Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2007

BÀN VỀ CƠ SỞ PHÁT SINH TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG NGOÀI HỢP ĐỒNG


Trong bất kỳ một xã hội nào, con người đang chung sống với một số lợi ích bị xung đột và các hành vi của người này thỉnh thoảng gây ra thiệt hại cho những người khác… Và bất kể khi nào, một người phải gánh chịu những thiệt hại như vậy, thì đều có khuynh hướng đòi hỏi một sự bồi thường [ii]. Vì vậy, vấn đề trách nhiệm dân sự được đặt ra nhằm giải quyết những xung đột về lợi ích khi thiệt hại xảy ra. Điều 74, Hiến pháp 1992 đã xác định “mọi hành vi xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân phải được kịp thời xử lý nghiêm minh. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất và phục hồi danh dự ”. Quy định này trở thành cơ sở để xây dựng TNBTTHNHĐ nói chung, cũng như các trường hợp bồi thường thiệt hại cụ thể.
Điều kiện phát sinh trách nhiệm là những yếu tố, những cơ sở để xác định: trách nhiệm bồi thường, người phải bồi thường, người được bồi thường, cũng như mức độ bồi thường. Các điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại phải được xem xét trong mối quan hệ thống nhất, biện chứng với nhau. Hộp 1:- Điều 593(Dự thảo BLDS) . Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại (Dự thảo BLDS)
1- Trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có đủ các điều kiện sau đây: a) Có thiệt hại xảy ra;
b) Có hành vi trái pháp luật;
c) Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra; d) Người gây thiệt hại có lỗi cố ý hoặc vô ý.
2- Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó. - Điều 604, BLDS 2005. 1. Người nào do lỗi cố ý hoặc vô ý xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc các chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường 2- Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó. BLDS Việt Nam 1995 không quy định cụ thể các điều kiện làm phát sinh TNBTTHNHĐ, nhưng xuất phát từ những nguyên tắc chung của pháp luật và những đặc trưng của TNBTTHNHĐ: “người nào do lỗi cố ý hoặc vô ý xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc các chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường” (Điều 609 BLDS), trong thực tiễn xét xử, các điều kiện phát sinh TNBTTHNHĐ đã được các thẩm phán vận dụng dưới hình thức quy phạm tồn tại trong -Thông tư 173/UBTP ngày 23/03/1973 của Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn xét xử về BTTHNHĐ. Đến Dự thảo BLDS mới - khi đưa ra rộng rãi để lấy ý kiến nhân dân- lần đầu tiên các điều kiện này được chính thức ghi nhận; theo đó TNBTTHNHĐ phát sinh khi có đủ bốn điều kiện: (i) có thiệt hại xảy ra,(ii) có hành vi gây thiệt hại trái pháp luật, (iii)có lỗi của người gây thiệt hại và(iv) có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi trái pháp luật. Nhưng khi BLDS được Quốc hội thông qua, các quy định trong Điều 609, BLDS năm 1995 vẫn được giữ lại( Xem hộp 1). BLDS chỉ quy định nguyên tắc phát sinh TNBTTHNHĐ mà không quy đinh rõ các điều kiện phát sinh cụ thể. Đây cũng là giải pháp thường thấy trong Pháp luật dân sự các nước. Giải pháp này có một số ưu điểm: (i)Khẳng định nguyên tắc: BLDS là luật chung (lex génégal) nên chỉ quy định trong đó những vấn đề mang tính nguyên tắc, các quy định cụ thể sẽ được quy định trong các luật chuyên ngành (lex spécial) (nhiều nước, vấn đề về nghĩa vụ trong đó có TNBTTHNHĐ được xây dựng trong một một đại luật chuyên nghành), (ii) tạo sự chủ động, linh hoạt trong áp dụng pháp luật cho các thẩm phán trong từng vụ việc cụ thể, (iii) bảo đảm hơn quyền được bồi thường cho nạn nhân (vì để chứng minh đầy đủ các điều kiện này không hề đơn giản)… Các điều kiện phát sinh TNBTTHNHĐ thường chỉ được xây dựng bởi các học thuyết pháp lý (do các giáo sư, những người nghiên cứu trong các tập bài giảng hoặc những bộ sách về luật). Nghiên cứu Pháp luật dân sự của nhiều nước, quy định về các điều kiện làm phát sinh TNBTTH có thể không giống nhau: - Theo Pháp luật dân sự Pháp , TNBTTH NHĐ phát sinh khi có đủ các điều kịên: (i) có thiệt hại xảy ra (le domage), (ii) xuất hiện một sự kiện cố ý hoặc vô ý (la faute délictuelle ou quasi délictuelle), (iii)quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và sự kiện (le lien causalité entre le domage et la faute). - Pháp luật dân sự Nhật Bản lại quy định các điều kiện phát sinh TNBTTH NHĐ gồm: (i) lỗi của người gây thiệt hại, (ii) năng lực hành vi của người gây thiệt hại, (iii) hành vi trái pháp luật xâm phạm đến quyền về tài sản và quyền về nhân thân, (iv)thiệt hại phát sinh, (v) quan hệ thực tế giữa thiệt hại và hành vi.
- Theo pháp luật của các nước theo hệ thống Commun Law thì điều kiện phát sinh TNBTTHNHĐ bao gồm (i) có sự tồn tại một nghĩa vụ( duty), (ii) có sự vi phạm nghĩa vụ (breach of duty), (iii) có một sự thiệt hại thực tế (injury), (iv) Có mối quan hệ nhân quả (causation) giữa hành vi vi phạm nghĩa vụ và thiệt hại. Ở hầu hết các hệ thống pháp luật trên thế giới, trách nhiệm dân sự được xây dựng dựa trên “lỗi”, nói một cách khác Trách nhiệm bồi thường thiệt hại (TNBTTH) phát sinh khi người gây thiệt hại có lỗi. Bên cạnh đó, trong các hệ thống pháp luật này cũng tồn tại một số ngoại lệ, đó là các trường hợp bồi thường thiệt hại khi không có lỗi. Chế độ trách nhiệm dân sự không dựa trên lỗi đã được ghi nhận trong pháp luật dân sự nhiều nước: đó là: La responsabilité sans faute, trong pháp luật dân sự Pháp, hay strict liability - trong luật về hành vi gây thiệt hại của Liên bang Hoa Kỳ (với nguyên tắc tổng quát “buộc mọi người phải thận trọng một cách hợp lý để không gây thiệt hại cho người khác”, “trách nhiệm tuyệt đối”( strict liability)- buộc một người có thể phải chịu TNBTTH cho dù không cố ý gây thiệt hại hay đã có một sự thận trọng cần thiết để tránh gây thiệt hại. ) … Với Pháp luật dân sự Việt Nam, lần đầu tiên, Chế độ trách nhiệm dân sự không dựa trên lỗi được ghi nhận trong một điều khoản mang tính chất quy định chung tại k2 Điều 604, BLDS 2005: “2- Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó”. Trong BLDS 1995, chế độ trách nhiệm dân sự không dựa trên lỗi/ không cần điều kiện lỗi, mới được quy định trong một trường cụ thể, TNBTTH do Nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, với k3 Điều 627 BLDS 1995: “ Chủ sở hữu, người đươc chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại ngay cả trường hợp không có lỗi”. Tuy nhiên, vẫn cần thiết phải khẳng định lại rằng: chế độ trách nhiệm dân sự không dựa trên lỗi vẫn chỉ là một ngoại lệ của nguyên tắc phát sinh trách nhiệm dân sự. Mà “ ngoại lệ chỉ được giải thích trong giới hạn luật định”(một nguyên tắc có từ Pháp luật La Mã), cho nên, ngoài những trường họp luật viết( văn bản pháp luật) quy định rõ ràng về trường hợp “người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi”, Thực tiễn áp dụng pháp luật không được phép thừa nhận thêm các trường hợp ngoại lệ nào khác. Những người nghiên cứu hoặc áp dụng pháp luật, về phần mình, không được dùng các công cụ phân tích câu chữ, đặc biệt là công cụ “áp dụng tương tự pháp luật”, để mở rộng phạm vi áp dụng của các ngoại lệ đó. Như vậy, những quy định của pháp luật dân sự Việt Nam về những điều kiện phát sinh TNBTTHNHĐ có nhiều điểm tương đồng với các quy định của pháp luật dân sự các nước trên thế giới; thể hiện sự phù hợp tất yếu của pháp luật dân sự hiện đại trước sự phát triển của các điều kiện kinh tế - xã hội.

**********************************************
Nguyễn Xuân Đang, Học viên cao học luật Đại học Toulouse 1 (CH Pháp), Văn phòng luật sư Hải Hà và cộng sự.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến