Thứ Tư, 29 tháng 8, 2007

NA UY - VƯƠNG QUỐC CỦA BÌNH ĐẲNG GIỚI


Luật Bình đẳng giới và hệ thống luật pháp cùng hướng tới mục tiêu bảo vệ quyền cho người phụ nữ

Na Uy là đất nước dân số ít (4,5 triệu người) nhưng chỉ số phát triển con người (HDI) và chỉ số phát triển giới (GDI) xếp thứ nhất thế giới. Tuổi thọ trung bình cao, với nam 77 tuổi, với nữ 82,3 tuổi.

Có được thành tựu ấy, người ta cho rằngdo Na Uy có nền kinh tế rất phát triển (GDP bình quân trên đầu người 60 ngàn USD). Nhưng chưa hẳn vậy. Thực tế cho thấy có những nền kinh tế trên thế giới rất phát triển, quá phát triển, nhưng 2 chỉ số trên không cao. Vậy nên một hệ thống luật pháp đồng bộ hướng tới mục tiêu bảo vệ quyền và lợi cho người phụ nữ có thể là nguyên nhân quan trọng góp phần làm nên chỉ số bình đẳng giới kia. Ngoài ra còn lý do khác. Đó là Chính phủ Na Uy rất quan tâm đến vấn đề Bình đẳng giới và coi đó là một trong bốn vấn đề trọng tâm phát triển của đất nước họ.

Quả đúng như vậy. Là quốc gia đầu tiên trên thế giới cho phép phụ nữ được tham gia bầu cử vào năm 1913 và có quyền ứng cử Quốc hội từ năm 1930, Na Uy cũng tự hào có Luật Bình đẳng giới ban hành từ năm 1979 với các điều khoản bảo đảm cho cả phụ nữ và nam giới được bình đẳng trong phát triển.

Trong luật Bình đẳng giới, Na Uy quy định: Việc phân biệt đối xửtrực tiếp hoặc gián tiếp với phụ nữ và nam giới đều không được phép, trừ khi nhằm bảo vệ những quyền đặc biệt như bảo vệ phụ nữ trong thời kỳ mang thai, sinh nở, cho con bú.

Với lĩnh vực lao động và việc làm, luật quy định: Khi quảng cáo tuyển dụng, người sử dụng lao động không được hạn chế tuyển một giới, cũng không được gây ấn tượng rằng họ mong muốn hay thích tuyển một giới nào đó. Khi đề bạt, cách chức hoặc sa thải người lao động cũng không được phân biệt nam nữ. Lao động nam và nữ trong cùng một doanh nghiệp phải được trả lương như nhau cho cùng một công việc như nhau hoặc công việc có giá trị như nhau.

Trong giáo dục, Luật bình đẳng giới đề ra phụ nữ và nam giới có quyền bình đẳng trong đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ mà không phân biệt tuổi tác.

Đặc biệt Luật Bình đẳng giới có 1 mục quy định: “Khi thành lập và bổ nhiệm, bầu cử các thành viên của một cơ quan nhà nước, uỷ ban, hội đồng, ban… có từ 4 thành viên trở lên thì mỗi giới phải có đại diện với tỷ lệ ít nhất là 40%. Đối với uỷ ban có từ 2 đến 3 thành viên thì phải có đại diện cả hai giới trong các uỷ ban này”. Bộ Gia đình và Bình đẳng giới ở Na Uy là cơ quan được Chính phủ giao cho chức năng giám sát việc thực hiện điều khoản trên. Nếu cơ quan, đơn vị nào không đạt tỷ lệ đã quy định thì Bộ này đề nghị Chính phủ không cho phép thành lập. Do vậy, đến nay cơ quan các cấp ở Na Uy đã đạt được tỷ lệ trung bình 43% nữ. Bên cạnh đó, một Cơ quan thanh tra về bình đẳng giới và chống phân biệt đối xử trực thuộc Bộ Gia đình và Bình đẳng giới cũng ra đời giúp Chính phủ nhận đơn khiếu nại hoặc phát hiện những vấn đề bất bình đẳng giớitrình lên trên để cùng giải quyết.
Cùng với Luật Bình đẳng giới, Na Uy có hệ thống các luật chuyên ngành và các luật liên quan khác với các điều khoản thống nhất, đồng bộ cùng hướng tới mục tiêu bảo vệ quyền cho phụ nữ. Theo những bộ luật đó, ở Na Uy, nam và nữ cùng nghỉ hưu ở tuổi 67. Nếu đến 67 tuổi, ai còn muốn làm việc tiếp đều được chấp nhận. Chính phủ khuyến khích đi làmtừ 16 tuổi, nghỉ hưu ở tuổi 74 và làm việc càng lâu càng tốt. Tuy nhiên, phụ nữ vẫn có quyền nghỉ sớm từ tuổi 60 nếu họ muốn. Nhưng qua nghe trao đổi, hiện nay nước này có khoảng 100 ngàn phụ nữ mong muốn được làm việc lâu hơn nữa. Có lẽ vì thế mà đội ngũ công chức, chuyên gia đang làm việc nhà nước, khi chúng tôi được tiếp xúc hầu hết là người nhiều tuổi, rất hiếm thấy cán bộ trẻ kể cả tiếp viên hàng không ngoài sân bay.

Chế độ nghỉ thai sản và chăm sóc con cái cũng được Luật đề ra rất tốt. Khi mang thai, nếu người phụ nữ đã đi làm ít nhất là 6 tháng trong vòng 10 tháng thai nghén sẽ được nghỉ chế độ và hưởng lương đầy đủ với số tiền không quá 6 lần số tiền bảo hiểm quốc gia cơ bản. Khi sinh nở, người mẹ được nghỉ 52 tuần hưởng 80% hoặc nghỉ 42 tuần hưởng 100% lương. Trong thời gian này, mẹ phải nghỉ 3 tuần trước khi sinh, bố phải nghỉ bốn tuần theo chế độ người cha. Ngoài ra, bố và mẹ được nghỉ từ 10 đến 20 ngày/năm chăm con ốm (kể cả với con nuôi). Quỹ thời gian này người bố và mẹ có thể toàn quyền tuỳ ý sử dụng trong thời gian 2 năm, không nhất thiết phải nghỉ liên tục. Còn như nếu người phụ nữ không đi làm và không được hưởng chế độ nghỉ đẻ thì được hưởng 32.138 NOK khi sinh con (tương đương 80.500.000 đồng Việt Nam). Từ năm 1992, những ông bố bà mẹ không đi làm mà phải nuôi con dưới 7 tuổi đều được hưởng ba khoản trợ cấp một năm của Chính phủ.

Từ năm 1998 đến 1999, Na uy còn có chương trình trợ cấp tiền nhà trẻ cho trẻ em từ 1đến 2 tuổi. Nếu gia đình không gửi con vào nhà trẻ hoặc các gia đình gửi con dưới 30 giờ/tuần được trợ cấp 3.000 NOK/tháng (tương đương 7.500.000 đồng Việt Nam).

Nhưng có một nghịch lý mà người Chủ tịch Hiệp hội các chính quyền địa phương đã chia sẻ với đoàn chúng tôi: Mặc dù Luật đề ra rất tốt nhưng vẫn chưa khuyến khích được phụ nữ và nam giới. Ví như tỷ lệ sinh con mới đạt 1,8 đến 2 con trong khi Na Uy cần tăng từ 1,9 đến 2,5 con trong một gia đình mới đảm bảo cân bằng xã hội hoặc chỉ có 70% các ông bố thực hiện nghỉ chế độ khi vợ sinh con, trong đó 13% không nghỉ hết chế độ (4 tuần).
.
Kế hoạch hành động phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và mô hình nhà tạm lánh.

Chúng tôi đến thăm Bộ Tư pháp Na Uy vào một buổi chiều. Người tiếp chúng tôi là ông Las Maining – Cố vấn cao cấp đã từng làm việc 25 năm trong ngành tư pháp và đã từng 3 lần sang làm việc ở Việt Nam. Theo lời của ông cố vấn, không phải một đất nước giàu có, sung sướng và hoà bình như Na Uy là không có bạo lực. Người ta đã làm một cuộc khảo sát để điều tra thực trạng về vấn đề này ở 4.618 nam nữ trong độ tuổi từ 20 - 54. Kết quả có 60% trả lời và 27% trongsố2.143 phụ nữ trả lời họ đã bị bạo lực. Trong số các vụ bạo lực, loại bạo lực nghiêm trọng chiếm 9,3%.

Người ta cũng thực hiện một Chương trình "Tuần lễ đếm” để theo dõi sát sao những vụ bạo lực đã thông báo với công an. Kết quả trong một tuần lễ đã có hơn 1 ngàn trường hợp báo cáo bị bạo lực, có gần 2 ngàn trẻ em (hầu hết dưới 7 tuổi) chứng kiến hành vi bạo lực của người lớn và trong số người gây bạo lực, nam giới chiếm 85%. Và trong các vụ bạo lực xảy ra có 60% là xâm phạm thân thể, 40% là xúc phạm, đe doạ tinh thần, tâm lý.

Để giải quyết và hỗ trợ phòng, chống tình trạng bạo lực, năm 1997 Chính phủ đã cấp ngân sách thực thi dự án "Chuông báo động” cho các Sở Cảnh sát. Theo dự án đó, những phụ nữ luôn bị tình trạng bạo lực đe dọa sẽ được phát một dụng cụbáo động nhỏ như chiếc điện thoại cầm tay và họ có số hiệu trên bản đồ cùng trong máy tính của cảnh sát. Nếu có bạo lực xảy ra hoặc đang nguy cơ, người phụ nữ sẽ bấm chuông và cảnh sát sẽ kịp thời đến xử lý. (Chính phủ cũng tài trợ làm dự án thí điểm về việc theo dõi bằng vệ tinh đối với những kẻ xâm phạm tình dục và những nạn nhân. Nếu kẻ nào đến gần nạn nhân thì hệ thống sẽ báo động). Cùng với hệ thống "Chuông báo động”, Sở Cảnh sát còn phân công nhân viên làm đầu mối chuyên trách về vấn đề bạo lực đối với phụ nữ. Đầu mối chuyên trách này có nhiệm vụ nhận báo cáo và phối hợp giải quyết các trường hợp bạo lực xảy ra.

Ngoài ra, Kế hoạch hành động phòng chống bạo lực còn có các giải pháp thiết thực khác như cấp phát cuốn "Cẩm nang hướng dẫn cách phòng, chống bạo lực" cho tất cả phụ nữ; xây dựng Trung tâm nguồn tài liệu hướng dẫn phòng chống bạo lực; Thành lập Uỷ ban phòng, chống bạo lực và đặc biệt xây dựng Nhà tạm lánh dành cho phụ nữ bị bạo lực đe dọa.

Trong số những giải pháp nêu trên, có lẽ " Nhà tạm lánh" là mô hình khá thú vị mặc dù chỉ là giải pháp tình thế. Mô hình này thuộc Trung tâm giải quyết khủng hoảng do tổ chức phi chính phủ sáng tạo và đã hoạt động gần 30 năm nay. Kể từ ngày có ngôi nhà tạm lánh đầu tiên vào năm 1978, đến nay Trung tâm giải quyết khủng hoảng ở Na Uy đã có 50 ngôi nhà như thế. Mục đích xây những ngôi nhà này để bảo vệ an toàn cho người phụ nữ khi họ bị bạo lực. Người phụ nữ bị bạo hành trong gia đình hoặc bị tấn công ngoài đường, không nơi ăn ở đều có thể chạy thẳng vào đây bất cứ lúc nào.

Những nạn nhân chạy vào đây, họ có thể mang theo những đứa con và được tạm lánh từ 1 ngày đến 3 tháng. Đến nhà tạm lánh, người phụ nữ vừa được chở che tính mạng vừa được nuôi ăn ở, học tập. Ban quản lý Nhà thực hiện một chương trình bồi dưỡng, tập huấn ngắn để các nữ nạn nhân được hiểu biết kiến thức về luật pháp, xã hội, chăm sóc sức khoẻ, bảo vệ bản thân, kỹ năng sống... và đến một lúc nào đó, họ có thể quyết định lấy cách giải quyết cho hoàn cảnh của họ mà Trung tâm không áp đặt. Vì thế, đến Nhà tạm lánh, nạn nhân nữ có cảm giác không bị đơn độc vì họ được chia sẻ đồng cảm và cùng giúp nhau vượt qua những nỗi khổ của mình. Trung tâm cũng giữ bí mật tên tuổi cho những nạn nhân chạy vào nhà tạm lánh của họ hoặc không bắt buộc nạn nhân khai tên tuổi thật.
Tuy thế, theo Ban thư ký Trung tâm giải quyết khủng hoảng cho biết chỉ có 36% phụ nữ nạn nhân tự liên lạc tìm đến Trung tâm vì họ rất mặc cảm việc bị chồng (hoặc đàn ông) đánh đập. Các trường hợp còn lại do công an, bác sĩ, hàng xóm hoặc tổ chức phúc lợi liên lạc, đưa họ đến. Chúng tôi được biết các nạn nhân vào nhà tạm lánh phần nhiều là người nhập cư. Phụ nữ Na Uy vào đây năm 2005 có 50%. Trong 7 năm gần đây Trung tâm còn hỗ trợ thêm phụ nữ bị tàn tật không nơi nương tựa.

Để duy trì hoạt động các Nhà tạm lánh, Ban Thư ký Trung tâm giải quyết khủng hoảng phải là một đội ngũ chuyên gia, cố vấn, những nhà hoạt động xã hội giỏi. Họ luôn nắm bắt thực trạng và giám sát tình hình bạo lực xảy ra. Họ trình khuyến nghị lên Chính phủ để Chính phủ có những chính sách hỗ trợ phụ nữ. Họ làm việc và có ảnh hưởng tới toàn xã hội trong lĩnh vực này, họ cũng có quyền chỉ trích các chính trị gia nếu các vị này không làm những gì để bảo vệ cho phụ nữ... Khi trao đổi với Giám đốc Trung tâm giải quyết khủng hoảng, chúng tôi còn được biết kinh phí cho hoạt động của Nhà tạm lánh hàng chục năm qua đều xin Chính phủ cấp 50%, còn 50% là đóng góp của chính quyền địa phương. Nhưng bây giờ chính quyền địa phương chỉ góp 20%, còn 30% họ phải tự tìm nguồn tài trợ. Vị chi hàng năm Trung tâm chi tiêu từ 25 đến 30 triệu NOK cho hoạt động này.

Đoàn Việt Nam chúng tôi có hỏi thêm họ rằng nếu nam giới ở Na Uy bị bạo lực thì có tổ chức nào che chở cho họ không ?". Họ bảo: "ở Na Uy, nam giới bị bạo lực không nhiều. Nếu bị bạo lực phần lớn họ đi về nhà bố mẹ hoặc bạn bè họ. Cũng có một số Trung tâm dịch vụ giải quyết cho nam giới khi bị bạo lực nhưng họ không đến nhiều. Tuy nhiên, Na Uy là nước đầu tiên ở Châu Âu có các Trung tâm này cho nam giới".

Chúng tôi đã đến thăm Nhà tạm lánh dành cho phụ nữ bị bạo lực ngay tại Thủ đô Ôslo vào chiều hôm sau. Đây là Nhà được Chính phủ tài trợ 80% và Thành phố tài trợ 20% ngân sách hoạt động. Quả đúng như lời bạn đã báo cáo. Ở đây hiện có 25 phụ nữ và 20 đứa con họ đang tạm lánh, trong đó 80% là người dân tộc và người nước ngoài. Một đội ngũ gồm 19 cán bộ có trình độ, học vấn cao chuyên trách làm công việc của Nhà như chăm sóc, đào tạo, hỗ trợ, làm việc với các tổ chức bảo trợ xã hội, cảnh sát...Chi phí nhiều nhất ở đây là dành cho việc thuê phiên dịch để giao tiếp với các nữ nạn nhân. Ngoài việc được thăm chỗ ở của họ, chúng tôi còn được thăm hội trường sinh hoạt, bồi dưỡng kiến thức. Trên tấm bảng dựng trong phòng còn ghi rất rõ lịch học các chuyên đề vào mỗi thứ ba hàng tuần. Tất cả đều rất khang trang, sạch sẽ. Tất cả đều rất đủ đầy, chu tất.

Thăm căn Nhà tạm lánh cũng là buổi cuối cùng làm việc trước khi tạm biệt Na Uy, chúng tôi nửa đùa nửa thật bảo nhau: "Cả tuần đi thăm và trao đổi chỉ thấy cái tốt cái đẹp, chưa thấy gì kém cả ?". Phải chăng nhìn tổng thể về mặt vĩ mô thì dải đất Bắc Âu này có nhiều thành tựu rất đáng tự hào. Ví như: là nước phát huy tiềm lực kinh tế cao, tỷ lệ công ăn việc làm đạt mức kỷ lục, đời sống văn hoá rất phát triển, là quốc gia đi đầu trong các vấn đề môi trường toàn cầu, là một trong những nước viện trợ lớn nhất theo tỷ trọng của tổng thu nhập nội địa (GDI), cũng là nước có đóng góp lớn nhất cho Quỹ phát triển phụ nữ Liên Hợp Quốc. Về lĩnh vực bình đẳng giới, phụ nữ Na Uy tham gia chính trị tích cực hơn nhiều so với phụ nữ ở các nước khác, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt 39,4%, nữ tham gia Chính phủ đạt 47%, có 9 nữ Bộ trưởng trong số 19 Bộ, Na Uy có Bộ Gia đình và bình đẳng giới, đồng thời có Cơ quan thanh tra về bình đẳng giới và chống phân biệt đối xử…Hiện nay Na Uy đã xây dựngKế hoạch hành động chống buôn bán phụ nữ ở cấp quốc gia.
Tuy nhiên, Na Uy không phải chỉ toàn những điều tuyệt vời như vừa kể. Người ăn xin vẫn rải rác vỉa hè thủ đô trong đó có cả phụ nữ. Luật Bình đẳng giới tiến bộ nhưng chỉ nhằm tăng cường quyền lực của phụ nữ ngoài xã hội chứ không bênh vực họ trong gia đình vì không áp dụng trong gia đình. Trong lĩnh vực công việc nhà không được trả lương phụ nữ vẫn làm việc nhiều hơn nam giới; trong lĩnh vực quản lý nhà nước, nam giới vẫn chiếm 86% và trong chính quyền địa phương lãnh đạo nam vẫn trên 70% ; nạn bạo lực vẫn xảy ra; mại dâm được phép hoạt động nhưng vẫn nhiều tình trạng xâm hại tình dục … Tất cả những hạn chế ấy đang là thử thách đối với đất nước này.

Tạm biệt Na Uy – Vương quốc màu xanh của núi đồi và biển cả, quê hương của những đêm trắng, ngày dài và bầu trời mùa đông diệu kỳ trong ánh sáng bắc cực quang. Nhưng điều để lại ấn tượng tốt đẹp mãi trong mỗi chúng tôi là đất nước của hoà bình, của bình đẳng giới và tiến bộ dành cho người phụ nữ.

Nguyễn Thị Mai - UBQG vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam
Nguồn: hlhpn.org.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến