QUỐC HỘI KHÓA XI
Ủy ban pháp luật
Số: 1960/UBPL11
Hà Nội, ngày 27 tháng 10 năm 2006
BÁO CÁO
THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH
Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2006 của Quốc hội, ngày 13 tháng 10 năm 2006, Uỷ ban pháp luật đã họp toàn thể để thẩm tra dự án Luật phòng, chống bạo lực gia đình theo Tờ trình số 2376 TTr/UBXH ngày 12 tháng 10 năm 2006 của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội. Sau khi nghe Đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội, Trưởng ban soạn thảo trình bày dự án Luật, các thành viên Uỷ ban pháp luật đã thảo luận. Sau phiên họp thẩm tra, cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu, tiếp thu nhiều ý kiến của Ủy ban pháp luật để hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp này như bỏ quy định về yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi bạo lực trong gia đình gây ra tại các Điều 5 và Điều 6; bỏ quy định về việc Chủ tịch UBND cấp huyện ra quyết định cấm tiếp xúc với nạn nhân trong thời hạn không quá 4 tháng và bỏ thẩm quyền của Công an cấp xã ra quyết định cấm tiếp xúc không quá 3 ngày quy định tại Điều 18; đồng thời nhiều điều khoản đã được chỉnh lý lại cho chặt chẽ hơn. Dưới đây, Uỷ ban pháp luật xin trình Quốc hội Báo cáo thẩm tra về dự án Luật phòng, chống bạo lực gia đình.
I. MỘT SỐ Ý KIẾN CHUNG
Theo Tờ trình của Ủy ban về các vấn đề xã hội về kết quả khảo sát tại 8 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và báo cáo của các cơ quan, tổ chức hữu quan thì tình trạng bạo lực trong gia đình ở nước ta đã đến lúc báo động. Bạo lực trong gia đình xảy ra ở nhiều nơi trong cả nước, ở các đối tượng có trình độ, nhận thức khác nhau và đã để lại những hậu quả nặng nề, tác động xấu đến đời sống xã hội, đến cộng đồng, nhưng nghiêm trọng hơn đó là sự vi phạm quyền con người, xâm phạm danh dự, nhân phẩm và tính mạng của người dân mà chủ yếu là phụ nữ. Nguyên nhân gây ra bạo lực trong gia đình rất đa dạng, phụ thuộc vào quá trình giáo dục, trình độ nhận thức, văn hóa ứng xử và hoàn cảnh sống của mỗi người, kể cả sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm từ phía cơ quan nhà nước, tổ chức, đoàn thể xã hội.
Qua thảo luận, nhiều thành viên Ủy ban pháp luật tán thành với Ủy ban về các vấn đề xã hội là trước tình hình thực tế về bạo lực trong gia đình như đã nêu trên, việc ban hành luật là cần thiết và sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm cũng như thái độ ứng xử của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng dân cư và cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, góp phần bảo vệ hạnh phúc, sự phát triển lành mạnh của mỗi gia đình. Bên cạnh đó cũng có nhiều thành viên Ủy ban pháp luật cho rằng không cần thiết phải ban hành Luật phòng, chống bạo lực trong gia đình, vì vấn đề này có liên quan đến nhiều lĩnh vực và đã được quy định trong nhiều văn bản pháp luật hiện hành như Luật hôn nhân và gia đình, Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Pháp lệnh người cao tuổi, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính… Các văn bản pháp luật đó đã quy định khá đầy đủ các biện pháp để khắc phục, hạn chế và trừng phạt người có hành vi bạo lực trong gia đình ở nước ta. Nay nếu lại ban hành Luật phòng, chống bạo lực trong gia đình thì một số quy định của dự án Luật sẽ trùng lắp với quy định của các văn bản pháp luật đã nêu, nhất là cơ quan trình dự án Luật lại chưa tổng kết việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật liên quan tới việc chống bạo lực trong gia đình.
Ủy ban pháp luật nhận thấy, Ban soạn thảo đã có rất nhiều cố gắng trong việc nghiên cứu, khảo sát thực tiễn, tổ chức các cuộc hội thảo khoa học, tham khảo pháp luật và tổ chức một số đoàn đi khảo sát kinh nghiệm thực tiễn về phòng, chống bạo lực trong gia đình của một số nước để xây dựng dự án Luật phòng, chống bạo lực trong gia đình. Trong quá trình soạn thảo, Ban soạn thảo đã tổ chức lấy ý kiến của nhiều cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương và đã gửi Chính phủ cho ý kiến. Song đa số thành viên Ủy ban pháp luật còn rất băn khoăn về tính khả thi của Luật này. Bởi vì, bạo lực trong gia đình là một vấn đề xã hội, thể hiện lối sống thiếu trách nhiệm, việc ứng xử thiếu văn hóa trong gia đình, phản ánh sự suy thoái về đạo đức của một số thành viên trong gia đình. Xét trên tổng thể thì có thể thấy rằng, những vụ bạo lực trong gia đình còn xảy ra là do công tác quản lý xã hội của Nhà nước kém hiệu quả; các tổ chức, đoàn thể xã hội chưa quan tâm đúng mức đến việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên; trong khu dân cư vẫn còn những người sống theo quan điểm “đèn nhà ai nhà nấy rạng”. Như vậy, việc khắc phục tình trạng bạo lực trong gia đình đòi hỏi phải sử dụng nhiều biện pháp đồng bộ, cả về kinh tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, pháp luật và phải mang tính toàn diện. Những biện pháp phòng ngừa và xử lý về mặt pháp luật quy định trong dự thảo Luật về cơ bản đã được quy định trong nhiều văn bản pháp luật hiện hành. Trong khi đó một số quy định mới như các hành vi bạo lực trong gia đình, các biện pháp liên quan như việc cấm tiếp xúc với nạn nhân, giáo dục tại cộng đồng, các nguồn lực bảo đảm cho việc thực hiện kể cả về tài chính, địa chỉ tin cậy, sự chăm sóc của cộng đồng .v.v. được xây dựng không xuất phát từ điều kiện kinh tế - xã hội và phong tục tập quán, tâm lý của người Việt Nam mà dựa trên cơ sở kết quả các chuyến nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm ở nước ngoài, luật pháp của nước ngoài. Vì vậy, những người có ý kiến này e rằng nếu áp dụng một số biện pháp xử lý quy định trong dự thảo Luật có thể làm sâu sắc hơn mâu thuẫn trong gia đình, không có tác dụng cho việc hàn gắn quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, chẳng hạn như biện pháp cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình quy định tại Điều 18 dự thảo Luật.
Bên cạnh đó cũng có một số thành viên Ủy ban pháp luật tán thành với dự thảo Luật vì cho rằng, các quy định của dự thảo Luật khi được triển khai trên thực tế sẽ góp phần không nhỏ vào việc ngăn chặn, đẩy lùi bạo lực trong gia đình, chẳng hạn, các quy định về công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, tổ chức, cơ quan sẽ góp phần nâng cao nhận thức, hành vi ứng xử của con người trong đời sống gia đình, về truyền thống, đạo lý gia đình Việt Nam. Các biện pháp từ giáo dục tại cộng đồng, cấm tiếp xúc giữa người gây bạo lực trong gia đình với nạn nhân cho đến việc xử lý người có hành vi bạo lực trong gia đình có tác dụng giáo dục, răn đe, góp phần hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng bạo lực trong gia đình.
II. VỀ NHỮNG VẤN ĐỀ CÒN CÓ Ý KIẾN KHÁC NHAU
1. Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Theo Tờ trình của Ủy ban về các vấn đề xã hội thì đối tượng áp dụng Luật phòng, chống bạo lực trong gia đình không chỉ áp dụng đối với các thành viên gia đình theo Luật hôn nhân và gia đình mà còn áp dụng với những đối tượng là nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ, chồng hoặc vợ, chồng đã ly hôn nhưng chung sống với nhau mà không đăng ký kết hôn lại.
Qua thảo luận, một số ý kiến tán thành với đối tượng áp dụng của dự thảo Luật vì cho rằng, việc bảo vệ nạn nhân do bạo lực trong gia đình trước hết là đối với những thành viên trong gia đình có quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân hoặc nuôi dưỡng, làm phát sinh các nghĩa vụ và quyền giữa họ với nhau và những người có quan hệ tình cảm gần gũi khác. Bởi vì, thực tế cho thấy, từ nhiều lý do khác nhau nên có nhiều nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chỉ tổ chức cưới hoặc không tổ chức cưới nhưng vẫn chung sống với nhau như vợ chồng, nhất là ở những vùng mà điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn. Có những trường hợp tuy đã ly hôn song vẫn ở với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn lại; trong cuộc sống đã xảy ra nhiều vụ bạo lực giữa họ, nếu không áp dụng quy định của luật này nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý người có hành vi bạo lực thì vô hình chung Nhà nước ta bỏ lọt đối tượng này, không bảo vệ nạn nhân của hành vi bạo lực trong gia đình. Việc quy định như trong dự thảo Luật chỉ là vấn đề áp dụng pháp luật, không có nghĩa là thừa nhận tình trạng hôn nhân này.
Nhiều ý kiến khác không tán thành việc mở rộng đối tượng áp dụng Luật phòng, chống bạo lực trong gia đình, vì cho rằng Điều 41 của dự thảo Luật quy định áp dụng cả đối với nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ, chồng là Nhà nước đã gián tiếp thừa nhận tình trạng không đăng ký kết hôn nhưng vẫn chung sống với nhau, như vậy là trái với quy định chấm dứt tình trạng hôn nhân thực tế. Mặt khác, khi có hành vi bạo lực xảy ra giữa các đối tượng quy định tại Điều 41 của dự thảo Luật không thể xác định trường hợp nào là bạo lực trong gia đình và trường hợp nào là bạo lực ngoài xã hội để có biện pháp xử lý thích hợp. Về mặt pháp luật, quan hệ giữa những người này không phải là quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Do đó khi đã quy định rõ đối tượng áp dụng luật tại khoản 2 Điều 1 thì phải bỏ Điều 41 của dự thảo Luật. Tương tự như vậy, đối với người nước ngoài có hành vi bạo lực trong gia đình cũng không thể áp dụng nhiều biện pháp xử lý quy định trong dự thảo Luật như cấm tiếp xúc với nạn nhân (Điều 18) chứ không phải chỉ những quy định tại Điều 42 của dự thảo Luật.
2. Về các hành vi bạo lực trong gia đình (Điều 3)
Qua thảo luận, đa số thành viên Ủy ban pháp luật tán thành với việc quy định cụ thể các hành vi bạo lực trong gia đình tại Điều 3 của dự thảo Luật và cho rằng quy định như vậy bảo đảm tính minh bạch, thuận tiện khi áp dụng, nhất là đối với công tác tuyên truyền, giáo dục và xử lý người có hành vi bạo lực trong gia đình. Cách quy định này cũng tương tự như quy định liệt kê về các hành vi tham nhũng trong Luật phòng, chống tham nhũng mới được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, về các hành vi cụ thể thì đề nghị cần rà soát lại để vừa bảo đảm chặt chẽ, không bỏ lọt hành vi nhưng cũng không trùng lặp và cho rằng các hành vi bạo lực trong gia đình có mối quan hệ với nhau, có trường hợp hành vi này là hệ quả của hành vi khác, có hành vi mang tính khái quát chung, nhưng cũng có hành vi rất cụ thể.
Về hành vi cưỡng ép quan hệ tình dục và có hành vi khác xâm phạm đến đời sống tình dục (khoản 5 Điều 3), qua thảo luận có ý kiến tán thành với quy định trong dự thảo Luật nhưng nhiều ý kiến cho rằng, hành vi bạo lực tình dục trong gia đình ở nước ta tuy có xảy ra nhưng lại được coi là chuyện riêng trong mỗi gia đình, do đó cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm cũng không thể biết được để xem xét, xử lý. Hơn nữa rất khó thu thập căn cứ để xác định một người có hành vi bạo lực tình dục trong gia đình. Vì vậy, đề nghị bỏ quy định tại khoản 5 Điều 3 của dự thảo Luật; trong trường hợp xảy ra hành vi bạo lực về tình dục mà xét thấy cần thiết và có thể xử lý được thì xem đó như là một hình thức bạo lực về thể chất, tinh thần.Mặt khác, nếu xác định hành vi “cưỡng ép quan hệ tình dục hoặc có hành vi khác xâm phạm đến đời sồng tình dục” (khoản 5 Điều 3), “cưỡng ép tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ” (khoản 6 Điều 3) là những hành vi bạo lực trong gia đình thì liệu những đối tượng quy định tại Điều 40 của dự thảo Luật mà có những hành vi trên đây lại xử lý theo quy định của luật này đã hợp lý chưa hay phải theo quy định của Bộ luật hình sự? Tương tự như vậy, về những hành vi bạo lực về kinh tế được quy định tại khoản 7 và khoản 8 Điều 3 của dự thảo Luật, cũng cần phải xem xét lại để phân định rõ hành vi bạo lực trong gia đình và hành vi phạm tội. Bởi vì tính chất, mức độ của từng hành vi như chiếm đoạt, kiểm soát…là rất đa dạng. Do đó, quy định như trong dự thảo Luật vừa thừa, vừa thiếu lại không chính xác.
Có ý kiến cho rằng, sự phân biệt các hành vi bạo lực trong gia đình chỉ mang tính tương đối, vì giữa các hành vi có mối quan hệ với nhau. Chẳng hạn, những tác động của hành vi bạo lực về thể chất có ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần, những hành vi xâm phạm tình dục sẽ ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần của nạn nhân…Do đó, nên khái quát quy định hành vi bạo lực về thể chất và bạo lực về tinh thần phù hợp với các quy định khác trong văn bản pháp luật hiện hành.
3. Về quyết định cấm người có hành vi bạo lực tiếp xúc với nạn nhân của bạo lực trong gia đình
Theo Tờ trình thì trong trường hợp khẩn cấp và theo yêu cầu của nạn nhân hay người đại diện hợp pháp của nạn nhân, cơ quan, tổ chức, để bảo vệ sự an toàn cho nạn nhân thì cơ quan có thẩm quyền có thể ra quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc trong một thời hạn nhất định giữa người gây bạo lực trong gia đình với nạn nhân.
Qua thảo luận, Ủy ban pháp luật cho rằng, bảo vệ nạn nhân của bạo lực trong gia đình nhằm phòng ngừa hậu quả xấu có thể gây tác hại đến tính mạng, sức khỏe của nạn nhân là một yêu cầu thực tế, là trách nhiệm của Nhà nước, của gia đình và cộng đồng xã hội. Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp các vụ bạo lực trong gia đình đã không bị phát hiện, các nạn nhân của bạo lực trong gia đình thường âm thầm chịu đựng, thậm chí họ còn cố gắng che giấu thông tin; có trường hợp hành vi bạo lực trong gia đình diễn ra thường xuyên nhưng nạn nhân không được giúp đỡ, bảo vệ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, bên cạnh việc khuyến khích nạn nhân tố cáo hành vi bạo lực trong gia đình thì cần có biện pháp kịp thời để bảo vệ họ. Tuy nhiên, việc áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực trong gia đình cần được quy định cụ thể hơn và cũng cần tính đến điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta, đến khả năng của cộng đồng dân cư cũng như phong tục tập quán trong quan hệ gia đình và bảo đảm sự phù hợp với đời sống gia đình Việt Nam và tính khả thi của quy định này.
a) Về biện pháp cấm tiếp xúc với nạn nhân của hành vi bạo lực trong gia đình theo quyết định của cơ quan hành chính có thẩm quyền (Điều 18)
Tại Điều 18 của dự thảo Luật quy định Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn (cấp xã) có quyền áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc trong thời hạn 3 ngày giữa người có hành vi bạo lực trong gia đình với nạn nhân bằng cách “buộc người có hành vi bạo lực gia đình rời khỏi nơi ở chung với nạn nhân trong thời gian cấm tiếp xúc theo yêu cầu của nạn nhân” (khoản 3 Điều 18). Qua thảo luận, một số ý kiến tán thành cần có biện pháp này. Song nhiều ý kiến khác còn rất băn khoăn vì biện pháp cách ly các bên không cùng ở chung với nhau vẫn khó có thể đảm bảo cho người có hành vi bạo lực không thể tiếp cận hoặc liên hệ với nạn nhân. Mặt khác, trong trường hợp người có hành vi bạo lực trong gia đình là chủ sở hữu ngôi nhà mà họ đang ở thì không thể đưa họ khỏi nhà đó vì phải bảo đảm quyền lợi hợp pháp của họ. Thực tế phát triển kinh tế - xã hội hiện nay ở nước ta cho thấy, gia đình là một thể thống nhất, mọi thành viên trong gia đình đều phải chung sức chăm lo các công việc gia đình như nội trợ, chăm sóc con cái. Do đó, việc cách ly sẽ gây xáo trộn rất lớn trong gia đình và hậu quả của việc này là không thể lường hết được. Mặt khác, việc cách ly người có hành vi bạo lực trong gia đình với nạn nhân liên quan đến quyền cơ bản của công dân nên trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp này phải hết sức chặt chẽ, cơ quan nào tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc thực hiện biện pháp cách ly này; nếu người có hành vi bạo lực vẫn tiếp xúc nạn nhân thì xử lý thế nào? Trong trường hợp người có hành vi bạo lực trong gia đình không đồng ý với quyết định áp dụng biện pháp này thì có quyền khiếu nại hay không? thẩm quyền giải quyết, trình tự, thủ tục khiếu nại được thực hiện ra sao? quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc với nạn nhân là quyết định thuộc loại gì, có phải là quyết định xử lý vi phạm hành chính không?
b) Về biện pháp cấm tiếp xúc với nạn nhân của bạo lực trong gia đình theo quyết định của Tòa án (Điều 19)
Điều 19 của dự thảo Luật quy định: “Trong quá trình thụ lý hoặc giải quyết vụ án dân sự giữa nạn nhân bạo lực gia đình và người gây bạo lực gia đình, Tòa án có thẩm quyền ra quyết định cấm người có hành vi bạo lực gia đình tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình trong thời hạn không quá 4 tháng”.
Qua thảo luận có một số ý kiến tán thành với quy định trên đây của dự thảo Luật và cho rằng, để bảo vệ sự an toàn của nạn nhân, tránh dẫn đến xung đột lớn hơn và gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của nạn nhân thì cần phải giao cho Tòa án thẩm quyền quyết định cấm người có hành vi bạo lực trong gia đình tiếp xúc với nạn nhân dưới mọi hình thức. Quy định này cũng đáp ứng đòi hỏi trong thực tiễn hoạt động xét xử của Tòa án trong thời gian vừa qua liên quan đến hành vi bạo lực trong gia đình. Đồng thời đề nghị bổ sung cụm từ “khẩn cấp tạm thời” sau cụm từ “ra quyết định” cho phù hợp với quy định tại Điều 102 của Bộ luật tố tụng dân sự. Tuy nhiên, nhiều ý kiến còn rất băn khoăn và đề nghị cần cân nhắc kỹ khi đưa ra quy định về biện pháp này, nhất là về tính khả thi của nó khi mà điều kiện cơ sở vật chất, về chỗ ở, sinh hoạt của nhân dân còn nhiều khó khăn. Hơn nữa, với thời gian cách ly 4 tháng thì không chỉ ảnh hưởng tới công việc chung của gia đình mà còn ảnh hưởng tới sự hàn gắn lại tình cảm giữa các thành viên trong gia đình. Đồng thời, theo ý kiến này, nếu coi đây là một biện pháp khẩn cấp tạm thời trong hoạt động tố tụng dân sự thì cũng cần phải quy định thật cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp này và cơ quan nào có quyền ban hành văn bản trên đây.
III. VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ CỤ THỂ KHÁC
1. Về tên gọi của Luật
Qua thảo luận, có ý kiến cho rằng, “bạo lực gia đình” là một khái niệm mới. Vì vậy, để việt hóa và phù hợp hơn với ngôn ngữ Việt Nam, nên bổ sung từ “trong” thành “bạo lực trong gia đình” và do đó cần sửa lại tên luật là “ Luật phòng, chống bạo lực trong gia đình” cho chính xác. Tên gọi này cũng phù hợp với những nội dung cơ bản của dự thảo Luật và Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2006 của Quốc hội.
Bên cạnh đó, có ý kiến khác băn khoăn về tên gọi của Luật vì cho rằng, khái niệm “bạo lực” được hiểu là dùng sức mạnh để cưỡng bức, trấn áp hoặc lật đổ. Như vậy, nếu hiểu theo nghĩa này thì khái niệm bạo lực trong gia đình là hẹp, không bao quát hết phạm vi điều chỉnh của Luật là hành vi bạo lực về cả thể xác, tinh thần và kinh tế. Do đó đề nghị lấy tên gọi của luật là “Luật phòng, chống bạo hành trong gia đình”.
2. Về bố cục của dự thảo Luật
Dự thảo Luật trình Quốc hội gồm 6 chương với 43 điều. Qua thảo luận có nhiều ý kiến tán thành với bố cục của dự thảo Luật. Tuy nhiên, có một số ý kiến đề nghị bỏ Điều 7 quy định về chính sách của Nhà nước về phòng, chống bạo lực trong gia đình vì nhiều quy định cụ thể của dự thảo lại không phù hợp. Hơn nữa, chính sách về đấu tranh phòng, chống bạo lực trong gia đình đã được thể hiện ở nhiều văn bản pháp luật hiện hành. Có ý kiến đề nghị bỏ Chương III quy định về bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bạo lực trong gia đình, đồng thời đưa các điều khoản có tính chất phòng ngừa, ngăn chặn bạo lực trong gia đình về Chương II (phòng ngừa bạo lực trong gia đình), đưa các điều khoản có tính chất xử lý người có hành vi bạo lực trong gia đình về Chương V (xử lý hành vi bạo lực trong gia đình và các hành vi vi phạm pháp luật khác) và đưa các điều khoản về cơ sở trợ giúp nạn nhân vào Chương IV (trách nhiệm của cá nhân, gia đình, tổ chức, cơ quan trong phòng, chống bạo lực trong gia đình).
3. Về giải thích từ ngữ (Điều 2)
Qua thảo luận, có ý kiến cho rằng có một số cụm từ không chỉ cần được giải thích, làm rõ nghĩa mà nó còn chứa đựng nội dung, quy phạm pháp luật, do đó đề nghị tách các khoản giải thích về: bạo lực gia đình; thành viên gia đình; địa chỉ tin cậy, .v.v. để quy định thành nội dung của các điều khoản riêng ngay trong các Chương và bỏ Điều 3 về giải thích từ ngữ.
4. Về quyền và nghĩa vụ của nạn nhân của bạo lực gia đình (Điều 6)
Qua thảo luận, có ý kiến đề nghị bổ sung quyền của nạn nhân của bạo lực gia đình trước hết là “được sử dụng các quyền hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật để bảo vệ mình”. Đồng thời, đề nghị cân nhắc tính khả thi của quy định nghĩa vụ của nạn nhân bạo lực gia đình phải “cung cấp thông tin trung thực, chính xác cho cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khi có yêu cầu”. Bởi lẽ một số hành vi liên quan đến bạo lực trong gia đình cần được thông tin mà theo tập quán, truyền thống gia đình Việt Nam vốn được coi là chuyện riêng của mỗi người, nhất là những thông tin liên quan đến đời sống tình cảm vợ chồng, đến bạo lực về tình dục.
5. Về đối tượng cần được quan tâm trong hoạt động giáo dục, tư vấn về gia đình (khoản 3 Điều 12)
Về khoản 3 Điều 12 của dự thảo Luật quy định về các đối tượng cần được quan tâm trong hoạt động giáo dục, tư vấn về gia đình, có ý kiến cho rằng, cách liệt kê các đối tượng như dự thảo Luật dễ gây tâm lý đánh đồng giữa người có hành vi bạo lực trong gia đình với những người khác. Một số ý kiến đề nghị bỏ quy định này vì cho rằng công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, tư vấn về bạo lực trong gia đình được áp dụng cho mọi đối tượng và mang tính thường xuyên nhằm phòng ngừa bạo lực trong gia đình, không nên có sự phân biệt đối xử giữa các đối tượng này.
6. Về biện pháp giáo dục tại cộng đồng (Điều 14)
Theo dự thảo Luật, đây là một hình thức giáo dục tại cộng đồng và không phải là biện pháp xử lý hành chính. Tuy nhiên, Ủy ban pháp luật thấy rằng, việc thực hiện hình thức này thế nào thì cần được giải trình rõ hơn. Chẳng hạn ai là người có quyền triệu tập người có hành vi bạo lực? nếu họ không chấp hành thì có biện pháp cưỡng chế hay không? Thành phần tham gia cuộc họp này là ai? có bắt buộc họ phải tham gia hay không? Hơn nữa, tổ dân phố, thôn, làng, bản, ấp là hình thức tự quản, quy mô dân số, thành phần dân cư gồm cả gia đình cán bộ cao, trung cấp cũng rất khác nhau nên không thể quy định một cách chung như trong dự thảo Luật. Đây là những nội dung cần được làm rõ, nếu không sẽ rất khó tổ chức thực hiện.
7. Về hỗ trợ khẩn cấp, bảo đảm nhu cầu thiết yếu (Điều 22)
Tại Điều 22 của dự thảo Luật quy định về việc hỗ trợ cho nạn nhân của bạo lực trong gia đình các nhu cầu thiết yếu về sinh hoạt cá nhân và nhà ở tạm thời trong trường hợp cần thiết khi nạn nhân yêu cầu.
Qua thảo luận, đa số ý kiến đề nghị cân nhắc kỹ quy định này vì trên thực tế bạo lực trong gia đình có thể xảy ra ở mọi nơi, bất cứ lúc nào. Như vậy, để bảo đảm cho quy định này được thực thi thì phải chuẩn bị sẵn về chỗ ở, các nhu cầu thiết yếu phục vụ sinh hoạt và kinh phí để đáp ứng yêu cầu của nạn nhân. Đây là vấn đề không đơn giản và không khả thi. Do đó nếu chấp nhận điều này thì cần phải quy định cụ thể về trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, nhất là về nguồn kinh phí.
8. Về cơ sở hỗ trợ nạn nhân của bạo lực gia đình và cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực trong gia đình (Điều 26)
Theo quy định tại Điều 26 của dự thảo Luật thì Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, tổ chức tôn giáo tham gia và thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực trong gia đình, cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực trong gia đình. Như vậy ngoài cơ sở y tế Nhà nước và cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước hiện đang tồn tại và được coi là cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình (Điều 24, Điều 25) thì cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực trong gia đình và cơ sở tư vấn về phòng chống bạo lực trong gia đình là những loại hình mới, chưa có ở nước ta. Ủy ban pháp luật đề nghị cần làm rõ ngay trong Luật này tổ chức, cá nhân nào, với điều kiện nào thì được thành lập cơ sở hỗ trợ, cơ sở tư vấn, nhất là về địa vị pháp lý, phạm vi, hình thức tổ chức, nội dung hoạt động cũng như quyền, nghĩa vụ của các cơ sở này; đồng thời, cân nhắc kỹ quy định Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo tham gia và thành lập các cơ sở này. Đối với quy định Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí để thành lập và phục vụ hoạt động của một số cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực trong gia đình và cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực trong gia đình, Uỷ ban pháp luật đề nghị làm rõ cơ sở nào thì được hỗ trợ, cơ sở nào thì không được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch trong tổ chức thực hiện.
9. Về địa chỉ tin cậy (Điều 27)
Theo quy định của dự thảo Luật thì địa chỉ tin cậy là một trong những cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực trong gia đình. Ủy ban pháp luật nhận thấy, tương tự như cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực trong gia đình, cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực trong gia đình, địa chỉ tin cậy cũng là một mô hình mới, chưa hề có ở nước ta, nhưng dự thảo Luật cũng chưa làm rõ quyền, trách nhiệm của địa chỉ tin cậy khi thực hiện nhiệm vụ. Những quy định trong dự thảo mới chỉ phác họa ý muốn chủ quan của cơ quan soạn thảo. Vì vậy, Ủy ban pháp luật đề nghị cần cân nhắc và nghiên cứu kỹ hơn về quy định này nhằm bảo đảm tính khả thi.
10. Về các hình thức xử phạt (khoản 3 Điều 36)
Tại điểm b và điểm c khoản 3 Điều 36 của dự thảo Luật quy định người có hành vi bạo lực trong gia đình có thể bị áp dụng biện pháp lao động vì lợi ích cộng đồng trong thời gian không quá 3 ngày hoặc tham gia giáo dục bắt buộc nhằm thay đổi hành vi. Ủy ban pháp luật thấy rằng đây là hai hình thức xử lý mới trong hệ thống biện pháp xử lý vi phạm pháp luật hiện hành. Vì vậy cần được cân nhắc kỹ hơn. Trong trường hợp chấp nhận biện pháp này thì cũng cần quy định cụ thể về cơ quan chịu trách nhiệm cũng như về trình tự, thủ tục tổ chức thực hiện các hình thức lao động vì lợi ích cộng đồng, giáo dục bắt buộc và cả trình tự, thủ tục khiếu nại, giải quyết khiếu nại nữa.
11. Về tình tiết tăng nặng trong xử lý vi phạm hành chính (Điều 37)
Nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc về các tình tiết tăng nặng được quy định tại Điều 37 của dự thảo Luật vì trường hợp người có hành vi bạo lực trong gia đình bị xử lý vi phạm hành chính thì phải tuân thủ các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Do đó, đề nghị phải cân nhắc kỹ hơn khi quy định các tình tiết tăng nặng trong xử lý hành vi bạo lực trong gia đình.
** *
Ngoài các vấn đề nêu trên, Ủy ban pháp luật còn thảo luận, góp ý kiến về nhiều điều, khoản cụ thể khác của dự thảo Luật. Về những nội dung cần được quy định chi tiết, Ủy ban pháp luật thấy rằng, để Luật được thực hiện ngay khi có hiệu lực theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì còn rất nhiều vấn đề cần được Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan của Chính phủ trao đổi làm rõ để quy định chi tiết ngay trong luật hoặc chuẩn bị dự thảo văn bản hướng dẫn thi hành trình Quốc hội xem xét khi Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật này.
Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Trên đây là Báo cáo thẩm tra dự án Luật phòng, chống bạo lực trong gia đình. Ủy ban pháp luật xin kính trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Nơi nhận:
- Như trên,
- UBPL,
- Lưu HC, PL.
TM. ỦY BAN PHÁP LUẬT
Chủ nhiệm
(đã ký)
Vũ Đức Khiển
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét