhất là ông dạy dỗ các con qua tấm gương lao động, sự hy sinh vì nghĩa lớn và bằng chính cuộc đời cao đẹp của mình… Khi đã lớn tuổi, con người thường hay nghĩ về một thời đã qua. Tôi thường nghĩ về tình yêu thương lớn lao mà cha mẹ đã dành cho mấy chị em chúng tôi. Cha mẹ đã không có nhiều tài sản cho con cháu nhung đã để lại cho chúng tôi một tấm gương, một sự nghiệp. Đó là tài sản quý giá mà không mấy dễ ai có được”. Một quận chúa làm nhà báo và là nhà giáo dục gia đình Đạm Phương Sử Nữ là bút danh của bà Công Tôn Nữ Đồng Canh sinh năm 1881 tại kinh đô Huế. Thân phụ của bà là hoàng tử thứ 66 của vua Minh Mạng. Thời niên thiếu Quận chúa được học hành nghiêm túc Hán văn, Pháp văn, Quốc ngữ, cầm, kỳ, thi, hoạ, thêu thùa, cắt may, nấu nướng... Đó là những kiến thức cơ bản vốn văn hoá vững chắc cho bà Quận chúa bước vào đời. Năm 16 tuổi bà lấy chồng là ông nghè Nguyễn Khoa Tùng sinh hạ được ba người con gái và ba người con trai đều được giáo dục trưởng thành. Sau đó cả ba người con trai của ông bà đều lần lượt ngã xuống trong sự nghiệp đấu tranh chống thực dân Pháp giải phóng dân tộc. Trong đó có nhà lý luận Macxít xuất sắc Hải Triều (tức Nguyễn Khoa Văn là người đã thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên ở Sài Gòn Chợ Lớn là cụ thân sinh ra ông Nguyễn Khoa Điềm, nguyên là Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Văn hoá Tư tưởng Trung ương) Đọc cuốn sách của bà Đạm Phương Sử Nữ mới thấy bà thực sự là một cây bút nữ Việt Nam mở đầu cho lĩnh vực nghiên cứu giáo dục về phụ nữ, gia đình rất có hệ thống. Dưới đầu đề "bàn về vấn đề giáo dục con gái" bà có trích dẫn câu của nhà văn M.Dugard: "Giáo đục phụ nữ là một vấn đề rất quan hệ cho một dân tộc tương lai" đủ thấy tầm nhìn xa trông rộng của một người phụ nữ đang sống trong xã hội Hoàng tộc mà lại có tư tưởng tiến bộ biết chường nào. Bà đã viết "Hiện nay sự học vấn của con gái, phải làm sao cho đường đức hạnh vẫn cứ noi theo nề nếp cũ, mà đường trí thức cần phải mở mang thêm... Việc giáo dục thiếu nữ bây giờ có hai cái trường học đều nên cần cả: 1. Là trường nữ học của Nhà nước, để đào luyện tinh thần trí não, muốn cho khôn ngoan thì phải có học. 2. Là trường học gia đình thì ngày thường cha mẹ phải rèn tập lấy phẩm hạnh cho con cái, sự học của con gái cần phải khai thông, vì người đàn bà cũng chung đúc khí thiêng của núi sông mà nên người”. Cả quyển sách viết tỉ mỉ về: Cách dạy trẻ con, đạo vợ chồng, người đàn bà muốn giữ quyền lợi cho mình, những thói xấu nên tránh xa, cách trang điểm của người đàn bà thế nào là đẹp, gia đình giáo dục cần phải luyện tâm tính, người mẹ có giáo dục mới giáo dục được con… Qua ba ví dụ trên chứng minh trong những gia đình dòng dõi, có truyền thống, trí thức thành đạt nhiều thế hệ:.. đều phải có một nền văn hoá, giáo dục gia đình rất Á Đông nhưng cũng không kém phần hiện đại mà ơ thế kỷ này chúng ta vẫn rất nên duy trì, bảo vệ và thực hiện nếu muốn hoà nhập với nền văn minh thế giới mà vẫn gìn giữ được bản sắc văn hóa Việt Nam. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét