Thứ Ba, 14 tháng 8, 2007

GHI THẾ NÀO TRONG GIẤY KHAI SINH



Trong số các loại giấy tờ tuỳ thân, giấy khai sinh là loại giấy tờ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp sớm nhất cho một con người. Điều 5 Nghị định số 158/2005/NĐ - CP ngày 27/12/2005 (Nghị định158) của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch (sẽ có hiệu lực từ ngày 01/4/2006) khẳng định: “Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của mỗi cá nhân. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung ghi về họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó”. Như vậy, đối với một con người, khi có Giấy khai sinh - hộ tịch gốc - người đó đã là một công dân có đủ mọi quyền và nghĩa vụ theo pháp luật đối với nhà nước và xã hội. Tuy vậy, việc ghi những gì trong giấy khai sinh lại là câu chuyện đáng bàn và nên được bàn cho thấu đáo, vì tất cả mọi thông số liên quan đến cuộc đời một công dân, luôn bắt đầu từ hộ tịch gốc này.

Nghị định 158 đã quy định đầy đủ, chi tiết và ưu việt hơn trong việc khai sinh cho trẻ. Thẩm quyền cấp giấy khai sinh thuộc UBND cấp xã, nơi cư trú của người mẹ; nếu không xác định được nơi cư trú của người mẹ, thì UBND cấp xã nơi cư trú của người cha thực hiện việc đăng ký khai sinh. Việc đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi được thực hiện tại UBND cấp xã nơi cư trú của người đang tạm thời nuôi dưỡng hoặc nơi có trụ sở của tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ em đó. Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày sinh con, cha mẹ hoặc người thân có trách nhiệm đi khai sinh cho con (Nghị định cũ quy định thời hạn này là 30 ngày). Người đi đăng ký khai sinh phải nộp giấy chứng sinh và xuất trình giấy chứng nhận kết hôn của cha mẹ trẻ em. Giấy chứng sinh do cơ sở y tế - nơi trẻ em sinh ra - cấp; nếu trẻ em sinh ra ngoài cơ sở y tế thì giấy chứng sinh được thay bằng văn bản xác nhận của người làm chứng. Tuy nhiên, đối với trẻ em sinh ra ngoài cơ sở y tế và không có người làm chứng thì không nhất thiết phải có giấy chứng sinh hoặc văn bản xác nhận của người làm chứng, mà chỉ cần làm giấy cam đoan về việc sinh là có thật. So với quy định trước đây, việc khai sinh đã giảm bớt những yêu cầu về sổ hộ khẩu hoặc giấy đăng ký tạm trú của người mẹ, đồng thời giảm bớt các điều kiện đối với người làm chứng cho việc sinh trẻ em. Nếu quá thời hạn 60 ngày, giấy khai sinh cũng vẫn được cấp nhưng ghi rõ trong sổ khai sinh là “đăng ký quá hạn”. Trường hợp bản chính bị mất, hư hỏng hoặc phải ghi chú quá nhiều được cấp lại bản chính giấy khai sinh nếu sổ đăng ký khai sinh còn lưu trữ được và sẽ do UBND cấp huyện thực hiện.

Tuy nhiên, trong Nghị định còn nhiều điều ghi chưa cụ thể mà lẽ ra, các quy định này có thể làm được ngay. Ví dụ việc xác định dân tộc cho trẻ buộc phải theo dân tộc của bố hay mẹ; việc ghi quê quán của trẻ là theo quê ông nội hay theo nơi thường trú của bố, mẹ hoặc ghi theo nơi sinh của bố; nơi sinh ghi là tỉnh, thành phố đứa trẻ sinh ra hay ghi tên bệnh viện… Điều này cũng gây những bất cập khi áp dụng mà ý kiến xin nêu dưới đây là một ví dụ.

Từ trước đến nay, pháp luật về hộ tịch quy định nguyên quán của một con người phải ghi theo nơi sinh của cha. Trên thực tế, đây cũng là vấn đề đáng bàn vì ngoài quy định hiện hành trên, còn có thêm hai loại ý kiến và sự vận dụng linh hoạt của từng địa phương là: nguyên quán của một con người phải ghi theo “quê quán gốc” hoặc ghi theo nơi thường trú. Xem ra ý kiến nào cũng có cái lý của nó.

Trước hết, quan điểm chính thống hiện hành là ghi theo nơi sinh của người cha đứa trẻ. Phải thừa nhận rằng hầu hết các trường hợp nguyên quán ghi theo nơi sinh của cha là hợp lý. Nhưng trên thực tế, có những người cha chỉ sống tại nơi sinh ra mình có một thời gian ngắn, thậm chí rất ngắn và nơi sinh đó chẳng dính líu gì đến quê cha đất tổ. Bố tôi quê ở huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An, rồi lớn lên đi theo kháng chiến, tham gia chiến dịch Điện Biên và kết hôn với mẹ tôi quê ở Thái Bình nhưng hoạt động cùng đơn vị, sinh ra tôi tại Điện Biên vào mùa Xuân năm 1955. Khi tôi chỉ mới bốn tháng, bố mẹ được điều động về thành phố Vinh công tác rồi về hưu ở đó. Tôi lớn lên với giấy khai sinh trong đó ghi nơi sinh là Điện Biên và nguyên quán là Nam Đàn, Nghệ An (và ghi như vậy là đúng). Năm 1978, tốt nghiệp đại học, được phân công công tác ở Hà Nội. Rồi tôi lập gia đình và sinh được hai con. Vậy nguyên quán của các con tôi nếu ghi trong Giấy khai sinh là Điện Biên có phù hợp không? Mặc dầu nơi hoạt động một thời gian ngắn, lập gia đình của bố mẹ tôi và sinh ra tôi nhưng Điện Biên rõ ràng không phải là quê hương tôi. Từ trước tới nay, khi làm giấy khai sinh cho các con tôi đều ghi nguyên quán là Nam Đàn, Nghệ An (và như vậy là hợp lý). Chẳng lẽ nay lại phải thay đổi Giấy khai sinh của các con tôi? Vả lại, thay đổi trên giấy tờ thì có thể nhưng làm sao thay đổi trong tiềm thức của các đứa trẻ về quê cha đất tổ. Đối với chúng tôi, quê cha đất tổ là Nghệ An - nơi sinh ra bố tôi, chứ không phải Điện Biên - nơi sinh ra tôi.

Vấn đề đặt ra là thế hệ tiếp theo: năm nay con trai tôi sinh cháu trai. Như trên đã nói, con tôi sinh ra ở Hà Nội và trong Giấy khai sinh của con tôi ghi nơi sinh là Hà Nội, nguyên quán là Nam Đàn, Nghệ An. Đối với họ hàng tôi, cháu bé mới ra đời là chắt “đích tôn”. Trong Giấy khai sinh cho đứa chắt này ghi nguyên quán là Nam Đàn, Nghệ An (nơi sinh của cụ nội đứa trẻ), hay ghi nguyên quán là Điện Biên (nơi sinh ra tôi và tôi chỉ ở đó 4 tháng) hay ghi nguyên quán là Hà Nội (nơi vợ chồng tôi thường trú và sinh ra con trai, cũng là nơi con trai và con dâu tôi thường trú)?

Để trả lời câu hỏi này thật không đơn giản. Việc đầu tiên là tôi đi tìm nghĩa của từ nguyên quán. Theo Từ điển Tiếng Việt năm 2002 (do Hoàng Phê chủ biên) thì nguyên quán là “Quê quán gốc” (Tr. 694) và quê quán là “Quê, về mặt là nơi gốc rễ của gia đình, dòng họ” (Tr. 810). Như vậy, theo cách giải nghĩa trong Từ điển Tiếng Việt thì nguyên quán của đứa trẻ phải ghi là Nam Đàn, Nghệ An. Chắc chắn dòng họ nhà tôi hài lòng. Quê cha đất tổ là nơi sinh sống của nhiều thế hệ, là nơi phát tích của một dòng họ cần được lưu truyền bằng cách ghi vào mục nguyên quán trong giấy khai sinh của mỗi người.

Có ý kiến cho rằng kể từ khi nhà nước thực hiện chính sách kế hoạch hoá gia đình, trong dòng họ người Việt không còn nhiều chi, nhiều nhánh nữa. Mỗi gia đình thường chỉ có một con trai và nếu người con trai đó lớn lên rời quê đi sinh sống ở nơi khác thì các thế hệ tiếp theo khó mà quay trở lại quê cha đất tổ. Vì vậy, mục nguyên quán trong giấy khai sinh của mỗi người cần ghi theo nơi sinh của người cha để dễ thực hiện việc quản lý nhà nước. Nghe thì thấy có lý nhưng suy nghĩ kỹ tôi vẫn cho rằng không nên ghi theo nơi sinh vì nhiều người cha sinh ra một nơi nhưng sống và làm việc lâu dài ở nơi khác. Trường hợp này có thể ghi theo nơi thường trú của người cha. Trước sau tôi vẫn cho rằng mục nguyên quán nên ghi theo quê cha đất tổ lâu đời. Điều này sẽ thuận lợi cho việc truy tìm và lưu giữ gia phả của mỗi dòng họ - một nhu cầu tinh thần thiêng liêng mang tính truyền thống của người Việt.

Gần đây, trên báo Tuổi trẻ có đăng bài “Tôi đi chỉnh giấy khai sinh cho con” (số ra ngày 05/01/2006), tác giả Hồ Thị Thanh Huyền cho biết, ngày 5/12/2005 chị đến Sở Tư pháp TP.Hồ Chí Minh để chỉnh sửa giấy khai sinh cho con vì giấy khai sinh cũ của con đã ghi theo nguyên quán của ông nội là Quảng Nam, trong khi mới có quy định nguyên quán phải ghi theo nơi sinh của cha cháu bé là TP.Hồ Chí Minh. Và chị cho biết là gặp không ít thủ tục hành chính phiền hà trong việc chỉnh sửa giấy khai sinh.

Từ những việc nhỏ nhưng rất quan trọng như vậy, thiết nghĩ, trong các Nghị định (là các văn bản dưới luật) nên có quy định cụ thể để các địa phương áp dụng thống nhất. Nên tránh tình trạng văn bản dưới luật lại phải chờ có văn bản hướng dẫn rồi mới thực hiện được.

==============================

TS. Lê Quốc Hùng

NGUỒN : www.nclp.Org.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến