Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2007

PHÂN BIỆT HỢP ĐỒNG GIAO SAU VỚI MỘT SỐ LOẠI HỢP ĐỒNG HIỆN NAY CỦA VIỆT NAM

03-10-2005

Lê Hoàng Nhi
VietManagement
( NGUỒN: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP)

Sau khi nghiên cứu mục đích, khái niệm, đặc điểm và đối tượng của HĐGS thì ta có thể tự đặt cho mình một câu hỏi: HĐGS là loại hợp đồng gì? Là một hợp đồng kinh tế, dân sự hay thương mại? So sánh HĐGS với các loại hợp đồng mà pháp luật Việt Nam đã qui định để xem nó thuộc loại hợp đồng nào. Định vị chỗ đứng HĐGS trong pháp luật về hợp đồng của Việt Nam, định hướng để qui chiếu HĐGS về một loại hợp đồng cơ bản là một vấn đề quan trọng để tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện khung pháp lý cho loại hợp đồng này.

HĐGS phải chăng là một hợp đồng gia công ?
Khi nhìn lướt qua đặc điểm giao sau, nhiều người cho rằng HĐGS trong TTGS là một hợp đồng loại hợp đồng gia công thương mại hay dân sự. Nhưng hợp đồng gia công trong thương mại hay trong dân sự đều phải đòi hỏi bên đặt gia công phải cung ứng nguyên vật liệu và hàng hóa gia công phải là vật có thực. Còn trong HĐGS thì bên mua không cung ứng nguyên vật liệu cho bên bán và thậm chí có một số đối tượng trong HĐGS không có thực (như chỉ số chứng khoán). Do đó, quan hệ pháp luật hợp đồng gia công trong Thương mại hay Dân sự không thể nào bao quát được quan hệ trong HĐGS.
HĐGS là một hợp đồng mua bán hàng hóa hay là một hợp đồng mua bán quyền tài sản?
Giải đáp được câu hỏi trên là có thể mở được cánh cửa để đi vào bản chất của loại hợp đồng này. Như đã trình bày trong ví dụ ở phần đặc điểm của hợp đồng giao sau, người ta có thể có hai ý kiến khác nhau về loại hợp đồng này.
Ý kiến thứ nhất cho rằng : khi một người sản xuất (hay có thể gọi chung là người cần hàng hóa) lập một HĐGS để mua một lượng hàng hóa thì đây là một hợp đồng mua bán hàng hóa thông thường ; cầm trong tay hợp đồng là người đó đang giữ một quyền được mua hàng trong tương lai ở một giá định trước. Trong trường hợp họ thấy không cần thiết phải mua hàng nữa thì có thể lập một HĐGS để bán lại hàng hóa đã mua cho người khác. Như vậy, người đó đã thiết lập một hợp đồng bán quyền (được mua hàng hóa trong tương lai) của mình cho người khác cần hàng. HĐGS trở thành một hợp đồng chuyển quyền. HĐGS được thiết lập ban đầu trở thành đối tượng của HĐGS được thiết lập sau đó. Hay nói cách khác, HĐGS ban đầu trở thành một loại tài sản đem được đem ra giao dịch trong TTGS hoặc cũng có thể trở thành một loại « chứng khoán khác » được giao dịch trong TTCK hoặc cũng có thể trao đổi trong thị trường tự do (bằng các quan hệ dân sự thông thường). Theo cách hiểu như vậy thì quan hệ hợp đồng trong TTGS sẽ trở nên cực kỳ rối rắm. Có nghĩa là trong TTGS sẽ tồn tại hai loại hợp đồng: hợp đồng mua bán hàng hóa và hợp đồng mua bán quyền tài sản. Lúc này, việc phân biệt đâu là hợp đồng mua bán hàng hóa và đâu là hợp đồng mua bán quyền tài sản trở nên khó khăn vì không biết đâu là hợp đồng « sơ cấp » (hợp đồng mua bán hàng hóa ban đầu) và đâu là hợp đồng « thứ cấp » (hợp đồng mua bán quyền sau đó). Với loại ý kiến này thì việc phân tích quan hệ hợp đồng trong TTGS trở nên khó khăn, phức tạp hơn. Ngoài ra, nếu để cho các quan hệ HĐGS được giao dịch tràn lan thì SGD sẽ không kiểm soát được tài khoản bảo chứng của các chủ thể tham gia TTGS; đây là một đặc điểm chỉ có trong TTGS mà không có trong TTCK.
Còn ý kiến thứ hai lại cho rằng, trong TTGS chỉ tồn tại một loại hợp đồng mua bán hàng hóa. Khi một người đã lập HĐGS để mua hàng hóa nhưng sau đó lại không muốn mua hàng hóa đó nữa thì họ thiết lập một HĐGS bán loại hàng hóa đó như thông thường và CQTL có trách nhiệm cân đối bù trừ tài khoản kinh doanh của người đó. Và một khi đã nói là trong TTGS chỉ đơn thuần tồn tại một loại hợp đồng mua bán hàng hóa cũng đồng nghĩa với việc HĐGS không trở thành đối tượng được tiếp tục giao dịch, không trở thành một loại chứng khoán khác trong TTCK. Như vậy, HĐGS không trở thành một loại hàng hóa trong TTCK (dẫn đến kết luận là TTGS không thể là một thị trường con của TTCK mà độc lập riêng rẽ so với TTCK) mà ngược lại, đối tượng giao dịch trong HĐGS là tất cả hàng hóa trong TTCK cũng như các hàng hóa trong thị trường mua bán hàng hóa thông thường, chỉ khác một điều là các hàng hóa này được thỏa thuận giao nhận trong tương lai.
Chúng tôi thuận theo quan điểm của ý kiến thứ hai bởi vì ý kiến này giúp nhìn nhận quan hệ mua bán trong TTGS một cách đơn giản hơn, đồng thời cũng giúp tách bạch được mối quan hệ độc lập giữa TTGS với TTCK. Nhưng vì sao trong TTGS chỉ toàn là hợp đồng mua bán hàng hóa mà vẫn được gọi là thị trường tài chính? Câu hỏi này cũng đã được trả lời ở phần phân biệt TTGS với các loại TTCK và thị trường hàng hóa thông thường.
Từ những lập luận trên, chúng tôi khẳng định một lần nữa : HĐGS là một hợp đồng mua bán hàng hóa. Toàn bộ đề tài này cũng chỉ nhằm giải thích, chứng minh khẳng định này là hợp lý để từ đó đưa ra những biện pháp xây dựng khung pháp lý cho nó.
HĐGS là loại hợp đồng nào trong các loại hợp đồng cơ bản của Việt Nam ?
Hiện nay, Việt Nam tồn tại các loại hợp đồng là: hợp đồng dân sự, hợp đồng kinh tế và hợp đồng trong hoạt động thương mại và chúng chịu sự điều chỉnh bởi Bộ Luật Dân sự, Pháp lệnh hợp đồng kinh tế và Luật Thương mại .
Trong đó, hợp đồng dân sự là một loại hợp đồng gốc, là nền tảng cho tất cả các loại hợp đồng. Thông thường, người ta dùng tiêu chí mục đích ký kết và chủ thể ký kết hợp đồng để phân biệt hợp đồng dân sự với hợp đồng kinh tế, thương mại. Bộ luật Dân sự (BLDS) Việt Nam hiện hành không có qui định về mục đích ký kết hợp đồng dân sự mà chỉ qui định về mục đích của giao dịch dân sự : “mục đích của giao dịch dân sự là lợi ích hợp pháp mà các bên mong muốn đạt được khi xác lập giao dịch đó” (Điều 132 BLDS). Mà giao dịch dân sự gồm « hành vi pháp lý đơn phương hoặc hợp đồng » (Điều 130 BLDS). Do đó mục đích giao dịch dân sự chính là cách nói gộp cho mục đích của hành vi pháp lý đơn phương và mục đích của hợp đồng dân sự. Tương tự cách lập luận như vậy thì ta biết được điều kiện về chủ thể trong hợp đồng dân sự cũng là điều kiện về chủ thể trong giao dịch dân sự : « người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự » (Điều 131 BLDS). Sở dĩ BLDS qui định mục đích và chủ thể trong hợp đồng dân sự (là một giao dịch dân sự) rất rộng là muốn hàm ý rằng hợp đồng dân sự bao trùm hết tất cả các loại hợp đồng, kể cả hợp đồng kinh tế hay thương mại. Yếu tố mục đích kinh doanh và chủ thể hoạt động kinh doanh chẳng qua là một tiêu chí để phân loại ra một nhóm hợp đồng phổ biến mà pháp luật cần phải có khung pháp lý riêng để điều chỉnh cho phù hợp. Đó là lý do tồn tại nhóm hợp đồng kinh tế và thương mại. Quay trở lại với HĐGS, chủ thể tham gia trong HĐGS đủ mọi thành phần và mục đích ký kết hợp đồng là bảo hộ, đầu tư. Do đó, nhận định đầu tiên là HĐGS phù hợp với các điều kiện của hợp đồng dân sự. Nhưng mục đích bảo hộ và đầu tư trong HĐGS suy cho cùng cũng là mục đích đạt được lợi nhuận, mục đích sinh lợi từ hoạt động kinh doanh của mình nên chúng ta nên đưa HĐGS về nhóm các loại hợp đồng kinh tế, thương mại để có những qui chế pháp lý điều chỉnh hợp lý hơn.
Nhưng theo như pháp luật hiện hành, ta có thể khẳng định một điều là HĐGS không phải là hợp đồng kinh tế theo như Pháp lệnh hợp đồng kinh tế. Trong hợp đồng kinh tế thì các bên tham gia phải đảm bảo điều kiện về chủ thể mà mục đích tham gia hợp đồng. Chủ thể trong hợp đồng kinh tế là pháp nhân với pháp nhân, pháp nhân với cá nhân có đăng ký kinh doanh, trong một số trường hợp khác thì các cá nhân làm công tác khoa học cũng được ký các hợp đồng kinh tế với các pháp nhân. Còn trong HĐGS, chủ thể tham gia hợp đồng thuộc mọi thành phần kinh tế; tương tự như trong TTCK, các chủ thể thoả mãn một số điều kiện do SGD và pháp luật quy định thì có thể lập một HĐGS. Mục đích của HĐGS cũng không hoàn toàn trùng với mục đích của hợp đồng kinh tế; hợp đồng kinh tế là hợp đồng phải có mục đích kinh doanh, mục đích đó phải phù hợp với ngành nghề mà chủ thể đó đăng ký ; còn mục đích trong HĐGS có thể là bảo hộ hay đầu cơ (đầu cơ ở đây hoàn toàn không có nghĩa xấu như ‘đầu cơ’ mà ta thường hiểu mà là một hoạt động kinh doanh bình thường, lành mạnh), các mục đích này không đòi hỏi gắn liền với ngành nghề mà chủ thể đăng ký.
Đối với loại hợp đồng trong hoạt động thương mại của Việt Nam hiện nay chỉ gói gọn trong 14 hành vi thương mại. Trong số các hành vi đó, Luật Thương mại (LTM) cũng có qui định hành vi mua bán hàng hóa tương ứng với hợp đồng mua bán hàng hóa. HĐGS chẳng qua cũng chỉ là loại hợp đồng mua bán hàng hóa này nhưng được qui định chặt chẽ hơn với các điều khoản bắt buộc và điều kiện giao sau và biện pháp bảo đảm. Nhưng do các qui định hạn chế về loại hàng hóa được phép giao dịch cũng như các điều kiện một trong các bên chủ thể phải là thương nhân đã làm cho HĐGS chưa thực sự dung hòa với loại hợp đồng mua bán hàng hóa trong LTM . Nói cách khác, LTM hiện hành chưa điều chỉnh bao quát được loại HĐGS. Chẳng hạn như HĐGS về nông sản, nguyên nhiên liệu thô thì cũng có thể xem là hợp đồng mua bán trong hoạt động thương mại nhưng hợp đồng mua bán về lãi suất, chứng khoán, chỉ số… thì không được xem là hợp đồng mua bán trong hoạt động thương mại. Hoặc có một số vấn đề khác mà LTM chưa qui định như trường hợp có sự tham gia bắt buộc của bên thứ ba với vai trò trung gian trong quan hệ hợp đồng, hay thanh lý hợp đồng bởi hoạt động thanh lý bù trừ…
Qua những phân tích trên, chúng ta thấy là quan hệ HĐGS không phải là chưa được điều chỉnh trong pháp luật Việt Nam. Quan hệ HĐGS chẳng qua là một loại quan hệ mua bán thông thường mà trong đó có một số điểm riêng biệt như điều khoản đã được tiêu chuẩn hóa và chủ thể tham gia vào quan hệ này phải bị ràng buộc vào một biện pháp bảo đảm. Nói như thế để thấy rằng các qui định về hợp đồng của pháp luật hiện hành cũng đã điều chỉnh quan hệ HĐGS nhưng không đầy đủ, không bao quát đủ tất cả các vấn đề quan trọng trong HĐGS. Vì thế cần phải đặt ra việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về hợp đồng của Việt Nam hiện nay. Mà trong xu thế hoàn thiện pháp luật là bãi bỏ Pháp lệnh hợp đồng kinh tế, thay vào đó là Luật Thương mại được nâng lên để điều chỉnh tất cả các loại hợp đồng trong hoạt động kinh doanh. Vì vậy, chúng tôi cho rằng trong quá trình hoàn thiện pháp luật về Thương mại cũng phải lưu ý đến loại hợp đồng mới này, sớm quy định trong dự án LTM các vấn đề liên quan đến loại HĐGS, xem HĐGS là một dạng hợp đồng thương mại. Qua đó, chúng ta có thể áp dụng các quy định chung của LTM để điều chỉnh cho HĐGS như các vấn đề về chủ thể, hình thức hợp đồng, tranh chấp và giải quyết tranh chấp… Ngoài ra, nếu cần thiết quy định thêm một số vấn đề đặc thù cho HĐGS thì có thể xem HĐGS như là một loại “hợp đồng thương mại chuyên biệt”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến